Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Tín dụng chính sách đã rất gần dân
N.M - 05/12/2017 19:17
 
Với mạng lưới điểm giao dịch rộng lớn, Ngân hàng Chính sách xã hội đã và đang tích cực đưa nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến tận tay người nghèo và các đối tượng chính sách.
ngân hàng Chính sách xã hội đưa nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến tận tay người nghèo và các đối tượng chính sách.
Ngân hàng Chính sách xã hội đưa nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến tận tay người nghèo và các đối tượng chính sách.

Bà Phạm Thị Thọ (xã Đông Sơn, TP. Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình) chia sẻ, năm 1997, gia đình bà thực hiện chính sách di dân đến sinh sống tại thôn 4A, xã Đông Sơn. Khi đó, hoàn cảnh gia đình rất nhiều khó khăn, nhà ở chỉ được dựng tạm bằng tre lá, vợ chồng rau cháo nuôi nhau. Đến năm 2010, tai nạn ập đến, chồng bà qua đời đột ngột để lại 3 con đang còn tuổi ăn, tuổi học. “Tôi rất muốn phát triển kinh tế để lo cho các con, nhưng cái khó nhất là vấn đề về vốn”, bà Thọ nói.

Tương tự, gia đình bà Hà Thị Đào (bản Hội 3, xã Châu Hội, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An) là một trong những hộ nghèo thuộc diện khó khăn trong bản. Nhà có 5 khẩu, 2 vợ chồng là lao động chính và 3 con đang tuổi ăn học. Nguồn thu nhập chính của gia đình chủ yếu là từ chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp, không có thu nhập gì khác. Gia đình luôn trong tình cảnh bữa đói, bữa no, nhưng vấn đề quan trọng nhất là thiếu vốn làm ăn.

Là người có thâm niên trong công tác ủy thác, quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách, ông Nguyễn Duy Hiến, Bí thư Đoàn xã Tân Lộc (huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) thừa nhận, một trong những nguyên nhân nghèo của hầu hết các hộ nghèo là thiếu vốn. Thực tế cũng cho thấy, đối với các tổ chức cho vay trong khu vực tài chính chính thức, việc cho vay người nghèo là quá rủi ro (có tỷ lệ vỡ nợ cao) và chi phí cao (chi phí giao dịch cao). Vì vậy, họ thường đặt ra các yêu cầu chặt chẽ về tài sản đảm bảo và chính điều này lại cản trở một bộ phận lớn người dân tiếp cận với tín dụng.

Thất bại của tài chính chính thức trong việc tiếp cận người nghèo và khả năng mở rộng hạn chế của tài chính nhóm phi chính thức đã khiến một phần lớn người nghèo tiếp tục bị bỏ lại và phải phụ thuộc vào nguồn tài chính tư nhân phi chính thức để đáp ứng các nhu cầu tín dụng của mình. Tín dụng phi chính thức được ước tính chiếm từ 30% đến hơn 80% nguồn cung tín dụng nông nghiệp tại các quốc gia đang phát triển.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, nếu để người dân nghèo quá, khó khăn quá, chênh lệch mức sống lớn quá, thì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa không thành công. Do đó, cán bộ làm tín dụng, hệ thống làm tín dụng chính sách nhất thiết phải gần dân, sát dân, phải nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của dân, để đáp ứng tốt hơn, phù hợp nhu cầu của người vay vốn.

Thực tế, tính đến ngày 30/9/2017, tổng nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội đã đạt 179.120 tỷ đồng và tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 169.036 tỷ đồng. Đã có gần 31,9 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, với doanh số cho vay đạt 433.245 tỷ đồng.

Trở lại với gia đình bà Thọ, năm 2012, được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay 30 triệu đồng, bà đã mua 2 con bò giống sinh sản, 5 con lợn nái và hơn chục con gà đẻ trứng. Cùng với sự tư vấn kỹ thuật do Hội Phụ nữ xã tổ chức, hiện nay, đàn bò nhà bà đã tăng lên 3 con, lợn đã tăng lên hàng chục con, gà đẻ trứng cũng tăng lên hàng trăm con. Gia đình đã đỡ khó khăn, kinh tế dần được cải thiện và đã xây được nhà.

“Đứng trước nguy cơ có thể tái nghèo bất cứ lúc nào, tôi đã đầu tư thêm vào kinh doanh chè khô, với thương hiệu chè Đông Sơn. Để có vốn, tôi đã bán 1 cặp bò sinh sản được 40 triệu đồng và vay thêm vốn chương trình hộ mới thoát nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền 50 triệu đồng đầu tư mở cửa hàng kinh doanh chè. Thương hiệu chè Đông Sơn giờ đã lan rộng ra không chỉ ở thị trường Tam Điệp, mà còn ở cả Ninh Bình, Hà Nội, Lạng Sơn. Cuộc sống đã được cải thiện, thu nhập hàng năm tăng đều và dần ổn định, tôi đã thoát nghèo bền vững”, bà Thọ hồ hởi nói.

Đóng góp của tín dụng chính sách:

Góp phần giúp trên 4,5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo;

Thu hút, tạo việc làm cho gần 3,4 triệu lao động, hơn 3,5 triệu lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập;

Xây dựng trên 9,9 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn, gần 105.000 căn nhà cho hộ gia đình vượt lũ vùng Đồng bằng sông Cửu Long, gần 528.000 căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách, trên 11.000 căn nhà phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung;

Trên 112.000 lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài...

Tín dụng chính sách - "Phao cứu sinh" cho người nghèo
Sau 15 năm hoạt động, Ngân hàng Chính sách xã hội (VBSP) tỉnh Sóc Trăng đã góp phần hỗ trợ hàng trăm ngàn lượt hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư