Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Tin mới về Covid-19 ngày 21/12: Bộ Khoa học và Công nghệ nhận sai sót; Nhiều địa phương thông tin về sử dụng kit test Việt Á
D.Ngân - 21/12/2021 08:17
 
Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết do sai sót thông tin nên gỡ bài viết đánh giá của WHO về bộ kit test SARS-CoV-2 của Công ty Việt Á trên website của Bộ này.

Thêm 16.316 người mắc Covid-19

Trong 24 giờ qua, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 16.325 ca nhiễm mới, trong đó 9 ca nhập cảnh và 16.316 ca ghi nhận trong nước (tăng 1.350 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố (có 11.309 ca trong cộng đồng).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là Cà Mau (tăng 623 ca), Quảng Ngãi (tăng 214 ca), Thừa Thiên - Huế (tăng 156 ca).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là Bến Tre (giảm 379 ca), Phú Yên (giảm 182 ca), Sóc Trăng (giảm 99 ca).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 15.609 ca/ngày.

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 7.740 ca, trong đó, 5.460 trường hợp thở ô-xy qua mặt nạ, 1.250 ca thở ô-xy dòng cao (HFNC), 137 ca thở máy không xâm lấn,

Về tình hình điều trị, có thêm 50.191 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 21/12, nâng tổng số ca được điều trị khỏi là 1.160.090 ca.

Ngoài ra, hiện có 7.740 bệnh nhân nặng đang điều trị tại các cơ sở y tế trên cả nước.

Về số bệnh nhân tử vong, từ 17h30 ngày 20/12 đến 17h30 ngày 21/12, nước ta ghi nhận 250 ca tử vong: TP.HCM (58), Tây Ninh (31 ca), Đồng Nai (20), Tiền Giang (15), Bình Dương (14), Cần Thơ (12), Kiên Giang (11), Sóc Trăng (10), Đồng Tháp (9), Vĩnh Long (9), Hà Nội (8),

Bến Tre (8), Bà Rịa - Vũng Tàu (7), Bạc Liêu (6), Bình Thuận (6), Long An (5), Cà Mau (4), Đắk Lắk (3),

Trà Vinh (3), Khánh Hòa (3), Lâm Đồng (2), Hậu Giang (2), Quảng Ngãi (1), Bình Định (1), Ninh Thuận (1), Bình Phước (1).

Trung bình số ca tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 244 ca/ngày. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 30.041 ca, chiếm tỷ lệ 1,9% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 29/234 quốc gia, vùng lãnh thổ; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 133/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49 quốc gia, vùng lãnh thổ (xếp thứ 4 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 27/49 quốc gia, vùng lãnh thổ (xếp thứ 6 ASEAN).

Hà Nội: Hơn 1.700 ca Covid-19, trong đó có 485 ca tại cộng đồng

Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính từ 18h ngày 20/12 đến 18h ngày 21/12, trên địa bàn thành phố ghi nhận 1.704 ca Covid-19, trong đó có 485 ca tại cộng đồng, 1.130 ca tại khu cách ly và 89 ca tại khu phong tỏa. Như vậy, so với ngày hôm qua, số ca mắc hôm nay đã tăng thêm 63 ca, từ 1.641 ca lên 1.704 ca.

Cộng dồn số ca mắc tại Hà Nội trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 29/4 đến nay) là 30.398 ca; trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 11.156 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 19.242 ca.

Cũng theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, chỉ trong 7 ngày (tính từ ngày 15/12 đến chiều 21/12), đã có hơn 4.000  người tại 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố được phát hiện dương tính qua test nhanh.

Trước đó, ngày 12/12, Bộ Y tế có trả lời bằng văn bản, cho phép Hà Nội xác định F0 khi có kết quả test nhanh kháng nguyên dương tính.

Thời gian qua, khi số ca nhiễm, đặc biệt số ca trong cộng đồng tăng cao, TP.HCM và một số tỉnh phía Nam cũng đã được Bộ Y tế cho phép sử dụng kết quả test nhanh để xác định F0.

An Giang cho kinh doanh hàng quán hoạt động trở lại

UBND tỉnh An Giang vừa có Công văn 1435/UBND-KGVX thống nhất chủ trương ngừng áp dụng biện pháp yêu cầu người dân không ra đường từ 20 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau (trừ các địa phương thuộc cấp độ 4).

Theo đó, sau thời gian dài chỉ bán mang về, từ ngày 20/12, hàng quán kinh doanh ăn uống trên địa bàn tỉnh An Giang được phép phục vụ tại quán (ngoại trừ bia, rượu) với quy mô 50% công suất và đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19. Ghi nhận ở các địa phương, người dân chấp hành quy định, thực hiện thông điệp “5K”, đảm bảo khoảng cách an toàn, không chủ quan trước dịch bệnh...

Trên cơ sở đánh giá cấp độ dịch trên toàn tỉnh (thuộc cấp độ 2 trong 3 tuần qua); đồng thời chuẩn bị cho các hoạt động lễ hội cuối năm (như lễ Giáng sinh, Tết Dương lịch, Tết cổ truyền dân tộc) đang đến gần, An Giang thống nhất cao trong tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, thúc đẩy sản xuất, mua bán trở lại trong trạng thái bình thường mới, nhưng vẫn phải thực hiện tốt biện pháp phòng, chống dịch.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình yêu cầu Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố ban hành biện pháp hành chính tương ứng đảm bảo an toàn, thích ứng linh hoạt và kiểm soát tốt công tác phòng, chống dịch tại địa phương theo quy định.

Theo Ban Chỉ dạo phòng chống dịch An Giang: tỉnh đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh. Đến ngày 20-12, tỉnh An Giang tiếp tục duy trì cấp độ 2 (vùng vàng). Đối với cấp huyện: cấp độ 1 (vùng xanh) có 2 địa phương là huyện Phú Tân và Tri Tôn; cấp độ 2 (vùng vàng) có 7 địa phương là huyện Thoại Sơn, An Phú, Châu Thành, Tân Châu, Chợ Mới, TP. Long Xuyên, TP. Châu Đốc; cấp độ 3 (vùng cam) có 2 địa phương là huyện Châu Phú và Tịnh Biên.

Tỷ lệ bao phủ vaccine của tỉnh, đối với người từ 18 tuổi trở lên tiêm mũi 1 đạt trên 98%, mũi 2 trên 95%; tiêm cho trẻ em từ 12-17 tuổi mũi 1 đạt 100%, mũi 2 đạt 54%. An Giang quyết tâm đến cuối tháng 12/2021, nhân dân trong tỉnh đều được tiêm đủ liều vaccine, góp phần thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19.

Nhận sai sót

Ngày 20/12, trên website của Bộ Khoa học và Công nghệ, thông tin công bố đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Bộ Y tế Anh cấp chứng nhận đạt chuẩn châu Âu cho bộ kit test của Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á đã bị gỡ bỏ.

Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết do sai sót thông tin nên gỡ bài viết đánh giá của WHO về bộ kit test SARS-CoV-2 của Công ty Việt Á trên website của Bộ này.

Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ thừa nhận Bộ đã chưa xem xét kỹ lưỡng thông tin phản hồi của WHO về bộ kit test của Công ty Việt Á. 

"WHO mới chỉ "chấp thuận đưa kit test này vào quy trình đánh giá xem xét sử dụng" không phải "chấp thuận sử dụng". "Đây là sơ suất của Bộ Khoa học và Công nghệ”, đại diện Bộ này nói.

Trước đó, ngày 26/4/2020, Cổng thông tin điện tử của Bộ Khoa học và Công nghệ đăng tải: "Bộ KIT xét nghiệm Covid-19 của Việt Nam sản xuất vừa được Tổ chức Y tế thế giới chấp thuận". 

Trong đó nêu rõ, ngày 24/4, Tổ chức Y tế thế giới đã chấp thuận bộ KIT xét nghiệm Covid-19 của Việt Nam do Bộ Khoa học và Công nghệ giao cho Học viện Quân y và Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á phối hợp nghiên cứu và sản xuất. WHO đã đánh giá bộ kit theo quy trình danh sách khẩn cấp (EUL) và cấp mã số EUL 0524-210-00.

Trong khi đó, ngày 20/10/2020, WHO công bố báo cáo công khai về đánh giá sử dụng khẩn cấp của WHO thẩm định bộ xét nghiệm Covid-19 của Việt Á là: Not Accepted - Không được chấp nhận.

Liên quan đến việc bộ kit test không được WHO chấp thuận nhưng vẫn đưa sản phẩm này vào sử dụng từ tháng 3/2020 đến nay, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng việc WHO chấp nhận hay không chấp nhận độc lập với quyết định cấp phép sử dụng của Bộ Y tế.

Cụ thể, ngày 4/3/2020, theo đề nghị của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế đồng ý cho sinh phẩm chẩn đoán invitro xét nghiệm virus SARS-CoV-2 do Học viện Quân y và Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á sản xuất được cấp số đăng ký để phục vụ kịp thời công tác phòng chống dịch Covid-19.

Sản phẩm này là kết quả của đề tài nghiên cứu cấp quốc gia được Bộ Khoa học và Công nghệ đặt hàng Học viện Quân y chủ trì, phối hợp với Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á thực hiện. 

Đề tài được nghiệm thu và thông qua. Do đó, bộ kit test này đủ điều kiện để các cơ sở y tế sử dụng trong nước phục vụ công tác phòng chống dịch.

Đà Nẵng thông tin về việc mua vật tư kit test Covid-19 của Công ty Việt Á

 Chiều 20/12, Sở Y tế TP.Đà Nẵng có báo cáo liên quan mua sắm sinh phẩm xét nghiệm phát hiện virus SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật RT-PCR phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. 

Theo đó, tại thời điểm tháng 5/2021, trước yêu cầu cấp bách của công tác xét nghiệm SARS-CoV-2 và để bảo đảm kịp thời sinh phẩm xét nghiệm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Đà Nẵng (CDC Đà Nẵng) đề xuất mua 70.000 test sinh phẩm xét nghiệm LightPower IVASARS-CoV-2 1stRT-rPCR Kit, hãng sản xuất là Công ty CP công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) với đơn giá dự toán 509.250 đồng/test.

Cơ sở xây dựng giá dự toán của mặt hàng sinh phẩm xét nghiệm LightPower IVASARS-CoV-2 1stRT-rPCR Kit gồm 3 báo giá thị trường. 

Các quyết định trúng thầu trước đó được công khai tại cổng công khai kết quả đấu thầu Bộ Y tế theo quy định.

Từ ngày 2/7/2021, Bộ Y tế cập nhật giá bán công khai sinh phẩm này tại Công văn số 5288 BYT-TB-CT là 470.000 đồng/test cho đơn hàng dưới 500.000 test, 367.500 đồng/test với đơn hàng từ 500.000 đến dưới 1.000.000 test. 

Trên cơ sở đề xuất của CDC Đà Nẵng, Sở Y tế phối hợp các cơ quan có liên quan trình UBND Thành phố phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu 3 gói thầu, với tổng số lượng mua sắm 200.000 test, đơn giá 367.500 đồng/test.

Theo thông tin được đăng tải trên trang website của CDC Đà Nẵng, một trong những đợt đấu thầu mua sinh phẩm phục vụ công tác xét nghiệm Covid-19 giữa CDC Đà Nẵng với Việt Á có giá trị lớn là vào tháng 5/2021, với số tiền là gần 30 tỷ đồng.

Cụ thể, ngày 24/4/2021, CDC Đà Nẵng công bố gói thầu “Mua sinh phẩm phục vụ công tác xét nghiệm virus corona (Covid-19)” với hình thức đấu thầu rộng rãi, dự thầu qua mạng. Giá gói thầu là 29.292.500.000 đồng, Công ty Việt Á trúng thầu 29.032.500.000 đồng.

Khối lượng mời thầu là 90.000 test. Trong đó test iVAaDNA/RNA Extraction Kit aM có đơn giá 136.500 đồng, test LightPower IVASARS-CoV-2 1stRT-rPCR Kit có đơn giá 509.250 đồng. Các bộ test này đều của công ty Việt Á sản xuất.

UBND TP.Cần Thơ yêu cầu Sở Y tế kiểm tra các đơn vị trực thuộc về việc có sử dụng các sản phẩm của Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á do Phan Quốc Việt (41 tuổi) làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc. 

Sở Y tế Cần Thơ báo cáo, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Cần Thơ không mua kit xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á.

Tại Bạc Liêu, Giám đốc Sở Y tế tỉnh cho biết Công ty Việt Á từng cử nhân viên đến địa phương này chào hàng bán kit test Covid-19. Tuy nhiên, do giá cao và không phù hợp với dòng máy xét nghiệm nên ngành y tế Bạc Liêu từ chối mua.

Giám đốc Sở Y tế Bến Tre Ngô Văn Tán cho hay đã rà soát nhưng chưa phát hiện đơn vị trực thuộc nào mua kit test Covid-19 của Công ty Việt Á.

Lãnh đạo CDC Thừa Thiên - Huế và Nghệ An cho rằng đơn vị không liên quan việc Bộ Công an đang điều tra Công ty CP Công nghệ Việt Á nâng giá kit xét nghiệm Covid-19.

TP.HCM: Lấy mẫu xét nghiệm, giải trình tự gene xác định biến chủng mới

Sở Y tế TP.HCM vừa ban hành văn bản khẩn về giám sát và phòng chống biến thể Omicron gửi 22 địa phương và các đơn vị y tế trực thuộc.

Theo đó, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) được giao rà soát tất cả trường hợp nhập cảnh từ 28/11 có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 dương tính bằng phương pháp NAAT, PCR trong vòng 14 ngày kể từ khi nhập cảnh. Các đơn vị phối hợp với Viện Pasteur để đánh giá dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm, giải trình tự gene nhằm xác định biến thể Omicron.

Nếu ghi nhận ca dương tính nhiễm biến thể Omicron, các đơn vị rà soát người tiếp xúc gần để lấy mẫu xét nghiệm, giải trình tự gene nếu dương tính.

Hoạt động của hệ thống giám sát phải được tăng cường để sớm phát hiện ổ dịch, chùm ca bệnh có diễn biến, đặc điểm bất thường. Các đơn vị chủ động phối hợp với Viện Pasteur để lấy mẫu giám sát, nghiên cứu phát hiện biến thể mới.

UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện được giao tiêm vaccine phòng Covid-19 ngay cho người chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều, đặc biệt là nhóm nguy cơ (trên 50 tuổi, mắc bệnh nền). Việc tiêm liều bổ sung, nhắc lại cần được triển khai khẩn trương.

Thanh Hóa: Dịch tại Mường Lát phức tạp

Chiều 20/12, qua xét nghiệm 10.668 người bằng RT-PCR, tỉnh Thanh Hóa phát hiện thêm 247 người mắc Covid-19, trong đó có 182 bệnh nhân phát hiện trong cộng đồng.

Đến thời điểm này, kết quả xét nghiệm khẳng định 145 ca ở 4 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Mường Lát đã cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. 

Ổ dịch Covid-19 đã ngấm sâu, lan rộng trong cộng đồng nhưng với sự giúp đỡ, hỗ trợ của tuyến tỉnh, huyện Mường Lát sớm tách các ca F0 khỏi cộng đồng, từng bước kiềm chế, kiểm soát dịch bệnh. Huyện đã kích hoạt ba cơ sở, bảo đảm điều trị cách ly 400 bệnh nhân Covid-19.

Đi kiểm tra, chỉ đạo phòng, chống Covid-19, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa yêu cầu huyện Mường Lát triển khai ngay các biện pháp cấp bách chống dịch.

Siết chặt kiểm soát, quản lý người từ vùng dịch về địa bàn; đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cho các đối tượng theo kế hoạch, bảo vệ sức khỏe nhân dân; mở rộng diện xét nghiệm tầm soát nhằm phát hiện, tách F0 khỏi cộng đồng.

Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cũng giao Sở Y tế phải ưu tiên cao nhất thuốc, vật tư y tế phục vụ công tác điều trị bệnh nhân Covid-19 ở huyện Mường Lát; đề nghị Mặt trận Tổ quốc tỉnh khảo sát, nắm bắt nhu cầu, hỗ trợ an sinh, ổn định đời sống nhân dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

Cần Thơ: Thành lập Trung tâm Hồi sức tích cực điều trị bệnh nhân Covid-19

Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ vừa ban hành quyết định thành lập Trung tâm Hồi sức tích cực điều trị bệnh nhân Covid-19 khi tình hình dịch vẫn chưa có chiều hướng giảm.

Trung tâm Hồi sức tích cực điều trị bệnh nhân Covid-19 điều trị tầng 3 thuộc mạng lưới hồi sức tích cực Quốc gia, đặt dưới sự điều hành, quản lý về chuyên môn, nghiệp vụ của Sở Y tế và sự chỉ đạo của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Ban Chỉ đạo thành phố về phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Trung tâm có quy mô 100 giường, trụ sở làm việc đặt tại Bệnh viện Đa khoa TP.Cần Thơ.

Trung tâm tổ chức thu dung, cấp cứu, điều trị người bệnh Covid-19 nặng, nguy hiểm và hướng dẫn, hỗ trợ chuyên môn trong cấp cứu, hồi sức tích cực và điều trị người bệnh Covid-19 cho các cơ sở thu dung, điều trị, chăm sóc người bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố và địa bàn các tỉnh trong vùng được phân công. 

Thiết lập mạng lưới, hướng dẫn, hỗ trợ về mặt chuyên môn cho khoa hồi sức tích cực của các bệnh viện trong vùng được giao phụ trách. 

Trong trường hợp có ca bệnh nặng, nguy kịch vượt quá khả năng chuyên môn, thực hiện chuyển tuyến người bệnh đến Trung tâm hồi sức tích cực Quốc gia được Bộ Y tế phân công phụ trách vùng.

Sở Y tế chỉ đạo Bệnh viện Ða khoa TP.Cần Thơ huy động nguồn nhân lực y tế, cơ sở vật chất, trang thiết bị của bệnh viện cho Trung tâm. 

Ðồng thời tổ chức tiếp nhận, điều trị, cấp cứu trường hợp bệnh nhân nặng, nguy kịch; hướng dẫn các cơ sở y tế trên địa bàn trong việc điều phối chuyển tuyến người bệnh Covid-19 đến Trung tâm đảm bảo kịp thời, an toàn, hiệu quả, tuân thủ theo hướng dẫn về chuyên môn kỹ thuật của Bộ Y tế.

Bệnh viện Ða khoa TP.Cần Thơ có trách nhiệm chuẩn bị các điều kiện cần thiết và sắp xếp bố trí nhân lực để trung tâm tiếp nhận, điều trị và chăm sóc bệnh nhân Covid-19.

Bộ Y tế chính thức quy định giá dịch vụ xét nghiệm Sars-Cov-2
Giá dịch vụ test nhanh (gồm chi phí trực tiếp, chi phí tiền lương) được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt là 16.400 đồng/xét nghiệm.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư