Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm: Nhiều địa phương trọng điểm chưa đạt 50%
Mạnh Bôn - 07/07/2020 15:23
 
Thu từ 3 khu vực kinh tế đều đạt thấp và giảm rất sâu so với cùng kỳ năm 2019: doanh nghiệp nhà nước giảm 21,5%; doanh nghiệp FDI giảm 6,3%; kinh tế ngoài quốc doanh giảm 15%.
Thủ tướng và lãnh đạo Bộ Tải chính rất yên tâm khi các địa phương cam kết hoàn thành dự toán năm 2020
Thủ tướng và lãnh đạo Bộ Tài chính dự Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng Bộ Tài chính

Ngân sách đã phản ánh thực trạng của nền kinh tế

Theo số liệu vừa được Bộ Tài chính công bố, tổng thu ngân sách nhà nước 6 tháng ước đạt 44,2% dự toán, giảm 10,5% so với cùng kỳ năm 2019; nếu trừ thu từ cổ phần hóa, cộng với số thuế đã gia hạn, thì đạt khoảng trên 48% dự toán.

“Đây là năm có tiến độ thu ngân sách đạt thấp nhất kể từ năm 2013, trong đó thu nội địa giảm hơn 7%; thu dầu thô giảm 28,7%; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu giảm 22,3% so với cùng kỳ 2019”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thông tin thêm.

Trong khi đó, theo ông Cao Anh Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng Cục Thuế, đáng lo ngại là thu từ 3 khu vực kinh tế đều đạt thấp và giảm rất sâu so với cùng kỳ năm 2019 như khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm 21,5%; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm 6,3%; và khu vực kinh tế ngoài quốc doanh giảm 15%.

“Kết quả này phản ánh thực trạng nền kinh tế hiện nay, cho thấy tình hình hoạt động của doanh nghiệp thực sự gặp nhiều khó khăn”, ông Cao Anh Tuấn nhận định.

Cũng theo số liệu của Bộ Tài chính, tổng chi ngân sách nhà nước tính đến hết tháng 6 ước đạt 41,8% dự toán, trong đó, chi đầu tư phát triển đạt khoảng 33%, chi trả nợ lãi đạt 50,3%, chi thường xuyên đạt 48,2% dự toán. 

Bộ Tài chính cho biết, trong 6 tháng đầu năm, ngân sách nhà nước đã chi khoảng 15.300 tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Trong đó, chi cho công tác phòng chống dịch 4.100 tỷ đồng; chi hỗ trợ cho hơn 11 triệu đối tượng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 theo Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ khoảng 11.300 tỷ đồng. 

“Trong bối cảnh khó khăn như trong 6 tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã quyết liệt trong việc tiết kiệm chi thường xuyên, chi hội nghị, đi công tác, học tập kinh nghiệm trong và ngoài nước... dành nguồn tài chính để xử lý các vấn để cấp bách nảy sinh, đặc biệt là cung cấp đủ nguồn tài chính phục vụ công tác phòng chống, đẩy lùi đại dịch Covid-19, hỗ trợ  người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá công tác điều hành dự toán trong 6 tháng đầu năm.

“Theo tính toán, chỉ riêng việc giảm đi công tác, học hỏi kinh nghiệm trong và ngoài nước, ngân sách trung ương đã tiết kiệm được khoảng 700 tỷ đồng. Chưa kể, ở các địa phương số tiền tiết kiệm được do giảm tối đa đi công tác, học tập kinh nghiệm trong và ngoài nước chắc chắn còn nhiều”, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.

Nhiều địa phương trọng điểm thu chưa đạt 50%

Mặc dù theo ông Cao Anh Tuấn, qua nửa năm thực hiện dự toán ngân sách năm 2020 cả nước chỉ có 34 địa phương đạt trên 50% dự toán; nếu không kể thu tiền sử dụng đất, xổ số thì chỉ còn có 14 địa phương thu đạt trên 50% dự toán; 29/63 địa phương tiến độ thực hiện thu đạt dưới 45% dự toán.

“Trong số 16 địa phương trọng điểm thu có điều tiết về Trung ương, chỉ có 5 địa phương đạt tiến độ thu nội địa trên 50% gồm Quảng Ninh, Bắc Ninh, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa Vũng Tàu; 11 địa phương còn lại đạt dưới 50%, trong đó 8 địa phương đạt dưới 40% dự toán”, ông Tuấn lo ngại.

Mặc dù vẫn còn tới 29/63 địa phương thu chưa được 50% trong khi đã hết 6 tháng nhưng tham dự Hội nghị sơ kết trực tuyến của ngành tài chính, ngoại trừ TP.HCM dự kiến giảm thu, còn lại tất cả đều quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ.

Phát biểu đầu tiên, Phó chủ tịch UBND. TP Hà Nội, ông Nguyễn Doãn Toản khẳng định, Hà Nội tiên phong trong phòng chống dịch bệnh Covid-19 và là một trong những địa phương đi đầu trong phục hồi kinh tế sau dịch bệnh.

“Sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội (tháng 4/2020), kinh tế Hà Nội đã dần phục hồi trở lại kể từ tháng 6 nên trong 6 tháng đầu năm GRDP trên địa bàn tăng 3,39% nhờ đó thu ngân sách nhà nước, nếu tính cả số tiền thực hiện giãn hoãn, gia hạn đã đạt đạt 51,5% dự toán”, ông Toản báo cáo và khẳng định, năm nay quyết tâm cân đối được ngân sách nhà nước vì nhiều chỉ số của Hà Nội đang tốt lên và duy trì ở mức cao như chỉ số năng lực cạnh tranh, cải cách thủ tục hành chính…

“Tôi biểu dương tinh thần quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách của Hà Nội. Các địa phương phải học hỏi vì khó khăn ai cũng biết rồi, giờ không phải là lúc bàn lùi”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận.

Thiếu chỉ xin cơ chế, không “vác rá” lên Trung ương

Tuy nhiên, một trong 2 đầu tàu kinh tế còn lại - TP.HCM thì không được như vậy. Phó chủ tịch UBND TP.HCM, ông Trần Vĩnh Tuyến báo cáo, GRDP trên địa bàn trong 6 tháng đầu năm tăng khoảng 2% trong khi đó cùng kỳ năm 2019 tăng 7,68%.

“Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch, thương mại… đều giảm rất mạnh so với cùng kỳ các năm trước đây”, ông Tuyến báo cáo và cho biết, trong bối cảnh này, thu ngân sách 6 tháng đầu năm chỉ bằng 85% so với cùng kỳ năm 2019.

“Đặt trong bối cảnh thực tế thì đây cũng đã là cố gắng rất lớn của TP.HCM”, ông Tuyến mong Thủ tướng và lãnh đạo ngành tài chính chia sẻ với khó khăn của trung tâm kinh tế cả  nước và cam kết: “Lãnh đạo địa phương tiếp tục đẩy mạnh chỉ đạo, phấn đấu quyết tâm thu ngân sách nhà nước một cách cao nhất”.

Trong khi đó, Phó chủ tịch UBND TP. Hải Phòng, ông Nguyễn Xuân Bình cũng khiến Thủ tướng và lãnh đạo Bộ Tài chính rất hài lòng khi cho biết năm nay không điều chỉnh bất cứ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nào, trong đó có dự toán thu ngân sách nhà nước.

Còn lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng cho biết mặc dù trong 6 tháng đầu năm đã hoàn thành 54% dự toán, tăng 9% nhưng chủ yếu thu từ các khoản năm 2019 chuyển sang.

“Số thu của quý I/2020 chủ yếu là từ quý IV/2019 chuyển sang nên đạt rất cao. Số thu của quý II là từ hoạt động sản xuất - kinh doanh của quý I - thời gian diễn ra Tết nguyên đán và vẫn đang trên đà hưng phấn của năm 2019 và đại dịch Covid-19 chưa tác động nhiều đến hoạt động sản xuất - kinh doanh. Nhưng sang quý III (thu của quý II) sẽ thấy rõ hậu quả của Covid-19 là trong 6 tháng đầu năm GRDP của Lâm Đồng chỉ tăng 0,51%”, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng nêu khó khăn nhưng vẫn cam kết với Thủ tướng sẽ hoàn thành 100% dự toán.

“Trong trường hợp hụt thu, Lâm Đồng chỉ xin cơ chế để xử lý chứ dứt khoát không lên Trung ương xin cân đối”, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng khẳng khái.

Nửa đầu tháng 1/2020, thu ngân sách Nhà nước ước đạt hơn 39.000 tỷ đồng
Trong tháng 1/2020, nhiều khoản thu nội địa đạt mức thấp do mới bước vào đầu năm và chưa đến kỳ hạn kê khai nộp thuế; chi ngân sách đáp ứng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư