Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 07 năm 2024,
Tiếp tục bán ngoại tệ để ổn định tỷ giá?
Hà Tâm - 23/07/2024 08:33
 
Tỷ giá được dự báo chưa thể hạ nhiệt cho đến khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất. Do đó, tiếp tục bán ngoại tệ can thiệp thị trường vẫn là giải pháp được nhiều chuyên gia dự báo.
Tỷ giá vẫn chịu nhiều áp lực, vì thế Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện nhiều giải pháp để ổn định tỷ giá.  Ảnh: Đức Thanh

Tỷ giá có khả năng tăng tiếp

Từ đầu năm đến nay, giá USD đã tăng hơn 4%. Bà Nguyễn Linh Phương, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) thừa nhận, năm 2024 là năm khó khăn đối với điều hành chính sách tiền tệ và ngoại hối do Fed duy trì lãi suất cao và kéo dài ngoài dự kiến. Mặc dù vậy, theo bà Phương, mức mất giá của VND từ đầu năm đến nay khoảng 4% là phù hợp, thấp hơn nhiều quốc gia khác (mất giá 5 - 7%).

Diễn biến của tỷ giá nửa cuối năm được dự đoán là sẽ bớt sóng gió hơn nửa đầu năm. Tỷ giá đang được hỗ trợ bởi nguồn cung kiều hối dồi dào, xuất khẩu được cải thiện và kỳ vọng Fed giảm lãi suất vào tháng 9 tới.

Dù vậy, cho đến khi Fed chính thức hạ lãi suất, VND được dự báo sẽ tiếp tục mất giá. Theo các chuyên gia, tỷ giá hối đoái VND/USD sẽ sớm đạt đỉnh trong quý III và sau đó sẽ hạ nhiệt.

Công ty Chứng khoán KB Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh mức độ mất giá VND vẫn đang ở mức trung bình thấp so với các đồng tiền trong khu vực, kết hợp với kỳ vọng lạm phát trong tầm kiểm soát trong các tháng cuối năm, Ngân hàng Nhà nước nhiều khả năng sẽ thực hiện việc nâng giá bán USD (đồng thời nâng tỷ giá trung tâm), chấp nhận để VND mất giá hơn mức 5% hiện tại. Tuy nhiên, tỷ giá sẽ dần hạ nhiệt vào quý cuối năm và mức mất giá VND cả năm chỉ xoay quanh 4,5%.

Ông Trần Ngọc Báu, CEO Công ty cổ phần Dữ liệu và Công nghệ tài chính WiGroup cũng cho rằng, tỷ giá vẫn đang chịu áp lực do lãi suất của Fed được duy trì ở mức cao, cầu tích trữ USD trên thế giới tiếp diễn trong bối cảnh bất ổn chính trị kéo dài. Theo chuyên gia này, nếu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng trong bối cảnh toàn cầu vẫn đang thắt chặt tiền tệ, thì áp lực tỷ giá sẽ còn tiếp diễn. Khi đó, Ngân hàng Nhà nước chỉ có thể bán ngoại tệ can thiệp thị trường hoặc tăng lãi suất. Hiện lãi suất điều hành chưa tăng, song lãi suất trên thị trường 1 đã bắt đầu tăng, chủ yếu xuất phát từ áp lực tỷ giá.

Theo các chuyên gia, hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang “gồng” cả về tỷ giá và lãi suất. Lãi suất liên ngân hàng dự báo vẫn sẽ duy trì quanh ngưỡng 4-5%, trong đó áp lực chủ yếu vào quý III và có thể hạ nhiệt vào quý IV.

Trong thời gian tới, nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục sử dụng linh hoạt công cụ thị trường mở, duy trì lãi suất liên ngân hàng lên ngưỡng cao nhằm giảm chênh lệch lãi suất VND và USD để giảm sức ép cho tỷ giá.

Sẽ bán ngoại tệ để ổn định tỷ giá?

Trong bối cảnh tỷ giá còn chịu nhiều áp lực, các chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán VCBS cho rằng, không loại trừ khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục bán USD giao ngay nhằm ổn định tỷ giá. Theo đó, một lượng VND có thể được rút ra khỏi hệ thống.    

Thời gian tới, ngân hàng Nhà nước vẫn nỗ lực thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp đảm bảo thị trường tiền tệ, ngoại tệ duy trì thông suốt. Đảm bảo tỷ giá và lãi suất diễn biến phù hợp, góp phần ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Áp lực hiện nay đã giảm khá nhiều so với trước đây.

- Bà Nguyễn Linh Phương, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước)

Bà Nguyễn Linh Phương chia sẻ, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã phải nỗ lực để ổn định tỷ giá, trong đó có động thái bán ngoại tệ can thiệp. Tuy nhiên, bà Phương cho rằng, đây là động thái bình thường của nhà điều hành. Ngân hàng Nhà nước nhiều năm qua thường xuyên mua hoặc bán ngoại tệ can thiệp, rất hiếm năm không phải làm gì. Thị trường ngoại tệ vận động không ngừng với luồng vốn ra - luồng vốn vào, Ngân hàng Nhà nước với tư cách là người mua/bán cuối cùng, khi thị trường dư cung, Ngân hàng Nhà nước mua ngoại tệ vào tăng dự trữ ngoại hối. Ngược lại, khi thị trường thiếu, Ngân hàng Nhà nước bán ra.

“Dự trữ ngoại hối như hồ điều hòa. Tính chuỗi dài nhiều năm liên tục, dự trữ ngoại hối đã tăng đáng kể. So với cuối năm 2015, dự trữ ngoại hối tăng gần 3 lần. Vừa qua, trước áp lực tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước bán ngoại tệ ra, đáp ứng nhu cầu hợp pháp của nền kinh tế, trong đó một phần tương đối lớn là nhu cầu của nhà đầu tư gián tiếp”, bà Phương cho hay.

Theo ông Trần Ngọc Báu, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã bán khoảng 6 tỷ USD để can thiệp thị trường, làm giảm kho dự trữ ngoại hối. Vì vậy, nếu tỷ giá tiếp tục tăng thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ phải rất cân nhắc giữa việc tiếp tục bán ngoại tệ hay tăng lãi suất.

Ngân hàng Nhà nước vẫn đang thực hiện các nghiệp vụ để điều tiết, bơm chỗ thiếu và hút chỗ thừa với VND (mỗi ngày Ngân hàng Nhà nước có 2 phiên vừa bơm vừa hút tiền). Các chuyên gia kỳ vọng, với khả năng sử dụng công cụ chính sách tiền tệ ngày càng nhịp nhàng, tỷ giá và lãi suất sẽ trong mức kiểm soát. Điều đáng mừng là từ tháng 4/2024 đến nay, đà tăng tỷ giá đã chậm lại.

Tỷ giá sẽ giảm dần vào cuối năm
Tỷ giá được giới phân tích tài chính nhận định sẽ dịu dần về cuối năm. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn phải chủ động phòng ngừa rủi ro...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư