Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Thúc đẩy xuất khẩu gạo và rau quả bền vững những tháng cuối năm 2024
Hoài Sương - 03/06/2024 17:15
 
Chỉ khi doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng thay đổi từ tư duy mua bán sang tư duy liên kết, hợp tác thì mới nâng cao sức mạnh của một ngành hàng khi ra trường quốc tế.

Thiếu sự liên kết, hợp tác

Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan tại cuộc họp bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu mặt hàng gạo và rau quả những tháng cuối năm 2024 do Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng chủ trì mới đây.

Theo Tổng cục Hải quan, trong 4 tháng đầu năm 2024, kết quả xuất khẩu gạo và rau quả của Việt Nam tăng cao cả về sản lượng và giá trị xuất khẩu. Trong đó, xuất khẩu gạo tăng 9,5% về lượng và tăng 33,6% về trị giá so với cùng kỳ năm trước; xuất khẩu rau quả tăng 38,1% về trị giá. Kết quả xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm, thị trường tiềm năng đều đạt tăng trưởng đáng khích lệ.

Cuộc họp bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu mặt hàng gạo và rau quả.

Ngoài ra, hiệp hội, doanh nghiệp đã khai thác có hiệu quả các thị trường truyền thống, đồng thời khai mở thêm nhiều thị trường mới, tiềm năng. Nhờ đó, thương hiệu gạo và nhiều sản phẩm rau, quả của Việt Nam tiếp tục được khẳng định trên thị trường quốc tế. Hiện nhiều doanh nghiệp, người sản xuất đã tiếp cận tốt hơn và khai thác tốt hơn các lợi thế từ các FTA mà Việt Nam là thành viên.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, cũng còn những tồn tại, hạn chế và các vấn đề đặt ra trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu gạo và rau quả cần tập trung nhận diện và có giải pháp để khắc phục.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, hiện chúng ta mới đang xuất khẩu một sản phẩm của doanh nghiệp chứ không phải xuất khẩu sản phẩm của một ngành hàng. Do đó, cần phải tăng cường sự liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp, cùng với đó là nâng cao vai trò của các hiệp hội ngành hàng.

“Vì vậy, chỉ khi doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng thay đổi từ tư duy mua bán sang tư duy liên kết, hợp tác thì mới nâng cao sức mạnh của một ngành hàng, tăng được sức cạnh tranh của sản phẩm khi ra trường quốc tế”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.

Khai thác tối đa dư địa thị trường

Theo dự báo của các cơ quan chuyên môn, nhu cầu nhập khẩu về gạo, rau quả của thế giới thời gian tới sẽ ngày càng lớn bởi nguồn cung bị đứt gãy ở nhiều quốc gia do ảnh hưởng bởi xung đột vũ trang; cạnh tranh địa chính trị và chiến tranh thương mại giữa các nước lớn…

Ngoài ra, yêu cầu về chất lượng sản phẩm sẽ càng cao và có tính ổn định; nhiều hàng rào kỹ thuật đã và đang được các nước nhập khẩu dựng lên để bảo hộ thương mại trong nước; Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh đàm phán, ký kết mới và nâng cấp các FTA với các đối tác ở các thị trường tiềm năng… là những yếu tố sẽ tác động mạnh đến hoạt động thương mại gạo và rau quả của Việt Nam trong thời gian tới.

Cần tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành lúa, gạo, rau quả theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả.

Với bối cảnh hiện nay, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị, các Hiệp hội ngành hàng hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tối đa những ưu đãi từ các FTA và những yêu cầu của từng thị trường hoặc những thay đổi về chính sách của nước nhập khẩu…

Đồng thời chủ động hướng dẫn doanh nghiệp trong việc cơ cấu lại sản xuất và quản trị doanh nghiệp theo hướng xanh, sạch. Ngoài ra, tư vấn cho các địa phương trong công tác quy hoạch vùng trồng, tổ chức sản xuất theo các phương thức hiện đại, hợp chuẩn, bảo đảm chất lượng ổn định, rõ mã số vùng trồng… để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các thị trường nhập khẩu.

Đối với các Bộ, ngành chức năng, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành lúa, gạo, rau quả theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả.

“Cần chú trọng xây dựng các tiêu chuẩn về sản xuất, chế biến và chất lượng sản phẩm phù hợp với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế để nâng cao khả năng cạnh tranh và giá trị sản phẩm gạo, rau quả Việt Nam nhằm khẳng định thương hiệu ở các thị trường truyền thống và mở rộng thị phần tại các thị trường tiềm năng trong thời gian tới”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chia sẻ.

Ngoài ra, theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc theo dõi sát tình hình để cung cấp chính xác về diễn biến thị trường nông sản và hướng dẫn, khuyến cáo các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội, người sản xuất… là hoạt động rất quan trọng hiện nay.

Từ đó, doanh nghiệp Việt có thể tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn, chất lượng, quy định của thị trường nhập khẩu để chủ động xây dựng, điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp, bảo đảm nguồn cung phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, ổn định giá cả thị trường…

Xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt hơn 24 tỷ USD sau 5 tháng
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 5 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 24,14 tỷ USD, tăng 21% so...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư