Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 25 tháng 11 năm 2024,
Tiền mất, tật mang vì thuốc Nam “mạng truyền”
Dương Ngân - 12/04/2021 09:42
 
Được quảng cáo như “thần dược” chữa bách bệnh, kể cả ung thư, nhiều loại thuốc Nam không rõ nguồn gốc, được quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội đã nghiễm nhiên nằm trong tủ thuốc nhiều gia đình.
Bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương sau khi sử dụng thuốc Nam không rõ nguồn gốc
Bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương sau khi sử dụng thuốc Nam không rõ nguồn gốc

Tiền mất, tật mang

Đã có những ca bệnh mà thầy thuốc phải lắc đầu bất lực khi sự sống của bệnh nhân bị dập tắt, hay nhiều trường hợp phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng tính mạng bị đe dọa khi dùng thuốc Nam truyền miệng hay quảng cáo trên mạng xã hội là “gia truyền nhiều đời”. Ấy vậy mà những sản phẩm thuốc Nam theo kiểu “miệng truyền”, “mạng truyền” không rõ nguồn gốc này vẫn tồn tại như một thứ “ung nhọt” gây họa cho nhiều người.

Trước việc liên tiếp các ca bệnh nhập viện với các triệu chứng nặng sau khi sử dụng thuốc Nam không rõ nguồn gốc, các bác sỹ cảnh báo, việc sử dụng thuốc Nam trôi nổi rất nguy hiểm. Nếu sản phẩm có những thành phần độc hại, thì sẽ làm tổn thương gan, thận, có thể gây suy gan, suy thận cho người sử dụng. Nguy hiểm hơn, hiện có tình trạng trộn các chất cấm, chất có hại cho cơ thể vào thuốc Nam, dẫn đến các tác hại khôn lường tới sức khỏe của người bệnh, có khi dẫn đến tử vong.

Chỉ gõ cụm từ “3 đời chữa bệnh”, “thuốc Nam gia truyền”, người tìm kiếm có thể thấy hàng ngàn quảng cáo thuốc với ngôn từ “có cánh” như “uống 1 lần khỏi ngay”, “bệnh biến mất vĩnh viễn”, “không cần đến viện đã khỏi”, “tiểu đường týp mấy cứ gặp tôi là được chữa khỏi”, “điều trị tận gốc”, “cam kết chữa khỏi 100%”, “không khỏi hoàn lại tiền”...

Điều này đã đánh trúng tâm lý muốn nhanh khỏi bệnh của nhiều người, đặc biệt là bệnh nhân mạn tính, bệnh nan y đang cảm thấy khổ sở, đau đớn, phiền phức do bệnh tật gây ra. Thậm chí, để tăng thêm niềm tin cho người bệnh, nhiều cơ sở kinh doanh còn ngang nhiên cắt ghép video có sự dẫn dắt của người nổi tiếng. Nhiều đoạn quảng cáo còn lấy hình ảnh những bác sỹ danh tiếng rồi chèn tên và cắt ghép để giới thiệu sản phẩm.

Khi có nhu cầu, khách hàng chỉ cần nhấc điện thoại và mô tả vài triệu chứng của bản thân, thì ngay lập tức sẽ được đầu dây bên kia hỏi địa chỉ và “ship” thuốc về tận cửa với lời căn dặn là phải uống thuốc đủ thời gian quy định từ 3 tới 6 tháng mới khỏi bệnh vĩnh viễn, còn uống hết đợt đầu thì… chỉ khỏi tạm thời.

Hậu quả mà quảng cáo độc hại gây ra là những ca tử vong tức tưởi, những ca nhập viện trong tình trạng “thập tử nhất sinh”, nếu điều trị kịp thời cũng gây những tổn thương không nhỏ đến sức khỏe.

Tại Bệnh viện Sản nhi tỉnh Phú Thọ, theo Thạc sỹ. Cao Việt Hưng, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, thời gian qua, Bệnh viện liên tục tiếp nhận các ca ngộ độc thuốc Nam thương tâm. Vị bác sỹ nhớ lại hình ảnh một em bé mới 3 tháng tuổi được người nhà hớt hải đưa vào Bệnh viện trong hơi thở thoi thóp. Tiếp đó là chuỗi ngày cam go giành giật sự sống giữa cơ man máy thở, lọc máu liên tục do tình trạng sốc nhiễm khuẩn, suy đa phủ tạng.

“Sau quá trình điều trị, bệnh nhân mới thoát khỏi cửa tử, song sức khoẻ suy kiệt. Đó là hệ quả của việc cha mẹ vì tin theo quảng cáo mà mua thuốc Nam không rõ nguồn về cho trẻ sử dụng khi bị viêm phổi, nhiễm khuẩn tiêu hóa. Chứng kiến cảnh tượng đó, chúng tôi không khỏi xót xa, vừa thương, vừa giận cho sự cả tin của người dân”, bác sĩ Hưng nói.

Ngày 1/4, bà B.T.H., 64 tuổi, quê Nam Định tới khám tại Khoa Viêm gan, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương trong tình trạng mệt mỏi, ăn kém, bụng chướng tăng dần, phù hai chân. Chồng bà cho biết, cách đây 2 năm, bà bị xơ gan do virus viêm gan B, nhưng lúc đó tình trạng còn nhẹ, nên được về nhà điều trị. Nghe người xung quanh mách, ông bà tìm đến một nhà thuốc gia truyền ở Hòa Bình chuyên chữa gan và dạ dày. Thuốc có giá 60.000 đồng/thang, kê toa 15 thang/tháng. Đến nay, bà H. đã uống được khoảng một năm.

Bác sỹ Nguyễn Thị Thu Huyền (Khoa Viêm gan, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương) thông tin, sau khi thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán, bà H. bị viêm gan mạn tính, xơ gan cổ chướng giai đoạn cuối, tràn dịch ổ bụng. Nguyên nhân là bệnh nhân đã bỏ điều trị thuốc kháng virus và dùng thuốc Nam. “Thuốc Nam có thể chứa chất độc, gây nhiễm độc gan, đẩy xơ gan tiến triển nhanh hơn. Ngoài ra, việc bỏ điều trị thuốc kháng virus khiến virus bùng phát, làm tình trạng bệnh nặng hơn”, bác sỹ Huyền cho biết.

Bà H. được cho sử dụng thuốc kháng virus, hỗ trợ gan và thải độc, đồng thời điều chỉnh các thuốc để lợi tiểu, điều trị tràn dịch ổ bụng. “Nếu đáp ứng thuốc, hết dịch ổ bụng và chức năng gan được cải thiện, thì ít nhất 2 đến 4 tuần nữa, bệnh nhân mới có thể ra viện”, bác sỹ Huyền cho biết thêm.

Theo bác sỹ Nguyễn Viết Nam (Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương), đơn vị này vừa tiếp nhận cụ bà 73 tuổi nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, tổn thương ở gan và thận rất nặng. Theo lời kể của người nhà, bệnh nhân bị viêm khớp và viêm gan B đã lâu, song không điều trị theo phác đồ mà mua thuốc Nam theo truyền miệng để uống. Ngay sau khi được bệnh viện tiếp nhận, bệnh nhân đã được thở oxy liều cao, sử dụng các thuốc ổn định chức năng gan, thận, hiện sức khỏe đã dần ổn định.

Ngoài ra, theo các bác sỹ tại đây, cơ sở cũng đang điều trị cho ca bệnh vì muốn sinh con trai nên đã tự mua thuốc Nam không rõ nguồn gốc về uống. 20 ngày sau, bệnh nhân đau bụng dữ dội, men gan tăng gấp nhiều lần và phải nhập viện cấp cứu.

Thuốc nào chữa “ung nhọt”?

Lãnh đạo Cục Quản lý y dược cổ truyền (Bộ Y tế) cho biết, thời gian qua, Cục đã tiếp nhận nhiều phản ánh của các cơ quan truyền thông, báo chí về các trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan đến hành nghề khám chữa bệnh y học cổ truyền, kinh doanh dược cổ truyền và quảng cáo sai sự thật về khám chữa bệnh y học cổ truyền trên mạng, cụ thể là các ứng dụng YouTube, Facebook… tại các địa phương.

Bản thân Google cũng có các chính sách hạn chế quảng cáo thuốc theo đơn, thuốc không kê đơn, thuật ngữ thuốc và chất không được chấp thuận, cùng các hạn chế khác. Tuy nhiên, hiện tại, các quảng cáo đang gây khó chịu cho người dùng Việt lại hướng đến các bài thuốc gia truyền, Đông y..., khiến thuật toán của Google khó phát hiện.

Nêu ra các giải pháp để xử lý “ung nhọt” này, ông Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý y dược cổ truyền cho biết, Bộ Y tế sẽ rà soát tổng thể các vấn đề về cấp phép, hành nghề khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền. Cụ thể, với người đã được cấp phép hành nghề, phải bổ sung, cập nhật chuyên môn; quá trình hành nghề nếu có sai sót, thì cơ sở quản lý ở địa phương chịu trách nhiệm.

“Đặc biệt, sắp tới, Bộ Y tế sẽ xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc, chất lượng dược liệu. Cùng với đó, tăng cường thanh, kiểm tra lĩnh vực y dược cổ truyền tư nhân, đảm bảo thuốc Đông y phải phát triển dựa trên khoa học bằng chứng”, ông Thịnh cho hay.

Về phía chuyên gia, theo lương y Nguyễn Xuân Hướng, nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, người dân muốn sử dụng các bài thuốc Nam, thuốc Bắc nên trực tiếp đi khám tại các cơ sở được cấp phép để được các lương y chân chính chẩn đoán, kê đơn, bốc thuốc. Đặc biệt, người dân không nên có tâm lý cứ thuốc Nam, thuốc Bắc là an toàn tuyệt đối, “không bổ ngang thì bổ dọc”, vì các bài thuốc này đều có những vị độc tính. Nếu không có bệnh, không đúng bệnh, thì không nên dùng thuốc bữa bãi, càng không chỉ tin vào quảng cáo thổi phồng.

Trước vấn nạn quảng cáo thuốc Nam tràn lan, vô tội vạ và thổi phồng công dụng, hiệu quả như hiện tại, nguyên Giám đốc Học viện Y dược học cổ truyền, ông Đậu Xuân Cảnh kiến nghị, cần phải tăng cường kiểm soát hoạt động này. Việc quảng cáo quá mức, quảng cáo không đúng sự thật, hay quảng cáo những thuốc chưa được kiểm định không chỉ gây nguy hiểm cho người sử dụng, mà còn làm ảnh hưởng đến ngành Đông y chân chính, tới các thầy thuốc và sự tin tưởng của người dân dành cho thuốc Đông y.

Bên cạnh đó, các sản phẩm thuốc Đông y cần được quản lý, quảng cáo theo quy định. Các cơ quan có thẩm quyền cần giám sát các hoạt động này để người dân không hoang mang khi nghe quảng cáo mà không biết đâu là thật, đâu là giả.

Theo ông Cảnh, dù tác dụng điều trị bệnh của thuốc Nam là không thể phủ nhận, song các bệnh mạn tính không thể chữa khỏi bằng thuốc Nam. Vì vậy, người dân không nên mù quáng chạy theo quảng cáo thần thánh hóa thuốc Nam. Đặc biệt, với các sản phẩm thuốc Nam không rõ nguồn gốc, sản phẩm trôi nổi, quảng cáo tràn lan trên mạng, người dân tuyệt đối không nên sử dụng vì có thể nguy hiểm đến tính mạng.

“Khi có bệnh, người dân nên đi khám ở các cơ sở uy tín, được Bộ Y tế cấp phép để các bác sỹ theo dõi sát tình trạng bệnh. Bên cạnh đó, sau khi điều trị, các triệu chứng đã ổn định, người bệnh cần thăm khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sỹ. Nếu tin dùng thuốc Nam, phải tìm hiểu cặn kẽ xem cơ sở mình định sử dụng sản phẩm có được cấp phép kinh doanh về bài thuốc và bản thân lương y ấy có được cấp chứng chỉ hành nghề hay không”,ông Đậu Xuân Cảnh khuyến cáo.

TP.HCM: Tổng giá trị đấu thầu thuốc năm 2017 dự kiến là 9.535 tỷ đồng
Sở Y tế TPHCM cho biết, năm 2017 tổng giá trị tiền thuốc dành cho việc đấu thầu lên tới 9.535 tỷ đồng, với 163 gói thầu, bao gồm 55 gói biệt...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư