Thứ Tư, Ngày 16 tháng 07 năm 2025,
Thuế quan có đẩy lạm phát Mỹ tăng trở lại?
T.T - 15/07/2025 18:39
 
Các nhà kinh tế từ lâu đã cảnh báo rằng thuế quan có thể đẩy lạm phát Mỹ tăng trở lại, và báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sắp tới sẽ là phép thử cho nhận định này.
Hàng hoá được bày bán trong siêu thị ở New York, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)
Hàng hoá được bày bán trong siêu thị ở New York, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trong bốn tháng qua, dữ liệu CPI do Cơ quan Thống kê thuộc Bộ Lao động Mỹ công bố đều thấp hơn dự báo, nhưng giới chuyên gia tiếp tục cảnh báo lạm phát có thể tăng tốc trở lại, với số liệu CPI tháng 6/2025 dự kiến công bố vào ngày 15/7 (giờ địa phương).

Theo dự báo, giá cả sẽ tăng ở một số mặt hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ thuế quan, như đồ nội thất, đồ chơi, hàng hóa giải trí và ô tô.

Nhiều quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng như các chuyên gia khu vực tư nhân đồng thuận rằng lạm phát sẽ tăng trong mùa Hè năm nay, khi doanh nghiệp bắt đầu chuyển phần chi phí từ các biện pháp thuế của Tổng thống Donald Trump sang người tiêu dùng. Ban đầu, nhiều công ty đã tìm cách “đỡ đòn” cho khách hàng bằng cách tích trữ hàng tồn kho trước hoặc chấp nhận giảm lợi nhuận để gánh bớt chi phí. Tuy nhiên, hiện một số doanh nghiệp đang dần hết lựa chọn.

Theo khảo sát mới đây của hãng tin Bloomberg với các nhà kinh tế, Chỉ số Giá tiêu dùng lõi (CPI lõi), không bao gồm thực phẩm và năng lượng, tăng 0,3% trong tháng 6/2025. Đây là mức tăng hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 1/2025, sau khi chỉ ghi nhận mức tăng nhẹ 0,1% trong tháng Năm.

Dù chi tiêu tiêu dùng đã có dấu hiệu chậm lại, các quan chức của Fed vẫn giữ thái độ thận trọng trong việc cắt giảm lãi suất. Nguyên nhân chủ yếu đến từ lo ngại về rủi ro lạm phát kéo dài liên quan đến chính sách thuế quan. Cuộc họp chính sách tiếp theo của Fed được lên kế hoạch vào ngày 29 - 30/7.

Theo S&P Global, gần 2/3 các nhà sản xuất cho rằng chi phí đầu vào tăng là do thuế quan. Hơn 50% số doanh nghiệp bán lẻ cũng lý giải việc tăng giá bán là vì lý do tương tự.

Những số liệu gần đây cho thấy nền kinh tế Mỹ sẽ còn gặp khó khăn trong nửa cuối năm 2025. Theo số liệu sơ bộ từ công ty nghiên cứu thị trường S&P Global, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất của Mỹ trong tháng 6/2025 vẫn giữ ở mức 52 điểm, cao nhất kể từ tháng Hai. Con số này cho thấy lĩnh vực sản xuất tiếp tục mở rộng, một phần nhờ vào sự cải thiện trong tuyển dụng.

Nếu xét tổng thể hoạt động kinh doanh bao gồm cả lĩnh vực dịch vụ, chỉ số PMI tổng hợp của Mỹ lại giảm nhẹ từ mức 53,0 của tháng Năm xuống 52,8 điểm. Chỉ số PMI ngành dịch vụ cũng lùi từ 53,7 điểm xuống 53,1 điểm. Dù vậy, các chỉ số này vẫn trên ngưỡng 50, cho thấy khu vực tư nhân của Mỹ vẫn đang tăng trưởng dù ở mức độ vừa phải.

Nhà kinh tế trưởng tại S&P Global Market Intelligence, Chris Williamson, cho rằng nhu cầu nội địa mạnh mẽ hơn đã thúc đẩy việc làm. Ông cũng lưu ý rằng một phần động lực này đến từ việc các doanh nghiệp tăng cường tích trữ hàng do lo ngại giá cả leo thang và gián đoạn nguồn cung vì thuế quan. Theo ông, hiệu ứng này có thể sẽ giảm bớt trong các tháng tới.

Theo S&P Global, gần 2/3 các nhà sản xuất cho rằng chi phí đầu vào tăng là do thuế quan. Hơn 50% số doanh nghiệp bán lẻ cũng lý giải việc tăng giá bán là vì lý do tương tự.

Nguy cơ lạm phát cao kết hợp với tăng trưởng kinh tế yếu ớt (đình lạm) đang hiện hữu, trong bối cảnh chính sách thuế quan liên tục thay đổi gây ra nhiều bất ổn.

Theo kết quả khảo sát do chi nhánh Fed tại New York công bố đầu tháng 6/2025, mối lo ngại của người dân Mỹ về tình trạng lạm phát trong tương lai đã giảm bớt trong tháng 5/2025, đồng thời người dân cũng trở nên lạc quan hơn về tình hình tài chính cá nhân.

Trong báo cáo Khảo sát kỳ vọng tiêu dùng, chi nhánh Fed tại New York cho biết triển vọng lạm phát ở tất cả các khung thời gian mà cơ quan này đo lường đều giảm trong tháng 5. Cụ thể, kỳ vọng lạm phát trong một năm tới được những người tham khảo sát dự đoán ở mức 3,2%, giảm so với mức 3,6% của tháng 4. Trong ba năm tới, kỳ vọng lạm phát là 3%, giảm so với mức 3,2% trong khảo sát trước đó. Lạm phát trong 5 năm tới được dự đoán ở mức 2,6%, thấp hơn so với mức kỳ vọng 2,7% trong khảo sát tháng 4.

Sự điều chỉnh giảm trong kỳ vọng lạm phát diễn ra trong bối cảnh mức độ bất định cao về xu hướng giá cả trong tương lai. Những đợt tăng thuế lớn và liên tục thay đổi đối với hàng nhập khẩu được chính quyền Tổng thống Donald Trump ban hành đang được các nhà kinh tế và các nhà hoạch định chính sách nhìn nhận là yếu tố có thể đẩy lạm phát tăng cao, đồng thời gây áp lực lên việc làm và tăng trưởng.

Hai quan chức Fed mới đây nhận định rằng tình trạng lạm phát cao hiện nay là mối đe dọa cấp bách hơn so với việc thị trường lao động đang chững lại. Quan điểm này cho thấy Fed có thể sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ hiện tại trong một thời gian dài hơn.

Thống đốc Fed Adriana Kugler nhận định lạm phát có nguy cơ tăng cao hơn vào thời điểm hiện tại, trong khi các nguy cơ đối với việc làm và tăng trưởng GDP có thể sau này mới xuất hiện. Bà Kugler cũng cho biết thuế quan đang đẩy giá lên cao, và dù có một số dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang hạ nhiệt, nhưng mức độ chưa đáng kể.

Trong khi đó, Chủ tịch Fed chi nhánh Kansas City Jeff Schmid bày tỏ lạc quan rằng nền kinh tế sẽ tránh được suy thoái như những lần trước đây. Mặc dù chưa rõ mức độ ảnh hưởng của thuế quan đến tăng trưởng và việc làm, nhưng ông Schmid cũng bày tỏ lo ngại về tác động sắp tới của thuế quan lên lạm phát.

Mỹ sẽ sớm công bố thuế quan 50% đối với đồng, 200% với dược phẩm
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông sẽ đánh thuế 50% đối với mặt hàng đồng nhập khẩu và sẽ áp dụng mức thuế cao hơn cho từng ngành cụ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư