Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý tháo gỡ nhiều điểm nghẽn chính sách cho TP.HCM
Gia Huy - Trọng Tín - 12/04/2019 21:34
 
Chiều 12/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các Bộ đã có buổi làm việc với lãnh đạo TP.HCM. Trong buổi làm việc, TP.HCM xin ý kiến Thủ tướng cho chủ động phát triển nhiều dự án đang bị vướng về chính sách.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm việc với TP.HCM
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm việc với TP.HCM

Tham dự buổi làm việc có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ; Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến…

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội TP quý I năm 2019 và nhiệm vụ, giải pháp quý II năm 2019. Đồng thời cho biết, vừa qua UBND TP đã dự thảo văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, quy trình “đặc thù” để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng các dự án có thu hồi đất trên địa bàn TPHCM.

Cụ thể, ở Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành  - Suối Tiên được thực hiện từ nguồn vốn ODA do ngân sách trung ương đố trí và nguồn vốn đối ứng từ ngân sách TP. Theo kế hoạch vốn trung hạn 2016 - 2020, dự án được bố trí 7.500 tỷ đồng so với nhu cầu đăng ký là 20.500 tỷ đồng, số còn lại đã được bố trí trong năm 2016, 2017 là 2.700 tỷ đồng.

Riêng năm 2018, và 2019, do vướng mắc trong việc điều chỉnh tổng mức đầu tư nên số vốn còn lại trong kế hoạch vốn trung hạn đã không được bố trí 4.791 tỷ đồng.

Ngày 31/12/2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành quyết định số 2118/QĐ-BKHĐT về việc giao chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2019, trong đó Dự án tuyến đường sắt đô thị số 1, tuyến Bến Thành Suối Tiên vẫn không được bố trí vốn.

Trong bối cảnh khó khăn nêu trên, để đảm bảo tiến độ thanh toán cho các nhà thầu theo hợp đồng đã ký kết, hạn chế phát sinh khiếu kiện, ảnh hưởng đến mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản và tiếp tục triển khai thực hiện dự án theo đúng tiến độ cam kết, UBND TP xin kiến nghị với thủ tướng Chính phủ.

Thứ nhất, đề xuất giao UBND TP thực hiện các thủ tục điều chỉnh dự án ngay sau khi nhận được hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Thứ hai, kiến nghị thủ tướng Chính phủ chấp nhận cho tạm ứng từ ngân sách Trung ương với số tiền là 2.158,5 tỷ đồng. UBND TP.HCM chịu trách nhiệm hoàn trả tạm ứng ngay sau khi TP nhận được vốn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp vốn cho dự án.

Trong trường hợp ngân sách Trung ương không thể tạm ứng cho Dự án, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận cho UBND TP được thực hiện tạm ứng từ ngân sách TP với số tiền 2.158,5 tỷ đồng.

Về công tác chuẩn bị lại các thủ tục thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư bàn giao mặt bằng, Bộ tài nguyên môi trường đã thống nhất với đề xuất của TP và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ.

Đó là chấp thuận cho TP.HCM chủ động ban hành hệ số điều chỉnh giá đất tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và ban hành quyết định thu hồi đất, quyết định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho những người dân đồng thuận theo khoản 2, điều 67 Luật đất đai để tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho những trường hợp chưa đồng thuận theo quy định tại khoản 2 điều luật đất đai 2013.

Chuấp thuận cho TP được ban hành Quy chế phối hợp thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư để áp dụng cho cơ quan, tổ chức nhà nước thực hiện công khai, minh bạch.

TP.HCM sẽ nghiên cứu xây dựng thêm quy định chung về công tác quản lý đầu tư các dự án đầu tư có thu hồi đất trên địa bàn TP để rút ngắn thời gian thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

TP đề xuất, kiến nghị về dự án đầu tư xây dựng khu dân cư (khu tái định cư) 30,224ha phường bình khánh, quận 2. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 190/CP-NN ngày 22/2/2002, thành ủy và UBND TP.HCM thống nhất xây dựng 12.500 căn hộ tái định cư phục vụ tái định cư khu đô thị mới thủ Thiêm để tổ chức tái định cư bằng căn hộ chung cư

Đến nay, do số lượng căn hộ sử dụng bố trí tại dự án tái định cư đã xây dựng vượt xa với nhu cầu nên UBND TP đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về thay đổi mục tiêu đầu tư quỹ nhà tái định cư thuộc Chương trình 12.500 căn hộ thành nhà ở thương mại, đề xuất phương án giải quyết quỹ nhà không còn nhu cầu sử dụng. Trong đó, có Dự án đầu tư xây dựng Khu dân cư (khu tái định cư 30,224 ha) do công ty TNHH Phát triển Quốc tế Thế kỷ 21 làm chủ đầu tư.

Ngày 17/1/2019 UBND TP.HCM đã có Công văn số 54/UBND-ĐT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận cho phép thành phố tiếp tục đàm phán với Nhà đầu tư để không thực hiện việc thanh toán và mua lại quỹ nhà và Nhà đầu tư được chỉ định tiếp tục phát triển dự án theo quy hoạch trên các lô đất mà Nhà đầu tư đã xây dựng móng cọc và khối nhà chung cư với mục tiêu xây dựng nhà ở thương mại theo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 24/TTg-CN ngày 7/3/2017 và hướng dẫn của Bộ Xây dựng tại Công văn số 38/BXD-QLN ngày 11/2/2017, đồng thời TP sẽ xác định giá trị quyền sử dụng đất theo giá trị thị trường phù hợp với mục đích sử dụng đất, để thu tiền sử dụng đất của các khu đất này theo quy định pháp luật. UBND TP.HCM kính trình thủ tướng Chính phủ sớm xem xét chấp thuận đề xuất nêu trên để có cơ sở triển khai thực hiện.

Về dự án Vành Đai 3 - TP.HCM, thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội, kiến nghị Chính phủ chấp thuận chủ trương cho triển khai dự án tuyến đường Vành đai 3, đoạn qua địa bàn TP.HCM. Đồng thời cho phép TP tạm ứng ngân sách để bồi thường giải phóng mặt bằng trong khi chờ Trung ương triển khai thủ tục và phương thức đầu tư để đẩy nhanh tiến độ dự án.

Ngân sách Trung ương bố trí hoàn trả lại theo hướng bổ sung kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 -2020 đối với chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng dự án.

Với vấn đề đảm bảo tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thuộc UBND TP.HCM giai đoạn 2018 - 2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt doanh mục doanh nghiệp giữ 100% vốn nhà nước, lộ trình cổ phần hóa và tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ khi bán cổ phần lần đầu của các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thực thuộc TP.HCM giai đoạn 2018 - 2020.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương rà soát để ban hành theo thẩm quyền Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty TNHH một thành viên do doanh nghiệp nhà nước 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần để cơ sở triển khai thực hiện.

Về vấn đề mà TP.HCM xin được “đặc cách” thực hiện, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, ông Bùi Phạm Khánh đề nghị TP làm tốt công tác quy hoạch TP và Quy hoạch đô thị, phát triển dịch vụ đô thị thông minh, đô thị khởi nghiệp. Quy hoạch Vùng TP.HCM đã được Thủ tướng phê duyệt, TP.HCM cũng trình Thủ tướng về Quy hoạch chung của TP và TP cần báo cáo sớm để Bộ Xây dựng cùng TP thực hiện.

Đối với Chương trình nhà ở của TP với thu nhập thấp nhưng hiện nay quy mô còn hạn chế và chưa tương xứng và TP.HCM cần quan tâm nhiều hơn, chương trình nhà ở cho sinh viên đang thực hiện rất tốt…

Đặc biệt vấn đề quản lý nghĩa trang của TP.HCM cần quan tâm nhiều hơn, hiện TP chưa quan tâm nhiều tới vấn đề này vì đây là vấn đề về phát triển quy hoạch đô thị.

Đối với kiến nghị về nhà tái định cư của TP.HCM, Bộ Xây dựng tán thành việc TP xin chuyển nhà ở tái định cư thành nhà ở thương mại có điều kiện và cần minh bạch trong việc đẩy giá và thu ngân sách về.

Sau khi nghe các Bộ, Ngành đưa ra ý kiến, Thủ tướng Chính phủ, Nguyễn Xuân Phúc cho biết,  về chiến lược phát triển Thành phố, cần làm rõ trách nhiệm và cùng nhau phối hợp tốt giữa Trung ương và địa phương, qua đây cho thấy từng cơ quan cần phối hợp với nhau.

"Tôi vui mừng về kết quả quý 1 của TP.HCM, trong bối cảnh quốc tế và khu vực có nhiều khó khăn thì GDP của TP vẫn tăng cao so với cả nước. Thu ngân sách, các đồng chí đã đạt được rất cao, dẫn đầu nguồn thu cả nước. Đầu tư nước ngoài vẫn đứng thứ 2 cả nước, cứ tăng mức lương lên cao thì năng suất lao động sẽ cao, tiếp tục bổ sung những cán bộ chủ chốt, trực tiếp xuống cơ sở để tháo gỡ những vướng mắc, lắng nghe những khó khăn cho sản xuất kinh doanh”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng đánh giá cao những lãnh đạo đã đi sâu sát thực tế để tháo dỡ những khó khăn cho doanh nghiệp.

Thủ tướng nêu một số ý cho Thành phố: Tập hợp nhân tài trong và ngoài nước lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, các kiều bào ngoài nước. Anh em trong cơ quan trên dưới một lòng; Tích cực triển khai nhiều giải pháp của nghị quyết 54 chính phủ, kết luận của thanh tra chính phủ; Tình nguyện đi đầu trong triển khai công nghệ, muốn phát triển tốt thì càng ứng dụng sâu công nghệ.

“Một lần nữa thay mặt lãnh đạo đảng biểu dương các doanh nghiệp, nhân dân và chính quyền TP đã cố gắng phấn đấu để đưa TP phát triển mạnh”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng cho rằng, còn một số vấn đề còn bất cập, như thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng nhưng chưa tương xứng vào chế biến chế tạo chỉ có 8%; Cải cách hành chính với dân chưa đạt kết quả cao, dân còn kêu, chưa minh mạch. Ngại trách nhiệm, né trách nhiệm, vẫn còn có sức ỳ trong bộ máy. Về khiếu nại tố cáo, nhiều người dân vẫn còn kêu ca, các lãnh đạo phải trực tiếp đi cơ sở để tháo gỡ những vướng mắc cho người dân.

Thành phố phải tiên phong, dẫn đầu - đây không phải là yêu cầu mà là trách nhiệm của Thành phố, tìm các điểm nghẽn để phát triển. TP.HCM tiếp tục là đầu tàu quan trọng trong cả nước về khoa học công nghệ, đề nghị triển khai hiệu quả nghị quyết 54 quốc hội. Đóng góp 23- 25%GDP cả nước và 27% ngân sách nhà nước.

Cần quan tâm đến vấn đề xây dựng nghĩa trang, khuyến khích hỏa táng. Quan tâm, theo sát hơn để đối thoại mới người dân.

Đối với các kiến nghị thành phố, như về Metro, Thủ tướng yêu cầu phải quy định rõ cái gì là hạ tầng, cái gì là thiết bị để tuần sau trình Thủ tướng ký. Cái gì là Thành phố tạm ứng, cái gì Trung ương có trách nhiệm, cái gì đầu tư trung hạn.... Tiếp tục triển khai tuyến số 2 và 8 tuyến. Tuần sau, các bộ phải trình Thủ tướng vấn đề này để giúp Thành phố có cơ chế phát triển, với Thành phố cần phải thực hiện tốt hơn nữa việc chỉ đạo. Cuối năm 2020 phải xong để qua 2021 khánh thành.

“Hôm nay tôi họp để xem các bộ giải quyết chưa, vẫn chưa, làm như vậy mất uy tín với nhà đầu tư” Thủ tướng nhấn mạnh.

Về cơ chế đền bù giải pháp mặt bằng: Đây là một tìm tòi, sáng tạo, đề xuất mới của Thành phố. Cơ bản các bộ, ngành đã ủng hộ.

Về dự án phường Bình Khánh: Yêu cầu Thành phố tập hợp toàn bộ hồ sơ báo cáo chính phủ, thanh tra để làm rõ đúng sai. Làm rõ chủ trương hiện nay thuộc về ai. Không được để thất thoát ngân sách nhà nước thông qua đất đai.

Đảm bảo tiến độ cổ phần hóa nhà nước, báo cáo chính phủ nguyên nhân làm chậm trễ, văn phòng chính phủ đã báo cáo, vì sao không trình chính phủ để phê duyệt?

Về vành đai 3, giao Bộ Giao thông vận tải trình Thủ tướng hồ sơ và đề xuất nguồn vốn xây dựng tuyến đường.

Thủ tướng yêu cầu sớm hoàn thiện hai dự thảo Nghị định về BT và quy hoạch
Ngày 11/4, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Chính phủ đã họp về dự thảo Nghị định quy định việc sử dụng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư