Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Thông tư 07 tác động không quá lớn tới thị trường chứng khoán
Ngày 18/1/2016, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 07/2016/TT-BTC, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/3/2016 nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 210/2012/TT-BTC hướng dẫn về thành lập và hoạt động của công ty chứng khoán (CTCK).

Theo Điều 43, điểm mới đáng lưu ý là: “CTCK không được dùng tiền, tài sản của công ty hoặc của khách hàng để bảo đảm nghĩa vụ thanh toán cho bên thứ ba”. Điều này nhằm chấn chỉnh hoạt động cho vay giao dịch ký quỹ (hay còn gọi là cho vay margin) trên thị trường chứng khoán.

Hiện nay, hoạt động cho vay giao dịch ký quỹ của các CTCK chịu chế tài của Quyết định 637/QĐ-UBCK ngày 30/8/2011. Danh sách các mã cổ phiếu được phép cho vay giao dịch ký quỹ cũng do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước quyết định và giới hạn trần cho vay margin được quy định ở mức 50:50.

Cho vay margin là một trong những hoạt động có đóng góp không nhỏ tới doanh thu và lợi nhuận của các CTCK. Hiện hoạt động này trên thị trường tồn tại dưới 2 hình thức.

Hoạt động cho vay margin có đóng góp không nhỏ trong doanh thu và lợi nhuận của các công ty chứng khoán. Ảnh: Đ.T
Hoạt động cho vay margin có đóng góp không nhỏ trong doanh thu và lợi nhuận của các công ty chứng khoán. Ảnh: Đ.T

Một là, hoạt động cho vay ký quỹ “tiêu chuẩn” của CTCK đối với các cổ phiếu nằm trong danh mục cho phép của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và nằm trong các giới hạn do Bộ Tài chính quy định. Ở dịch vụ này, ưu thế thuộc về các CTCK lớn có vốn lớn (vốn tự có, huy động trái phiếu…) và quy mô cho vay lớn. Một số CTCK lớn như SSI, HSC... có tỷ lệ cho vay margin trên vốn chủ sở hữu vẫn còn thấp.

Hai là, hoạt động cho vay theo hình thức hợp đồng 3 bên. Nhu cầu margin của nhà đầu tư luôn thường trực, đặc biệt tăng cao khi thị trường chứng khoán trong xu hướng tăng điểm. Ngoài giới hạn về vốn chủ sở hữu, nếu nhu cầu của nhà đầu tư vượt quá các giới hạn khác quy định tại Điều 13, Quyết định 637 nói trên, với các mã cổ phiếu nằm ngoài danh sách của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, hay khi tỷ lệ margin cao hơn mức 50:50, CTCK cũng không thể đáp ứng. Do vậy, CTCK phải hợp tác với các đối tác khác, thường là ngân hàng để cho vay, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Việc hợp tác này thường diễn ra dưới hình thức hợp đồng 3 bên, trong đó, CTCK thường dùng tiền và tài sản của công ty, hoặc của khách hàng để đảm bảo nghĩa vụ thanh toán cho các khoản khách hàng vay ngân hàng.

Nếu tài sản đảm bảo là tiền và tài sản của CTCK, thì thực chất là CTCK đứng ra cho khách hàng vay tiền kinh doanh chứng khoán.

Dịch vụ này được cả các CTCK lớn, nhỏ thực hiện nhằm mở rộng danh mục cho vay, tăng tỷ lệ cho vay cho khách hàng để mở rộng thị phần môi giới. Dịch vụ này chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ so với hình thức margin đầu tiên tại các CTCK có vốn lớn, nhưng lại chiếm tỷ lệ lớn tại các CTCK có vốn nhỏ. Với quy định mới tại Thông tư 07, hình thức hợp tác 3 bên này sẽ phải chấm dứt.

Tác động đến dòng tiền cho vay margin trên thị trường chứng khoán có một số khả năng: Thứ nhất, hợp đồng 3 bên được tất toán, có được ký lại dưới hình thức mới hay không? Việc ngân hàng tiếp tục cho khách hàng vay tiền và dòng tiền này không bị rút ra khỏi thị trường là khả thi, nếu CTCK hợp tác với một bên thứ 4 để đối tác này đứng ra dùng tiền và tài sản của mình đảm bảo nghĩa vụ thanh toán cho các khoản vay của khách hàng. Ngoài ra, hợp đồng 3 bên có thể được tách ra thành 2 hợp đồng 2 bên. Ngân hàng ngoài hợp đồng cho vay với khách hàng, thì ký hợp đồng với CTCK để CTCK thực hiện dịch vụ quản lý tài sản đảm bảo cho ngân hàng, phù hợp quy định hiện hành...

Thứ hai, sẽ có một số CTCK và ngân hàng chưa có sự chuẩn bị đầy đủ hay chưa/không chấp nhận các phương thức hợp tác mới. Do đó trên thực tế, sẽ có ít nhất một phần lượng cho vay margin theo hình thức hợp tác 3 bên bị tất toán và rút khỏi thị trường. Những khó khăn khi vay tiền từ các đối tác ngoài CTCK có thể thúc đẩy nhà đầu tư chuyển hướng sang ưu tiên vay từ CTCK để đầu tư vào các cổ phiếu trong danh mục được phép cho vay margin của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, với tỷ lệ vay ở mức 50:50 trở xuống.

Trong trường hợp này, các CTCK có vốn lớn, có dư nợ margin chưa vượt các giới hạn theo quy định có thể đáp ứng nhu cầu này. Đồng thời, rủi ro cho nhà đầu tư vay margin được giảm bớt. Dòng tiền vẫn có thể tiếp tục ở lại thị trường.

Thứ ba, trong trường hợp tất cả các hợp đồng 3 bên bị tất toán mà không/chưa được ký lại dưới hình thức mới, lượng tiền bị rút ra khỏi thị trường sẽ như thế nào?

Theo một số thống kê, hoạt động cho vay margin đúng chuẩn do các CTCK cung cấp hiện chiếm gần 80% tổng margin trên thị trường. Phần cho vay theo hình thức hợp đồng 3 bên chiếm khoảng 20%.

Giả sử tổng lượng margin toàn thị trường ở mức khoảng 20.000 tỷ đồng, phần cho vay theo hình thức hợp đồng 3 bên tương ứng ở mức 4.000 tỷ đồng. Số tiền này sẽ phải cơ cấu giảm trong khoảng thời gian từ 1 đến 3 tháng theo hợp đồng hoặc theo thỏa thuận tất toán của khách hàng với công ty chứng khoán tối thiểu là từ 2 tuần đến 1 tháng.

Với quy mô giao dịch hiện tại hơn 2.000 tỷ đồng/phiên, áp lực cơ cấu 4.000 tỷ đồng trên (giả định) không phải là lớn. Ngoài ra, khó có hoạt động bán tháo xảy ra do khách hàng có thể chủ động hoạt động cơ cấu này. Tóm lại, tác động của Thông tư 07 đến dòng tiền trên thị trường chứng khoán là không quá lớn.

Thị trường chứng khoán: Chặn lối vượt rào đổ tiền vào margin
Thông tư số 07/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính vừa có hiệu lực, bổ sung quy định, CTCK không được dùng tiền, tài sản của công ty hoặc khách hàng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư