Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Tìm “kép chính” nâng công suất Sân bay Tân Sơn Nhất
Anh Minh - 03/12/2018 19:35
 
Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) sẽ phải sớm xây dựng các phương án huy động vốn để đầu tư mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất với hàng loạt công trình dân dụng trị giá khoảng 25.000 tỷ đồng.

Xã hội hóa

Theo thông tin của Báo Đầu tư, Bộ GTVT vừa chỉ đạo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV) nghiên cứu, xây dựng các phương án huy động vốn, lộ trình đầu tư Nhà ga hành khách T3 và các công trình đồng bộ tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Thời gian ACV phải hoàn thành nhiệm vụ này là cuối tháng 11/2018.

Sân bay Tân Sơn Nhất nhìn từ trên cao. Ảnh : S.T
Sân bay Tân Sơn Nhất nhìn từ trên cao. Ảnh : S.T

Trước đó, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có ý kiến tại Văn bản số 10902/VPCP-CN ngày 9/11/2018 giao Bộ GTVT xây dựng các phương án huy động vốn để mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, trong đó ưu tiên phương án huy động vốn xã hội cho đầu tư và làm rõ thuận lợi, khó khăn của từng phương án. 

“Bộ GTVT đề xuất lựa chọn phương án tối ưu và hiệu quả nhất để có thể đa hạng mục đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ và Nhà ga hành khách T3 vào khai thác trong năm 2020”, Phó thủ tướng chỉ đạo.

Cần phải nói thêm rằng, trong công văn về phương án huy động vốn và lộ trình đầu tư Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất gửi Thủ tướng Chính phủ vào cuối tháng 9/2018 (phương án tháng 9), Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, trước tình hình một số cảng hàng không bị quá tải, một số địa phương và nhà đầu tư đã đề nghị được tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không tại một số sân bay mà ACV đang khai thác. Tuy nhiên, Bộ GTVT gặp một số khó khăn, bất cập về quy định liên quan đến hình thức xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không. 

Do định hướng xã hội hóa đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng hàng không là vấn đề lớn, phức tạp, Bộ GTVT đang chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam và ACV đánh giá vai trò của ACV trong việc quản lý, đầu tư, khai thác công trình kết cấu hạ tầng hàng không trước và sau khi cổ phần hóa; trên cơ sở điều kiện thực tế của Việt Nam, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để đề xuất vai trò của ACV và định hướng xã hội hóa đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng hàng không để Bộ GTVT xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận làm cơ sở thực hiện. 

“Trên cơ sở đó, Bộ GTVT sẽ tiến hành công bố rộng rãi danh mục dự án hàng không kêu gọi xã hội hóa đầu tư để các nhà đầu tư quan tâm đề xuất dự án và tham gia đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, đảm bảo bình đẳng, minh bạch”, ông Thọ cho biết.

Liên quan việc chọn nhà đầu tư xây dựng nhà ga T3, Bộ GTVT cho biết, nếu thực hiện xã hội hóa đầu tư, bộ này sẽ phải tiến hành đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) mất khoảng 1,5 - 2 năm. Do đó, việc nâng công suất Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất lên 50 triệu hành khách/năm khó có thể hoàn thành vào năm 2022, trong khi áp lực quá tải tới cửa ngõ hàng không lớn nhất nước đang rất căng thẳng.

Hay chọn ACV?

Trong phương án tháng 9/2018, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ giao ACV ưu tiên triển khai ngay nhà ga hành khách T3 công suất 20 triệu khách/năm, sân đỗ, đường giao thông phụ trợ trên diện tích đất được Bộ Quốc phòng thống nhất bàn giao để giảm ùn tắc giao thông. Thời gian đầu tư các hạng mục này dự kiến từ năm 2018 đến năm 2020. ACV cũng sẽ gánh trách nhiệm đầu tư 2 hạng mục không có khả năng sinh lời, nhưng được đánh giá là “cấp bách, không thể không đầu tư” là hồ chứa nước và trạm bơm cưỡng bức (năm 2018 - 2019) và hệ thống đường lăn song song, đường lăn nối, cải tạo đường cất hạ cánh 25R/07L (2019 - 2020).

Tổng chi phí các hạng mục do ACV chủ trì đầu tư khoảng 13.000 - 15.000 tỷ đồng..

Đối với khu dịch vụ kỹ thuật phía Bắc vừa được bổ sung tại Quyết định số 1942/QĐ-BGTVT ngày 31/8/2018 về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chi tiết Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Bộ GTVT sẽ tổ chức công bố danh mục để kêu gọi xã hội hóa đầu tư.

Một lý do quan trọng khác mà Bộ GTVT “đặt cửa” giao ACV đầu tư những hạng mục hàng không dân dụng chính yếu để “nâng đời” Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất là việc tổng công ty này đã cân đối đủ nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng tại cả 21 cảng hàng không đang khai thác, trong đó có các công trình nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất theo quy hoạch điều chỉnh mới được phê duyệt.

Ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT ACV cho biết, trên cơ sở kế hoạch kinh doanh giai đoạn 2018 - 2025, tỷ lệ chia cổ tức dự kiến 9%/năm, tổng công ty này có thể cân đối được khoảng 90.838 tỷ đồng (chưa tính 16.841 tỷ đồng tiền mặt hiện có). Sau khi đầu tư vào các dự án nhóm A, nhóm B, ACV vẫn dư ra khoảng 36.042 tỷ đồng để đầu tư Dự án Sân bay Long Thành.

Về nguồn vốn, ông Thanh cho biết, ACV dùng vốn tự có là Quỹ Đầu tư phát triển và Quỹ Khấu hao của Tổng công ty. Ngoài ra, ACV cũng tính tới chuyện vay vốn ngân hàng thương mại. “Tùy từng dự án, có thể vay vốn thương mại hoặc liên doanh, liên kết với các nhà đầu tư khác”, ông Thanh khẳng định.

Các hạng mục mở rộng, nâng công suất Sân bay Tân Sơn Nhất
Mở rộng Nhà ga quốc tế: chi phí khoảng 500 tỷ đồng
Xây dựng Nhà ga hành khách T3: chi phí 9.500 tỷ đồng
Mở rộng Nhà ga T1: 400 tỷ đồng
Mở rộng sân đỗ 19,79 ha: 1.070 tỷ đồng
Mở rộng sân đỗ phía Bắc: 671 tỷ đồng
Xây dựng nhà để xe trước Nhà ga T2: 500 tỷ đồng.
Đề xuất đầu tư 150 tỷ đồng xử lý ngập khu vực sân bay Tân Sơn Nhất
Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước thành phố đề nghị UBND TPHCM chấp thuận chủ trương đầu tư dự án cải tạo kênh Hy Vọng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư