Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Thống đốc: Tín dụng tăng 7,1%, lãi suất giảm hơn 0,3% so với trước đại dịch
Thùy Liên - 01/11/2023 13:58
 
Nhiều đại biểu Quốc hội lo lắng khi tín dụng tăng trưởng quá chậm, nhiều gói vay ưu đãi ế ẩm, thủ tục cho vay còn khó khăn, nợ xấu cho vay đóng tàu 67 lên tới 90%...
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng.

Dư nợ tín dụng mới tăng 7,1%, lãi suất đã giảm 0,3% so với trước đại dịch

Phát biểu thảo luận tại Hội trường Quốc hội về kinh tế, xã hội sáng nay, đại biểu Trần Anh Tuấn (TP.HCM) sốt ruột vì tín dụng năm nay khó đạt được kế hoạch đề ra, khả năng phục hồi của nền kinh tế còn rất chậm. Để tháo điểm nghẽn về tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế, đại biểu này cho rằng, chương trình tín dụng cho 5 lĩnh vực ưu tiên cần mở rộng ra cả cho vay trung, dài hạn thay vì chỉ ngắn hạn như hiện nay.  

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) lại cho rằng, tín dụng tăng chậm do nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa khó đáp ứng đầy đủ điều kiện vay vốn của các tổ chức tín dụng. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 02 quy định tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ cho khách hàng gặp khó khăn. Nhưng bên cạnh đó vẫn rất cần những thủ tục thông thoáng hơn và nghiên cứu thêm những sản phẩm tín dụng đặc thù, linh hoạt hơn cho loại hình doanh nghiệp này.  

Trước các ý kiến của đại biểu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng thừa nhận, tín dụng là một vấn đề mà các đại biểu quan tâm nhiều nhất. Không chỉ là vấn đề quan tâm ở kỳ họp này, tiếp cận tín dụng luôn được quan tâm ở nhiều kỳ họp Quốc hội. Bởi vì nội tại của nền kinh tế Việt Nam, nhu cầu đầu tư phụ thuộc rất nhiều vào vốn tín dụng của ngân hàng và dư nợ tín dụng trên GDP của Việt Nam đã ở trong số các nước cao nhất thế giới, Ngân hàng Thế giới đã cảnh báo.

Theo Thống đốc, năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã có sự điều hành linh hoạt về tín dụng, cả về phía cung lẫn phía cầu.

Với chính sách từ phía cung, từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra chỉ tiêu định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm là 14%, đến gần giữa năm đã phân bổ và thông báo cho tất cả các tổ chức tín dụng trong toàn hệ thống với chỉ tiêu khoảng 14%, đây cũng là một chỉ tiêu đề ra đầu năm là từ 14-15%. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành linh hoạt để hỗ trợ thanh khoản của hệ thống, để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng thúc đẩy tăng nguồn cung tín dụng cho nền kinh tế.

Với chính sách từ phía cầu, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần giảm lãi suất điều hành để định hướng, đưa mặt bằng lãi suất của các khoản cho vay mới giảm khoảng 2% so với cuối năm ngoái. Nếu tính cả những khoản dư nợ của các khoản cho vay cũ và vay mới thì giảm khoảng 1% so với cuối năm ngoái; so với trước đại dịch Covid-19 thì đã trở về bằng, thậm chí giảm hơn khoảng 0,3%.

Ngân hàng Nhà nước đã ban hành thông tư về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cũng như chủ động đề xuất các gói tín dụng, như gói 120.000 tỷ đồng tín dụng cho vay đối với nhà ở cho người có thu nhập thấp và công nhân, gói tín dụng cho thủy sản 15.000 tỷ đồng. Tất cả những giải pháp này đã góp phần thúc đẩy cầu tín dụng. Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều hội nghị kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp để có thể tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về tín dụng tại các địa phương.

Tuy nhiên, tín dụng vẫn tăng chậm, cập nhật đến ngày 27/10, tín dụng tăng 7,1% so với cuối năm 2022. Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước tổ chức rất nhiều hội nghị chuyên đề để phân tích, mổ xẻ nguyên nhân dẫn đến tăng trưởng tín dụng thấp.

Sẽ có nhiều giải pháp đẩy nhanh tín dụng

Phát biểu tại Hội trường sáng nay, Thống đốc cho biết, hiện nay, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, các ngành đang thực hiện đồng bộ các giải pháp. Đó là xúc tiến thương mại để tăng đơn hàng xuất khẩu và tăng cường khai thác cầu nội địa để doanh nghiệp có đầu ra, có dự án khả thi sẽ tiếp cận được tín dụng.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã thành lập tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho bất động sản. Tổ công tác cũng như Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đã nhận diện được khoảng 70% nguyên nhân dẫn đến những khó khăn đó là về pháp lý. Hiện nay, các bộ, các ngành và các địa phương đang quyết liệt để thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn này. Khi những yếu tố về pháp lý được tháo gỡ thì chắc chắn tín dụng sẽ được tăng theo quá trình này.

8.000 tỷ đồng nợ xấu cho vay đóng tàu 67

Liên quan tới ý kiến của đại biểu Quốc hội về tín dụng cho vay đóng tàu theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP, Thống đốc cho hay, ngay sau khi Nghị định ban hành năm 2014, ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng quyết liệt triển khai. Vào thời điểm này, những ngân hàng chần chừ và chưa quyết liệt cũng bị phê bình và nhắc nhở là phải thực hiện quyết liệt. Đến nay thì dư nợ tín dụng đối với Nghị định 67 này là khoảng 9.000 tỷ đồng nhưng mà có tới 8.000 tỷ đồng là nợ xấu và nợ đã đưa ra ngoại bảng, đúng như đại biểu Quốc hội đã nêu. Hiện nay doanh nghiệp và người dân khó khăn trong trả nợ và các tổ chức tín dụng cũng khó khăn trong thu hồi nợ. Như vậy, cần phải các giải pháp triệt để xử lý vấn đề này. Hiện nay, nghị định này Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì sửa đổi.

Đối với đặc thù là doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam chiếm đến 95% tổng số doanh nghiệp trong cả nước. Những doanh nghiệp nhỏ và vừa này cũng khó khăn trong cạnh tranh cũng như tiềm lực tài chính, cho nên Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần có kiến nghị là phải tăng cường các giải pháp như bảo lãnh, vay vốn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Có như vậy, mới có thể đồng hành và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.

Về phía Ngân hàng Nhà nước đã điều hành linh hoạt các chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng và từ nay đến cuối năm, chúng tôi cũng sẽ điều phối tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống cũng như của các tổ chức tín dụng để có thể điều hành, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.

Mới đây, Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, đang rà soát để xem xét nới room cho một số ngân hàng có nhu cầu. Từ đầu năm đến nay, nhiều ngân hàng có tăng trưởng tín dụng âm hoặc thấp, song vẫn có những ngân hàng tăng trưởng tín dụng tốt và muốn bổ sung hạn mức tăng trưởng.

Ngân hàng bất ngờ xin nới room tín dụng, lộ diện quán quân lợi nhuận hệ thống ngân hàng
Loạt ngân hàng công bố báo cáo tài chính quý III/2023, một số ngân hàng xin nới room tín dụng, toàn cảnh 5 cuộc đại phẫu ngân hàng, tín dụng bất...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư