Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Thực phẩm Sao Ta tiếp tục cho thấy dấu hiệu tăng trưởng chậm lại
Duy Bắc - 05/12/2022 08:34
 
Sau khi ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tích cực trong 6 tháng đầu năm, CTCP Thực phẩm Sao Ta (mã FMC - sàn HoSE) tiếp tục cho thấy dấu hiệu tăng trưởng chậm lại giai đoạn cuối năm.

Cụ thể, trong tháng 11, Thực phẩm Sao Ta ghi nhận doanh số 13,9 triệu USD, lũy kế 11 tháng đầu năm đạt 215 triệu USD, tăng 8% so với cùng kỳ.

Trong đó, sản xuất tôm thành phẩm trong tháng 11 đạt 1.478 tấn, lũy 11 tháng đầu năm giảm 9% so với cùng kỳ; sản xuất nông sản thành phẩm trong tháng 11 đạt 101 tấn, lũy kế 11 tháng tăng 83% so với cùng kỳ;

Tiêu thụ tôm thành phẩm trong tháng 11 đạt 1.116 tấn, lũy kế 11 tháng đầu năm giảm 0,5% so với cùng kỳ.

Công ty cho biết thị trường nhìn chung im ắng hơn năm trước do lạm phát và cạnh tranh tôm giá rẻ từ một số nước.

Được biết, trong 9 tháng đầu năm, Thực phẩm Sao Ta đạt doanh thu 181,7 triệu USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ. Như vậy, tốc độ tăng doanh số 11 tháng đầu năm thấp hơn tốc độ tăng doanh số trong 9 tháng đầu năm 2022, đây là dấu hiệu Công ty đã qua thời điểm thuận lợi nhất và đang tăng chậm trở lại.

Ở một diễn biến khác, theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong tháng 11/2022, xuất khẩu tôm, cá tra, cá ngừ đều giảm sâu từ 20 - 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng mực, bạch tuộc và các loại cá biển xuất khẩu vẫn giữ được tăng trưởng dương lần lượt là 9% và 6%.

Thực phẩm Sao Ta báo cáo tốc độ tăng trưởng chậm lại trong quý III/2022

Trong quý III/2022, Thực phẩm Sao Ta ghi nhận doanh thu đạt 1.752,49 tỷ đồng, tăng 7,8% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 79,83 tỷ đồng, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 9,3% lên 10,9%

Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng 26,6% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 40,14 tỷ đồng lên 190,86 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng 25,3%, tương ứng tăng thêm 4,18 tỷ đồng lên 20,7 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng 16,9%, tương ứng tăng thêm 1,9 tỷ đồng lên 13,13 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 31,4%, tương ứng tăng 27,87 tỷ đồng lên 116,75 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2022, Thực phẩm Sao Ta ghi nhận doanh thu đạt 4.491,12 tỷ đồng, tăng 19,6% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế ghi nhận 240,47 tỷ đồng, tăng 36,2% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận quý III lần lượt là 7,8% và 25,5%, thấp hơn mức tăng trưởng trong 9 tháng đầu năm lần lượt là 19,6% và 36,2%.

Như vậy, tốc độ tăng trưởng trong quý III đang có dấu hiệu chậm lại so với giai đoạn đầu năm.

Trong năm 2022, Thực phẩm Sao Ta đặt kế hoạch doanh thu 5.290 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 320 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 9 tháng đầu năm với lợi nhuận trước thuế đạt 247,3 tỷ đồng, Công ty đã hoàn thành 77,3% kế hoạch lợi nhuận năm.

Dòng tiền kinh doanh âm trong 9 tháng đầu năm 2022

Xét về dòng tiền, trong 9 tháng đầu năm, dòng tiền kinh doanh chính tiếp tục âm 152,27 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 259,3 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư cũng ghi nhận âm 339,9 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 225,7 tỷ đồng, chủ yếu tăng vay nợ. Như vậy, trong kỳ Công ty đã tăng vay nợ để bù đắp dòng tiền kinh doanh và mở rộng đầu tư.

Được biết, lần gần nhất dòng tiền kinh doanh âm trong năm là năm 2017, với giá trị âm 279,97 tỷ đồng.

Tính tới 30/9/2022, tổng tài sản của Thực phẩm Sao Ta tăng 17% so với đầu năm lên 3.157,9 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu tồn kho đạt 1.003,9 tỷ đồng, chiếm 31,8% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn đạt 609,3 tỷ đồng, chiếm 19,3% tổng tài sản; tiền và các khoản tương đương tiền đạt 516,7 tỷ đồng, chiếm 16,4% tổng tài sản; tài sản cố định đạt 401,3 tỷ đồng, chiếm 12,7% tổng tài sản và các tài sản khác.

Trong kỳ, các khoản phải thu ngắn hạn tăng 61,5% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 232,1 tỷ đồng lên 609,3 tỷ đồng; tồn kho tăng 6,7% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 63,1 tỷ đồng lên 1.003,9 tỷ đồng …

Việc dòng tiền kinh doanh âm 152,27 tỷ đồng, nguyên nhân một phần đến từ việc tăng khoản phải thu ngắn hạn và tồn kho trong kỳ.

Ngoài ra, tính tới cuối quý II, tổng nợ vay ngắn hạn tăng 92,4% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 383,4 tỷ đồng lên 798,2 tỷ đồng và chiếm 25,3% tổng nguồn vốn.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 2/12, cổ phiếu FMC tăng 300 đồng lên 34.600 đồng/cổ phiếu.

Thực phẩm Sao Ta (Fimex): Doanh số sẽ không tăng mạnh ở các tháng cuối năm
Ảnh hưởng lạm phát toàn cầu sẽ kéo sức tiêu thụ các sản phẩm của Sao Ta. Người đứng đầu Fimex cho rằng, doanh số sẽ không tăng mạnh ở...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư