Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Tín dụng tăng cao, khó ngăn vốn vào bất động sản
 
Việc mục tiêu tăng trưởng tín dụng được nâng lên 21% trong năm nay sẽ tạo điều kiện tốt để các ngân hàng mở rộng thị phần cho vay, nhất là vào những tháng cuối năm. Trong bối cảnh này, các chuyên gia tài chính - kinh tế nhận định, nhiều khả năng rủi ro sẽ gia tăng khi khó ngăn dòng vốn chảy vào bất động sản và nếu không kiểm soát chặt sẽ tái diễn tình trạng nợ xấu ở mức cao.
Nếu bơm vốn ra mà hấp thụ không tốt sẽ làm méo mó dòng vốn, đồng thời khó tránh được nguy cơ nợ xấu
Nếu bơm vốn ra mà hấp thụ không tốt sẽ làm méo mó dòng vốn, đồng thời khó tránh được nguy cơ nợ xấu

Vốn sẽ chảy vào bất động sản

Theo một lãnh đạo ngành ngân hàng, tín dụng tăng trưởng 21% tương đương với việc sẽ có khoảng 600.000 tỷ đồng được bơm vào nền kinh tế. Điều đáng quan tâm là nguồn vốn này sẽ chảy vào lĩnh vực nào để đảm bảo hạn chế được rủi ro nợ xấu.

Vị lãnh đạo trên đánh giá, khó ngăn được dòng vốn tín dụng chảy vào lĩnh vực bất động sản. Bởi thực tế hiện nay và sắp tới đây, phân khúc tín dụng được các ngân hàng tập trung nhiều nhất vẫn là bất động sản.

Theo thông điệp từ các nhà băng, ngành ngân hàng chỉ đẩy mạnh vốn cho cá nhân vay mua nhà, hạn chế rót vốn cho chủ đầu tư dự án. Tuy nhiên, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định, nếu không cẩn trọng và kiểm soát tốt chất lượng tín dụng thì rủi ro đối với tín dụng mua nhà là không nhỏ.

Bởi thực tế đã cho thấy, khủng hoảng tài chính toàn cầu từng xảy ra khi bong bóng tín dụng cho vay mua nhà tại Mỹ vỡ tung, tạo tác động dây chuyền dẫn đến hậu quả là nhiều nhà băng lớn phải phá sản. Vì thế, nâng cao mục tiêu tăng trưởng tín dụng không phải là vấn đề xấu, nhưng trước hết cần xem xét đến sức hấp thụ vốn của nền kinh tế.

Báo cáo Triển vọng thị trường Việt Nam tháng 9/2017 "Tín dụng nhiều hơn để thúc đẩy tăng trưởng" vừa được Ngân hàng HSBC Việt Nam công bố đánh giá, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 21% có thể dễ dàng đạt được với đà tăng trưởng tín dụng như hiện tại và việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cắt giảm lãi suất trong tháng 7/2017.

Tuy nhiên, HSBC đưa ra các điềm cần lưu ý, đó là tăng trưởng tín dụng nhanh có thể tạo ra những rủi ro mới cho ngành ngân hàng, đặc biệt nếu tín dụng mới được phân bổ cho các ngành công nghiệp kém hiệu quả.

Trong khi đó, tổng giám đốc một ngân hàng nước ngoài cho rằng, nếu các ngân hàng đẩy mạnh vốn cho cá nhân vay mua nhà ở phân khúc căn hộ có mức giá phù hợp với khách hàng có thu nhập trung bình thì sẽ không tạo ra vấn đề đáng lo ngại, đồng thời vẫn kiểm soát được nợ xấu.

Bên cạnh đó, so với trước đây, hiện nay các ngân hàng đã kiểm soát chặt chẽ hơn rủi ro trong cho vay bất động sản. Tuy nhiên, vẫn cần cảnh giác với phân khúc căn hộ cao cấp, bởi giá cao khiến hàng hóa khó được tiêu thụ hơn và thị trường đang có dấu hiệu chững lại.

Sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp yếu

Chuyên gia tài chính - ngân hàng Huỳnh Bửu Sơn nhận định, việc tín dụng tăng được hay không phụ thuộc vào nhu cầu hấp thụ vốn của nền kinh tế. Nếu nhu cầu vốn của doanh nghiệp tăng trong quý còn lại của năm, nhất là những tháng cận tết thì mục tiêu đưa ra nói trên là không khó.

Thông thường nhu cầu vốn của khách hàng luôn tăng trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm. Nhưng thực tế hiện nay, không chỉ phía doanh nghiệp ngại lãi suất, chi phí cao mà ngân hàng cũng phải thận trọng trong cho vay, nhằm hạn chế rủi ro nợ xấu tăng. Đặc biệt là với tín dụng bất động sản, bởi lượng vốn chảy vào không ít trong khi thị trường nhà đất chưa thể đánh giá là phát triển bền vững.

Trong khi đó, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng khuyến cáo, nếu đẩy tín dụng tăng lên cao như hiện nay thì trong những tháng tới sẽ rất nguy hiểm, vốn chảy vào bất động sản và rủi ro nợ xấu là khó lường.

“Trước đây, khi nền kinh tế khó khăn, tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm, Chính phủ đã đẩy tốc độ tăng trưởng tín dụng lên rất cao gây nên tình trạng lạm phát quá mức. Đến năm 2011 lại đưa ra chính sách siết chặt tín dụng, gây ra hậu quả là doanh nghiệp đứt hơi, kiệt quệ, di chứng vẫn còn đến tận bây giờ.

Khu vực doanh nghiệp Việt Nam bao gồm cả nhà nước và tư nhân còn đang yếu”, ông Thiên nói và cho biết thêm, trong một năm gần đây, dòng tín dụng được “lái” vào bất động sản, thị trường chứng khoán nên có thể lặp lại chu kỳ cũ và tạo ra bong bóng trên 2 thị trường này.

Chưa kể, hiện tại, khả năng hấp thụ tín dụng của doanh nghiệp Việt Nam vẫn rất yếu. Vốn đầu tư công 8 tháng đầu năm 2017 mới giải ngân được hơn 40%, cho thấy khả năng hấp thụ tín dụng, cũng như các thủ tục để hấp thụ kém hiệu quả. Nếu bơm vốn ra mà hấp thụ không tốt sẽ làm méo mó dòng vốn, đồng thời khó tránh được nguy cơ nợ xấu.

Đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, cẩn trọng với "bẫy" nợ xấu
TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, nếu không thận trọng, tính toán...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư