Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 04 tháng 05 năm 2024,
Tin mới nhất về dịch Covid-19 ngày 4/8: Sắp có thêm 1 triệu liều thuốc điều trị Covid-19; WHO đánh giá Việt Nam "đi đúng hướng"
D.Ngân - 04/08/2021 07:32
 
TS. Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam đánh giá, Việt Nam đã “đi đúng hướng” trong việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch.

Số ca mắc tại các ổ dịch giảm

Trong ngày 4/8 tại các ổ dịch ghi nhận 7.618 ca mắc Covid-19, giảm hơn 700 người so với ngày 3/8.

Cũng trong bản tin tối, Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 công bố 256 ca tử vong (2072-2327) tại 13 tỉnh, thành phố.

Các tỉnh, thành phố có ca tử vong, gồm TP.HCM (217), Long An (9), Đồng Tháp (8), Đồng Nai (8), Bến Tre (4), Vĩnh Long (3), Hà Nội (1), An Giang (1), Bình Thuận (1), Cần Thơ (1), Sóc Trăng (1), Đà Nẵng (1), Khánh Hoà (1). Họ được ghi nhận tử vong trong thời gian từ ngày 1 đến 4/8.

Đánh giá tình hình dịch đang diễn biến phức tạp do khả năng lây nhiễm mạnh và tốc độ lây lan rất nhanh của biến thể Delta tại tại Việt Nam, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định đợt dịch lần này sẽ còn kéo dài.

Để ứng phó với đợt dịch này, Việt Nam đã áp dụng các biện pháp quyết liệt, mạnh mẽ hơn so với các đợt bùng phát trước đây, bao gồm giãn cách xã hội tại nhiều tỉnh, thành phố.

Một số tỉnh phía Nam còn áp dụng hình thức bổ sung gần như giới nghiêm, như không cho phép người dân ra ngoài trong một số khung giờ nhất định.

Song song với việc hướng dẫn các cơ sở y tế thực hiện phân tầng điều trị theo tình trạng bệnh nhân, Bộ Y tế đã thành lập các Trung tâm ICU tại các tỉnh phía Nam do các bệnh viện Trung ương đảm nhiệm.

Về vắc-xin ngừa Covid-19, Bộ Y tế đã và đang nỗ lực để tiếp cận tất cả nguồn có thể cung ứng vắc-xin nhanh nhất để tiêm chủng sớm cho người dân.

Bộ Y tế cũng chỉ đạo đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng nhằm tăng độ bao phủ vắc-xin. Tuy nhiên, nguồn cung ứng vắc-xin vẫn đang là thách thức rất lớn nhất là trong tháng 8 và tháng 9.

Nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước cũng đang đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin Covid-19 cho người dân. Hàng trăm nghìn người trong cả nước đã được tiêm vắc-xin mũi 1.

Các địa phương cũng đang triển khai tiêm mũi 2 cho những trường hợp ưu tiên trong công tác phòng, chống dịch.

Một số tỉnh đã tạo nguồn kinh phí để mua vắc-xin tiêm cho người dân từ 18 tuổi trở lên để tạo miễn dịch trong cộng đồng ngay trong năm 2021.

Theo công văn mới nhất của Bộ Y tế về tiêm vắc-xin, những người thuộc nhóm trì hoãn tiêm chủng thì tiếp tục theo dõi và sắp xếp tiêm chủng trong thời gian sớm nhất khi có đủ điều kiện.

Những người thuộc nhóm cần thận trọng khi tiêm chủng có thể được tiêm tại tất cả các cơ sở tiêm chủng cố định và lưu động, không bắt buộc tiêm tại các bệnh viện, cơ sở điều trị.

Việt Nam mua thêm 20 triệu liều vắc-xin Pfizer

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thah, Việt Nam đã ký hợp đồng mua 31 triệu liều vắc-xin Pfizer và đang làm thủ tục mua thêm 20 triệu liều nữa.

Tuy nhiên, phải tới quý IV/2021, 47 triệu liều vắc-xin Pfizer mới về Việt Nam. Do đó, Bộ trưởng đề nghị Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) sớm có những tác động để thúc đẩy tiến trình cung ứng vắc-xin Pfizer cho Việt Nam trong thời gian sớm nhất, giúp đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, tăng độ bao phủ của vắc-xin cho người dân Việt Nam.

Đại diện USAID cho hay, Chính phủ Hoa Kỳ đã hoàn tất hợp đồng với Công ty Pfizer và cam kết hỗ trợ 500 triệu liều vắc-xin Pfizer để thúc đẩy nỗ lực tiêm chủng vắc-xin trên toàn cầu.

Đại diện USAID sẽ cố gắng vận động để Chính phủ Hoa Kỳ ưu tiên viện trợ vắc-xin Pfizer cho Việt Nam trong thời gian sớm nhất.

Đồng thời, Chính phủ Hoa Kỳ đã đồng ý viện trợ cho Việt Nam khoản kinh phí 4,5 triệu USD nhằm hỗ trợ thực hiện tiêm chủng vắc-xin và nâng cao năng lực hệ thống y tế trong phòng chống dịch COVID-19.

Ngoài những trợ giúp đang có từ USAID thì Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đề xuất USAID tiếp tục vận động Hoa Kỳ hỗ trợ Việt Nam máy thở chức năng cao để điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng, nguy kịch và hỗ trợ thêm tủ cấp đông âm sâu (-75 độ C) để bảo quản vắc-xin.

Theo thông tin từ USAID, đầu tháng 9, dự kiến 77 tủ cấp đông âm sâu sẽ đến Việt Nam. Đây là số tủ cấp đông âm sâu được Ngài Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ trong chuyến thăm Việt Nam tháng 7/2021 thông báo viện trợ.

Bộ trưởng cũng chia sẻ, Việt Nam đủ năng lực sản xuất ô-xy y tế đáp ứng nhu cầu điều trị, tuy nhiên đang rất thiếu bồn chứa ô-xy, các loại bình đựng và thiết bị phụ trợ. Do đó, Bộ trưởng đề nghị phía USAID hỗ trợ bồn chứa ô-xy và các thiết bị phụ trợ này.

Đại diện USAID ghi nhận các đề nghị từ phía Việt Nam và sẽ tiếp tục trao đổi với các Vụ, Cục chức năng của Bộ Y tế để tổng hợp nhu cầu và xem xét viện trợ trong thời gian sớm nhất.

Hà Nội: Phân luồng tiếp nhận bệnh nhân Covid-19

Sở Y tế Hà Nội đã hướng dẫn các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn Thủ đô thực hiện việc phân luồng tiếp nhận điều trị người bệnh Covid-19 trên trong giai đoạn hiện nay.

Người bệnh Covid-19 mức độ vừa như viêm phổi, đi kèm với các triệu chứng như sốt, ho, khó thở, thở nhanh trên 20 lần/phút (không có dấu hiệu viêm phổi nặng), SpO2 >=93% khi thở khí trời.

Với trẻ em khi bị viêm phổi có ho hoặc khó thở và thở nhanh, nhịp thở >= 60 lần/phút ở trẻ dưới 2 tháng, > =50 lần/phút ở trẻ từ 2 - 11 tháng; >=40 lần/phút ở trẻ từ 1 - 5 tuổi và không có các dấu hiệu của viêm phổi nặng.

Bên cạnh đó, nhân viên y tế cần chẩn đoán dựa vào lâm sàng, hình ảnh X-quang, siêu âm hoặc CT phổi thấy hình ảnh viêm phổi kẽ hoặc phát hiện các biến chứng thì cần chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, Bệnh viện đa khoa huyện Mê Linh, Bệnh viện Đa khoa Bắc Thăng Long, Bệnh viện Đa khoa huyện Gia Lâm.

Đối với người bệnh Covid-19 mức độ nặng, nguy kịch sẽ được chuyển đến điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Bệnh viện đa khoa Thanh Nhàn và các Bệnh viện Trung ương được phân công điều trị người bệnh Covid-19 trên địa bàn Thành phố.

Sở Y tế cũng lưu ý, trường hợp người bệnh Covid-19 cần điều trị chuyên khoa như cần lọc thận chu kỳ, chuyển đến Bệnh viện Bắc Thăng Long; Người bệnh thuộc chuyên ngành Nhi, Sản, Ngoại, người nước ngoài chuyển đến Bệnh viện đa khoa Đức Giang.

Trong quá trình tiếp nhận và điều trị người bệnh, căn cứ vào mức độ lâm sàng, tình hình diễn biến lâm sàng của người bệnh Covid-19 và diễn biến các bệnh lý khác, các cơ sở sẽ có phương án chuyển tuyến phù hợp.

Trà Vinh kích hoạt thêm hai bệnh viện dã chiến

Trà Vinh vừa quyết định chuyển Trung tâm Y tế huyện Càng Long thành Bệnh viện dã chiến số 5; Bệnh viện Y dược cổ truyền thành Bệnh viện dã chiến số 6, nâng tổng số lên 6 bệnh viện dã chiến trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. Hai bênh viện sẽ thực hiện thu dung, sàng lọc, cách ly, điều trị, cấp cứu các trường hợp mắc bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh và có hiệu lực từ 4/8/2021.

Theo Giám đốc Sở Y tế tỉnh Trà Vinh Kiên Sóc Kha, Sở sẽ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan, UBND huyện Càng Long, Bệnh viện Y dược cổ truyền xây dựng và ban hành Kế hoạch tổ chức triển khai hoạt động trên cơ sở sử dụng toàn bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, nhân lực hiện có của Trung tâm Y tế huyện Càng Long, Bệnh viện Y dược cổ truyền và bổ sung để đáp ứng yêu cầu điều trị bệnh Covid-19.

Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Trà Vinh (CDC Trà Vinh), đến 04/8/2021 đã ghi nhận thêm 07 ca dương tính với vi-rút SARS-CoV-2; tất cả từ các khu cách ly tập trung và khu vực phong tỏa.

Cụ thể, huyện Duyên Hải 05 ca đều cùng xã Đôn Châu: T.T.T, nữ, sinh năm 1991; K.T, nam, sinh năm 1991 cùng ấp La Bang Chợ; T.S, nam, sinh năm 1955; T.T.K.M, nữ, sinh năm 1954 và T.S.R, nam, sinh năm 1982 cùng ngụ ấp La Bang Chùa. Huyện Cầu Ngang 01 ca là N.H.A, nam, sinh năm 1986, ngụ ấp Vinh Cửu, xã Vinh Kim. Thành phố Trà Vinh 01 ca là L.H.H, nam, sinh năm 1997, ngụ ấp Vĩnh Yên, xã Long Đức.

Như vậy, tính sáng ngày 04/8/2021, Trà Vinh có 435 ca nhiễm Covid-19 được phát hiện từ ngày bùng phát dịch lần thứ tư (ngày 27/4 đến nay). Trong đó 42 trường hợp nhập cảnh được cách ly ngay, còn lại chủ yếu trong các khu cách ly, phong tỏa. Tỉnh ghi nhận 04 ca tử vong do Covid-19, tổng số bệnh nhân đã điều trị khỏi tại các bệnh viện dã chiến trên địa bàn Tỉnh là 41 bệnh nhân.

TP.HCM đề nghị được cấp đủ số lượng vắc-xin để chủ động kế hoạch tiêm chủng

Ngày 4/8, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức có văn bản khẩn gửi Phó thủ tướng Vũ Đức Đam về việc đề nghị phân bổ vắc-xin cho TP.HCM.

Theo ông Đức, Thành phố có khoảng 7 triệu người từ 18 tuổi trở lên. Thời gian qua, Thành phố đã tiêm được 2 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19. Mặt khác, có khoảng 800.000 người đã tiêm mũi 1 vắc-xin AstraZeneca trước ngày 30/6 và khoảng 25.000 người tiêm mũi 1 vắc-xin Moderna trước 31/7, cần phải tiêm mũi 2 vào tuần cuối tháng 8. Do vậy, tổng số cả mũi 1 và mũi 2, TP.HCM cần có khoảng 5,5 triệu liều.

Ông Dương Anh Đức cho rằng, để đạt mục tiêu tiêm vắc-xin cho người dân Thành phố như trên, tổng nhu cầu vắc-xin cần là 5,5 triệu liều. Số vắc-xin này cần được cấp sớm, bắt đầu từ ngày 5/8 và theo tiến độ liên tục từ nay đến ngày 31/8.

“Nhằm đảm bảo duy trì liên tục việc tổ chức tiêm chủng và đạt độ bao phủ vắc xin cho người dân Thành phố trong công tác phòng, chống dịch, UBND TP.HCM kính đề nghị đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chỉ đạo Bộ Y tế quan tâm, xem xét, phân bổ đủ vắc-xin, đồng thời có thông báo sớm về số lượng cho Thành phố trước ngày 5/8 để kịp thời chủ động kế hoạch tiêm chủng”, văn bản nêu.

Theo ông Đức, số vắc-xin trên sẽ triển khai tiêm đợt 6, nếu được cấp đủ Thành phố sẽ tiêm đúng như mục tiêu đặt ra là bao phủ 70% người dân trên 18 tuổi được tiêm vắc-xin phòng Covid-19.

Thông tin tại buổi họp trước đó, ông Dương Anh Đức cho biết, tính đến tối 2/8, theo thống kê chưa đầy đủ, TP.HCM đã tiêm được 920.329 liều vắc-xin phòng Covid-19. Như vậy Thành phố đã cơ bản hoàn thành đợt tiêm thứ 5 với mục tiêu trên 900.000 liều trong vòng 10 ngày tiêm (tính từ ngày 22/7).

Từ hôm 3/8, TP.HCM bước vào đợt 6 tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân. Cũng theo ông Đức, trong đợt 5 có 1.039 người có phản ứng sau tiêm. Tuy nhiên hầu hết là triệu chứng nhẹ và được xử lý ổn định, không có trường hợp nào ảnh hưởng đến sức khỏe.

Đồng Tháp có 873 bệnh nhân Covid-19 đã xuất viện

Thông tin trên được đưa ra tại báo cáo tại Hội nghị giao ban phòng, chống dịch Covid-19 với các huyện, thành phố vào tối qua 03/8 dưới sự chủ trì của Thường trực Tỉnh uỷ Đồng Tháp.

Theo ghi nhận, với sự chỉ đạo sát sao của Bộ Y tế và của lãnh đạo Tỉnh, công tác điều trị covid-19 đặc biệt quan tâm, mặc dù số ca mắc Covid-19 tiếp tục tăng, có thêm 141 ca, nhưng tín hiệu lạc quan là đã có thêm 45 ca khỏi bệnh và xuất viện trong ngày, nâng tổng số ca xuất viện đến nay là 873 ca.

Hiện số bệnh nhân đang điều trị là 2.497 ca, trong đó số trường hợp không triệu chứng, triệu chứng nhẹ là 2.309 ca, chiếm hơn 92%; 77 ca triệu chứng trung bình; 80 ca bệnh nặng; 31 ca rất nặng. Số ca tử vong trong ngày là 05, cộng dồn 65 ca.

Người dân Đồng Tháp cùng chung tay trao tặng tặng thiết bị y tế phòng chống dịch. Ảnh: Minh Thi

Bí thư Tỉnh uỷ Lê Quốc Phong nhận định, tình hình đang dần được kiểm soát, nhất là tại một số ổ dịch ở huyện Châu Thành, huyện Cao Lãnh không phát hiện thêm ca mắc mới. TP. Sa Đéc cần thực hiện nghiêm có các biện pháp mạnh về giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, nhất là số xã có nguy cơ cao và rất cao chiếm tỷ lệ trên 50%, nhiều khu vực còn trong tình trạng phong toả. Đảm bảo phân tầng, phân tuyến điều trị hiệu quả; các địa phương rà soát, nâng cao năng lực y tế; xác định rõ hiện trạng bệnh nhân F0 để phân luồng phù hợp; đồng thời có chế độ theo dõi, thông tin báo cáo kịp thời tình trạng sức khoẻ của F0, quy trình điều trị đảm bảo đúng quy chuẩn, nghiêm ngặt và hiệu và kiểm soát chặt việc thực hiện 3 tại chỗ trong doanh nghiệp, tránh lây lan mầm bệnh từ nhà xưởng ra cộng đồng, khu dân cư nơi công nhân cư trú.

Ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND Tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Tỉnh đánh giá, các ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực, công tác phối hợp nhịp nhàng, đi vào nề nếp hơn, qua đó cũng đã ghi nhận nhiều tín hiệu lạc quan và kết quả tích cực. 

Theo báo cáo của Tiểu ban Thông tin, tuyên truyền, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp từ 18 giờ ngày 03/8/2021 đến 06 giờ ngày 04/8/2021 ghi nhận 14 ca mắc mới, trong đó: 11 ca trong các cơ sở cách ly y tế tập trung; 03 ca trong cộng đồng, đều ngụ tại thành phố Sa Đéc, phát hiện thông qua test sàng lọc (01 ca ngụ ấp Khánh Nhơn, xã Tân Khánh Đông; 01 ca ngụ khóm Hòa Khánh, Phường 2; 01 ca ngụ Khóm 1, Phường 3). Cộng dồn đến nay, toàn tỉnh có 3.452 ca.

Thêm 4.267 người mắc Covid-19 tại 17 tỉnh, thành

Trong bản tin sáng 4/8, Bộ Y tế cho hay Việt Nam có thêm 4.267 ca Covid-19 ghi nhận trong nước. Các tỉnh, thành phố có số ca mắc lên tới 3-4 con số là: TP.HCM (2.365), Bình Dương (1.032), Tây Ninh (194), Đồng Nai (164), Long An (146).

Ấn Độ sẽ cung cấp 1 triệu liều thuốc điều trị Covid-19 cho Việt Nam

Hiện, Việt Nam có 174.461 ca nhiễm gồm 2.328 trường hợp nhập cảnh và 172.133 bệnh nhân trong nước. Số ca nhiễm mới từ 27/4 đến nay là 170.563, trong đó, 48.057 bệnh nhân đã được công bố khỏi Covid-19.

Tại Hà Nội, số ca mắc mới từ 18h ngày 3/8 đến 6h ngày 4/8 ghi nhận 19 ca mắc mới trong đó 12 ca tại cộng đồng, 7 ca khu cách ly.

Phân bố theo chùm ca bệnh: Sàng lọc ho sốt (2), Ho, sốt thứ phát (14), Liên quan 95 Láng Hạ - Đống Đa (2), Liên quan Bắc Giang tại công ty SEI (1).

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021): 1.429 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 864 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 565 ca.

***

Trong ngày 3/8, Việt Nam có 405.884 liều vắc-xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số vắc-xin đã được tiêm là 7.291.808 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 6.547.477 liều, tiêm mũi 2 là 744.331 liều.

Cùng ngày, Bộ Y tế đã có công văn hướng dẫn tiêm 2 liều vắc-xin phòng Covid-19. Theo đó, những người đã tiêm mũi một vắc-xin nào, tốt nhất tiêm mũi 2 cùng loại đó.

Phân bổ hơn 1 triệu liều vắc-xin Astrazeneca

Việt Nam vừa tiếp nhận thêm 1.074.380 liều vắc xin AstraZeneca (AZ), trong đó 659.500 liều mua từ AZ thông qua VNVC được phân bổ cho TP. HCM và 414.880 liều do Chính phủ Vương quốc Anh & Bắc Ai-len viện trợ được phân bổ cho TP. Hà Nội.

Trong ngày 3/8, Bộ Y tế đã điều chỉnh Quyết định 3600/BYT-QĐ về việc phân bổ vắc-xin phòng Covid-19 đợt 16 để phân bổ thêm cho TP.HCM (tăng 319.000 liều) và TP. Hà Nội (tăng 284.000 liều).

Như vậy, trong 3 đợt phân bổ vắc-xin gần nhất (đợt 16, 17, 18), TP. HCM được cấp 1.148.500 liều và Hà Nội được cấp 868.880 liều. 

Ngoài ra, các Viện, Bệnh viện, đơn vị Trung ương tại TP. HCM và TP. Hà Nội được cấp lần lượt 40.000 liều và 74.500 liều trong các đợt này để tiêm cho người dân trên địa bàn.

Tính đến nay, TP. HCM là địa phương được phân bổ nhiều nhất với 4.075.270 liều (bao gồm cả số lượng vắc-xin phân bổ cho các ​Viện, Bệnh viện, đơn vị Trung ương trên địa bàn); tỷ lệ phân bổ vắc xin trên dân số từ 18 tuổi trở lên đạt 29%. 

TP. Hà Nội đã được phân bổ 2.943.770 liều (bao gồm cả số lượng vắc-xin phân bổ cho các Viện, Bệnh viện, đơn vị Trung ương trên địa bàn); tỷ lệ phân bổ vắc-xin trên dân số từ 18 tuổi trở lên đạt 26%.

Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP.HCM đã có 500 giường đi vào hoạt động. Dự kiến, nơi đây mở rộng số giường dần lên đến 700 trong những ngày tới khi được Bộ Y tế tăng cường trang thiết bị và nhân lực.

TP.HCM và các tỉnh, thành phố phía Nam áp dụng hình thức giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 nghiêm ngặt và bổ sung các quy định chặt chẽ như giờ giới nghiêm.

Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 kể từ ngày 27/4, Việt Nam đã áp dụng các biện pháp quyết liệt, mạnh mẽ hơn so với các đợt dịch trước đây. 

Do ca mắc gia tăng nhanh trong thời gian ngắn gây áp lực lớn cho y tế, Bộ Y tế đang dồn toàn lực để vừa tăng cường truy vết, dập dịch, vừa tập trung điều trị cho người bệnh có chuyển biến nặng.

Ấn Độ sẽ cung cấp 1 triệu liều thuốc điều trị Covid-19 cho Việt Nam

Theo thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu đã thành lập “Nhóm phản ứng nhanh về thuốc và vắc-xin”.

Được biết, sau thời gian làm việc với rất nhiều công ty dược phẩm lớn ở Ấn Độ như Hetero, Dr. Reddy, Cipla, Jubilant, Mylan, Zydus và Cadila… các doanh nghiệp này cam kết sẽ cung cấp cho Việt Nam khoảng 1 triệu liều thuốc điều trị Covid 19 Remdesivir trong vòng 30 ngày tới.

Theo kinh nghiệm từ Ấn Độ, để kiềm chế đại dịch Covid 19 nhanh và hiệu quả, bên cạnh việc đẩy nhanh công tác tiêm vắc-xin, việc tìm thuốc điều trị khẩn cấp cho bệnh nhân nặng cũng đóng vai trò quan trọng.

Để được xuất khẩu, doanh nghiệp cần hoàn thiện thủ tục tại Tổng cục Ngoại thương Ấn Độ hoặc các văn phòng đặt tại các trung tâm kinh tế lớn.

“Việc sớm mua được thuốc biệt dược cần thiết từ Ấn Độ hy vọng sẽ giúp chúng ta sớm kiềm chế và chiến thắng đại dịch Covid-19”, Đại sứ Phạm Sanh Châu chia sẻ.

Được biết theo Bộ trưởng Bộ Y tế Ấn Độ, năng lực sản xuất thuốc Remdesivir đã tăng mạnh từ 3,8 triệu liều/tháng vào thời điểm tháng 4, lên 12,25 triệu liều trong tháng 6. Trong đó, số nhà máy được cấp phép sản xuất cũng tăng từ 22 nhà máy hồi tháng 4 lên 62 nhà máy vào thời điểm hiện tại.

Trong nước, Bộ Y tế cũng đang tiến hành các bước để cấp phép cho một số loại thuốc điều trị Covid-19.

Mới đây nhất, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết Bộ Y tế sẽ sớm cấp phép, đưa thuốc Remdesivir vào phác đồ điều trị. Cơ quan này giao Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cùng các chuyên gia nghiên cứu, đưa ra hướng dẫn.

Remdesivir được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt từ cuối tháng 10/2020 để điều trị bệnh nhân Covid-19. Hiện hơn 50 quốc gia cũng sử dụng thuốc này trong phác đồ điều trị.

Cùng với đó, các địa phương đang đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin phòng chống Covid-19 trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.

Đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 17,6 triệu liều vắc-xin Covid-19 của AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Sputnik-V, Sinopharm.

Việt Nam đi đúng hướng chống dịch

TS. Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, dù đợt dịch này rất khó khăn nhưng các ứng phó của Việt Nam đã “đi đúng hướng”. 

Ông bày tỏ tin tưởng Việt Nam có thể vượt qua đại dịch với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân. Tổ chức WHO tại Việt Nam sẵn sàng đồng hành với Chính phủ Việt Nam và Bộ Y tế trong công cuộc phòng chống dịch này.

Đặc biệt, TS. Kidong-Park đánh giá cao việc Bộ Y tế đã khẩn trương thành lập các Trung tâm ICU tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam để điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch nhằm giảm thiểu tỷ lệ tử vong.

Đại diện WHO tại Việt Nam cho biết sẵn sàng hỗ trợ Bộ Y tế trong việc tăng cường đào tạo tập huấn chuyên môn cho cán bộ và các biện pháp dự phòng lây nhiễm cho nhân viên y tế.

Về vắc-xin, Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam khẳng định tất cả các loại vắc-xin Covid-19 đã được tổ chức này phê duyệt đều đảm bảo an toàn và hiệu quả.

Đại diện WHO tại Việt Nam khẳng định sẵn sàng hỗ trợ Bộ Y tế trong việc nâng cao năng lực, thử nghiệm đánh giá, cấp phép với vắc-xin sản xuất trong nước qua hệ thống NRA (hệ thống quản lý quốc gia về vắc-xin) theo đúng các quy định.

Hiện nay, Việt Nam là 1 trong 39 quốc gia được WHO xác nhận đạt tiêu chuẩn này. WHO sẽ sớm trao đổi, thảo luận để triển khai các công việc có liên quan.

Bổ sung hơn 5.100 tỷ đồng mua vật tư y tế, thuốc phòng, chống dịch Covid-19
|Phó Thủ tướng yêu cầu quản lý, sử dụng số kinh phí được bổ sung bảo đảm đúng quy định, công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư