Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Thông tuyến vận tải ven biển Bắc - Nam
Đăng Khoa - 06/10/2014 10:23
 
Tuyến vận tải đường thuỷ ven biển vừa mở, được Bộ GTVT khẳng định là giải pháp kéo giá cước vận chuyển về giá trị thực.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Đầu tư đến 30.000 tỷ phát triển đội tàu vận tải biển
Vận tải biển bết bát vì thiếu vốn, chân hàng
Có thị phần ngàn tỷ, vận tải biển nội địa hồi sinh

Hôm qua (5/10), tại cảng biển Thuận An (Thừa Thiên - Huế) Bộ GTVT đã chính thức công bố 2 tuyến vận tải thủy ven biển từ Quảng Bình - Bình Thuận và Bình Thuận - Kiên Giang. Như vậy, đến nay, cùng với tuyến vận tải ven biển Quảng Ninh - Quảng Bình thì vận tải ven biển đã thông từ Bắc vào Nam.

Có đến 70% lượng hàng hoá đang được vận chuyển bằng đường bộ, song việc kiểm soát tải trọng xe không được chú trọng dẫn đến gây hại cho kết cấu hạ tầng giao thông, mất an toàn giao thông và đặc biệt là giá cước bị đẩy lên “trên trời” đang là một thực tế.

Tuyến vận tải đường thuỷ ven biển vừa mở được Bộ GTVT khẳng định là giải pháp sẽ kéo được giá cước vận chuyển bằng đường bộ về giá trị thực.

Cước vận tải đường bộ đang méo mó

Ông Trần Văn Thọ - Phó Cục trưởng Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam - cho biết, tuyến vận tải ven biển Quảng Bình - Bình Thuận với 37 cửa sông lớn nhỏ, rất thuận lợi cho tàu thuyền ra vào đất liền vận chuyển hàng hoá 2 chiều với khối lượng lớn đến các tỉnh ven biển để phục vụ cho các nhà máy, khu công nghiệp, sẽ góp thêm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế vùng.

Nhu cầu vận chuyển các mặt hàng từ Quảng Ninh, Thanh Hoá vào Thừa Thiên - Huế và ngược lại mỗi năm từ 850.000 - 1 triệu tấn, và 100.000 tấn ximăng, clinker, xăng dầu…

  Tuyến vận tải đường thuỷ ven biển vừa mở sẽ kéo giá cước vận chuyển về giá trị thực.  
  Phát triển vận tải biển sẽ kéo giá cước vận tải xuống thấp  

Ngoài ra, nhu cầu vận chuyển hàng hoá trong khu vực miền Trung và Bắc Trung Bộ lên đến hàng trăm nghìn tấn mỗi năm. Trong khi đó, tuyến Ninh Thuận - Kiên Giang với 25 cửa sông lớn nhỏ, tại tuyến vận tải này, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có vị trí quan trọng, tỉ trọng xuất khẩu các mặt hàng thuỷ sản, gạo, trái cây với lưu lượng hàng hoá vận chuyển lên đến 51,5 triệu tấn mỗi năm.

Tuy nhiên, hình thức vận chuyển bằng đường bộ vẫn đang chiếm ưu thế, đặc biệt là vận tải ở cự ly ngắn dưới 500km. Điều này đã gây nên tình trạng quá tải, mật độ lưu thông vận tải đường bộ cao, dẫn đến tai nạn giao thông nghiêm trọng, cùng nhiều hệ luỵ khác.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công nói: “Hằng năm phải bỏ ra hàng trăm nghìn tỉ đồng để nâng cấp, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, hàng chục nghìn tỉ đồng duy tu, bảo dưỡng để đảm bảo cho giao thông êm thuận. Vậy nhưng, việc kiểm soát tải trọng xe không được quan tâm chú trọng, dẫn đến việc các đơn vị vận tải chở vượt trọng tải cho phép đã diễn ra tràn lan, phổ biến, gây hại cho kết cấu giao thông, mất an toàn giao thông, giá cước bị đẩy lên cao đến mức méo mó”.

Có hiệu quả, chủ hàng sẽ tự tìm đến

Thống kê của Bộ GTVT trên tuyến vận tải ven biển từ Quảng Ninh - Quảng Bình cho thấy, chỉ sau 3 tháng đi vào hoạt động đã có 233 tàu vận chuyển 409.000 tấn hàng hoá trong tuyến, tương đương với 13.636 xe vận tải 30 tấn, đã nói lên sự cần thiết của tuyến giao thông này để giảm tải áp lực cho giao thông đường bộ, giảm thiểu tai nạn giao thông và hạ giá thành vận tải. Bởi mức cước vận tải đường thuỷ chỉ bằng 1/3 so với cước đường bộ, trong khi chi phí đầu tư hạ tầng lại rất thấp. Điều này cũng được chứng thực từ phía doanh nghiệp.

“Mỗi tấn hàng chúng tôi vận chuyển bằng đường sông từ Cần Thơ đi TP.HCM chỉ mất khoảng 100.000 - 110.000 đồng, trong khi vận chuyển bằng ôtô sẽ phải mất từ 300.000 - 350.000 đồng. Tuyến đường thuỷ ven biển thông từ Nam ra Bắc, công ty chúng tôi sẽ giảm được một khoản chi phí vận chuyển rất lớn” - ông Nguyễn Văn Bính - Phó giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Nam khẳng định.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Công, hình thức vận tải bằng đường biển sẽ góp phần kéo giá cước vận chuyển bằng đường bộ về giá trị thực. Hiện nay, đã có rất nhiều chủ hàng đã quay sang chọn phương thức vận chuyển đường thuỷ nội địa. Tại Quảng Ninh, từ tháng 4 đến nay xuất cảng hơn 1 triệu tấn hàng hoá, nhưng không có 1 tấn hàng hoá nào xuất đi các tỉnh bằng đường bộ. Thứ trưởng Nguyễn Văn Công nói, để các tuyến vận tải đường biển hoạt động có hiệu quả thì các cơ quan quản lý nhà nước phải là cầu nối tuyên truyền, tìm kiếm nguồn hàng, kết nối giữa chủ hàng và các đơn vị vận tải. Khi đã thấy được hiệu quả thì chủ hàng và đơn vị vận tải tự tìm đến với nhau mà không cần phải có bất kỳ sự hỗ trợ nào. Ông cũng khuyến cáo các DN vận tải biển cần phải tự đổi mới mình để cạnh tranh, đây là yếu tố cực kỳ quan trọng; cạnh tranh càng mạnh mẽ, càng bình đẳng thì dân được lợi, Nhà nước cũng được lợi. 

Theo phản ánh của DN vận tải hoạt động trên tuyến Quảng Ninh - Quảng Bình thì hiện nay, giấy chứng nhận đăng kiểm tàu do Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp chỉ cho phép hoạt động từ Quảng Ninh - Quảng Bình chứ không được phép hoạt động trong 2 tuyến còn lại. Ngoài ra, còn có quy định chỉ có thuyền trưởng mới được học chứng chỉ đặc biệt và tàu hoạt động trên tuyến phải có tối thiểu 3 người có chứng chỉ này. Các quy định gây cản trở cho hoạt động của các DN kiểu này cần được Bộ GTVT tháo gỡ.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư