Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
Tín dụng chính sách: Điểm tựa cho người hoàn lương
Nhuệ Mẫn - 26/07/2023 18:47
 
11h trưa, trong cái nắng gay gắt, ông Lê Đình Ngoan (60 tuổi, ở bản Hương Sơn, xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu, Sơn La) vẫn phăm phăm leo lên đồi và sang sảng giới thiệu với đoàn công tác về vườn cây ăn quả của gia đình…
Ông Lê Đình Ngoan - bà Trần Thị Hường trò chuyện cùng ông Nguyễn Thế Cần, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mộc Châu bên căn nhà mới xây

Ông Ngoan hào hứng kể, hằng ngày, ông dậy lúc 5h sáng để chăm vườn cây có 140 gốc hồng giòn không hạt, trong đó 100 cây đã thu hoạch quả. Năm ngoái, hồng ít nên bán được giá, thương lái đến tận vườn thu mua với giá 40.000 đồng/kg 4 quả, 30.000 đồng/kg 6 quả, cả vườn hồng cho sản lượng 6 tấn, doanh thu gần 200 triệu đồng. Ngoài hồng, ông còn trồng nhãn, mận, cam canh và chè, nhưng sản lượng ít hơn. Theo đó, năm ngoái, tổng thu nhập của gia đình từ khu vườn khoảng 250 triệu đồng.

Có được thành quả trên, ông Ngoan cho biết, năm 2013, với quyết tâm thoát đói nghèo cùng sự tin tưởng của Hội Liên hiệp phụ nữ và Tổ Tiết kiệm và Vay vốn xã Chiềng Sơn, gia đình ông được vay 30 triệu đồng vốn sản xuất - kinh doanh của Ngân hàng Chính sách xã hội trong 3 năm. “Lần hồi và chí thú làm ăn, nên sau 3 năm, tôi đã trả hết nợ và đến năm 2021 tiếp tục được Ngân hàng cho vay 50 triệu đồng vốn hỗ trợ giải quyết việc làm trong 5 năm”, ông Ngoan nói.

Bà Trần Thị Hường (62 tuổi, vợ ông Ngoan) phấn khởi khoe ngôi nhà khang trang vừa xây năm ngoái trị giá 400 triệu đồng từ nguồn tiền thu được nhờ trồng trọt và tích lũy. Cùng với 20 triệu đồng từ chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn của Ngân hàng Chính sách xã hội trong 5 năm, nên sinh hoạt của gia đình đã ổn định và đàng hoàng hơn xưa.

“Đây là căn nhà thứ 10 chúng tôi xây dựng được. Gọi là nhà thứ 10 cho sang, chứ thực ra trước đây tôi nuôi 5 đứa con, trong khi chồng đi biền biệt 7 năm, nên nhà chỉ là lán trại được làm từ tre, nứa, cây trên rừng… Rồi trẻ con đốt rừng cháy sang nhà, dựng đi dựng lại mấy lần cho đến khi cố được căn nhà tranh vách đất, nhưng cuộc sống vẫn nheo nhóc. Đến nay, có nhà mới bê tông vững chắc, vợ chồng tôi cũng an lòng hơn”, bà Hường nói.

Bà Lê Thị Hồng, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Chiềng Sơn cho biết, trên địa bàn xã có 8 hộ gia đình được cho vay hoàn lương theo Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư do đích thân Công an và Chủ tịch xã đề xuất cùng với Hội Liên hiệp phụ nữ, Tổ Tiết kiệm và Vay vốn bình xét để vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội.

“Đây là chủ trương, chương trình cho vay rất nhân văn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về người hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng. Theo đó, nguồn vốn chính sách đã mang lại những thay đổi tích cực đối với cuộc sống người dân và gia đình ông Ngoan - bà Hường là một trong những điển hình thành công”, bà Hồng nói.

Thông tin về kết quả cho vay vốn giải quyết việc làm đến hết quý II/2023, ông Nguyễn Thế Cần, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mộc Châu cho biết, chương trình đã giúp 168 lao động được vay vốn để tạo việc làm. Đặc biệt, từ khi thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về khôi phục và phát triển kinh tế, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mộc Châu đã cho vay với hơn 800 lao động, số tiền hơn 45 tỷ đồng để hỗ trợ, duy trì và mở rộng việc làm cho người lao động trên địa bàn huyện…

Qua đó, chương trình tiếp tục góp phần hiệu quả trong công cuộc giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương. “Chương trình cho vay giải quyết việc làm hàng năm đã tạo điều kiện cho hàng trăm lao động có việc làm ổn định, tăng thu nhập, đời sống gia đình từng bước được cải thiện. Dù huyện Mộc Châu vẫn có món nợ quá hạn, do hộ cho vay hoàn lương có kinh tế gia đình rất khó khăn, chưa có khả năng trả nợ, nhưng chúng tôi vẫn tin tưởng vào sự quyết tâm của các hộ gia đình”, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mộc Châu nói.

Nhìn ra đồi cây dang nắng, ông Ngoan nói: “Năm nay, sản lượng sẽ giảm do nắng nhiều, mưa ít, cây chè 40 năm cũng chết. Nhưng không thể nắng mãi được, ông trời sẽ không phụ người có công và quyết tâm như gia đình tôi cùng các anh chị em của Ngân hàng Chính sách xã hội, chính quyền và tổ, hội của huyện Mộc Châu…”.

Tín dụng chính sách bám rễ những vùng đất khó khăn
Tại huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An, những đồi chè, vườn mía và cả cánh đồng rau, cam, bưởi... ngày một trải rộng; những con đường nhựa, bê...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư