Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Thủ tướng đặt mục tiêu cả nước có 5.000 km đường cao tốc trong 5 năm tới
Anh Minh - 30/09/2020 15:49
 
Các bộ, ngành liên quan cần chuẩn bị nguồn lực để sớm thông tuyến cao tốc Bắc – Nam từ Lạng Sơn đến Cà Mau, tiến tới cả nước có 5.000 km cao tốc sau 5 năm tới.
Với việc mặt bằng đã được giải phóng hơn 90%, nguồn vốn sẵn sàng, các gói thầu thuộc các Dự án xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông sử dụng vốn NSNN sẽ có nhiều khả năng về đích vượt tiến độ.
Với việc mặt bằng đã được giải phóng hơn 90%, nguồn vốn sẵn sàng, các gói thầu thuộc các dự án xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông sử dụng vốn NSNN sẽ có nhiều khả năng về đích vượt tiến độ

Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại lễ khởi công Dự án thành phần Mai Sơn – Quốc lộ 45 diễn ra tại huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa vào sáng nay.

Dự án Mai Sơn – Quốc lộ 45 và hai dự án khác là Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Phan Thiết – Dầu Giây là ba dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông được Quốc hội cho phép chuyển đổi đầu tư từ phương thức PPP sang đầu tư công sử dụng toàn bộ vốn NSNN được Bộ GTVT khởi công đồng loạt cùng thời điểm.

Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của Bộ GTVT trong việc sớm hoàn tất các công tác chuẩn bị để khởi công 3 dự án thành phần theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và yêu cầu của Quốc hội.

“Đây là một sự kiện kinh tế rất lớn không chỉ của Bộ GTVT mà còn đối với sự phát triển kinh tế của đất nước, đặc biệt là các địa phương có tuyến đường đi qua trong những năm tới”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Đánh giá cao vai trò là mũi đột phá chiến lược của ngành GTVT, người đứng đầu Chính phủ khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, dành một nguồn lực rất lớn để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, trong đó ưu tiên đầu tư những dự án quy mô lớn, có sức lan tỏa cao trong 5 năm tới đây để đưa đất nước tiến lên.

“Nghèo cũng phải làm giao thông, khá cũng phải làm giao thông, càng giàu càng phải làm giao thông, không có giao thông thì khó phát triển được đất nước. Nếu làm được các dự án của cao tốc Bắc - Nam, đặc biệt là các công trình đang triển khai thì chúng ta có được gần 2.000 km cao tốc”, Thủ tướng khẳng định và cho biết đã yêu cầu Bộ GTVT, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan trong nhiệm kỳ tới, ngay từ năm đầu, phải thông suốt tuyến cao tốc từ Lạng Sơn đến Cà Mau để tiến tới có ít nhất 5.000 km cao tốc.

Đối với Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT và các đơn vị chủ đầu tư cần tăng cường quản lý chặt tiến độ và chất lượng công trình.

“Các đồng chí được giao nhiệm vụ, được đấu thầu, trúng thầu công khai phải làm đúng chất lượng, không được làm dối, làm ẩu, ảnh hưởng đến chất lượng công trình, để lại tai tiếng, Vì vậy, không được bán thầu, nhiều thầu phụ ăn chênh lệch. Không được sử dụng vật liệu kém chất lượng để thi công, không làm sai các định mức, tiêu chuẩn kỹ thuật. Làm sai thì phải xử lý nghiêm để công trình cao tốc Bắc-Nam phải là công trình mẫu mực”, Thủ tướng mong muốn.

Theo ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT, ba dự án đường cao tốc phía Đông nói chung và dự án đường cao tốc đoạn Mai Sơn – Quốc lộ 45 nói riêng có ý nghĩa quan trọng, là công trình chào mừng Đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Đồng thời, góp phần quan trọng đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh dịch Covid-19, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Để có thể khởi công đồng loạt cả 3 dự án thành phần thuộc dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông ngày hôm nay, trong đó có đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45, theo lãnh đạo Bộ GTVT, là kết quả sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Nhờ vậy, trong thời gian ngắn đã hoàn chỉnh hồ sơ dự án trình Quốc hội.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết là Thủ tướng thường xuyên chỉ đạo giải quyết vướng mắc phát sinh trong giải phóng mặt bằng. Đặc biệt, Thủ tướng đã chỉ đạo phải giải phóng mặt bằng sạch trước bàn giao cho các nhà đầu tư, nhà thầu thi công để không ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng dự án cũng như tình hình an ninh trật tự khu vực dự án đi qua (đối với ngành GTVT chưa có dự án có quy mô lớn nào được bàn giao mặt bằng sạch để triển khai thi công như dự án này).

Bản thân các cơ quan của Bộ GTVT cũng đã rất nỗ lực khi chỉ trong thời gian rất ngắn đã hoàn thành một khối lượng công việc rất lớn, đảm bảo thủ tục, hồ sơ cần thiết đạt chất lượng theo đúng quy định của pháp luật để khởi công dự án đúng kế hoạch.

Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông là dự án trọng điểm Quốc gia và là dự án mẫu mực trong quản lý, giám sát, tổ chức thi công, phòng chống tiêu cực trong quản lý đầu tư xây dựng, đảm bảo chất lượng, tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy, trong công tác lựa chọn tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công, Bộ GTVT đã xây dựng các tiêu chí chuẩn mực về năng lực thiết bị, năng lực tài chính, kinh nghiệm tổ chức thi công, nguồn nhân lực tham gia dự án để lựa chọn nhà thầu. Trên cơ sở đó, đã lựa chọn được các Nhà thầu thi công, Tư vấn giám sát là các đơn vị có thương hiệu, uy tín, có nhiều năm kinh nghiệm về xây dựng công trình giao thông cấp 1 và cấp đặc biệt, đảm bảo chất lượng và tiến độ dự án.

Cùng với nhiệm vụ của Bộ GTVT, đối với công tác giải phóng mặt bằng các địa phương cũng đã quyết liệt vào cuộc bằng việc thành lập các Ban Chỉ đạo do đồng chí Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban; các tỉnh cũng đã thành lập các Tổ liên ngành tham mưu cho Ban Chỉ đạo, phối hợp với các huyện, xã giải quyết kịp thời những vướng mắc phát sinh trong công tác giải phóng mặt bằng. Nhờ vậy đến nay trên toàn tuyến (11 dự án) đã có trên 92% mặt bằng sạch được bàn giao và giải ngân giải phóng mặt bằng đạt trên 87%, riêng dự án Mai Sơn – Quốc lộ 45 cũng đã bàn giao 92% mặt bằng và giải ngân đạt gần 90%.

“Với tinh thần trách nhiệm, quyết tâm cao trong thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Chính phủ Bộ GTVT sẽ tập trung nâng cao hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành dự án, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện đảm bảo tiến độ, chất lượng dự án với mục tiêu dự án này là dự án mẫu mực của ngành”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cam kết.

1. Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45

Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 đi qua địa phận 02 tỉnh: Ninh Bình, Thanh Hóa có chiều dài tuyến khoảng 63,37 km:

- Điểm đầu (Km274+111,86) tại nút giao với Đường tỉnh 477 (trùng với điểm cuối Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Cao Bồ - Mai Sơn), thuộc địa phận huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình.

- Điểm cuối (Km337+478,11) tại nút giao với đường Nghi Sơn - Thọ Xuân (trùng với điểm đầu Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn), thuộc địa phận huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa.

 - Phân kỳ giai đoạn 1 xây dựng 4 làn xe hạn chế (Bnền =17m); vận tốc thiết kế 80km/h. Tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ là 12.111 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng và thiết bị 7.684 tỷ đồng.        

- Tổ chức thực hiện và quản lý dự án: Ban Quản lý dự án Thăng Long - Bộ GTVT.

- Giai đoạn hoàn chỉnh được xây dựng theo quy mô 06 làn xe (Bnền = 32,25m), vận tốc thiết kế 120km/h;

2. Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết

 Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết đi qua địa phận tỉnh Bình Thuận có chiều dài 100,8 km:

-  Điểm đầu: Km134+00, phía trước nút giao Vĩnh Hảo, thuộc địa phận xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. (trùng với điểm cuối dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Cam Lâm – Vĩnh Hảo).

-  Điểm cuối: Km235+00, giao với đường QL1 đi Mỹ Thạnh tại Km2+500, thuộc xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận (trùng với điểm đầu dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Phan Thiết – Dầu Giây).

-  Tổ chức thực hiện và quản lý dự án: Ban Quản lý dự án 7 - Bộ GTVT.

-  Giai đoạn trước mắt, đầu tư phân kỳ với quy mô 04 làn xe, bề rộng mặt đường Bmặt=16m, bề rộng nền đường  Bnền=17m. Vận tốc thiết kế 80km/h. Tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ là 10.853,800 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng và thiết bị 7.210 tỷ đồng.

-  Giai đoạn hoàn chỉnh: đầu tư xây dựng 06 làn xe, bề rộng nền đường Bnền =32,25m, vận tốc thiết kế 120km/h.

3. Dự án thành phần cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây

 Dự án thành phần cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đi qua địa phận 02 tỉnh: Bình Thuận và Đồng Nai có chiều dài khoảng 99 km (đoạn qua Bình Thuận dài 47,5km; đoạn qua Đồng Nai dài 51,5km):

- Điểm đầu: Nằm trên đoạn tuyến nối từ QL1A đi Mỹ Thạnh (cách quốc lộ 1A khoảng 2,6km) - tỉnh Bình Thuận (điểm cuối dự án thành phần đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết).

- Điểm cuối: Kết nối với tuyến đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây tại khoảng Km43+125.

- Tổ chức thực hiện và quản lý dự án: Ban Quản lý dự án Thăng Long, Bộ GTVT.

- Xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 120km/h. Giai đoạn phân kỳ quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh bề rộng (Bnền = 25,0m). Tổng mức đầu tư điều chỉnh là 12.577,487 tỷ đồng, trong đó, chi phí xây dựng là 7.201 tỷ đồng. Trong giai đoạn hoàn chỉnh có quy mô 6 làn xe, (Bnền = 32,25m).

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư