Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Thương vụ M&A thành công: Tránh “bẫy đơn giản” từ thẩm định hệ thống công nghệ thông tin
Việc thẩm định đối với hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) là một sự đầu tư thông minh trước khi kết thúc thương vụ M&A và có thể giúp bên mua tránh rơi vào “bẫy đơn giản” khi đánh giá hệ thống của công ty mục tiêu.
.
Ông Lê Khánh Lâm, Phó tổng giám đốc Dịch vụ Tư vấn, RSM Việt Nam.

Hiện nay, CNTT đóng vai trò không thể thiếu trong việc vận hành hoạt động kinh doanh và quản lý của mỗi doanh nghiệp. Sự phát triển và ứng dụng CNTT đã thay đổi mô hình kinh doanh và cách thức kinh doanh của các doanh nghiệp; việc chuyển đổi giao dịch truyền thống sang giao dịch điện tử cũng ảnh hưởng đến vị trí, vai trò và nhu cầu của các bên liên quan (khách hàng, nhà cung cấp, nhà đầu tư ...).

Trong quá trình mua bán, sáp nhập (M&A) doanh nghiệp, việc thẩm định luôn là một bước quan trọng vì nó sẽ xác định việc mua bán có thể thành công hay không. Đối với các giao dịch M&A ở Việt Nam, bên mua thường có xu hướng chỉ thực hiện thẩm định về pháp lý, tài chính, thuế hoặc thương mại. Việc thẩm định hệ thống CNTT hiếm khi được thực hiện do đánh giá thấp tầm quan trọng của CNTT và bên mua thường rơi vào bẫy đơn giản khi đánh giá hệ thống của công ty mục tiêu.

Bẫy đơn giản

Hình dung việc thu mua công ty mục tiêu là một công ty sản xuất với doanh thu 300 tỷ đồng có 200 nhân viên, sử dụng phần mềm kế toán đơn giản, hai máy chủ nội bộ và hoạt động kinh doanh không phức tạp. Hệ thống CNTT có vẻ đơn giản và dễ hiểu. Liệu nhà đầu tư có cần bất kỳ sự thẩm định hệ thống CNTT nào trước khi kết thúc thương vụ?

Hầu hết các công ty tư nhân đầu tư vào thị trường nhỏ và vừa đều biết giá trị của việc thực hiện thẩm định hoạt động tài chính, thuế và hoạt động. Nhưng khi nói đến việc thực hiện thẩm định CNTT đối với một công ty như công ty đã được mô tả ở trên, câu trả lời điển hình là đánh giá cái gì? Công ty đã sử dụng phần mềm, tại sao phải tốn thêm thời gian và tiền bạc để thẩm định hệ thống CNTT?

Với suy nghĩ đó, nhiều công ty rơi vào “bẫy đơn giản”. Kết quả là sau khi kết thúc thương vụ, bên mua gặp những tổn thất không ngờ tới, mà nếu được xác định sớm hơn, họ có thể thương lượng một thỏa thuận mua bán thuận lợi hơn. Các hệ thống CNTT đơn giản thường đòi hỏi sự nâng cấp phức tạp và đắt đỏ để hỗ trợ sự phát triển theo mong muốn của doanh nghiệp.

Bên mua thường nghĩ rằng, công ty có thể tiếp tục sử dụng phần mềm kế toán đơn giản trong ba năm tới, chỉ đến khi phát hiện ra sau khi kết thúc thương vụ, có những vấn đề cần giải quyết đối với khối lượng giao dịch hiện tại - và họ phải bỏ ra thêm khoản đầu tư có thể lên đến hàng tỷ đồng trong những tháng tới để tạo ra một hệ thống có thể đáp ứng được nhu cầu hiện tại.

Trong xu hướng hội nhập toàn cầu hiện nay, không thể coi thường những rủi ro liên quan đến hệ thống CNTT khi tiến hành một thương vụ M&A.
Trong xu hướng hội nhập toàn cầu hiện nay, không thể coi thường những rủi ro liên quan đến hệ thống CNTT khi tiến hành một thương vụ M&A.

Giá trị của việc thẩm định hệ thống CNTT

Mặc dù mỗi thương vụ là riêng biệt, song các thương vụ nên xem xét thẩm định CNTT ở một số mức độ nhất định. Đối với các công ty nhỏ và vừa, điều này không phải là một quá trình tốn kém. Việc đánh giá chỉ nên thực hiện trong một hoặc hai ngày và bên mua có thể dễ dàng thanh toán chi phí này để đảm bảo rằng, mọi chi phí CNTT cần thiết đều được lập ngân sách và lên kế hoạch hợp lý, các cải tiến được thực hiện theo cách có tổ chức, không làm sao lãng mục tiêu chính là thúc đẩy tăng trưởng doanh thu.

Nếu không có sự hiểu biết trước khi kết thúc thương vụ về việc nâng cấp hệ thống cần phải thực hiện, kế hoạch nâng cấp có thể mất cả năm vì tất cả các vấn đề về CNTT đều phải xử lý. Hơn nữa, trước khi hệ thống phù hợp vận hành, ban giám đốc sẽ không thể thu thập được dữ liệu và số liệu đo lường có ý nghĩa để đưa ra quyết định kinh doanh sáng suốt nhằm tăng doanh thu.

Tương tự như công ty sản xuất được mô tả ở trên, phần lớn các thương vụ liên quan đến các công ty có quy mô nhỏ và vừa. Các hệ thống kế toán đơn giản có thể hoàn toàn phù hợp đối với nhu cầu của các doanh nghiệp này trong quá khứ. Nhưng nếu mục tiêu là tăng trưởng doanh số lên gấp ba lần so với hiện tại sau khi hoàn tất thương vụ mua lại, phần mềm sẽ cần phải được thay thế - có nghĩa là công ty phải giám sát việc thực hiện, đào tạo nhân viên, thực hiện bất kỳ việc chuyển đổi cần thiết nào…

Thẩm định hệ thống CNTT sẽ xác định năng lực hệ thống và cơ sở hạ tầng hiện hành của một công ty để quản lý sự tăng trưởng và thông báo cho người mua về quy mô của bất kỳ khoản đầu tư cần thiết nào (cả về thời gian và tiền bạc). Thay vì bị bất ngờ sau khi kết thúc thương vụ, bên mua có thể lên kế hoạch một cách thận trọng trước khi ký thỏa thuận và có thể đàm phán điều chỉnh giá mua nếu chi phí cho việc đầu tư CNTT khá cao.

Hệ thống đơn giản hay báo động đỏ?

Mặc dù có sự thay đổi theo từng ngành, các công ty nhỏ và vừa có doanh số dưới 300 tỷ đồng và ít hơn 200 nhân viên dễ bị rơi vào “bẫy đơn giản” nhất. Các hệ thống CNTT của các công ty này thường bao gồm: phần mềm kế toán cho doanh nghiệp nhỏ và thường cần được thay thế bằng hệ thống quản trị toàn doanh nghiệp (ERP) để tăng khối lượng giao dịch hoặc hỗ trợ cải tiến các quy trình kinh doanh; các máy chủ nội bộ thường lạc hậu và hạn chế về tính năng; sử dụng phần mềm doanh nghiệp phiên bản tiêu chuẩn mà giấy phép có thể đã hết hạn và sẽ cần phải mua lại; phần mềm và hệ thống mạng lỗi thời và sẽ cần phải thay thế bằng các hệ thống tiêu chuẩn trong ngành.

Xác định vấn đề ưu tiên thẩm định

Việc thẩm định hệ thống CNTT nên tập trung vào việc đánh giá tính liêm chính, sự phù hợp và khả năng tồn tại của các ứng dụng kinh doanh, cơ sở hạ tầng và tổ chức CNTT, chiến lược và kiểm soát nội bộ. Một số vấn đề như khả năng tồn tại của tổ chức CNTT, chiến lược và kiểm soát nội bộ của công ty, có thể sẽ ổn. Những vấn đề như sự phù hợp của các ứng dụng kinh doanh, có thể cần phải được xử lý trong năm tới hoặc lâu hơn nhưng không phải là ưu tiên hàng đầu.

Và một số vấn đề khác, như sự minh bạch của cơ sở hạ tầng CNTT, có thể yêu cầu một sự đầu tư ngay lập tức. Bằng cách hệ thống hóa các kết quả của thẩm định CNTT theo cách trên, các công ty có thể thực hiện các kế hoạch ngắn hạn và dài hạn cần thiết và xác định thứ tự ưu tiên phù hợp.

Một sự đầu tư thông minh trước khi kết thúc thương vụ

Trong khi không bao giờ có 2 công ty có môi trường CNTT giống nhau, việc đánh giá những vấn đề nêu trên luôn phù hợp và sẽ ngăn chặn những rủi ro không mong muốn khi đầu tư vào các công ty có quy mô nhỏ và vừa với hệ thống đơn giản. Việc thẩm định đối với hệ thống CNTT là một sự đầu tư thông minh trước khi kết thúc thương vụ và nó có thể có tác động đáng kể đến cách nhà đầu tư đánh giá thương vụ, cũng như xây dựng các kế hoạch hành động sau khi kết thúc thương vụ.

8 dấu hiệu cần phải thực hiện thẩm định hệ thống CNTT

Đối với mục đích mua lại, việc đánh giá lỗ hổng của cơ sở hạ tầng CNTT của công ty mục tiêu là rất cần thiết, cho dù công ty mục tiêu có nhỏ đến đâu. Một số doanh nghiệp yêu cầu sự xem xét kỹ lưỡng hơn những doanh nghiệp khác và dưới đây là những dấu hiệu nên thực hiện thẩm định hệ thống CNTT cho bất kỳ thương vụ mua lại tiềm năng nào.

Bằng cách thẩm định hệ thống CNTT, bên mua sẽ giữ thế chủ động nhờ hiểu biết về sự phức tạp, chi phí và thời gian của việc thực hiện các quy trình kinh doanh sau khi mua lại. Do đó, bên mua có thể sử dụng thông tin này để đàm phán một thỏa thuận tốt hơn với người bán và tránh những tốn kém bất ngờ từ những thay đổi bắt buộc hoặc đầu tư thêm vào hệ thống CNTT sau khi kết thúc thương vụ.

Thiếu trầm trọng nhân lực công nghệ thông tin
Nguồn nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) thiếu và yếu đang khiến các doanh nghiệp ngành công nghệ - viễn thông khó triển khai các chiến lược phát...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư