Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Thông tin mới nhất về các điểm tiêm vắc xin Covid-19
D.Ngân - 07/03/2021 20:36
 
Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, 8h sáng ngày 8/3, 100 cán bộ, nhân viên y tế thuộc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cơ sở hai sẽ được tiêm vắc xin Covid-19 của AstraZeneca.

Đây là những người tiếp nhận, chăm sóc, điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 và có nguy cơ lây nhiễm cao.

Theo kế hoạch, buổi tiêm đầu tiên sẽ được tổ chức tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung (Hà Nội). Buổi tiêm cũng có sự góp mặt của Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn và đoàn kiểm tra công tác tiêm vắc xin phòng Covid-19.

Cụ thể, những người được tiêm là cán bộ, nhân viên y tế tại các khoa: Cấp cứu, Hồi sức tích cực, Nội Tổng hợp, Virus Ký sinh trùng, Khám bệnh Kim Chung, Nhi, Nhiễm khuẩn Tổng hợp, Viêm gan, Dược, Chẩn đoán hình ảnh, Vi sinh và Sinh học phân tử, Huyết học Truyền máu, Gây mê...

.

Ngoài ra, để triển khai tiêm vắc xin Covid-19 cho nhân viên y tế, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã bố trí 3 bàn tiêm tại Trung tâm Phòng, chống dịch với đầy đủ phương tiện, kỹ thuật theo dõi cần thiết.

Tất cả nhân viên y tế đều được thông báo và khám sàng lọc trước tiêm. Những người có biểu hiện ho, sốt, khó thở sẽ không được đến buổi tiêm.

Sau khi tiêm, những người này sẽ phải ở lại Bệnh viện để theo dõi trong vòng 30 phút và tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 24 giờ tiếp theo tại nhà.

Hiện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương có Phòng Tiêm chủng phục vụ các loại vắc xin cập nhật mới nhất. Phòng Tiêm chủng này có hệ thống kho lạnh đảm bảo an toàn cho tất cả loại vắc xin đòi hỏi tiêu chuẩn âm sâu từ 70 đến 80 độ C.

Tại TP.HCM sẽ tiến hành tiêm vắc xin tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM. Theo thống kế của Bộ Y tế, trong đợt 1, số lượng nhân viên y tế được tiêm lần lượt là 900 và 450.

Ngoài ra, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, vắc xin Covid-19 sẽ được tiêm tại 13 tỉnh, TP là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Hòa Bình, Gia Lai, Bình Dương, Điện Biên và Hà Giang.

Để tổ chức thành công chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử theo GS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng Quốc gia, mọi công tác chuẩn bị đều phải được thực hiện kỹ càng.

Cụ thể, đối với y tế các tuyến, trước khi tiêm chủng, cần chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất, dây chuyền lạnh để bảo quản vắc xin nhằm bảo đảm an toàn và chất lượng của vắc xin.

Cán bộ y tế phải thực hành đúng theo hướng dẫn của chương trình tiêm chủng mở rộng, mũi tiêm là mũi tiêm bắp, cán bộ y tế không được lắc lọ vắc xin theo hướng dẫn của nhà sản xuất để đảm bảo chất lượng vắc xin tốt nhất cho mũi tiêm.

Chuyên gia cũng cho hay, tại các điểm tiêm chủng, phải luôn chú ý có hội chứng sốc cho cả người lớn và trẻ em. Đối với cán bộ y tế trước khi tiêm, phải trao đổi với tình nguyện viên, hỏi rõ về tiền sử bệnh tật xem họ có đang mắc các bệnh cấp tính, mạn tính phải điều trị hay không; có tiền sử dị ứng, sốc phản vệ hay không.

Với mũi tiêm tiếp theo - liều thứ 2, theo PGS. Hồng, cán bộ y tế phải hỏi xem những mũi tiêm trước đó, người được tiêm có các phản ứng hay không. Nếu có phản ứng sốc, phản ứng nặng của lần tiêm trước đó thì phải tạm hoãn hoặc hướng dẫn cụ thể để tiêm ở các cơ sở điều trị.

Với người đến tiêm chủng và cán bộ y tế, PGS.TS Dương Thị Hồng lưu ý, thời điểm chờ đợi được khám sàng lọc, phải đảm bảo khoảng cách, sau khi tiêm, phải ở lại trạm y tế, cơ sở tiêm chủng 30 phút.

Trong quá trình tiêm chủng, luôn phải có cán bộ y tế theo dõi sức khỏe người được tiêm. Sau tiêm, người tiêm chủng phải ở lại 30 phút để theo dõi sức khỏe và báo cáo các dấu hiệu bất thường ngay với cán bộ y tế.

Trong bối cảnh hiện nay và chỉ dẫn của nhà sản xuất, vắc xin sẽ được ưu tiên tiêm cho các đối tượng chưa phơi nhiễm Covid-19. Với các trường hợp đã nhiễm và khỏi Covid-19 thì phải sau 6 tháng mới được tiêm vắc xin ngừa. Những trường hợp này, do cơ thể họ đã có một ít kháng thể ở trong người để phòng bệnh.

Những trường hợp không được tiêm là những chống chỉ định của vắc xin, cụ thể: Người dị ứng với thành phần của vắc xin, có phản ứng nặng trầm trọng với mũi tiêm trước, những người được cán bộ y tế xác định chưa đủ điều kiện tiêm chủng như mắc các bệnh nhiễm trùng cấp tính, đang điều trị các miễn dịch, hóa trị... sẽ phải tạm hoãn tiêm chủng.

Những người cao tuổi, mắc các bệnh lý nền là đối tượng rất dễ nhiễm SARS-CoV-2 và một khi mắc bệnh thì sẽ có những biểu hiện rất trầm trọng. Với nhóm đối tượng này, theo ông Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng, Bộ Y tế, trong thời gian tới khi có được nguồn cung vắc xin dồi dào, các cán bộ y tế sẽ tiến hành khám sức khỏe một cách chu đáo, hướng dẫn cẩn thận trước khi tiêm và theo dõi phản ứng sau tiêm.

Hà Nội dự kiến tiêm vắc-xin Covid-19 cho người dân trên 18 tuổi, kể cả người vãng lai
TP Hà Nội dự kiến tiêm vắc xin đầy đủ cho người dân trên 18 tuổi ở Hà Nội, kể cả người vãng lai ở trên địa bàn Thủ đô.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư