Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Tín dụng bất động sản tăng 14%, NHNN lo lắng an toàn hệ thống, NHTM khó được nới room
T.L - 30/07/2022 14:19
 
Thông tin với báo chí ngày 30/7, NHNN cho rằng, một số ngân hàng từ chối cho vay không hẳn do hết room mà do phải đảm bảo các tỷ lệ an toàn, hoặc do bị xếp hạng thấp...
f
Nhiều ngân hàng mạnh tay cho vay bất động sản, tiềm ẩn rủi ro lớn cho hệ thống

NHNN lo ngại vì ngân hàng thương mại đổ xô cho vay bất động sản

Theo NHNN, Thời gian qua, một số TCTD phản ánh hết “room” tín dụng là do các TCTD tăng tín dụng quá nhanh trong 6 tháng đầu năm. Việc từ chối cho vay đối với khách hàng không hẳn là do hết room mà còn có thể do phải đảm bảo các tỷ lệ an toàn, hoặc một số NH xếp hạng thấp không được tăng trưởng tín dụng cao...

Với bản chất hoạt động ngân hàng chủ yếu tập trung cho vay ngắn hạn, cho vay bổ sung vốn lưu động thì thường xuyên có nguồn thu nợ, cho vay. Tuy nhiên, một số TCTD chủ yếu cho vay trung dài hạn, tập trung vào lĩnh vực bất động sản thì thời gian quay vòng vốn chậm, không thu hồi được nợ nhanh, nên dẫn đến hết dư địa tăng trưởng tín dụng.

Tuy nhiên, việc xử lý ách tắc dòng vốn của thị trường BĐS cần được cân nhắc và tiếp cận theo nhiều nguồn vốn khác nhau, và không đẩy rủi ro tới hệ thống ngân hàng.

Suy cho cùng hệ thống ngân hàng rủi ro chính là rủi ro đối với khả năng chi trả cho người gửi tiền bởi vốn cho thị trường BĐS thường dài hạn trong khi vốn huy động của hệ thống ngân hàng 80% là ngắn hạn.

Tín dụng đến 30/6/2022  đatăng 9,35% so với cuối năm trước (tăng 16,69% so với cùng kỳ năm 2021), là mức tăng 06 tháng đầu năm cao nhất trong vòng 10 năm qua. Ttrong đó số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp tăng 3,21% so với cuối năm 2021 và chiếm 2,49% tổng dư nợ tín dụng (cùng kỳ 2021 giảm 4,67%, chiếm 2,27%).

Riêng về tín dụng bất động sản, NHNN cho hay, đến tháng 6/2022, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực BĐS đạt trên 2,36 triệu tỷ đồng, tăng 14,07% so với cuối năm 2021, chiếm 20,74% tổng dư nợ tín dụng  toàn  hệ  thống  (cùng  kỳ  năm  2021 tăng 8,2%, chiếm 19,9%).

Bất động sản không thể dựa quá lớn vào tín dụng ngân hàng

Theo NHNN, dòng vốn đầu tư vào thị trường BĐS rất đa dạng, bao gồm vốn FDI, vốn huy động từ thị trường quốc tế thông qua phát hành TPDN hoặc vay các tổ chức nước ngoài, huy động từ thị trường chứng khoán, từ phát hành TPDN, nguồn vốn tự có, tự tích lũy của các tổ chức, cá nhân và vay từ TCTD. Như vậy nguồn vốn tín dụng từ hệ thống TCTD chỉ là một trong số các nguồn vốn đầu tư vào thị trường BĐS, nhưng đây là nguồn vốn mang tính chất trọng yếu.

Hiện dư nợ tín dụng BĐS đã đạt trên 2,36 triệu tỷ đồng, chiếm 20,74% tổng tín dụng toàn hệ thống và tăng 14,07% so với cuối năm 2021, cao hơn tăng trưởng tín dụng chung của toàn hệ thống và cùng kỳ các năm trước.

Theo NHNN, tín dụng ngân hàng chỉ giải quyết được các vấn đề trước mắt, tạm thời đối với thị trường BĐS về nguồn vốn cho sự phát triển của thị trường này.

 Về lâu dài, để phát triển thị trường BĐS lành mạnh, bền vững cần có các giải pháp đồng bộ để khơi thông nguồn vốn đa dạng, an toàn, hiệu quả, hỗ trợ thị trường BĐS.

Tín dụng ngân hàng được đẩy mạnh quá mức vào BĐS sẽ tạo rủi ro lớn, ảnh hưởng trọng yếu tới an toàn hệ thống các TCTD nói riêng và nền kinh tế nói chung. Do nhu cầu tín dụng đối với lĩnh vực BĐS thường có thời gian vay vốn dài (hiện nay khoảng 94% dư nợ tín dụng BĐS có thời gian vay vốn từ 10-25 năm), trong khi nguồn huy động của hệ thống TCTD chủ yếu là ngắn hạn với lãi suất thay đổi theo thị trường (80% nguồn vốn huy động của hệ thống TCTD là tiền gửi ngắn hạn), vì vậy TCTD sẽ đối mặt với rủi ro thanh khoản, không đáp ứng được nhu cầu chi trả tiền gửi cho người dân.

Do đó, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng, NHNN đã triển khai đồng bộ các giải pháp, chính sách nhằm kiểm soát chặt chẽ tín dụng chảy vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro thời gian qua, thông qua việc thường xuyên rà soát, hoàn thiện VBQPPL về tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD (trong đó có lộ trình điều chỉnh giảm dần tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung dài hạn), tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động cấp tín dụng của các TCTD, đặc biệt là tín dụng BĐS.

Room tín dụng đã được phân bổ hợp lý theo sức khỏe từng ngân hàng

Năm nay, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2022 khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.  

Trong quá trình điều hành chỉ tiêu 14%, NHNN cập nhật và bám sát diễn biến lạm phát, tăng trưởng GDP, tình hình kinh tế trong, ngoài nước, tiến độ xây dựng, thực hiện Đề án tái cơ cấu các TCTD và triển khai Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH theo Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị quyết 11 của Chính phủ để thường xuyên cập nhật các dự báo kinh tế vĩ mô, rà soát điều chỉnh mô hình, đảm bảo phù hợp với tình hình diễn biến thực tiễn của thị trường.

NHNN cho biết, căn cứ định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2022 khoảng 14%, có điều chỉnh linh hoạt trên cơ sở diễn biến lạm phát, tình hình kinh tế trong, ngoài nước, NHNN đã phân bổ tăng trưởng tín dụng năm 2022 cho từng TCTD trên một số nguyên tắc.

Thứ nhất là căn cứ vào kết quả xếp hạng từng TCTD theo các tiêu chí và chấm điểm quy định tại Thông tư 52/2018/TT-NHNN. Thông tư 52 chấm điểm để xếp hạng các TCTD theo hệ thống 6 tiêu chí, gồm: Vốn; Chất lượng tài sản; Quản trị điều hành; Kết quả hoạt động kinh doanh; Khả năng thanh khoản; Mức độ nhạy cảm đối với rủi  ro thị trường. Kết quả chấm điểm, xếp hạng TCTD theo Thông tư 52 được NHNN gửi đến từng TCTD.

Thứ hai, xem xét một số yếu tố cụ thể hóa chủ trương, định hướng điều hành của Chính phủ, NHNN như tiêu chí giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, tiêu chí tín dụng tập trung vào lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, tiêu chí TCTD tham gia hỗ trợ xử lý các ngân hàng yếu kém… để làm cơ sở điều chỉnh tăng/giảm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với các TCTD trong quá trình phân bổ/điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng TCTD.\

Các tiêu chí này được NHNN xem xét theo nguyên tắc chung và được Ban lãnh đạo NHNN thông nhất trên cơ sở tham mưu của các đơn vị chức năng. Chủ trương được công bố công khai ngay từ đầu năm tại Chỉ thị số 01 hàng năm về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng.

Doanh nghiệp bất động sản đề nghị nới room tín dụng, NHNN nói gì?
Ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho hay chính sách tiền tệ đang chịu rất nhiều áp lực về lạm phát, lãi...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư