Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Tín dụng bất động sản Trung Quốc bất ngờ tăng nhanh nhất 3 năm qua
Đông Phong - 24/07/2022 13:28
 
Ủy ban Quản lý Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc cam kết hỗ trợ cho vay để giúp các nhà phát triển bất động sản hoàn thành dự án bị đình trệ và kích cầu trong nước.

Tuần này,

Tổ hợp nhà ở do Evergrande xây dựng tại thành phố Hoài An, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: AFP
Tổ hợp nhà ở do Evergrande xây dựng tại thành phố Hoài An, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: AFP

Ủy ban Quản lý Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc (CBIRC) đã tái khẳng định rằng, họ sẽ “tích cực "hỗ trợ tín dụng” để giúp các nhà phát triển bất động sản hoàn thành các dự án bị đình trệ càng sớm càng tốt.

Cơ quan này cũng thúc giục các ngân hàng cung cấp thêm các khoản vay thế chấp cho người mua nhà đủ điều kiện nằm kích cầu và thúc đẩy thị trường bất động sản.

Theo đánh giá của Ủy ban Quản lý Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc, những nỗ lực thúc đẩy cho vay bất động sản đã mang lại kết quả. 

Theo đó, vay thế chấp bất động sản đã tăng lên sau khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc hạ 0,2 điểm phần trăm lãi suất thế chấp vào tháng 5 đối với những người mua nhà lần đầu. Kết quả là có đến 90% khoản vay thế chấp đã đến tay những người mua nhà đầu tiên.

"Tốc độ cho vay liên quan đến bất động sản đã tăng nhanh nhất kể từ năm 2019", Liu Zhongrui, một quan chức của Ủy ban Quản lý Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc, nêu tại cuộc họp báo trong tuần này ở Bắc Kinh.

Có thể nói việc tái khẳng định tích cực hỗ trợ tín dụng bất động sản là cam kết mới nhất trong số một loạt các động thái của chính quyền Trung Quốc nhằm xoa dịu làn sóng tẩy chay khoản vay thế chấp bất động sản tại quốc gia 1,4 tỷ dân.

Theo đài CNN, ngày càng nhiều người mua nhà ở Trung Quốc bất mãn và "đình công" thanh toán các khoản thế chấp cho các dự án mà họ đặt mua nhưng chưa hoàn thành. Diễn biến này càng làm phức tạp những bất ổn trên thị trường bất động sản Trung Quốc thời gian qua, đồng thời làm gia tăng lo ngại về một cuộc khủng hoảng tài chính toàn hệ thống và bất ổn xã hội.

Trước khi xuất hiện làn sóng tẩy chay vay thế chấp, ngành bất động sản Trung Quốc đối mặt với chính sách thắt chặt tín dụng từ năm 2020. Để ngăn chặn dư nợ bất động sản phình to và kiềm chế giá nhà đất tăng cao, từ năm 2020, Bắc Kinh bắt đầu ngăn chặn việc vay nợ tràn lan của các chủ đầu tư dự án.

Khủng hoảng thanh khoản của các nhà phát triển bất động sản leo thang vào năm ngoái khi Evergrande - doanh nghiệp bất động sản mắc nợ nhiều nhất Trung Quốc (hơn 300 tỷ USD) - vật lộn để huy động tiền trả nợ. Thanh khoản bế tắc khiến nhiều dự án bất động sản trên khắp Trung Quốc bị đình trệ hoặc tạm dừng do các chủ đầu tư khan tiền.

Ở Trung Quốc, các công ty bất động sản được phép bán nhà trước khi hoàn thành và dùng doanh thu đó vào xây dựng dự án. Đây là cách thức giao dịch phổ biến nhất trên thị trường bất động sản Trung Quốc. Thế nhưng, việc các dự án bị đình trệ vì chủ đầu tư bí thanh khoản đã châm ngòi cho nguồn cơn "đình công" trả nợ thế chấp của người mua nhà.

Các nhà phân tích cảnh báo, việc tẩy chay thế chấp có thể khiến nợ xấu bất động sản ở các ngân hàng Trung Quốc tăng cao và tác động tiêu cực đến tâm lý giao dịch của thị trường bất động sản nước này.

Nếu doanh số tiếp tục giảm sâu hơn, các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc có thể đau đầu hơn với việc xoay sở tiền mặt, kéo theo nguy cơ vỡ nợ và dự án chậm bàn giao, từ đó tạo ra một vòng luẩn quẩn trên thị trường. Cuộc khủng hoảng bất động sản cũng sẽ gây áp lực lớn cho nền kinh tế và hệ thống tài chính Trung Quốc bởi bất động sản và các ngành liên quan chiếm tới 30% GDP của nước này.

Đầu tuần này, thành phố Trịnh Châu, Trung Quốc đã thành lập Quỹ cứu trợ các nhà phát triển bất động sản để giải quyết các dự án chưa hoàn thành. Đây là một trong những biện pháp cứu trợ đầu tiên của chính quyền địa phương nhằm xoa dịu làn sóng tẩy chay vay thế chấp bất động sản.

Quỹ sẽ được thành lập bởi Công ty quản lý tài sản Hà Nam có trụ sở tại Trịnh Châu và Tập đoàn bất động sản Trịnh Châu. Trịnh Châu nằm ở miền Trung Trung Quốc và là thủ phủ của tỉnh Hà Nam. Thành phố này hiện là tâm điểm của làn sóng tẩy chay vay thế chấp bất động sản ở Trung Quốc.

Không tiết lộ quy mô Quỹ cứu trợ, Công ty quản lý tài sản Hà Nam cho biết Quỹ cứu trợ sẽ được dành vào việc "hồi sinh các dự án bất động sản có vấn đề và cứu trợ các nhà phát triển đang gặp khó khăn".

Khủng hoảng bất động sản Trung Quốc đang lan rộng
Sau Evergrande, đến lượt Shimao Group, một tên tuổi bất động sản lớn khác của Trung Quốc, lỡ hẹn trả nợ. Diễn biến này làm dấy lên nghi ngại...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư