Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Thỏa thuận Mỹ - Trung dài 86 trang, vẫn để ngỏ xung đột cốt lõi
Lê Quân (Reuters) - 15/01/2020 20:08
 
Thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1 sẽ chuyển thương chiến sang sắc thái mới và bình lặng hơn, nhưng các mâu thuẫn cốt lõi giữa 2 bên vẫn còn đó.
Thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1 không đưa ra các điều khoản để siết chặt việc Trung Quốc trợ cấp các doanh nghiệp quốc doanh - điều mà chính quyền Trump cáo buộc dẫn đến dư công suất ngành nhôm và thép, đe dọa các ngành công nghiệp từ chế tạo máy bay đến chất bán dẫn của Mỹ. Ảnh: AFP
Thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1 không đưa ra các điều khoản kiểm soát việc Trung Quốc trợ cấp các doanh nghiệp quốc doanh - điều mà chính quyền Trump cáo buộc dẫn đến dư công suất ngành nhôm và thép, đe dọa các ngành công nghiệp từ chế tạo máy bay đến chất bán dẫn của Mỹ. Ảnh: AFP

Chiến tích 200 tỷ USD

Tổng thống Mỹ Donald Trump and Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc dự kiến ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 dài 86 trang tại Nhà Trắng hôm 15/1 (giờ Mỹ) trước sự chứng kiến của 200 khách mời là đại diện doanh nghiệp, quan chức chính phủ và giới ngoại giao.

Thỏa thuận này sẽ gỡ bỏ phần nào các ngón đòn thuế quan mà hai siêu cường kinh tế áp lên hàng trăm tỷ USD giá trị hàng hóa của nhau, rung chuyển các thị trường tài chính và chuỗi cung ứng toàn cầu.

Hiện bản dịch của thỏa thuận này đang được hoàn tất sau cuộc gặp hôm 14/1 giữa Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer.

Tại cuộc vận động tuần trước ở thành phố Toledo, bang Ohio, Tổng thống Trump ca ngợi thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1 như chiến tích trong chiến dịch tái tranh cử của ông năm 2020.

Chiến tích đó chính là việc Mỹ "dụ" Trung Quốc cam kết chi thêm 200 tỷ USD nhập hàng hóa Mỹ trong vòng 2 năm, nhằm thu hẹp thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc. Năm 2018, mức thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc cán mốc 420 tỷ USD.

Nguồn thạo tin của Reuters cho hay, trong gói chi thêm 200 tỷ USD cho hàng hóa Mỹ, Trung Quốc sẽ bố trí khoảng 80 tỷ USD nhập khẩu các sản phẩm chế tạo, gồm máy bay, phụ tùng ô tô, máy nông nghiệp và thiết bị y tế.

Bắc Kinh cũng sẽ rót thêm 50 tỷ USD cho các mặt hàng năng lượng, 35 tỷ USD cho mảng dịch vụ, 32 tỷ USD cho nông sản nhập khẩu từ Mỹ so với kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng này từ Mỹ năm 2017.

Thuế quan vẫn ứ đọng

Theo cam kết trong thỏa thuận giai đoạn 1, Mỹ đã hủy áp thuế bổ sung lên điện thoại di động, đồ chơi và máy tính xách tay nhập từ Trung Quốc và cắt giảm một nửa thuế nhập khẩu còn 7,5% đối với 120 tỷ USD giá trị hàng Trung Quốc, gồm TV màn hình phẳng, tai nghe Bluetooth và giày dép.

Mỹ dự kiến bỏ thuế suất 25% lên 250 tỷ USD giá trị các mặt hàng công nghiệp và linh kiện nhập khẩu Trung Quốc.

Thực tế cho thấy các đòn thuế quan của Mỹ thời gian qua đã “gậy ông đập lưng ông”, làm tăng chi phí đầu vào và giảm sức cạnh tranh của các nhà sản xuất nước này.

Hãng sản xuất động cơ diesel Cummins Inc (Mỹ) hôm 14/1 cho rằng việc Mỹ và Trung Quốc đạt thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 sẽ giúp trút bỏ gánh nặng thuế quan 150 triệu USD lên động cơ và phụ tùng mà hãng này sản xuất tại Trung Quốc.

“Đây (thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung) là bước đi tích cực và lạc quan khi các bên vẫn ngồi lại đàm phán và mở đường cắt giảm huế quan đã áp dụng”, Cummins Inc khẳng định.

Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã tìm cách bác kiến nghị Mỹ và Trung Quốc xem xét gỡ bỏ thêm thuế quan sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, khi cả hai cùng ra tuyên bố rằng 2 nước đã không đạt thỏa thuận bằng văn bản hay bằng miệng nào về việc cắt giảm thêm thuế quan.

Nói với báo giới sau tuyên bố trên, Bộ trưởng Mnuchin cho biết ông Trump có thể xem xét gỡ bỏ thuế quan nếu Mỹ và Trung Quốc sớm ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 2.

Bỏ ngỏ xung đột cốt lõi

Thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1 đề cập việc Trung Quốc cam kết không ép buộc chuyển giao công nghệ Mỹ cho các doanh nghiệp nước này, đồng thời tăng cường bảo vệ tài sản sở hữu trí tuệ của Mỹ.

Tuy nhiên, thỏa thuận này vẫn chưa giải quyết các mâu thuẫn cốt lõi giữa 2 bên khi mà Mỹ luôn miệng chỉ trích Trung Quốc về các hoạt động thương mại không công bằng và những bất cập về bảo vệ sở hữu trí tuệ ở nước này.

Thỏa thuận không đưa ra các điều khoản để siết chặt việc Trung Quốc trợ cấp các doanh nghiệp quốc doanh - điều mà chính quyền Trump cáo buộc dẫn đến dư công suất ngành nhôm và thép, đe dọa các ngành công nghiệp từ chế tạo máy bay đến chất bán dẫn của Mỹ.

Ngoài ra, thỏa thuận cũng chưa giải quyết được các bất cập thương mại điện tử và các quy định an ninh mạng phiền hà của Trung Quốc khiến các công ty công nghệ Mỹ hoạt động tại nước này gặp khó.

Bộ trưởng Tài chính Mnuchin và Đại diện Thương mại Lighthizer nhận định các vấn đề tồn đọng trên cũng là những ưu tiên chính mà Mỹ sẽ giải quyết trong đàm phán thương mại giai đoạn 2 với Trung Quốc.

Trong thỏa thuận giai đoạn 1, Trung Quốc đã nhất trí rộng cửa ngành dịch vụ tài chính cho doanh nghiệp Mỹ và ngưng phá giá nhân dân tệ để lấy lợi thế thương mại.

Thực tế, Trung Quốc từng đưa ra những cam kết này trong quá khứ, còn trong bối cảnh hiện nay, điều khác biệt là việc chính quyền Tổng thống Trump thúc ép Trung Quốc có cơ chế thực thi để đảm bảo tuân thủ và giải quyết mâu thuẫn.

Tuy nhiên, không loại trừ khả năng 2 bên tái áp dụng thuế quan lên hàng hóa của nhau nếu các tranh chấp không được giải quyết. Điều này vô hình trung sẽ đẩy 2 nước quay lại tình thế xung đột hiện nay.

Sau tin vui thương chiến, chứng khoán châu Á lĩnh gáo nước lạnh
Phần lớn các chỉ số chứng khoán châu Á chốt phiên mất điểm chiều nay 18/12 trước nguy cơ Anh rời EU (Brexit) mà không có thỏa thuận.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư