Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 16 tháng 01 năm 2025,
Thuế tiêu dùng đẩy GDP Nhật Bản xuống đáy 5 năm
Lê Quân (Nikkei) - 17/02/2020 14:19
 
Tăng trưởng kinh tế Nhật Bản trong quý IV/2019 hứng chịu lần sụt giảm mạnh nhất trong 5 năm trở lại đây do thuế tiêu dùng tăng cao và sự tàn phá của siêu bão.
Tháng 12/2019, chính phủ Nhật Bản phê chuẩn gói kích thích kinh tế 13.200 tỷ yên, tương đương 120 tỷ USD nhằm giảm sốc cho thị trường trước tác động của việc tăng thuế tiêu dùng. Ảnh: AFP
Tháng 12/2019, chính phủ Nhật Bản phê chuẩn gói kích thích kinh tế 13.200 tỷ yên, tương đương 120 tỷ USD nhằm giảm sốc cho thị trường trước tác động của việc tăng thuế tiêu dùng. Ảnh: AFP

Theo số liệu được Văn phòng Nội các Nhật Bản công bố sáng nay 17/2, GDP của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới trong quý IV/2019 đã giảm 6,3% so với quý trước. Trong cuộc khảo sát trước đó của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản, 34 chuyên gia kinh tế dự báo GDP nước này sẽ giảm 3,55% trong quý IV/2019.

Chi tiêu của người dân Nhật Bản giảm 2,9% sau khi nước này tăng thuế tiêu dùng từ 8% lên 10% kể từ tháng 10/2019. Cũng trong tháng 10, Nhật Bản cũng chịu thiệt hại nặng nề do siêu bão Hagibis.

Trong khi đó, chi phí đầu tư của Nhật Bản cũng giảm 3,7%, còn xuất khẩu trượt nhẹ 0,1% do tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Các chuyên gia kinh tế của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản dự báo kinh tế nước này sẽ tăng trưởng trở lại trong quý 1/2020 với GDP ước tăng 0,54%. Tuy nhiên, các bất ổn vẫn hiện hữu đối với nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới khi “bóng ma” Covid-19 vẫn bao phủ và tác động nặng nề lên kinh tế Trung Quốc.

“Chỉ cần cú sốc mới của Covid-19 sẽ đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái kỹ thuật sau khi GDP sụt giảm liên tiếp trong 2 quý”, các chuyên gia kinh tế của công ty dịch vụ tài chính toàn cầu UBS cảnh báo trước khi số liệu GDP chính thức của Nhật Bản được công bố.

Xuất khẩu dịch vụ và hàng hóa có thể bị kéo giảm và sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng châu Á có thể khiến sản xuất trong nước của Nhật Bản bị tê liệt, nhất là ngành sản xuất ô tô và máy móc thiết bị điện.

Tháng 12/2019, chính phủ Nhật Bản phê chuẩn gói kích thích kinh tế 13.200 tỷ yên, tương đương 120 tỷ USD nhằm giảm sốc cho thị trường trước tác động của việc tăng thuế tiêu dùng. Chính phủ Nhật Bản cũng lên kế hoạch bố trí ngân sách để đối phó với tác động của Covid-19.

Kinh tế Nhật Bản từng lao dốc mạnh với mức sụt giảm 7,4% trong quý II/2014. Đây cũng là thời điểm Nhật Bản áp dụng tăng thuế tiêu dùng.

3 lợi thế "vàng" thu hút nhà đầu tư Nhật Bản
Theo đánh giá của doanh nghiệp Nhật Bản, Việt Nam có 3 lợi thế lớn về môi trường đầu tư, gồm quy mô và tính tăng trưởng của thị trường,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư