Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Tin mới nhất về dịch Covid-19 ngày 20/8: Nhật Bản tài trợ 1 triệu viên thuốc Avigan; Khẩn cấp dập dịch tại khu chung cư Linh Đàm
D.Ngân - 20/08/2021 08:58
 
Việt Nam sẽ tiếp nhận một triệu viên thuốc Avigan điều trị Covid-19 do Nhật Bản hỗ trợ.

Hơn 12.000 bệnh nhân Covid-19 được công bố khỏi bệnh trong ngày

Tính từ 19h ngày 19/8 đến 18h30 ngày 20/8, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 10.657 ca nhiễm mới, trong đó 7 ca nhập cảnh và 10.650 ca ghi nhận trong nước.

Như vậy trong 24h giờ qua số ca nhiễm ghi nhận trong nước tăng 11 ca. Tại Bình Dương tăng 968 ca, TP. Hồ Chí Minh giảm 1.050 ca, Đồng Nai tăng 29 ca, Long An giảm 50 ca, Tiền Giang giảm 111 ca.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 323.268 ca nhiễm, đứng thứ 72/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 169/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 3.288 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 319.209 ca, trong đó có 130.041 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Trong ngày số ca Covid-19 được công bố khỏi bệnh cao kỷ lục là 12.756 bệnh nhân. Tổng số ca được điều trị khỏi đến hiện tại là 132.815 ca.

Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 666 ca. Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 24 ca.

Ngày 20/8, Tiểu ban điều trị của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 thông báo trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 ghi nhận 390 ca tử vong, tại TP.HCM (312), Bình Dương (41), Long An (8 ), Đồng Nai (7), Tiền Giang (7), Khánh Hòa (3), Sóc Trăng (3), Cần Thơ (2), Hà Nội (1), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Bến Tre (1), Bình Thuận (1), Hải Dương (1), Nam Định (1), Trà Vinh (1).

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến 20/8 là 7.540 ca, chiếm tỷ lệ 2,3% so với tổng số ca mắc và tương đương với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới.

Trong ngày 19/8 có 1.504.293 liều vắc-xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 16.306.199 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 14.669.827 liều, tiêm mũi 2 là 1.636.372 liều.

Thông tin Hà Nội cấm người dân ra đường trong 7 ngày là tin giả

Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết đang rà quét các tài khoản đăng tải thông tin sai sự thật này và xử lý nghiêm.

Liên quan đến thông tin đang lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội về việc Hà Nội sẽ yêu cầu người dân ở nguyên tại nhà trong 7 ngày, lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hà Nội cho biết đây là thông tin giả, sai sự thật và Sở đang làm việc với các cơ quan chức năng để xử lý nghiêm chủ các tài khoản lan truyền tin đồn thất thiệt này.

Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cũng cho biết, Cục An toàn thông tin, Phòng An ninh mạng, phòng chống tội phạm công nghệ cao Công an Hà Nội đang phối hợp với Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội rà quét các tài khoản đăng thông tin trên để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

“Chúng tôi khuyến cáo cáo người dân dùng mạng xã hội hoặc nhắn tin, cần dừng ngay việc lan truyền thông tin trên", ông Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Sở thông tin Truyền thông Hà Nội cho biết.

Về số ca mắc Covid-19 mới, theo CDC Hà Nội, từ 12h ngày 20/8 đến 18h ngày 20/8: ghi nhận 16 ca mắc mới trong đó ghi nhận 6 ca ghi tại khu cách ly, 10 ca nghi nhận tại cộng đồng.

Như vậy tính từ 18h ngày 19/8 đến 18h ngày 20/8 ghi nhận 81 ca trong đó 43 ca ghi nhận tại khu cách ly, 38 ca ghi nhận tại cộng đồng.

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021): 2.490 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.277 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 1.213 ca.

Cần Thơ lập Sở Chỉ huy và Cơ quan thường trực Sở Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19

Ngày 20/8, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ đã ký Quyết định thành lập Sở Chỉ huy và Cơ quan Thường trực Sở Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 TP. Cần Thơ.

Theo Quyết định trên, nhiệm vụ của Sở Chỉ huy là tham mưu giúp Thành ủy, UBND Thành phố quyết định các chủ trương, kế hoạch, biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố.

Dự báo tình huống, khả năng có thể xảy ra các cấp độ dịch COVID-19; tiếp nhận và xử lý các thông tin liên quan đến dịch COVID-19 và hoạt động lợi dụng tình hình dịch bệnh để trục lợi, phá hoại, gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; chủ động đề xuất các chủ trương, kế hoạch, biện pháp phòng ngừa và ngăn chặn tuyên truyền, phát tán thông tin sai sự thật, đấu tranh làm thất bại âm mưu, ý đồ kêu gọi, kích động biểu tình, bạo loạn.

Hướng dẫn, quyết định các phương án, kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 ở các địa phương, các khu vực, vùng dịch có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao và có nguy cơ. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên cơ sở trách nhiệm và địa bàn, khu vực được phân công.

Nghiên cứu, đề xuất về kinh phí mua sắm trang thiết bị phòng, chống dịch COVID-19 cho các cơ quan, đơn vị theo quy định của pháp luật và các nguồn tài trợ khác. Chỉ đạo thực hiện công tác hợp tác quốc tế về phòng, chống dịch; chỉ đạo, kiểm tra công tác bồi dưỡng, huấn luyện nghiệp vụ, kỹ thuật, sử dụng các trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Quyết định hoặc báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên về áp dụng các biện pháp đặc biệt theo quy định của pháp luật và các biện pháp cần thiết trong tình huống dịch bệnh vượt quá khả năng của Thành phố.

Trong tình huống khẩn cấp, Sở Chỉ huy báo cáo ngay cấp trên để điều động lực lượng, phương tiện, vật chất hỗ trợ các lực lượng tại chỗ nhằm sớm ổn định tình hình.

Ngoài những nhiệm vụ trên, Sở Chỉ huy thực hiện những nhiệm vụ khác do Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBND Thành phố giao.

Đối với Cơ quan Thường trực Sở Chỉ huy, có trách nhiệm tham mưu, giúp Sở Chỉ huy thực hiện các nhiệm vụ được nêu trên và các nhiệm vụ khác do Chỉ huy Trưởng Sở Chỉ huy phân công.

Trụ sở của Sở Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 đặt tại UBND TP. Cần Thơ (Địa chỉ: Số 02 Hòa Bình, phường Tân An, quận Ninh Kiều).

Theo Quyết định thành lập, Chỉ huy trưởng Sở Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 TP. Cần Thơ là ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND Thành phố. Các Phó Chỉ huy trưởng là: Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hải - Phó Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu 9 và 4 Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ là các ông: Dương Tấn Hiển, Nguyễn Ngọc Hè, Nguyễn Thực Hiện, Nguyễn Văn Hồng, cùng ông Phạm Phú Trường Giang - Phó Giám đốc phụ trách, điều hành Sở Y tế thành phố.

Trưởng Cơ quan Thường trực Sở Chỉ huy là ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND Thành phố. Các Phó trưởng Cơ quan là: Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hải, Phó Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu 9 và ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch UBND Thành phố.

Sở Chỉ huy và Cơ quan Thường trực Sở Chỉ huy tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

Theo Sở Y tế TP. Cần Thơ, lũy tích đến 17h ngày 19/8, trên địa bàn thành phố có 3.555 ca mắc COVID-19, trong đó, đã có 56 trường hợp tử vong.

Khẩn cấp dập dịch tại khu chung cư Linh Đàm

Trưa ngày 20/8, Hà Nội ghi nhận 51 ca mắc mới, trong đó 23 ca tại cộng đồng.

51 ca mắc mới được ghi nhận vào trưa nay có 23 ca tại cộng đồng và 28 ca trong khu cách ly.

Phân bố bệnh nhân theo quận, huyện: Hoàng Mai (13), Hoàn Kiếm (6), Thanh Trì (5), Hà Đông (5), Thường Tín (4), Ba Đình (04), Thanh Xuân (3), Long Biên (2), Đông Anh (2), Hai Bà Trưng (2), Gia Lâm (1).

Phân bố theo chùm ca bệnh, sàng lọc khu vực nguy cơ cao (18), ho sốt thứ phát (33).

Tính từ ngày 29/4 đến nay, toàn Thành phố ghi nhận 2.474 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó số mắc ghi nhận tại cộng đồng là 1.267 và số mắc là đối tượng đã được cách ly là 1.207.

Trong ngày 20/8, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cùng các lãnh đạo quận Hoàng Mai đã trực tiếp đến kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch tại tòa HH4C, chung cư HH Linh Đàm, phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai).

Theo đó, tại khu vực toà HH4C, chung cư HH Linh Đàm, phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) phát sinh 13 ca F0 (từ kết quả công tác lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc diện rộng trên địa bàn quận Hoàng Mai ngày 18/8).

Cộng dồn từ ngày 8/8 đến nay, tổng số ca F0 tại tòa HH4C là 27 ca, thuộc 8 tầng của tòa HH4C. Hiện lực lượng chức năng đang khẩn trương tiếp tục rà soát, truy vết F1, F2 và các trường hợp liên quan đến các ca dương tính virus SARS-CoV-2.

Theo kế hoạch của quận Hoàng Mai, ngay trong ngày hôm nay (20/8) sẽ hoàn thành lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ cư dân tòa nhà HH4C; những hộ kinh doanh tại khu vực chợ cóc dưới chân các tòa nhà HH và người có biểu hiện hắt hơi, sổ mũi tại 11 tòa nhà còn lại tại cụm chung cư HH.

Để phục vụ việc lấy mẫu kịp thời, Trung tâm Y tế quận Hoàng Mai huy động toàn bộ lực lượng gồm 52 đội xét nghiệm, cùng đó xin hỗ trợ từ Sở Y tế Hà Nội 25 đội xét nghiệm.

Hà Nội nói gì về nguy cơ lây nhiễm Covid-19 khi lấy mẫu xét nghiệm

Thời gian gần đây, nhiều người lo lắng về vấn đề nguy cơ lây nhiễm Covid-19 khi đi lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc, nhất là việc sử dụng găng tay, sát khuẩn của nhân viên y tế trong lấy mẫu xét nghiệm.

Liên quan đến vấn đề này, theo CDC Hà Nội, về nguyên tắc, sau mỗi lần thực hiện lấy mẫu, nhân viên y tế phải sát khuẩn tay cẩn thận bằng cồn. Nếu lấy mẫu cho người này, chưa sát khuẩn mà lấy mẫu cho người kia là sai quy định.

CDC Hà Nội đã có chỉ đạo tới tất cả đơn vị, quận, huyện, nhân viên y tế làm nhiệm vụ lấy mẫu, yêu cầu phải có đồ bảo hộ, găng tay đạt chuẩn khi làm việc. Găng tay không cần thay liên tục, nhưng việc sát khuẩn liên tục là bắt buộc.

CDC Hà Nội nhấn mạnh, Hà Nội đang tiếp tục thực hiện lấy gần 1 triệu mẫu xét nghiệm trong đợt 2, thời gian theo kế hoạch hết ngày 20/8 phải lấy xong. Đây thực sự là áp lực đối với lực lượng y tế tại các quận, huyện nên có thể chỗ này, chỗ khác chưa tuân thủ đúng quy trình.

Tuy nhiên, khi thực hiện lấy mẫu cho số lượng người quá lớn, cũng có thể xảy ra trường hợp một số nhân viên quên quy trình chuẩn.

Trong tình huống này, người dân có quyền giám sát nhắc nhở, yêu cầu người lấy mẫu sát khuẩn đầy đủ trước khi lấy mẫu cho mình. Đồng thời, CDC có các đội giám sát, hỗ trợ quận, huyện để đôn đốc, nhắc nhở việc tuân thủ các quy định chuyên môn về công tác lấy mẫu, vận chuyển, bảo quản…

Với người dân, CDC lưu ý, khi được mời đi lấy mẫu xét nghiệm, việc trang bị khẩu trang đầy đủ là quan trọng nhất. Bên cạnh đó, người dân cần tuân thủ quy định về giãn cách. Đặc biệt, nếu thấy nhân viên y tế sơ suất, quên sát khuẩn, người dân có quyền nhắc nhở để đảm bảo an toàn cho bản thân.

Quy định đã có, ngành Y tế mong muốn người dân giám sát chặt chẽ việc lấy mẫu, nếu nơi nào làm chưa đúng, có thể góp ý trực tiếp cho cơ sở để ngành Y tế chấn chỉnh kịp thời, đảm bảo an toàn cho cả người dân và nhân viên y tế.

Bộ Y tế đề nghị làm rõ vụ 5 cơ sở y tế ở Bình Dương từ chối bệnh nhân

Sáng 20/8, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, đã đến Bình Dương cùng làm việc với ngành y tế về vụ việc "5 cơ sở y tế từ chối nhận khiến bệnh nhân trở về phòng trọ và tử vong sau đó".

Ông Khuê cho biết ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh, Bộ Y tế đã có văn bản gửi ngành y tế Bình Dương đề nghị kiểm tra làm rõ những nội dung phản ánh và xử lý nghiêm nếu có sai phạm.

Đồng thời, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh và Thanh tra Bộ Y tế sẽ xem xét, xử phạt và có thể đình chỉ hoạt động, rút giấy phép hành nghề của cơ sở y tế sai phạm.

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, bên cạnh việc tăng cường và tập trung nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế đã đề nghị giám đốc sở y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo duy trì hoạt động khám, chữa bệnh thường quy.

Cụ thể, 50% bệnh viện tuyến tỉnh và quận, huyện sẽ tiếp nhận, điều trị ca bệnh cấp tính và mạn tính của những cơ sở y tế bị phong tỏa hoặc được huy động thành nơi điều trị Covid-19.

“Các cơ sở khám bệnh nhà nước và tư nhân tuyệt đối không từ chối tiếp nhận người bệnh cấp cứu, người bệnh nặng, nguy kịch tới khám và điều trị; kể cả những người bệnh nghi mắc hay mắc Covid-19. Cần nghiêm khắc xử lý nếu vi phạm”, PGS.TS Lương Ngọc Khuê nói.

Cán bộ y tế tử vong khi chống dịch có được công nhận liệt sĩ?

Các chuyên gia về pháp chế y tế cho biết theo quy định tại nhiều văn bản pháp luật, những cán bộ y tế tử vong khi làm nhiệm vụ chống dịch được công nhận là liệt sĩ.

Theo Công đoàn Y tế Việt Nam, hơn 2.300 nhân viên y tế bị lây nhiễm SARS-CoV-2 khi làm việc. Trong đó, 3 cán bộ y tế tử vong gồm 2 người tại TP.HCM và một người ở Bình Dương.

TS. Nguyễn Huy Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, khẳng định để tôn vinh những "chiến sĩ áo trắng" hy sinh trong trận chiến cam go chống dịch, pháp luật đã quy định khá rõ về điều kiện để họ được công nhận liệt sĩ.

Bà Trần Thị Trang, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, cho biết theo Khoản 3, Điều 59, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định, trong quá trình chống dịch, khi người tham gia chống dịch dũng cảm cứu người mà bị chết thì được xem xét để công nhận liệt sĩ theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng.

Và Điểm k, Khoản 1, Điều 14, Pháp lệnh ưu đãi người có công cũng quy định điều kiện để được công nhận liệt sĩ là "đặc biệt dũng cảm cứu người" nhưng phải là "tấm gương có ý nghĩa tôn vinh, lan tỏa rộng rãi trong xã hội".

Về việc ai có thẩm quyền công nhận liệt sĩ cho các nhân viên y tế, bà Trần Thị Trang cho biết theo quy định tại khoản 3, điều 18, Nghị định 31/2013/NĐ-CP, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Thủ trưởng các Bộ và tương đương kiểm tra hồ sơ, thủ tục xác nhận liệt sĩ chuyển Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ cấp Bằng “Tổ quốc ghi công”.

Theo Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, đại diện phòng tổ chức cán bộ của các bệnh viện có thể lập hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ cho nhân viên y tế của cơ sở mình nếu không may tử vong khi làm nhiệm vụ chống dịch.

Được biết, để hỗ trợ TP.HCM và các tỉnh, thành phía Nam phòng chống dịch Covid-19, tính riêng đợt dịch lần thứ 4, Bộ Y tế và các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, miền Trung đã cử hơn 13.000 cán bộ y tế tham gia chống dịch. Họ là bác sĩ, điều dưỡng, giảng viên, sinh viên từ các trường y, tình nguyện viên.

Long An lập bệnh viện dã chiến quy mô 2.500 giường

Ngày 19/8, UBND tỉnh Long An đã có Quyết định thành lập Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Công trình nhà kho C2 của Công ty TNHH một thành viên High Appraise Việt Nam, thuộc Khu công nghiệp Tân Kim (huyện Cần Giuốc, tỉnh Long An).

Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh COVD-19 trực thuộc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên tại tỉnh Long An đi vào hoạt động vào ngày 15/8/2021

Bệnh viện có tên gọi là Bệnh viện dã chiến số 24, với quy mô khoảng 2.500 giường. Trong đó, tầng 1 của tháp điều trị khoảng 1.800 giường; tầng 2 của tháp điều trị khoảng 700 giường. Đây là Bệnh viện dã chiến cấp III.

Bệnh viện dã chiến số 24 là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Y tế Long An, có nhiệm vụ tiếp nhận, điều trị bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn Tỉnh. Giữ lại điều trị đến khi ổn định (không còn khả năng lây nhiễm) hoặc đến khỏi cho tất cả các bệnh nhân được thu dung.

Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, bệnh án, phương tiện và người hộ tống để chuyển những trường hợp vượt khả năng điều trị về tuyến trên theo chế độ cách ly đặc biệt đối với bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Chuẩn bị thủ tục để bàn giao bệnh nhân đã được điều trị ổn định (không còn khả năng lây nhiễm) về Trung tâm Y tế các huyện để tiếp tục theo dõi sức khỏe theo quy định.

Tổ chức chặt chẽ việc vận chuyển, hỏa táng, mai táng những trường hợp tử vong tại bệnh viện dã chiến (nếu có) theo đúng quy trình vận chuyển đối với bệnh truyền nhiễm nguy hiểm…

Về nhân lực, căn cứ số lượng bệnh nhân thực tế, Sở Y tế điều tiết và phân bổ nhân lực làm việc tại Bệnh viện dã chiến cho phù hợp. Đối với nhân lực y tế, kế toán, huy động nhân lực từ các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập trên địa bàn. Trước mắt, điều chuyển toàn bộ nhân viên y tế, lực lượng phục vụ đang tham gia tại Bệnh viện dã chiến số 16 sang làm việc tại Bệnh viện dã chiến số 24, huy động nhân lực từ Bệnh viện Đa khoa khu vực Cần Giuộc.

Trước đó, vào ngày 15/8/2021, UBND tỉnh Long An tổ chức lễ khánh thành Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 trực thuộc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên tại tỉnh Long An. Đây là đơn vị thu dung, cấp cứu, điều trị người bệnh COVID-19 nặng, nguy kịch trên địa bàn tỉnh Long An, với quy mô 150 giường, được xây dựng tại cơ cở Nhà khách Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tỉnh Long An.

Theo Sở Y tế tỉnh Long An, tính đến 18h30 ngày 19/8/2021, trên địa bàn tỉnh Long An có 17.080 ca mắc COVID-19.

Việt Nam sẽ tiếp nhận một triệu viên thuốc Avigan điều trị Covid-19

Chiều 19/8, Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với Tập đoàn Fujifilm (Nhật Bản) về việc cung cấp thuốc Avigan do hãng này sản xuất cho Việt Nam.

Việt Nam sẽ tiếp nhận một triệu viên thuốc Avigan điều trị Covid-19 do Nhật Bản hỗ trợ.

Tại cuộc họp, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC Group) cho biết, AIC Group sẵn sàng mua toàn bộ số thuốc Avigan đang có trong kho của Fujifilm để góp phần hỗ trợ điều trị miễn phí cho các bệnh nhân Covid-19 trong nước hiện nay. 

Ngay trong tháng 8 ngày, AIC Group đứng ra đàm phán mua và tài trợ toàn bộ chi phí để đưa một triệu viên Avigan về sử dụng miễn phí nhằm hỗ trợ điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 tại Việt Nam.

Đồng thời, AIC Group và Tập đoàn Dược phẩm Fujifilm Toyama Chemical sẽ cùng thống nhất kế hoạch để tiếp tục đưa số lượng lớn thuốc tiếp theo về Việt Nam trong thời gian sớm nhất.

Đại diện Fujifilm khẳng định sẽ lên kế hoạch để sớm vận chuyển một triệu viên Avigan đầu tiên này tới Việt Nam. Ngoài ra hãng cũng sẽ cân nhắc việc chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc Avigan cho Việt Nam trong thời gian tới theo đề nghị của AIC Group và Bộ Y tế.

Việc mua được ngay 1.000.000 viên thuốc Avigan vào thời điểm này là điều hết sức đáng mừng, nhất là khi số lượng các ca mắc Covid-19 đang ở mức cao và chưa có dấu hiệu chậm lại.

Trước cuộc họp trực tuyến chiều nay, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đã vận dụng tất cả các mối quan hệ trong chính phủ Nhật Bản để tiếp cận nguồn thuốc quý giá này.

Bộ Y tế cũng đã liên tục hỗ trợ và phối hợp để giúp AIC Group nhận được sự đồng thuận của lãnh đạo Fujifilm trong việc chuyển ngay toàn bộ số thuốc Avigan đang có sẵn trong kho sang Việt Nam, dù hãng cho biết đang có nhiều đơn hàng quan trọng vẫn phải chờ.

Ngay từ tháng 2/2020, đích thân Bộ trưởng Y tế Nhật Bản Katsunobu Kato đã đặt hàng Fujifilm phát triển và sản xuất loại thuốc này để đối phó với dịch bệnh Covid-19. Với hiệu quả và mức độ an toàn đã được chứng minh qua thử nghiệm lâm sàng, hiện Fujifilm đã nhận được hàng chục đơn hàng lớn từ các quốc gia thông qua kênh ngoại giao.

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết thêm, AIC Group đang phối hợp với Tập đoàn Shionogi (Nhật Bản) và Công ty Vabiotech để chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine Covid-19 cho Việt Nam.

Hà Nội: Phong tỏa một tòa nhà khu HH Linh Đàm

Sáng 20/8, Hà Nội phát hiện 5 trường hợp nhiễm virus trong cộng đồng và 9 người đã cách ly hoặc sống tại vùng phong tỏa.

Như vậy, từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát (ngày 27/4), Hà Nội đã ghi nhận tổng cộng 2.423 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2. Trong đó, 1.244 người được phát hiện ngoài cộng đồng, 1.179 trường hợp còn lại đã cách ly.

 Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội, từ ngày 18 đến 20/8, thành phố đang triển khai lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc đợt 2 tại khu vực nguy cơ cao và 13 nhóm người nguy cơ. Số lượng mẫu được lấy dự kiến là 1 triệu.

Tính đến 19h ngày 19/8, Hà Nội đã lấy được 421.108 mẫu. Trong đó, 107.259 mẫu đã âm tính với virus, các mẫu còn lại đang chờ kết quả xét nghiệm.

Cụ thể, khu vực phong tỏa có 21.776 mẫu, 8469 mẫu đã âm tính; khu vực nguy cơ cao có 184.412 mẫu, 54.761 mẫu đã âm tính; đối tượng nguy cơ có 214.920 mẫu, 44.029 mẫu đã âm tính.

Qua xét nghiệm sàng lọc diện rộng, cơ quan chức năng xác định 8 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 tại tầng 6, tòa nhà HH4C, Khu đô thị Linh Đàm.

Cơ quan chức năng đã phong tỏa tòa HH4C, Khu đô thị Linh Đàm, sau khi xác định các ca dương tính với SARS-CoV-2 tại đây.

Tòa nhà này có 36 tầng với khoảng 3.000 dân. Lực lượng chức năng đã phát thông báo yêu cầu người dân không ra khỏi nhà, người dân tại các tầng có F0 được yêu cầu chờ lấy mẫu xét nghiệm Covid-19.

Theo kế hoạch xét nghiệm diện rộng của Hà Nội, Khu đô thị Linh Đàm là một trong những khu vực được đánh giá có nguy cơ cao và được lấy mẫu xét nghiệm nhiều nhất. Dự kiến, khoảng 19.000 cư dân tại khu vực này sẽ được lấy mẫu xét nghiệm bằng RT-PCR.

Thêm 1,2 triệu liều vắc-xin Covid-19 của AstraZeneca đến Việt Nam

Tối ngày 19/8, AstraZeneca đã chuyển về Việt Nam thêm 1.209.400 liều vắc-xin COVID-19. Đây là lần giao vắc-xin thứ 9 thuộc hợp đồng đặt mua trước giữa AstraZeneca Việt Nam và Công ty cổ phần Vacxin Việt Nam VNVC, dưới sự hỗ trợ của Bộ Y tế.

Hiện, thỏa thuận này đã mang về cho Việt Nam hơn 6,7 triệu liều vắc-xin Covid-19 của AstraZeneca. Tổng cộng đã có khoảng 14,3 triệu liều vắc-xin này đã được chuyển đến Việt Nam qua hợp đồng với VNVC, Cơ chế COVAX và viện trợ giữa các chính phủ, tới nay chiếm 62% nguồn cung vắc xin COVID-19 trên cả nước.

Cùng ngày Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã có cuộc điện đàm trao đổi với Giám đốc Điều hành tập đoàn AstraZeneca, ông Pascal Soriot. 

Bên cạnh những nội dung xoay quanh việc tiếp cận vắc-xin, hai bên cũng thảo luận về tiến độ các chương trình phát triển bền vững và sức khỏe cộng đồng của AstraZeneca tại Việt Nam, nằm trong những nỗ lực của công ty nhằm giảm thiểu các bệnh truyền nhiễm và bệnh không lây nhiễm, đóng góp toàn diện cho đất nước.

Cho đến nay, AstraZeneca đã cung ứng hơn 1 tỷ liều vắc-xin Covid-19 của AstraZeneca và Đại học Oxford đến hơn 170 quốc gia trên tinh thần phi lợi nhuận.

Cam kết của AstraZeneca về việc cung cấp vắc-xin Covid-19 một cách rộng rãi và bình đẳng trên khắp thế giới được thể hiện rõ nét thông qua các đóng góp của công ty cho Cơ chế COVAX. 

Nhiều cán bộ y tế tiếp tục lên đường hỗ trợ phía Nam

Chiều tối 19/8 đoàn chi viện của Bệnh viện Hữu Nghị Việt-Xô đã đến Tiền Giang, sẵn sàng nhận nhiệm vụ hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại đây.

Đoàn chi viện của Bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô gồm 30 y, bác sĩ thuộc các khoa: Hồi sức tích cực, Khoa nội, cấp cứu,… 

Đoàn chi viện của Bệnh viện Hữu Nghị Việt-Xô sẽ đảm nhiệm công tác hỗ trợ điều trị cho các bệnh nhân có diễn biến nặng, nguy kịch tại Trung tâm Hồi sức tích cực của tỉnh Tiền Giang, bên cạnh đó cũng sẽ hỗ trợ chăm sóc các bệnh nhân có triệu chứng nhẹ hơn tại các cơ sở điều trị, bệnh viện dã chiến trên địa bàn tỉnh.

Trước đó, ngày 4/8 đã có 9 y, bác sĩ của Bệnh viện Hữu Nghị Việt-Xô gồm 3 bác sĩ và 6 điều dưỡng cũng đã chi viện cho Tiền Giang, hỗ trợ công tác chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân diễn biến nặng, nguy kịch tại Trung tâm Hồi sức tích cực của tỉnh.

Cũng trong ngày 19/8/2021, đoàn nhân viên y tế thứ 2 của Bệnh viện Nội tiết Trung ương do TS.BS. Phan Hoàng Hiệp, Giám đốc Bệnh viện làm trưởng đoàn đã lên đường đến Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 tại tỉnh Vĩnh Long để hỗ trợ chống dịch.

Trước khi lên đường toàn bộ các nhân viên y tế đều được tiêm chủng đầy đủ, xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. 

Trước đó, trong lần xuất quân đợt 1 vào ngày 26/7, đã có 33 nhân viên y tế của Bệnh viện lên đường chi viện cho TP.HCM chống dịch. Bệnh viện cũng đã chuẩn bị chu đáo về mọi mặt để chuyến đi của cả đoàn được thuận lợi và an toàn.

Tham dự Lễ xuất quân, ông Vũ Anh Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban tổ chức Công đoàn  Y tế Việt Nam cũng đã động viên và chia sẻ cùng với những nhân viên y tế lên đường nhận nhiệm vụ, đồng thời đại diện cho Công đoàn Y tế Việt Nam trao những phần quà nhỏ tới từng người.

Tại chương trình, đại diện các đơn vị, doanh nghiệp cùng đã trao tặng nhiều vật phẩm cùng đồ bảo hộ cho công tác phòng chống dịch tại Bệnh viện. Trong lần xuất quân này, đoàn có 5 bác sỹ, 8 điều dưỡng và 1 kỹ thuật viên.

Lên đường trong bối cảnh cả ngành Y tế đang tập trung nguồn lực điều trị bệnh nhân Covid, cả đất nước đang chống dịch, dù không có hoa, không có người thân bên cạnh nhưng đội ngũ nhân viên y tế vẫn nhận được những lời nhắn nhủ, động viên tinh thần cùng tiếng hô vang Quyết thắng, tiếp sức tinh thần từ hậu phương là những người bạn, người đồng nghiệp ở lại.

Các loại thuốc điều trị Covid-19 đang được sử dụng tại Việt Nam
Bộ Y tế đã ban hành và nhiều lần cập nhật phác đồ điều trị Covid-19 tại Việt Nam, dựa trên tình hình thực tế của người bệnh. Trong đó,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư