Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Tin mới nhất về dịch Covid-19 ngày 30/7: Bộ Y tế phân bổ 3 triệu liều vắc-xin; Giám đốc các bệnh viện Trung ương chi viện TP.HCM
D.Ngân - 30/07/2021 07:58
 
Theo phân bổ, Hà Nội và TP.HCM cùng nhận 270.000 liều vắc-xin AstraZeneca, Bình Dương và Đồng Nai mỗi tỉnh tiếp nhận 73.000 liều.

Số ca mắc trong ngày của Hà Nội đã lên tới 3 con số

Từ 12 giờ đến 18 giờ ngày 30/7 có 41 ca mắc mới, trong đó 21 ca tại cộng đồng và 20 ca tại khu cách ly tập trung.

Như vậy từ 18 giờ ngày 29/7 đến 18 giờ ngày 30/7 Hà Nội ghi nhận 119 ca bệnh. Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021) là 1.100 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 663 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 437 ca.

Trong số các ca bệnh phát hiện tối ngày 30/7 phân bố theo chùm ca bệnh: Ho, sốt thứ phát (27); Nhà thuốc 95 Láng Hạ (6); liên quan Bệnh viện Phổi Hà Nội (3); Tân Mai - Hoàng Mai (2); sàng lọc ho, sốt (2); liên quan TP.Hồ Chí Minh (1).

Phân bố theo quận, huyện: Đống Đa (9); Quốc Oai (6); Hai Bà Trưng (5); Thanh Trì (4); Đông Anh (4); Thanh Trì (4); Nam Từ Liêm (2); Ba Đình (2); Mê Linh (2); Thanh Oai (1); Thanh Xuân (1); Đan Phượng (1); Thường Tín (1); Hoài Đức (1); Thạch Thất (1); Mỹ Đức (1).

Hà Nội xây dựng bệnh viện dã chiến quy mô 700 giường

Tại ngõ 587 Tam Trinh (quận Hoàng Mai, Hà Nội), hàng trăm công nhân đang tiến hành xây dựng bệnh viện dã chiến hồi sức điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch trên địa bàn Thủ đô.

Bệnh viện được xây dựng trên diện tích lớn với quy mô từ 500 - 700 giường bệnh. Theo dự kiến, bệnh viện dã chiến này có thể đưa vào sử dụng từ đầu tháng 8/2021 để điều trị cho những bệnh nhân mắc Covid-19 nặng.

Để đảm bảo tiến độ, hiện nay có hơn 400 công nhân đang làm việc 24/24. Đơn vị chính thực hiện dự án này là nhà thầu Delta.

Trước đó vào ngày 25/7/2021, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (thuộc Trường Đại học Y Hà Nội) đã có công văn số 953/BVĐHYHN-TCHC gửi TP. Hà Nội về việc thi công bệnh viện dã chiến.

Theo đó, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội giao cho Công ty TNHH Tập đoàn xây dựng Delta (trụ sở 81 Lạc Trung, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng) thi công dự án này. Địa chỉ thi công tại ngõ 587 Tam Trinh.

TP.HCM có 3.704 bệnh nhân được xuất viện trong ngày

Trong ngày hôm nay (30/7), TP.HCM có 3.704 bệnh nhân Covid-19 khỏi bệnh, đủ điều kiện đã được xuất viện. Theo quy định của Bộ Y tế, đối tượng này sẽ phải tiếp tục cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà ít nhất 14 ngày.

Như vậy, tính đến thời điểm này, TP.HCM đã điều trị khỏi và cho ra viện tổng số 33.710 bệnh nhân Covid-19.

***

Về việc đăng ký tham gia tình nguyện hỗ trợ công tác phòng, chống dịch tại TP.HCM, ngày hôm nay số lượng đăng kí lên tới 2.277 người, nâng tổng số đăng kí hưởng ứng lời kêu gọi của PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế lên 5.051 người, trong đó có gần 700 bác sĩ và 223 điều dưỡng.

Số bác sĩ và điều dưỡng này đã được Sở Y tế phân công đến các bệnh viện và các cơ sở điều trị bênh nhân Covid-19 có nhu cầu.

Bên cạnh đó, Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam TP.HCM cũng huy động thêm đội ngũ tôn giáo cùng tham gia hỗ trợ các hoạt động phòng, chống dịch trên địa bàn Thành phố.

***

Ngày 30/7, Bộ Y tế có quyết định thành lập 2 Tổ công tác của Bộ Y tế hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19 đặt tại 2 tỉnh: Bạc Liêu và Cần Thơ.

Mỗi Tổ công tác gồm 12 -16 thành viên, họ là những chuyên gia, cán bộ có kinh nghiệm của các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế.

Tại các địa phương, Tổ có nhiệm vụ giám sát, hỗ trợ và phối hợp với các đơn vị liên quan của tỉnh để triển khai các hoạt động phòng chống dịch trong cộng đồng; trong doanh nghiệp; trong khu cách ly; hướng dẫn thực hiện xét nghiệm, điều trị, cách ly F1 tại nhà và công tác vệ sinh môi trường khử khuẩn.

Hơn 8.000 ca mắc mới trong ngày

Trong bản tin tối, Bộ Y tế cho hay tính từ 6h đến 19h ngày 30/7 ghi nhận 3.657 ca mắc Covid-19 mới.

Như vậy, trong ngày 30/7 ghi nhận 8.649 ca mắc mới, trong đó 27 ca nhập cảnh và 8.622 ca ghi nhận trong nước.

Cao nhất vẫn thuộc về TP.HCM với 4.282 ca mắc, Bình Dương (1920), Long An (469), Đồng Nai (360), Tiền Giang (242), Khánh Hòa (217)…

Tại Hà Nội, số ca mắc mới trong ngày là 144, tăng hơn 2 lần so với hôm qua (59 ca). Đây là ngày ghi nhận số ca mắc mới cao nhất từ đầu dịch.

Tính đến chiều 30/7, Việt Nam có 137.062 ca mắc, trong đó có 2.235 ca nhập cảnh và 134.827 bệnh nhân trong nước.

Số ca mắc mới ghi nhận trong nước kể từ ngày 27/4 đến nay là 133.257, trong đó có 32.710 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Theo cập nhật từ Tiểu ban điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, trong thời gian từ 16/7 đến 30/7, cả nước ghi nhận thêm 139 bệnh nhân tử vong do Covid-19 tại 9 tỉnh, thành phố.

Khẩn cấp thành lập các bệnh viện dã chiến tại TP.HCM

Bệnh viện Dã chiến số 13 (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM) với quy mô 3.500 giường đang được tích cực hoàn thiện để đón bệnh nhân Covid-19.

Ngày 30/7, Đoàn công tác Bộ Y tế đã có mặt tại Bệnh viện Dã chiến số 13 để khảo sát tiến độ hoàn thành bệnh viện.

Nhiều dãy nhà vẫn đang gấp rút được hoàn thiện. Tổng thiết kế của Bệnh viện Dã chiến số 13 có quy mô khoảng 3.500 giường. Khu 1 gồm 16 dãy phòng điều trị với hơn 1.350 giường. Khu 2 gồm18 dãy phòng điều trị với công suất hơn 2.000 giường bệnh.

Dự kiến bàn giao đợt 1 với công suất sử dụng 1.000 giường vào ngày 15/8. GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức sẽ là người điều hành hoạt động của Bệnh viện Dã chiến số 13.

Theo GS.TS Trần Bình Giang, Bệnh viện Dã chiến số 13 cần nhất là mặt bằng thông thoáng có thể cấp khí y tế vào.

Tại mỗi phòng điều trị có thể điều trị cho 30 - 50 bệnh nhân. Đối với quy mô 500 giường bệnh, ít nhất cần 100 giường được trang bị thở máy, 100 giường thở oxy liều cao.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế, ngày 30/7 GS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cùng đoàn cán bộ, chuyên gia của bệnh viện đã khảo sát kỹ khu cách ly cũng như từng phòng bệnh ở Bệnh viện Dã chiến 16 (Quận 7, TP.HCM).

Việc khảo sát này là để thiết lập tại đây một trung tâm Hồi sức tích cực (ICU) để điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng ở TP.HCM với quy mô 500 giường.

Tại đây có tổng cộng gần 3.000 giường bệnh, chúng tôi sẽ nâng cấp, thiết lập 500 giường hồi sức tích cực.

Hiện bệnh viện này đã trang bị xong 700 giường bệnh và nhận thêm nhiều bệnh nhân có triệu chứng vừa và bệnh nền. Các y bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai đã bắt đầu đến; tiếp theo sẽ có thêm nhân sự từ đoàn của Sở Y tế Vĩnh Phúc và Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM).

Tất cả bệnh nhân vào đây đều có triệu chứng vừa, bệnh nền. Sẽ thiết lập 500 giường dành để cứu chữa bệnh nhân nặng, phải thở máy. Số giường còn lại dành cho bệnh nhân có triệu chứng vừa. Nếu bệnh nhân nào phải đặt tim, phổi nhân tạo (ECMO) thì sẽ chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy.

Tuy nhiên để kịp thời cứu bệnh nhân, Bệnh viện Bạch Mai cũng đã chuẩn bị máy ECMO để đưa vào.

Về quy trình hoạt động của bệnh viện dã chiến, theo ông Tuấn, trước mắt sẽ có 3 bước. Bước 1 đưa 100 giường vào hoạt động sớm, trong tuần sau. Bước 2 sẽ nâng lên 300 rồi bước 3 là 500 giường theo mức độ yêu cầu của thực tế.

Ưu tiên tiêm vắc-xin cho y tế tư nhân

Ngày 30/7, Bộ Y tế có văn bản hoả tốc số 6140 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc huy động các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân tham gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn ra hết sức phức tạp và có chiều hướng gia tăng tại nhiều tỉnh, thành phố, để tăng cường nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch, Bộ Y tế đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế huy động các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19, tham gia tiếp nhận, cấp cứu và điều trị người bệnh Covid-19 phù hợp với năng lực chuyên môn và điều kiện của cơ sở khi có yêu cầu.

UBND các tỉnh, thành phố quan tâm và có cơ chế tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân tham gia phòng, chống dịch như đối với các cơ sở khám chữa bệnh công lập; hỗ trợ các thiết bị phòng, chống dịch, ưu tiên tiêm vắc-xin và thực hiện các chế độ đãi ngộ đối với nhân viên của cơ sở khám chữa bệnh tư nhân theo quy định hiện hành.

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân có trách nhiệm tham gia công tác phòng chống dịch, hỗ trợ giường bệnh, nhân lực, trang thiết bị triển khai tiếp nhận điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19 khi được phân công.

Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh nghiên cứu và thực hiện phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương.

Bến Tre xây dựng khẩn cấp công trình cải tạo, nâng cấp khu cách ly tập trung Đồng Gò 1.125 giường

Nhằm chủ động chuẩn bị tốt các điểm cách ly tập trung, sẵn sàng tổ chức tiếp nhận, cách ly người nghi ngờ nhiễm Sars-CoV-2; kịp thời phát hiện sớm, ngăn chặn sự xâm nhập, lây lan của dịch COVID-19 ra cộng đồng, UBND tỉnh Bến Tre vừa có Quyết định ban hành Lệnh xây dựng khẩn cấp công trình cải tạo, nâng cấp khu cách ly tập trung Đồng Gò.

Công trình được xây dựng tại xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Cơ quan được giao làm chủ đầu tư công trình là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp.

Về quy mô đầu tư xây dựng sơ bộ, công trình có tổng số 1.125 giường, gồm: Điểm cách ly số 1 - Trường Cao đẳng Đồng Khởi cơ sở 2: Cải tạo, nâng cấp các dãy lớp học, hội trường, khu ký túc xá và các hạng mục phụ phục vụ 633 giường.

Điểm cách ly số 2 - Trường THPT Nguyễn Thị Định: Cải tạo, nâng cấp các các dãy lớp học, hội trường và nhà xe và các hạng mục phụ phục vụ 492 giường.

Dự kiến kinh phí đầu tư xây dựng công trình gần 15 tỷ đồng, từ nguồn kinh phí tăng thu, tiết kiệm chi năm 2020 chuyển sang năm 2021 dành để phục vụ công tác phòng, chống và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19.

UBND tỉnh Bến Tre cho phép chủ đầu tư được tự quyết định toàn bộ công việc trong hoạt động đầu tư xây dựng, bao gồm: giao tổ chức, cá nhân thực hiện các công việc khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng và các công việc cần thiết khác phục vụ xây dựng công trình khẩn cấp; quyết định về trình tự thực hiện khảo sát, thiết kế và thi công xây dựng; quyết định về việc giám sát thi công xây dựng và nghiệm thu công trình xây dựng đáp ứng yêu cầu của lệnh xây dựng công trình khẩn cấp.

Đồng thời, UBND tỉnh Bến Tre giao Sở Y tế theo dõi, phối hợp, hỗ trợ chủ đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện, đảm bảo công trình đáp ứng mục đích sử dụng, chuẩn bị sẵn phương án tiếp nhận quản lý sau khi công trình hoàn thành.

Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bến Tre, tính từ 6h00 đến 11h00 ngày 30/7/2021, Tỉnh ghi nhận thêm 02 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn tỉnh là 731 ca. Hiện tỉnh ghi nhận 09 ca tử vong và 107 ca đã ra viện.

Cần Thơ ghi nhận 141 ca nhiễm COVID-19 mới trong ngày 30/7

Theo Sở Y tế TP. Cần Thơ, trong ngày 30/7/2021 (tính đến 17h00), Thành phố đã ghi nhận 141 ca nhiễm COVID-19 mới, trong đó có 09 trường hợp phát hiện qua xét nghiệm sàng lọc tại cơ sở y tế; 39 trường hợp được phát hiện qua xét nghiệm sàng lọc trọng điểm; 47 trường hợp trong khu cách ly và 46 trường hợp trong khu vực phong tỏa.

Tính từ ngày 8/7/2021 đến 17h00 ngày 30/7/2021, số trường hợp mắc COVID-19 trên địa bàn TP. Cần Thơ là 1.302 ca. Trong đó, số trường hợp phát hiện trong khu cách ly, phong tỏa là 532 ca (chiếm 40,9%), số trường hợp phát hiện ngoài cộng đồng 770 ca (chiếm 59,1%), số tử vong 09 ca, số trường hợp điều trị khỏi là 70 người.

Về công tác điều trị, Sở Y tế TP. Cần Thơ cho biết, hiện Thành phố có 11 bệnh viện đang tiếp nhận điều trị bệnh nhân COVID-19 gồm: Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, Bệnh viện Đa khoa TP. Cần Thơ, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, Bệnh viện Nhi đồng và 07 bệnh viện dã chiến tại Trung tâm Y tế Bình Thủy, Cái Răng, Thới Lai, Phong Điền, Bệnh viện Quân dân y, Bệnh viện đa khoa quận Thốt Nốt, Bệnh viện Y học Cổ truyền.

Các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn Thành phố tăng cường quyết liệt các biện pháp phòng, kiểm soát lây nhiễm COVID-19 theo các hướng dẫn của Bộ Y tế, bảo đảm công tác thu dung, cấp cứu điều trị và cách ly người bệnh theo đúng các hướng dẫn hiện hành về phòng chống dịch.

Có 26/31 Bệnh viện trên địa bàn đã triển khai xét nghiệm test nhanh sàng lọc COVID-19. Các bệnh viện tuyến Thành phố đảm bảo 100% người bệnh và nhân viên y tế được xét nghiệm sàng lọc. 100% bệnh viện có thực hiện khu khám sàng lọc, phân luồng và khu vực cách ly khi phát hiện ca bệnh nghi dương tính.

***

Về công tác tiêm chủng, TP. Cần Thơ đã triển khai 3 đợt tiêm vaccine phòng COVID-19 trên địa bàn Thành phố. Lũy tích tính đến nay, có 44.781 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm cho các đối tượng ưu tiên, công nhân, người lao động trên địa bàn (trong đó có 6.695 người được tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19).

UBND TP. Cần Thơ đã ban hành Kế hoạch số 158/KH-UBND ngày 28/7/2021 về việc triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 tại TP. Cần Thơ năm 2021-2022. Tổng số vaccine Thành phố được Bộ Y tế phân bổ là 84.290 liều, trong đó vaccine AstraZeneca là 68.000 liều, vaccine của Pfizer là 1.170 liều và 15.120 liều vaccine của Moderna.

Theo số lượng đăng ký, Sở Y tế phân bổ từng loại vaccine cho các đối tượng đảm bảo tính công bằng trong tiếp cận nguồn vaccine. Thời gian triển khai, dự kiến bắt đầu từ 02/8/2021.

Xử phạt đối tượng lên facebook xuyên tạc lực lượng công an làm nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19

Chiều ngày 30/7, Phòng An ninh Chính trị nội bộ, Công an tỉnh Vĩnh Long phối hợp với Thanh Tra - Sở Thông tin và Truyền thông, Công an huyện Long Hồ và Công an thị trấn Long Hồ, làm việc với Đ.V.C (sinh năm 1981, ngụ tại khóm 6, thị trấn Long Hồ, huyện Long Hồ) – là chủ tài khoản facebook “Vinh Long Best Sale” vì đã đăng tải nhiều thông tin, video bịa đặt, sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức.

Tại cơ quan Công an, Đ.V.C đã khai nhận, thời gian qua do tình hình dịch bệnh Covid-19, không buôn bán túi xách được nên thời gian rảnh rỗi Đ.V.C dùng facebook “Vinh Long Best Sale” để đăng bài viết, chia sẻ video có nội dung tuyên truyền xuyên tạc, vu khống lực lượng công an khi thi hành nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch Covid-19.

Qua công tác kiểm soát trên không gian mạng, Phòng An ninh Chính trị nội bộ, Công an Vĩnh Long đã phát hiện sai phạm của tài khoản facebook “Vinh Long Best Sale” nên phối hợp với các đơn vị trên nhanh chóng xác minh, làm rõ đối tượng.

Hiện vụ việc đang được củng cố hồ sơ để xử lý đối tượng vi phạm theo qui định của pháp luật.

TP.HCM: Tất cả mọi người từ 18 tuổi trở lên được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19

Người đang sinh sống tại TP.HCM đều được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19, không có giới hạn. Chỉ có trình tự tiêm thì các địa phương tổ chức sao cho phù hợp.

Thông tin trên được ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM chia sẻ tại buổi họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch Covid-19 tại TP.HCM, diễn ra chiều 30/7.

Theo ông Dương Anh Đức, thời gian qua, TP.HCM được đánh giá là ban hành các biện pháp rất mạnh. Biện pháp hiện tại của TP.HCM là làm sao thực hiện thật nghiêm các quy định mà chính quyền đã ban hành và các chỉ đạo mới nhất của Trung ương.

Hiện nay, số ca F0 đang đi ngang, đúng như dự báo. Thành phố đang nỗ lực và cho rằng nếu thực hiện nghiêm các quy định đã ban hành, có sự hợp tác đầy đủ của các lực lượng và người dân, tình hình sẽ sớm ổn định và có thể có biểu hiện tích cực.

Ông Đức cho biết, tối hôm qua (29/7), Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã ký công văn 6118 về tiêm vắc-xin phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian giãn cách xã hội tại TP.HCM. Trong đó, Bộ Y tế tháo gỡ nhiều vướng mắc để tăng tốc độ tiêm vắc-xin. Thành phố đã cụ thể hóa văn bản này và ban hành văn bản hướng dẫn chiều nay cho lực lượng tổ chức tiêm vắc-xin để triển khai.

Theo đó, TP.HCM sẽ tổ chức tiêm cho tất cả đối tượng từ 18 tuổi trở lên. Trong đó, vẫn duy trì việc tiêm chủng cho lực lượng y tế, người cao tuổi, trường hợp có bệnh lý nền và đẩy nhanh tốc độ bao phủ tiêm chủng.

"Ngoài đối tượng ưu tiên đã quy định cụ thể trong đợt 5 thì giờ tất cả người dân sẽ được tiêm vắc-xin. Việc tổ chức tiêm không ràng buộc vào các đối tượng nữa mà sẽ tiêm sao cho có độ phủ nhanh", ông Đức khẳng định.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cũng cho biết thêm, việc mở rộng đối tượng tiêm có ý nghĩa là tất cả người dân có cơ hội được tiêm. Người dân Thành phố được định nghĩa rất rộng. Người đang sinh sống tại TP.HCM đều được tiêm, không có giới hạn. Chỉ có trình tự tiêm thì các địa phương tổ chức sao cho phù hợp, quy củ để việc tiêm được tổ chức nhanh nhất có thể.

Thành phố sẽ huy động tối đa lực lượng tham gia tiêm chủng, bao gồm các lực lượng công, tư và tổ chức tiêm linh động như Thành phố vẫn làm. Ví dụ doanh nghiệp đang sản xuất "3 tại chỗ" sẽ được tổ chức tiêm tại nơi đang sản xuất để đảm bảo quy định và duy trì sản xuất.

Để đảm bảo năng suất, tùy khả năng, Thành phố được tiêm không giới hạn số lượng. Trước đó, kế hoạch của Thành phố là 120 liều/ngày, sau đó nâng lên 200 liều/ngày theo quy định của Bộ Y tế. Trong điều kiện cần thiết, Thành phố sẽ tổ chức tiêm cả buổi tối. Người dân cũng không phải đợi sau tiêm tối thiểu 30 phút như quy trình trước đây.

Được biết, từ 14h ngày 22/7 đến trưa 30/7, TP.HCM đã tiêm được khoảng 490.000 liều vắc-xin. Theo tốc độ những ngày gần đây, số lượng tiêm mỗi ngày trên 70.000 người.

Tính từ 27/4 đến trưa 30/7, TP.HCM ghi nhận 84.521 ca nhiễm, hiện là tâm dịch lớn nhất cả nước. 

Đồng Tháp kêu gọi toàn hệ thống y tế cùng chung tay hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19

Chiều 30/7, UBND tỉnh Đồng Tháp khẩn thiết kêu gọi toàn bộ hệ thống y tế công, tư, các hội nghề nghiệp thuộc lĩnh vực y tế, các chuyên gia, nhân viên y tế đang làm việc và đã nghỉ hưu, các lương y, giảng viên, sinh viên tại các trường đào tạo, dạy nghề thuộc khối ngành chăm sóc sức khỏe tham gia vào hoạt động chống dịch Covid-19 tỉnh Đồng Tháp.

TP. Cao Lãnh thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ.

Trong thư gửi hệ thống y tế trong Tỉnh, ông Đoàn Tấn Bửu - Phó chủ tịch UBND, Phó Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 tỉnh Đồng Tháp cho rằng: chính sự đồng lòng chung sức của các cấp, các ngành, các tổ chức đơn vị, những cống hiến tận tâm, tận lực của tuyến đầu chống dịch cùng sự tin tưởng, đồng thuận cao của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn Tỉnh, nên Đồng Tháp đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, UBND Tỉnh xin ghi nhận, biểu dương và trân trọng cảm ơn nhửng tổ chức, cá nhân đóng góp tích cực cho công tác phòng chống dịch thời gian qua.

Theo ông Đoàn Tấn Bửu, thời gian tới, dự báo dịch bệnh Covid-19 sẽ còn diễn biến phức tạp, với mục tiêu đảm bảo an toàn sức khỏe của người dân, Đồng Tháp ưu tiên tập trung cho công tác xét nghiệm, do vậy, Tỉnh kêu gọi toàn bộ hệ thống bộ y tế công tư, các hội nghề nghiệp trên địa bàn… cùng chung tay hỗ trợ công tác chống dịch, tư vấn và trực tiếp chăm sóc, điều trị cho người bệnh.

Sự giúp sức quý báu và nghĩa tình của các tổ chức cá nhân, đơn vị trong giai đoạn khó khăn này sẽ góp phần quan trọng để khống chế và đẩy lùi dịch bệnh, đưa tỉnh Đồng Tháp sớm trở lại cuộc sống bình thường - ông Bửu nhấn mạnh.

Theo thông tin từ tiểu ban tuyên truyền Đồng Tháp, Bộ Y tế sẽ tiếp tục điều động thêm lực lượng nòng cốt hỗ trợ Đồng Tháp. Trước đó, Đoàn công tác Bệnh viện Lão khoa Trung ương, Bệnh viện Hữu nghị, Bệnh viện E đã có buổi làm việc nhanh với lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Tháp về việc điều động lực lượng bác sĩ, điều dưỡng hỗ trợ Đồng Tháp phòng, chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Bộ Y tế.

Theo đó, đoàn Bệnh viện Lão khoa Trung ương có 29 người (gồm 09 bác sĩ, 20 điều dưỡng), trong đó có 04 bác sĩ và 10 điều dưỡng chuyên về hồi sức cấp cứu, các bác sĩ và điều dưỡng còn lại có nhiều kinh nghiệm trong hỗ trợ bệnh nhân Covid-19. Đoàn sẽ từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Đồng Tháp trong ngày mai 31/7. Lực lượng hỗ trợ của 02 bệnh viện còn lại sẽ được điều động sau.

Theo báo cáo nhanh của Tiểu ban Thông tin, tuyên truyền, từ 06 giờ ngày 30/7/2021 đến 12 giờ trưa ngày 30/7/202, Đồng Tháp ghi nhận 67 ca mắc mới. Các thông tin về dịch tễ đang được điều tra phân tích, sẽ được cập nhật vào bản tin 18 giờ ngày 30/7/2021. Số ca mắc trong ngày là 157 ca (bao gồm 90 ca đã công bố trong bản tin 06 giờ ngày 30/7/2021). Số ca mắc cộng dồn đến nay là 2.987 ca.

Hà Nội: 61 ca mắc mới

Thông tin mới nhất từ CDC Hà Nội cho biết từ sáng đến trưa ngày 30/7, Thành phố đã ghi nhận 61 trường hợp mắc Covid-19 mới, trong đó 36 ca tại cộng đồng và 25 ca tại khu cách ly.

Những ca mắc này thuộc 7 chuỗi lây nhiễm đã phát hiện trước đó. Cụ thể, chùm ca bệnh ho sốt thứ phát có 29 ca, đều là các trường hợp F1 và chủ yếu ở Thanh Trì. Trong đó, có nhiều ca mắc là người trong cùng một gia đình và nhiều bệnh nhân thuộc khu vực phong tỏa liên quan đến chùm ca bệnh tại Thọ Am, Liên Ninh, Thanh Trì. Trong hai ngày 29 và 30/7, 29 bệnh nhân này được lấy mẫu xét nghiệm, cho kết quả dương tính.

Chùm ca bệnh liên quan hiệu thuốc Láng Hạ có thêm 12 ca mắc mới tại các quận Đống Đa, Hoàn Kiếm, Tây Hồ và Hoàng Mai. Các bệnh nhân là F1, là người mua thuốc. Các bệnh nhân đều đã được cách ly từ trước và ngày 29/7 được lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính.

Chùm ca bệnh Tân Mai, Hoàng Mai có thêm 1 ca mắc mới là  H.V.H, nam, sinh năm 1982, địa chỉ An Thượng, Hoài Đức, là F1 của Bệnh nhân N.T.N.

Chùm sàng lọc ho, sốt cộng đồng có thêm 8 ca mắc mới tại các quận Hoàn Kiếm, Đan Phượng, Hoàng Mai, Ba Đình và Hai Bà Trưng. 

Chùm ca liên quan BV Phổi Hà Nội có 4 trường hợp là các F1 (người nhà) và bệnh nhân điều trị nội trú. 

Chùm ca bệnh liên quan đến TP.HCM gồm 6 trường hợp ở Bắc Từ Liêm, trong đó, có 1 trường hợp F1 và 5 trường hợp sống trong khu vực phong tỏa liên quan đến bệnh nhân H.T.M.C. Ngày 29/7, các bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm lần 2 cho kết quả dương tính.

Trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021), Hà Nội phát hiện tổng cộng 1.059 ca mắc Covid-19 mới, trong đó, số 642 ca ghi nhận ngoài cộng đồng và 417 ca là đối tượng đã được cách ly.

Hơn 3 triệu liều vắc-xin Moderna phân bổ về các tỉnh, thành phố

Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường vừa ký quyết định phân bổ 3.000.060 liều vắc xin Moderna cho các địa phương và đơn vị. Đây là số vắc xin Chính phủ Hoa Kỳ hỗ trợ Việt Nam thông qua cơ chế Covax vào ngày 24 và 25/7 vừa qua.

Trong đợt phân bổ thứ 14, miền Bắc được phân bổ 1.018.000 liều cho 28 tỉnh, thành phố. Trong đó, Hà Nội nhiều nhất với 268.800 liều; Hải Dương 43.680 liều, Quảng Ninh 42.000 liều.

11 tỉnh miền Trung được nhận 309.120 liều trong đó Khánh Hoà nhiều nhất với 42.000 liều.

4 tỉnh Tây Nguyên nhận 80.640 liều, trong đó Đắk Lắk có 30.240 liều; Gia Lai có 28.560 liều; Đắk Nông nhận 11.760; Kon Tum nhận 10.080.

20 tỉnh miền Nam nhận 1.363.880 liều, riêng TP.HCM có 336.000 liều, nhiều nhất nước; Kiên Giang, Bình Dương, Đồng Nai mỗi tỉnh nhận 84.000 liều; Tiền Giang và Kiên Giang mỗi tỉnh nhận 73.920 liều; 

23 bệnh viện, viện của Bộ Y tế nhận 174.580 liều, nhiều nhất là Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Phổi Trung ương mỗi nơi nhận 18.480 liều; Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM và Bạch Mai nhận 15.120; 

Bệnh viện Chợ Rẫy nhận 13.440; Bệnh viện Thống nhất nhận 11.760; Đại học Y hà Nội nhận 10.080; Bệnh viện Hữu Nghị và Bệnh viện ĐH Y Hà Nội nhận 6.720 … Lực lượng quân đội nhận thêm 28.560 liều, công an nhận thêm 25.200 liều.

Theo quyết định phân bổ, các đơn vị không sử dụng hết vắc-xin hoặc có nhu cầu sử dụng thêm sẽ phối hợp với Dự án Tiêm chủng mở rộng Quốc gia, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương để chủ động điều phối, tổ chức tiêm chủng cho các đối tượng ưu tiên khác theo Nghị quyết số 21 và một số quyết định của Bộ Y tế, đảm bảo sử dụng vắc xin hiệu quả.

Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị xây dựng kế hoạch, đảm bảo mỗi người tiêm chủng được tiêm đủ 2 mũi vắc xin Moderna.

Hiện tại, Việt Nam đã nhận được hơn 5 triệu liều vắc xin Moderna, nhiều thứ 2 sau vắc xin AstraZeneCa (hơn 9 triệu liều).

Bộ Y tế thiết lập Trung tâm hồi sức tại Bình Dương

Hiện Bình Dương có 80 - 85% ca F0 không triệu chứng, triệu chứng nhẹ, do đó khi xây dựng tầng 1 khu điều trị cần có thêm phần cung cấp oxy nữa thì giải quyết được 80% F0 nhẹ.

Ở tầng 1 khu điều trị, khuyến khích hình thức tự chăm sóc sức khỏe không cần nhiều bác sĩ, y tá, nên dành lực lượng cho tầng 2 và tầng 3.

Ở tầng 2 (khu điều trị ở các cơ sở y tế với bệnh nhân nhẹ và trung bình) không được phép để thiếu hụt oxy. Tỉnh cần đầu tư bồn oxy và hệ thống oxy trung tâm. Làm tốt điều trị ở tầng 2 sẽ giảm bớt bệnh nhân phải chuyển lên tầng 3.

Ở tầng 3 là khu điều trị bệnh nhân nặng, được theo dõi qua hệ thống monitor và camera.

Để điều trị cho ca bệnh Covid-19 tại Bình Dương Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế quyết định thành lập Trung tâm Hồi sức tích cực (ICU) tại Bình Dương và giao PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội làm giám đốc. 

Bộ trưởng cũng thông tin Bộ Y tế sẽ thành lập 8 đơn vị hồi sức tích cực tại các tỉnh miền Đông Nam bộ, trong đó Bình Dương sẽ thiết lập 1 trung tâm (yêu cầu cần có 200 máy thở). Nếu công tác điều trị được làm tốt ở cả 3 tầng thì tỉ lệ ca bệnh chuyển nặng và tử vong sẽ giảm đáng kể.

Được biết, trong đợt dịch thứ 4, tỉnh Bình Dương đã ghi nhận 9.946 ca mắc Covid-19, trong đó: 2.479 ca bệnh phát hiện qua khám tại cơ sở y tế, 1.442 ca bệnh phát hiện trong khu phong toả, 4.831 ca bệnh phát hiện trong khu cách ly, 1.143 ca bệnh trong cộng đồng (chợ, khu không phong tỏa) và 5 ca phát hiện tại chốt kiểm dịch y tế.

Tỉnh Bình Dương hiện có 12 khu điều trị bệnh nhân Covid-19 với 5.019 ca mắc Covid-19 đang được điều trị (các bệnh nhân mới phát hiện đang được điều phối sang các khu điều trị và một số người nhiễm không triệu chứng vẫn còn cách ly tại các khu cách ly tạm thời), có 107 người có diễn biến nặng; 712 bệnh nhân khỏi bệnh.

Đại diện tỉnh Bình Dương cũng cho biết, tỉnh Bình Dương đã có kế hoạch xây dựng 20.000 giường bệnh.

Hiện tỉnh đang đẩy mạnh hình thành 3 trung tâm xét nghiệm bảo đảm xét nghiệm nhanh, trả kết quả trong vòng 24 giờ (năng lực xét nghiệm hiện tại khoảng 8.000 mẫu đơn/ngày; tương đương 80.000 mẫu gộp). Tỉnh đang nhanh chóng phối hơp với các đơn vị nâng cao năng lực lên 100.000- 300.000 mẫu/ngày.

***

Bộ Y tế vừa có quyết định phân bổ 3 triệu liều vắc-xin AstraZeneca cho 63 tỉnh thành, 23 đơn vị trực thuộc và lực lượng công an, quân đội. Nguồn vắc-xin này do cơ chế COVAX viện trợ và VNVC nhập khẩu.

Theo phân bổ, Hà Nội và TP.HCM cùng nhận 270.000 liều vắc-xin AstraZeneca, Bình Dương và Đồng Nai mỗi tỉnh tiếp nhận 73.000 liều.

28 tỉnh miền Bắc tiếp nhận gần 1,1 triệu liều, bằng số lượng phân bổ cho 20 tỉnh phía Nam. Hà Nội và TP.HCM cùng nhận 270.000 liều. Ở miền Bắc, Nghệ An, Thanh Hóa được phân bổ 56.000 liều, Hải Phòng 44.000 liều. 

Đối với khu vực phía Nam, Bình Dương và Đồng Nai mỗi tỉnh nhận 73.000 liều. Kiên Giang, Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp và An Giang nhận hơn 50.000 liều. Các địa phương còn lại tiếp nhận từ 18.000 đến 47.400 liều.

Nhóm 11 tỉnh miền Trung nhận hơn 340.000 liều, 4 tỉnh Tây Nguyên được phân bổ hơn 92.000 liều. Theo quyết định này, 23 đơn vị gồm các bệnh viện, viện thuộc Bộ Y tế được phân bổ 245.000 liều. 

Trong đó, Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện Phổi Trung ương được phân bổ 22.000 liều; Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội có 20.000 liều và Bệnh viện Bạch Mai được phân bổ 18.000 liều.

Tính đến sáng 30/7, gần 9,3 triệu liều vắc-xin của AstraZeneca được chuyển đến Việt Nam thông qua cơ chế COVAX, VNVC nhập khẩu và viện trợ từ chính phủ các nước (chiếm 62% nguồn cung vắc-xin Covid-19 trên cả nước). Việt Nam đã tiêm hơn 5,5 triệu liều, chủ yếu là AstraZeneca.

4.992 ca mắc mới tại các ổ dịch

Sáng 30/7, Bộ Y tế cho biết, Việt Nam ghi nhận thêm 4.992 ca mắc Covid-19 tại 20 tỉnh, thành phố. Trong đó, TP.HCM đứng đầu với 2.740 ca và tiếp theo là Bình Dương với 1.284 ca. Hà Nội cũng ghi nhận 63 ca nhiễm Covid-19 mới. 

Các địa phương có thêm ca mắc Covid-19 gồm: TP.HCM (2.740), Bình Dương (1.284), Tiền Giang (242), Đồng Nai (203)…

Tính đến sáng 30/7, Việt Nam có 133.405 ca mắc, trong đó, 2.213 trường hợp nhập cảnh và 131.192 bệnh nhân trong nước. Số ca mắc mới từ 27/4 đến nay là 129.622, trong đó có 29.006 bệnh nhân đã được công bố khỏi Covid-19.

***

Về tình hình điều trị, tổng số ca được điều trị khỏi là 31.780 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU là 346 ca. Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO là 19 ca.

Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 thông báo có 159 ca tử vong do Covid-19 từ ngày 27-29/7/2021 tại 8 tỉnh, thành phố, nâng tổng số ca tử vong cả nước lên 1.033 trường hợp.

Điều giám đốc nhiều bệnh viện Trung ương hỗ trợ TP.HCM

Để phòng chống dịch Covid-19, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã điều chuyển lãnh đạo cục/vụ liên quan và giám đốc các bệnh viện hạng đặc biệt, bệnh viện chuyên khoa tuyến Trung ương như Bạch Mai, Việt Đức, K, Phổi Trung ương, E, Lão khoa, Hữu nghị... vào TP.HCM để chung sức thiết lập hệ thống điều trị, đặc biệt là hệ thống hồi sức tích cực cho bệnh nhân Covid-19.

Theo đó, ngoài Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP.HCM quy mô 1.000 giường do Bệnh viện Chợ Rẫy chịu trách nhiệm, Bộ Y tế sẽ cùng thành phố thiết lập thêm 3 trung tâm hồi sức tích cực khác, khoảng 3.000 giường, để tập trung điều trị bệnh nhân nặng và rất nặng.

Ban hành hướng dẫn chăm sóc F0 tại nhà

TP.HCM ban hành “Hướng dẫn triển khai chăm sóc và theo dõi sức khỏe đối với người mắc Covid-19 tại nhà”. Theo đó, sẽ có 2 trường hợp F0 được chăm sóc và theo dõi sức khỏe tại nhà.

Trường hợp thứ nhất là những F0 không triệu chứng lâm sàng đang chăm sóc, điều trị tại các cơ sở y tế đủ điều kiện xuất viện vào ngày thứ 7 được tiếp tục theo dõi, giám sát y tế tại nhà, nơi lưu trú trong 14 ngày tiếp tục.

Trường hợp thứ hai là những F0 mới được phát hiện tại cộng đồng, không triệu chứng lâm sàng, không yếu tố nguy cơ (không có bệnh nền hoặc có bệnh nền đã điều trị ốn định, không béo phì) thì được cách ly tại nhà trong 14 ngày.

Bình Dương thiết lập 20.000 giường điều trị bệnh nhân Covid-19

Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Bình Dương, số ca mắc Covid-19 tính từ đợt dịch thứ 4 đến nay tại địa phương đã lên tới 10.684 ca. Tỉnh đang xây dựng kế hoạch nâng tổng số giường điều trị bệnh nhân Covid-19 lên 20 nghìn giường.

Sở Y tế tỉnh Bình Dương cũng cho biết, tỉnh đang triển khai công tác điều trị bệnh nhân Covid-19 theo mô hình tháp 3 tầng; trong đó tầng 1 thu dung và điều trị F0 mức độ nhẹ và không triệu chứng, tầng 2 tiếp nhận, thu dung, điều trị ca bệnh mức độ trung bình và tầng 3 hồi sức cấp cứu chuyên sâu với các trường hợp Covid-19 mức độ nặng.

Để tách F0 ra khỏi cộng đồng, tỉnh đang xét nghiệm sàng lọc diện rộng, sau 12 ngày từ ngày 17/7 đến nay, tỉnh đã lấy mẫu xét nghiệm cho 978.647 người. Phòng, chống dịch, toàn tỉnh hiện có 1.100 khu vực đang phong tỏa với 107.867 người, 126 điểm cách ly tập trung với 18.969 người đang cách ly và 2.533 trường hợp F1 cách ly tại nhà.

Thực hiện biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19, tỉnh Bình Dương đang thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Tăng cường biện pháp trong thực hiện giãn cách xã hội, giảm mật độ lưu thông của người và phương tiện, tỉnh Bình Dương đã yêu cầu người dân không ra đường từ 18 giờ hôm trước đến 6 giờ hôm sau kể từ ngày 28/7.

Ứng dụng công nghệ trong chiến dịch tiêm chủng vắc-xin lớn nhất lịch sử
Để thực hiện chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng chống Covid-19, việc ứng dụng nền tảng công nghệ thông tin là yếu tố then chốt, đặc biệt...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư