Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Tín dụng tăng chậm, ngân hàng nỗ lực giảm lãi vay
Thùy Vinh - 20/08/2023 10:11
 
Tăng trưởng tín dụng chậm lại trong nửa đầu năm nay, thậm chí dư nợ toàn ngành ngân hàng đi lùi trong tháng 7/2023 đã thúc các nhà băng giảm thêm lãi suất cho vay.

Giảm lãi suất

Theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã 4 lần giảm lãi suất điều hành trong năm nay nhằm hạ mặt bằng chi phí cho vay, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Mặt bằng lãi suất huy động giảm dần gần đây được kỳ vọng tác động tích cực lên lãi suất cho vay. Song lãi suất cho vay luôn có độ trễ, nhất là khi tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm nay chậm, các ngân hàng chưa thể tiêu thụ hết nguồn vốn huy động lãi suất cao.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN vừa có công văn yêu cầu các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay với các khoản vay còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới, phấn đấu mức giảm lãi suất tối thiểu 1,5-2%/năm, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

NHNN cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng báo cáo cam kết giảm lãi suất cho vay trong năm 2023 đối với các khoản cho vay còn dư nợ hiện hữu và các khoản vay mới trước ngày 25/8. Các tổ chức tín dụng cũng phải báo cáo kết quả thực hiện cam kết giảm lãi suất cho vay trong năm 2023 đối với các khoản cho vay còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới gửi NHNN trước ngày 8/1/2024.

Trước đó, một trong những nội dung quan trọng của Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2023 là Chính phủ yêu cầu NHNN chỉ đạo điều hành quyết liệt để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay, tăng cung tiền và hướng dòng tiền vào lĩnh vực ưu tiên.

Thực hiện chỉ đạo trên, các ngân hàng đã vào cuộc giảm lãi suất cho vay, kích cầu tín dụng. Theo đó, Vietcombank giảm tới 0,5%/năm lãi suất cho vay VND với toàn bộ khoản vay cá nhân, doanh nghiệp, áp dụng từ ngày 1/8/2023 đến 31/12/2023. Agribank triển khai chương trình tín dụng ưu đãi dành cho các khách hàng xuất nhập khẩu với quy mô tới 25.000 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi thấp hơn đến 1%/năm so với sàn lãi suất cho vay hiện hành của Ngân hàng tương ứng từng dải kỳ hạn.

Trong khi đó, VietBank triển khai gói cho vay ưu đãi 1.000 tỷ đồng với mức lãi suất từ 8,9%/năm cho doanh nghiệp đến ngày 30/8. BVBank cũng triển khai gói vay 7.000 tỷ đồng kích cầu tiêu dùng với lãi suất chỉ từ 8,8%/năm…

Ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc NHNN cho hay, có điều kiện, NHNN sẽ tiếp tục hạ lãi suất điều hành. Nếu không, các ngân hàng phấn đấu giảm lãi suất cho vay dựa trên giảm chi phí. Song giảm lãi suất chỉ là một phần của vấn đề, chưa đủ kéo tăng trưởng tín dụng đi lên. Đáng chú ý, trong bối cảnh thị trường khó khăn hiện nay, nếu nhà băng hạ điều kiện cho vay, thì tín dụng sẽ tăng ồ ạt, nhưng hệ lụy là nợ xấu lập tức gia tăng, ảnh hưởng đến an toàn hệ thống ngân hàng.

Kích tín dụng

Theo thông tin được đưa ra từ cuộc họp thường kỳ tháng 7/2023 của Chính phủ, tăng trưởng tín dụng vào cuối tháng 7 được ghi nhận là 4,3% so với cuối năm 2023, giảm nhẹ so với mức 4,7% được công bố vào cuối tháng 6/2023 của NHNN. Tăng trưởng tín dụng giảm so với tháng trước tiếp tục cho thấy khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế đang ở mức thấp.

Mặt bằng lãi suất cho vay trong nửa cuối năm sẽ giảm nhanh hơn 2 quý đầu năm khi các ngân hàng tiêu thụ hết nguồn vốn huy động lãi suất cao.

- TS. Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Trường đại học Kinh tế TP.HCM

Trước đó, NHNN cho hay, tính đến hết tháng 6/2023, tín dụng toàn ngành ngân hàng tăng 4,7%, chỉ xấp xỉ một nửa mức tăng 9,35% của cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tín dụng ngành thương mại tăng 11,8%, ngành xây dựng tăng 12,5% - giữ được đà tăng hai chữ số so với cùng kỳ. Tăng trưởng tín dụng ngành vận tải và viễn thông có sự phục hồi, tăng 6,1%. Còn tăng trưởng tín dụng ngành nông nghiệp tăng 2,9% và công nghiệp tăng 2,7%.

Đẩy mạnh tín dụng, nhưng không hạ chuẩn cho vay là mục tiêu lớn nhất mà NHNN đưa ra trong điều hành chính sách tiền tệ trong 6 tháng cuối năm nay. Trong đó, gói chính sách hỗ trợ ngành lâm thủy sản trị giá 15.000 tỷ đồng, hay tiếp tục thực hiện cơ cấu khoản nợ (hoãn, giãn) theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN là những nội dung được đẩy mạnh, kết hợp chính sách tài khóa mở rộng, gồm thúc đẩy giải ngân đầu tư công, các biện pháp hỗ trợ kích cầu tiêu dùng nội địa.

TS. Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Trường đại học Kinh tế TP.HCM đánh giá, tăng trưởng tín dụng năm nay khả năng sẽ thấp hơn mục tiêu 14% mà ngành ngân hàng đặt ra, nhưng không đến nổi quá thấp so với kỳ vọng, đạt khoảng 12-13% như năm 2022, vì nhu cầu vốn cuối năm thường cải thiện.

Theo các chuyên gia phân tích của Ngân hàng HSBC, Việt Nam đang trong giai đoạn suy giảm tín dụng - đây là một khó khăn khác đối với tăng trưởng. Để giải quyết tình trạng này, NHNN đã nhanh chóng cắt giảm lãi suất và động thái này ngay lập tức khiến lãi suất thị trường tiền tệ thấp đi. Xét trong bối cảnh trong nước, nếu lãi suất chính sách ảnh hưởng tín dụng thì có thể kích thích cắt giảm lãi suất, nhưng điều đó đối lập với các động thái thắt chặt của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, nới room cho các ngân hàng
Ngân hàng Nhà nước chính thức điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 cho các tổ chức tín dụng với mức giao toàn hệ thống khoảng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư