Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 16 tháng 04 năm 2024,
Thực hiện chiến dịch tiêm chủng thần tốc mà an toàn
Minh Châu - 23/06/2021 16:49
 
Các địa phương nơi đại dịch Covid-19 lây lan nhanh đang đẩy mạnh tốc độ tiêm chủng vắc-xin với chiến lược thần tốc mà an toàn.
Việt Nam đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin Covid-19.
Việt Nam đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin Covid-19.

Chuẩn bị kỹ lưỡng

Hiện tại, Việt Nam đã bước vào đợt 3 tiêm vắc-xin Covid-19, với hơn 2 triệu người đã tiêm vắc-xin, trong đó hơn 115.000 người đã tiêm đủ 2 mũi. Để đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, một số tỉnh, thành phố đang thực hiện chiến dịch tiêm vắc-xin thần tốc.

Mở đầu chiến dịch, từ ngày 19/6, TP.HCM đã tổ chức tiêm vắc-xin cho người lao động tại Công ty TNHH Phần mềm FPT và Công Nipro thuộc Khu công nghệ cao TP.HCM. Đợt tiêm này được TP.HCM gọi là “7 ngày thần tốc”, triển khai tiêm 836.000 liều. Trong đó, 30.000 liều được giao cho Bộ Quốc phòng tiêm cho lực lượng vũ trang, 20.000 liều được chỉ định cho lực lượng công an.

Với lượng lớn vắc-xin vừa nhập về từ Sinopharm (500.000 liều) do Trung Quốc tài trợ, 1 triệu liều AstraZeneca do Nhật Bản tài trợ, cộng với 30 triệu liều AstraZeneca mà Bộ Y tế đã mua lại của Công ty cổ phần Vắc-xin Việt Nam (VNVC), nếu không thần tốc tiêm chủng, chuyên gia dự báo, Việt Nam sẽ khó đạt được mục 70% dân số được tiêm vắc-xin vào cuối năm nay.

Nêu quan điểm sẽ đẩy nhanh tối đa tốc độ tiêm vắc-xin, song vẫn phải đảm bảo an toàn, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đề nghị các cơ sở có nhiệm vụ phải nỗ lực từng khâu, từ giám sát chặt chẽ việc bảo quản, vận chuyển vắc-xin để đảm bảo chất lượng tốt nhất đến khâu tiêm chủng đảm bảo an toàn, đúng đối tượng, xử lý nhanh chóng và hiệu quả các trường hợp phản ứng sau tiêm (nếu có).

Cũng theo ông Thuấn, Bộ Y tế đã thành lập Ban Chỉ đạo An toàn tiêm chủng, gồm những chuyên gia đầu ngành của lĩnh vực điều trị để tư vấn cho tuyến dưới, giúp việc điều trị kịp thời, tránh rủi ro khi tiêm vắc-xin. Đồng thời, tổ chức nhiều lớp tập huấn trực tuyến quy mô toàn quốc về quy trình thực hiện tiêm chủng cho các điểm tiêm trên nguyên tắc “An toàn - Thận trọng - Thực hiện từng bước - Tăng cường tối đa độ bao phủ”.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long kỳ vọng, từ nay đến cuối năm, Việt Nam sẽ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho khoảng 70 triệu người, đạt miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021, đầu năm 2022. Với khối lượng công việc đồ sộ, ngoài các điểm tiêm chủng đã triển khai, chiến dịch sẽ có thêm các điểm tiêm chủng lưu động tại các nhà máy, trường học và một số khu vực khác. Đồng thời, ngành y tế cũng huy động sự tham gia của nhiều cơ quan như quân đội, công an, giao thông, thông tin và truyền thông.

Dựa vào nội lực

Ngoài nguồn vắc-xin nhập khẩu, Việt Nam đặt kỳ vọng lớn vào các doanh nghiệp sản xuất vắc-xin trong nước nhằm bảo đảm an ninh vắc-xin, tránh bị phụ thuộc. Hiện cả nước có 2 đơn vị đang nghiên cứu, phát triển vắc-xin phòng Covid-19, trong đó một ứng viên vắc-xin đã được phê duyệt thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III là vắc-xin Nanocovax của Công ty cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen.

Dự kiến, số lượng đối tượng tham gia nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III vắc-xin Nanocovax khoảng 13.000 người. Mục tiêu là đánh giá tính an toàn, đáp ứng miễn dịch và hiệu lực bảo vệ của vắc-xin. Quy mô sản xuất vắc-xin này khoảng 20 - 30 triệu liều/năm và có thể nâng công suất khi được đầu tư thêm các trang thiết bị chuyên dụng và mở rộng nhà xưởng.

Ngoài Nanocovax, một ứng viên vắc-xin phòng Covid- 19 khác đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I là Covivac của Viện Vắc-xin và Sinh phẩm Nha Trang (IVAC). Vắc-xin này đang được triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I. IVAC dự kiến quy mô sản xuất khoảng 6 triệu liều vắc-xin/năm và có thể nâng công suất khi được đầu tư.

Bên cạnh việc chủ động nghiên cứu, theo đại diện Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế), các doanh nghiệp Việt đang nghiên cứu chuyển giao công nghệ vắc-xin từ nước ngoài. Ngày 7/5/2021, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 2301/QĐ-BYT thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình nghiên cứu chuyển giao công nghệ và sản xuất vắc-xin phòng Covid-19.

Một tập đoàn lớn của Việt Nam đã thảo luận, đàm phán với nhà sản xuất Hoa Kỳ về điều kiện chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin Covid-19 từ tinh chất mRNA (vắc-xin này chỉ cần tiêm 1 liều duy nhất 5 mg, có khả năng bảo vệ cao, nhiệt độ bảo quản từ 2 đến 8 độ C). Nhà máy do tập đoàn này đầu tư có công suất 100-200 triệu liều/năm, dự định bắt đầu sản xuất từ quý IV/2021 hoặc quý I/2022.

Ngoài ra, Công ty TNHH MTV Vắc-xin và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech) đang xúc tiến đàm phán với đối tác Nhật Bản để sớm tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin cho Việt Nam. Vabiotech cũng đã ký thỏa thuận với Quỹ đầu tư trực tiếp của Liên bang Nga về việc đóng ống vắc-xin phòng Covid-19 Sputnik-V từ bán thành phẩm với quy mô 5 triệu liều/tháng bắt đầu từ tháng 7/2021, tiến tới chuyển giao công nghệ sản xuất với quy mô 100 triệu liều/năm.

[Infographic] Cảnh báo lừa đảo tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19
Bộ Y tế đưa ra các khuyến cáo giúp người dân, doanh nghiệp, đơn vị tránh nguy cơ bị lừa đảo tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 giả mạo, không rõ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư