Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 23 tháng 12 năm 2024,
Thực hư việc uống hoa đu đủ để phòng, chống ung thư
D.Ngân - 04/05/2024 17:40
 
Bà H. bị ung thư tuyến giáp, nhưng không phẫu thuật, uống hoa đu đủ không hiệu quả, u lại tăng gấp 4 lần, di căn hạch.

Ung thư tuyến giáp ở người trên 55 tuổi có 4 giai đoạn.

Ở giai đoạn 1, u có kích thước dưới 4cm, giới hạn trong tuyến giáp, chưa lan đến các hạch bạch huyết lân cận.

Ảnh minh họa.

Ở giai đoạn 2, u lan đến các hạch bạch huyết, chưa di căn xa. Với giai đoạn 3, khối u lan ra ngoài tuyến giáp, xâm lấn vào thanh quản, khí quản, thực quản, dây thần kinh thanh quản quặt ngược.

Ở giai đoạn 4, ung thư xâm lấn các mạch máu, thậm chí di căn đến nội tạng, xương. Đây là giai đoạn điều trị khó khăn, dễ tái phát, tốn kém nhiều chi phí nhưng tiên lượng sống chỉ dưới 50%.

Trong khi đó, ở giai đoạn 1,2, tiên lượng khỏi bệnh đến 90% chỉ sau 1 lần điều trị ban đầu. Bà H. may mắn trở lại bệnh viện điều trị khi ung thư tuyến giáp chưa di căn xa, có khoảng 80% cơ hội sống trên 5 năm.

Phẫu thuật là phương pháp điều trị ung thư tuyến giáp. Sau khi người bệnh được gây mê, bác sĩ phẫu thuật cắt 1 hoặc 2 thùy tuyến giáp. Tùy thuộc vào kết quả giải phẫu bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh điều trị thêm với i - ốt phóng xạ để tiêu diệt hết tế bào ung thư và ngăn chặn tái phát.

Hiện nay, y học Việt Nam đã tiệm cận với y học thế giới, trang thiết bị máy móc siêu âm hiện đại giúp phát hiện khối u ngay khi chưa biểu hiện triệu chứng (có u, khó thở, khó nuốt…), điều trị kịp thời.

Bác sĩ phẫu thuật nhiều kinh nghiệm nên khối u được lấy khỏi cơ thể an toàn, đường may thẩm mỹ. Các phương pháp điều trị hỗ trợ sau phẫu thuật tiêu diệt hết tế bào ung thư, giúp người bệnh tăng cơ hội sống, trở lại làm việc bình thường, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Sau phẫu thuật, bà H. tiếp tục uống iốt phóng xạ để tiêu diệt hết tế bào ung thư do khối u đã ở giai đoạn tiến triển. Bà H. nói hối hận vì không phẫu thuật, điều trị sớm hơn.

Bà H. kể, cách đây 1 năm, khi đi khám sức khỏe tổng quát phát hiện tuyến giáp có u 1cm, đánh giá TIRADS 4 (5%-10%) ung thư. Bà được chọc kim nhỏ dưới hướng dẫn siêu âm để lấy tế bào sinh thiết, khẳng định ung thư tuyến giáp giai đoạn 1, u tại chỗ, chưa xâm lấn. Bác sĩ tư vấn bà phẫu thuật nhưng bà từ chối vì “sợ u tăng kích thước, dễ di căn”.

Bà làm theo lời khuyên của người quen, giã 1 nắm tay hoa đu đủ, pha với 100ml nước, sau đó vắt lấy nước uống mỗi ngày 2 lần để… “tiêu u”. Nước hoa đu đủ đắng, gắt trong cổ nhưng bà vẫn cố gắng bóp mũi, nín thở, uống đều đặn suốt 1 năm.

Tháng 4/2024, bà sờ thấy u ở cổ, nuốt vướng trong họng, sờ thấy u nên quay lại bệnh viện khám, siêu âm. Kết quả siêu âm cho thấy có 3 ổ u ở cổ. Ở lớn nhất có kích thước 2cm ở thùy trái, xâm nhập mô quanh tuyến giáp và mạch bạch huyết.

Bác sĩ Đoàn Minh Trông, Đơn vị Đầu Mặt Cổ, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, bà H được chẩn đoán bà bị ung thư tuyến giáp giai đoạn 3.

Nếu đến bệnh viện trễ hơn và không điều trị, tế bào ác tính di căn xa tới phổi, não, xương… có thể gây đau tức, khó thở, tử vong. Việc điều trị ở giai đoạn trễ khó khăn, dễ tái phát tốn kém nhiều chi phí nhưng tiên lượng sống chỉ dưới 50%.

Cũng theo bác sĩ này, hoa đu đủ thường được ngâm với mật ong có tác dụng chống viêm, giảm phù nề, trị ho. Chưa có nghiên cứu chứng minh hoa đu đủ chữa khỏi ung thư. Uống hoa đu đủ với hi vọng chữa ung thư khiến người bệnh dễ mất cơ hội điều trị ở giai đoạn sớm.

Từ trường hợp nêu trên, bác sĩ Trông khuyên người dân nên khám tầm soát định kỳ để sớm phát hiện bất thường. Khi có chẩn đoán ung thư, người dân nên điều trị theo y học hiện đại với phác đồ rõ ràng, không nên tự ý điều trị theo cách dân gian truyền miệng.

Cũng về tin tưởng các bài thuốc chưa được kiểm chứng, mới đây, cháu T.M. (9 tuổi, ở Hà Tĩnh) phải nhập viện cấp cứu và được chẩn đoán ngộ độc chì nặng.

Qua khai thác tiền sử, bệnh nhi này được chẩn đoán động kinh từ lúc 6 tuổi. Thời gian gần đây, tần suất co giật của cháu tăng lên, gia đình đã tự mua thuốc cam về cho con uống. Sau khoảng 2 tuần, cháu co giật nhiều hơn, kèm nôn, đau đầu, nên được đưa vào bệnh viện huyện, rồi chuyển đến Bệnh viện Sản - Nhi Nghệ An.

Qua thăm khám lâm sàng, kết hợp khai thác bệnh sử, các bác sỹ nghi ngờ cháu bị ngộ độc chì và cho làm xét nghiệm định lượng chì trong máu. Kết quả cho thấy, cháu T.M. bị ngộ độc chì nặng, có tổn thương não, nên được chuyển gấp đến Bệnh viện Nhi trung ương để cứu chữa.

Bác sĩ Nguyễn Tấn Hùng, Phó trưởng Khoa Cấp cứu và chống độc, Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, đây là một ca ngộ độc rất đáng tiếc khi không tuân thủ hướng dẫn điều trị bệnh động kinh của các bác sỹ chuyên khoa, không cho trẻ uống thuốc đều đặn và tái khám theo lịch, mà lại tự ý dùng thuốc không rõ nguồn gốc để chữa bệnh.

Chì là chất rất độc hại cho sức khỏe, gây tổn thương nhiều cơ quan như thần kinh, xương, hệ huyết học, máu, gan, thận, hệ tiêu hóa, tim mạch… Khi vào cơ thể, chì có thể tích lũy lâu trong nội tạng, đặc biệt là xương và phải mất hàng chục năm mới có thể thải trừ ra ngoài.

Theo bác sĩ Hùng, chì đặc biệt nguy hại với trẻ nhỏ do chúng tích lũy trong xương lâu dài khiến trẻ còi cọc. Kim loại này còn gây thiếu máu, có trường hợp tổn thương não không hồi phục, dẫn tới các di chứng nặng nề như chậm phát triển trí tuệ, co giật.

Tương tự, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng liên tiếp điều trị các trường hợp ngộ độc thuốc Đông y. Bác sĩ Nguyễn Viết Nam, Khoa Cấp cứu cho biết, cơ sở vừa tiếp nhận trường hợp cụ bà 73 tuổi nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, tổn thương ở gan và thận rất nặng do tin dùng thuốc Đông y theo quảng cáo trên mạng xã hội.

Nhiều người vẫn cho rằng, uống thuốc Đông y là “vô hại”, nếu không có tác dụng, thì cũng không gây tác hại gì. Theo các bác sỹ, đây là quan niệm sai lầm, cần thay đổi nhận thức ngay.

Được biết, hiện trung bình mỗi năm, cả nước sử dụng khoảng 60.000 tấn dược liệu các loại vào việc chế biến vị thuốc y học cổ truyền. Phần lớn lượng dược liệu trên thị trường được nhập khẩu từ Trung Quốc theo đường phi mậu dịch, khó kiểm soát nguồn gốc, chất lượng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe người dùng.

Thời gian gần đây, lực lượng chức năng đã chặn bắt hàng trăm vụ, với hàng tấn nguyên liệu thuốc Đông y do các đối tượng nhập lậu đưa vào nội địa tiêu thụ, chủ yếu là hàng không có hóa đơn, chứng từ, không bảo đảm chất lượng sơ chế để làm thuốc.

Chuyên gia khuyến cáo, người dân muốn sử dụng thuốc Đông y, thì nên đi khám tại các cơ sở được cấp phép để được chẩn đoán, kê đơn, bốc thuốc.

Trước vấn nạn quảng cáo thuốc Đông y tràn lan trên mạng xã hội, thổi phồng công dụng khiến nhiều người bị lừa, PGS-TS. Đậu Xuân Cảnh, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam kiến nghị, cần phải tăng cường kiểm soát hoạt động này.

Việc quảng cáo quá mức, quảng cáo không đúng sự thật, hay quảng cáo những thuốc chưa được kiểm định không chỉ gây nguy hiểm cho người sử dụng, mà còn làm ảnh hưởng đến ngành Đông y, tới các thầy thuốc và sự tin tưởng của người dân dành cho thuốc Đông y.

“Các cơ quan có thẩm quyền cần giám sát các hoạt động này để người dân không hoang mang khi nghe quảng cáo mà không biết đâu là thật, đâu là giả”, ông Cảnh kiến nghị.

Cũng theo ông Cảnh, dù thuốc Đông y có nhiều tác dụng trong điều trị bệnh, song các bệnh mãn tính không thể chữa khỏi bằng thuốc Đông y. Vì vậy, người dân không nên mù quáng chạy theo quảng cáo thần thánh hóa thuốc Đông y.

“Nếu tin dùng thuốc Đông y, phải tìm hiểu cặn kẽ xem cơ sở mình định sử dụng sản phẩm có được cấp phép kinh doanh về bài thuốc và bản thân lương y ấy có được cấp chứng chỉ hành nghề hay không”, ông Đậu Xuân Cảnh khuyến cáo.

Suy gan do lạm dụng thuốc Nam chữa bệnh
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vừa tiếp nhận hai bệnh nhân nam bị suy gan do liên quan đến uống thuốc Nam không rõ nguồn gốc.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư