Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương: Cơ hội rộng mở cho nhà đầu tư
Thái Bình - 02/11/2024 11:19
 
Khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Huế sẽ là cực tăng trưởng của vùng động lực miền Trung về kinh tế biển, kinh tế du lịch.
Khu vực Chân Mây - Lăng Cô được định hướng phát triển thành một trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế

Sẵn sàng “lên phố” năm 2025

Quyết định số 108/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã xác lập rõ lộ trình Thừa Thiên Huế trở thành đô thị trực thuộc Trung ương. Theo đó, đô thị Huế khi thành thành phố trực thuộc Trung ương là đô thị đặc sắc về sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh. Toàn bộ địa giới hành chính Thừa Thiên Huế với tổng diện tích khoảng 4.947,1 km2 sẽ nằm trong phạm vi quy hoạch.

Theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, khi trở thành đô thị trực thuộc Trung ương, tính chất đô thị Huế là đô thị loại I, thành phố trực thuộc Trung ương có yếu tố đặc thù; là đô thị phát triển trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể cố đô, bản sắc văn hóa Huế; đô thị đặc sắc về sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.

Huế sẽ là cực tăng trưởng của vùng động lực miền Trung về kinh tế biển, kinh tế du lịch, trung tâm lớn của cả nước về khoa học - công nghệ, y tế chuyên sâu, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; trung tâm du lịch quốc tế; trung tâm về phát triển công nghiệp và cảng biển của quốc gia; trong đó du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, công nghệ thông tin và truyền thông là đột phá, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao là nền tảng.

Mô hình, cấu trúc không gian đô thị của Huế sẽ phát triển theo mô hình chuỗi đô thị theo hành lang kinh tế, hành lang giao thông kết hợp với các trung tâm động lực. Các đô thị được phát triển đồng bộ, có vai trò hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn, phát huy giá trị đặc sắc cố đô và di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận.

Cơ hội nào cho nhà đầu tư?

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Nguyễn Văn Phương cho biết, để đạt được kết quả tối ưu trong công tác xúc tiến đầu tư, hàng năm, tỉnh xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư và đưa ra quan điểm, định hướng và mục tiêu trong việc đẩy mạnh kêu gọi nhà đầu tư trong và ngoài nước vào tất cả các lĩnh vực; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng một cách đồng bộ.

“Quy hoạch tỉnh được phê duyệt là cơ hội để Thừa Thiên Huế tiếp tục khai thác hiệu quả hơn nữa vị trí địa kinh tế - chính trị, phát huy thế mạnh đặc thù, tận dụng thời cơ trong giai đoạn mới, nhằm phát triển nhanh và bền vững. Đồng thời, quy hoạch cũng giúp các nhà đầu tư có thể nhận diện được những tiềm năng, lợi thế và các định hướng cụ thể khi lựa chọn đầu tư vào tỉnh”, ông Phương nói.

Theo quy hoạch, Cảng hàng không quốc tế Phú Bài đến năm 2030 sẽ xây dựng thêm các đường lăn, mở rộng nhà ga hành khách, khu hàng dân dụng và sân đỗ máy bay đáp ứng công suất khai thác 7 triệu lượt khách/năm, 200.000 tấn hàng hoá/năm (hoặc lớn hơn khi có nhu cầu); nâng cấp sân bay đạt tiêu chuẩn sân bay dân dụng cấp 4E, sân bay quân sự cấp I; hình thành cảng cạn ICD kết nối với cảng hàng không, cảng biển. Đến năm 2050, xây dựng thêm đường cất hạ cánh; hạ tầng đồng bộ đạt công suất 12 triệu lượt khách/năm.

Ngoài ra, Thừa Thiên Huế sẽ phát triển sân bay dành cho thủy phi cơ, trực thăng tại Đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, Vườn Quốc gia Bạch Mã và tại những khu vực có tiềm năng về du lịch; Khu bến Chân Mây đáp ứng tàu tổng hợp, hàng rời trọng tải từ 150.000 tấn đến 200.000 tấn hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện; Khu bến Thuận An đáp ứng tàu trọng tải đến 5.000 tấn; Khu bến Phong Điền đáp ứng tàu tổng hợp, hàng rời trọng tải đến 50.000 tấn…

Trong tiến trình phát triển đô thị, quy hoạch cũng định hướng vùng Tây Bắc sẽ xây dựng đô thị trung tâm Phong Điền gắn với cảng Điền Lộc, Khu công nghiệp Phong Điền phát triển đô thị công nghiệp là động lực phía Bắc của tỉnh; vùng Đông Nam phát triển khu vực Chân Mây trở thành đô thị loại III – một thành phố thông minh, hiện đại gắn với Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô...

Đáng chú ý là việc xây dựng cảng Chân Mây trở thành cảng container, cảng du lịch, là trung tâm giao thương quốc tế, trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế.

“Việc hoàn thiện hạ tầng đô thị, các khu kinh tế, công nghiệp sẽ góp phần đổi mới, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư có trọng tâm, đặc biệt thu hút các nhà đầu tư lớn, có thương hiệu”, Chủ tịch Nguyễn Văn Phương khẳng định..

Thừa Thiên Huế đẩy mạnh số hóa để nâng cao năng lực cạnh tranh
Những kết quả nổi bật về cải cách hành chính không chỉ tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, mà còn góp phần nâng cao vị thế và năng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư