Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 15 tháng 01 năm 2025,
Tìm nét vẽ thông minh cho chữ “Nhân” thời 4.0
Lê Quân - 29/01/2020 10:22
 
Thời 4.0, chữ “nhân” có thể được viết ra nhanh hơn nhờ máy móc, công nghệ, nhưng căn chỉnh sao cho khỏi lệch tâm, cho hài hòa giữa công nghệ và con người, giữa vật chất và nhân văn thì cần đến những thứ thông minh hơn công nghệ.

Lệch tâm

Nhắc lại câu nói của người xưa: “Nhất niên Thụ cốc - Thập niên Thụ Mộc - Bách niên Thụ Nhân - Vạn niên Thụ Đức”, ông Nguyễn Vi Khải, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Phan Văn Khải, nguyên Viện trưởng Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học luận giải chữ “Nhân” đứng hàng thứ 3 trong 4 điều quan trọng cần nuôi dưỡng, vun đắp ở đời.

Vun cây thì cần 10 năm, nhưng bồi dưỡng nhân tài cần đến trăm năm. Luận về tượng hình, kỳ thực viết chữ nhân trong tiếng Hán rất giản đơn với hai nét bút, nhưng làm “người” thì rất khó. Bồi dưỡng nhân tài không phải việc một sớm một chiều. Đào luyện nhân tài nên được đặt là kế sách hàng đầu và lâu dài, chẳng thế mà danh sĩ Thân Nhân Trung có câu “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, nguyên khí thịnh thì đất nước mạnh.

Trong nhiều nét nghĩa, chữ “Nhân” có một nét biểu thị sự phát triển, một nét biểu thị cho sự già yếu. Nghĩa là, đời người chính là quá trình trao đổi, thay cũ đổi mới, cái mới không ngừng được sinh ra, cái cũ không ngừng bị đào thải để hướng đến sự phát triển, tiến bộ.

Bàn về “nguyên khí quốc gia”, ông Nguyễn Vi Khải cho rằng, chúng ta có Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước ban hành ngày 6/8/2008, rất hay, đúng và trúng, nhưng kết quả triển khai chưa được như mong muốn.

“Có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc chúng ta chỉ còn chú ý nhiều hơn đến các vấn đề mang tính vật chất như GDP tăng trưởng bao nhiêu, xuất khẩu thế nào, thu hút đầu tư ra sao… Đây là một trong những điểm chưa cân xứng trong phát triển mà cả hai Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải nhắc nhiều trước đó”, ông Nguyễn Vi Khải nhấn mạnh.

Theo ông Khải, quá trình phát triển mất cân đối là bởi, chúng ta chưa chú ý đúng mức đến vấn đề con người, dẫn đến văn hóa xã hội xuống cấp, đạo đức xô lệch, thậm chí nhiều chuẩn mực bị đảo lộn.

“Văn hóa là thứ trường tồn vĩnh viễn, nếu mất văn hóa là mất tất. Khủng hoảng kinh tế có thể hồi phục theo quy luật phát triển, nhưng khủng hoảng và xuống cấp văn hóa thì rất đáng sợ, để phục hồi sẽ mất nhiều công sức, tiền của, thời gian”, ông Khải nói.

Hoàn cảnh lịch sử khiến chúng ta lỡ nhịp các cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 2, thứ 3, lỡ cơ hội “tôi luyện” và cho “ra lò” được thế hệ những người Việt Nam vượt trội - những nguyên khí đưa đất nước đột phá, thì cách mạng 4.0 là cơ hội tốt để Việt Nam đi tắt đón đầu. 

Muôn sự tại nhân

Vậy chọn lối tắt nào, đón đầu như thế nào với thời đại 4.0 - thời đại mà những tiến bộ công nghệ tạo ra sự kết nối giữa thế giới thực, thế giới số và thế giới sinh vật hữu cơ, tạo ra những công cụ sản xuất hội tụ giữa thực và ảo?

Cách mạng 4.0 gắn với công nghệ Internet Vạn vật (IoT), thành phố thông minh, trí tuệ nhân tạo, robot thông minh, máy in 3D, công nghệ nano… Thông qua chuyển đổi số, công trình, máy móc và thiết bị có thể đảm nhiệm được nhiều việc vốn lâu nay chỉ con người mới làm được, sẽ khiến không ít người lao động phải “ngồi chơi xơi nước”.

Các chuyên gia khuyến cáo, người thành công ở thời 4.0 phải là người biết điều hành các cỗ máy thông minh, muốn vậy phải giải bài toán gốc rễ mà Việt Nam đang bí là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Bà Rachel Barger, Giám đốc vận hành Tập đoàn giải pháp công nghệ và phần mềm SAP khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Nhật Bản đánh giá, nhân lực cùng với chính sách và nền tảng công nghệ là ba trụ cột mà Việt Nam cần bám chắc để chuyển đổi số. Trong đó, bài toán nhân lực cần được giải quyết thấu đáo. Theo đó, chúng ta không cung cấp nhân lực vận hành các nền tảng công nghệ 4.0, mà còn phải hướng đến xây dựng mạng lưới nhân tài cho hoạt động đổi mới, sáng tạo.

Để bắt kịp xu thế và cơ hội từ cách mạng 4.0, đòi hỏi phải có sự chuyển biến đầu tiên và trước hết từ trụ cột nhân lực, cụ thể là từ nền giáo dục và chất lượng đào tạo. Để làm điều đó, Việt Nam được khuyến nghị tăng tốc chuyển đổi theo hướng xây dựng nguồn nhân lực năng động hơn, không chỉ giỏi về lý thuyết, chuyên môn, mà phải vận dụng nhanh nhạy và vững vàng trên thực tiễn.

Mô hình nhóm học tập (learning teams), STEM (trang bị cho người học những kiến thức và kỹ năng cần thiết liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học để vận dụng giải quyết các vấn đề hàng ngày) hay cao hơn là STEAM (phương pháp giáo dục giúp người học vận dụng các môn khoa học, công nghệ, kỹ thuật, nghệ thuật và toán học để tìm hiểu thông tin, đối thoại và rèn luyện tư duy phản biện) được nhiều chuyên gia quốc tế khuyến nghị Việt Nam theo đuổi.

Trăn trở về điều này, PGS-TS. Trần Thị Thái Hà (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) nhớ lại, cách đây hơn 10 năm, Việt Nam đã áp dụng mô hình giáo dục kiểu “learning teams”, nhưng chủ yếu tại các lớp học vùng dân tộc thiểu số - nơi mà các học sinh dân tộc thiểu số rất cần được hỗ trợ, ít nhất là về ngôn ngữ. Mô hình này huy động các nhân viên hỗ trợ, họ là phụ huynh học sinh, người từ cộng đồng, hội phụ nữ… Thực tế công tác triển khai mô hình này khá thành công, nhưng khi các dự án tài trợ kinh phí thực hiện mô hình này kết thúc, thì việc triển khai mô hình cũng phải dừng lại.

“Điều kiện tài chính cho thực hiện các mô hình, sáng kiến chuyển đổi giáo dục là rất quan trọng, nếu thiếu sẽ rất khó triển khai hiệu quả và nhân rộng các mô hình đó”, PGS-TS. Trần Thị Thái Hà nêu.

Có quan điểm khác, GS. Ju-Ho Lee, cựu Bộ trưởng Giáo dục, Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc cho rằng, “learning teams” không nhất thiết cần đến nhiều giáo viên cho một lớp học, nên không làm tăng gánh nặng tài chính. Ngược lại, về lâu dài, mô hình này có thể giúp giảm chi phí vì việc hoạt động theo nhóm đem lại cơ hội học tập cho mọi người.

Từ kinh nghiệm thực tiễn trong cải cách giáo dục, bà Mari Elka Pangestu, cựu Bộ trưởng Du lịch và Kinh tế Sáng tạo của Indonesia khẳng định, chất lượng nguồn nhân lực vẫn là yếu tố quyết định đối với mục tiêu tăng trưởng kinh tế dài hạn và xa hơn là nắm bắt, làm chủ cuộc cách mạng 4.0. 

“Công nghệ có tối tân đến đâu vẫn cần có lao động đủ kỹ năng, vững tay nghề sử dụng nó. Với Việt Nam cũng vậy, vốn con người chính là trụ cột cho tăng trưởng trong tương lai”, bà Mari Elka Pangestu lập luận.

Là người có nhiều năm giảng dạy tại Đại học Y Hà Nội, ông Nguyễn Vi Khải chiêm nghiệm, muốn thắng trong cuộc đua 4.0, các trường, cơ sở đào tạo phải nắm rõ xu hướng 4.0 để đề ra phương thức đào tạo phù hợp. Năng lực tiếp nhận, hấp thụ tri thức của con người là có hạn, trong khi kiến thức là vô tận, vì vậy, cần bỏ lối đào tạo theo kiểu nhồi nhét kiến thức, thay vào đó là trang bị cho người học phương pháp tiếp cận tốt làm chìa khóa để mở cánh cửa 4.0.

Hơn nữa, cách mạng 4.0 sẽ có tác động kép, không chỉ đặt ra thách thức và cơ hội, mà còn đào thải những gì không tích hợp được với nó, buộc người ta phải lựa chọn giữa tiến bộ hay thụt lùi. 

Do đó, không thể mang lối quản trị, vận hành xưa cũ vào cuộc chơi đẳng cấp và thay đổi chóng vánh như 4.0. Và không ai điều chỉnh lối vận hành, quản trị đó nhanh hơn, thông minh hơn chính chúng ta, bởi như cha đẻ của khái niệm cách mạng 4.0 - ông Klaus Schwab, Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) từng cắt nghĩa: “Cách mạng 4.0 không đơn thuần chỉ thay đổi những gì chúng ta đang làm, mà thực sự, nó thay đổi chính chúng ta”. Do đó, giá trị của con người, của chữ “Nhân” trong thời đại 4.0 này càng quan trọng hơn bao giờ hết.

Khốc liệt kinh doanh thời 4.0
Sự phá sản của nhiều thương hiệu đình đám trong những lĩnh vực bán lẻ truyền thống dẫn tới sự “vươn vòi” mạnh mẽ của các ông lớn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư