Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Tin mới về Covid-19 ngày 21/2: Hà Nội phân luồng tiếp nhận, điều trị F0; 11 dấu hiệu F0 cần chuyển viện kịp thời
D.Ngân - 21/02/2022 08:48
 
Việc phân luồng điều trị với F0 tại Hà Nội được chia thành các yếu tố nguy cơ, cụ thể F0 mức độ nặng, nguy kịch hoặc trong tình trạng cần hồi sức tích cực.

Thêm 46.861 ca Covid-19 tại 62 tỉnh, thành phố

heo tin từ Bộ Y tế, trong 24 giờ qua, nước ta ghi nhận 46.880 ca nhiễm mới, trong đó có 19 ca nhập cảnh và 46.861 ca trong nước tại 62 tỉnh, thành phố (giảm 331 ca so với ngày trước đó).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là Hà Tĩnh (giảm 605 ca), Gia Lai (giảm 286 ca), Lào Cai (giảm 179 ca). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là Hải Dương (tăng 499 ca), Hà Nội (tăng 375 ca), Bắc Ninh (tăng 222 ca). Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 40.164 ca/ngày.

Cụ thể, tính từ 16h ngày 20-2 đến 16h ngày 21/2, trên Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 46.880 ca nhiễm mới, trong đó có 19 ca nhập cảnh và 46.861 ca ghi nhận trong nước tại 62 tỉnh, thành phố (gồm có 32.975 ca tại cộng đồng).

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 2.834.373 ca nhiễm, đứng thứ 32/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 144/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 28.696 ca nhiễm).

Riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 2.827.112 ca, trong đó có 2.291.852 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là TP.HCM (520.790), Bình Dương (294.139), Hà Nội (203.821), Đồng Nai (100.537), Tây Ninh (89.115).

Đã có hơn 2,2 triệu F0 được công bố khỏi bệnh

Về tình hình điều trị, có thêm 13.235 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi là 2.294.669 ca. Ngoài ra, có 3.145 bệnh nhân nặng đang điều trị. 

Về số bệnh nhân tử vong, tính ừ 17h30 ngày 20/2 đến 17h30 ngày 21/2, nước ta ghi nhận 104 ca tử vong tại: TP.HCM (2), Hà Nội (35 ca trong 2 ngày), An Giang (5 ca trong 2 ngày), Kiên Giang (4), Quảng Bình (4), Quảng Nam (4 ca trong 2 ngày), Vĩnh Long (4), Bình Định (3), Đà Nẵng (3), Đắk Lắk (3),

Hải Dương (3 ca trong 2 ngày), Lâm Đồng (3), Nam Định (3), Thái Nguyên (3), Đắk Nông (2), Đồng Nai (2), Đồng Tháp (2), Hà Nam (2 ca trong 2 ngày), Hải Phòng (2), Ninh Bình (2), Sóc Trăng (2), Trà Vinh (2), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Bình Thuận (1), Cao Bằng (1), Hà Giang (1), Khánh Hòa (1), Lào Cai (1), Phú Thọ (1), Phú Yên (1), Quảng Ngãi (1).

Trung bình số ca tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 81 ca/ngày. Như vậy, tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 39.605 ca, chiếm tỷ lệ 1,4% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 quốc gia, vùng lãnh thổ; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 129/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 quốc gia, vùng lãnh thổ (xếp thứ 3 ASEAN); tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 23/49 quốc gia, vùng lãnh thổ (xếp thứ 4 ASEAN).

Hà Nội phát hiện thêm gần 5.500 ca Covid-19

Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính từ 18h ngày 20/2 đến 18h ngày 21/2, trên địa bàn Thành phố ghi nhận 5.477 ca Covid-19 (tăng 375 ca so với ngày trước đó), trong đó có 1.687 ca cộng đồng; 3.790 ca đã cách ly.

Như vậy, Thành phố tiếp tục lập kỷ lục mới với số ca mắc tiếp tục ở mức cao nhất từ trước đến nay.

Cụ thể, 5.477 bệnh nhân phân bố tại 483 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Đông Anh (359); Hoàng Mai (336); Hoài Đức (326); Sóc Sơn (324); Nam Từ Liêm (321).

Như vậy, cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch thứ tư, tính từ ngày 29/4/2021 đến nay là 206.995 ca.

Cũng theo Sở Y tế Hà Nội, tính đến hết ngày 20/22, toàn Thành phố có 202.355 F0 đang điều trị, theo dõi.

Trong đó, hơn 196.000 F0 điều trị tại nhà và 1.284 ca điều trị tại cơ sở thu dung của thành phố và các quận, huyện. Như vậy, số ca Covid-19 nhẹ, không triệu chứng ở Hà Nội chiếm gần 97,5% tổng số ca đang điều trị, theo dõi.

Trong gần 2,5% còn lại (tương đương 4.891 ca), có 355 ca điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội; và 4.536 F0 điều trị tại các bệnh viện của Thủ đô (gồm tầng 2 và 3).

Ngày 20/2, Thành phố ghi nhận 20 ca mắc Covid-19 tử vong. Như vậy, tổng số ca tử vong do Covid-19 tính từ ngày 29/4/2021 cho đến nay tại Hà Nội là 928 người.

Chia bệnh nhân thành các tầng điều trị

Sở Y tế Hà Nội vừa có Công văn khẩn số 78/SYT-NVY về phân luồng tiếp nhận, điều trị người bệnh Covid-19 trên địa bàn.

Việc phân luồng điều trị với F0 được chia thành các yếu tố nguy cơ, cụ thể F0 mức độ nặng, nguy kịch hoặc trong tình trạng cần hồi sức tích cực.

Theo đó, việc phân luồng điều trị với người bệnh Covid-19 (F0) được chia thành các yếu tố nguy cơ, cụ thể F0 mức độ nặng, nguy kịch hoặc trong tình trạng cần hồi sức tích cực điều trị tại tầng 3 tại các bệnh viện: Đa khoa Đức Giang, Thanh Nhàn, Hà Đông, Xanh Pôn, Sơn Tây và Đống Đa.

Bệnh viện tầng 2 đáp ứng giường bệnh hồi sức tích cực đã phân công và các bệnh viện trung ương, bộ, ngành.

F0 mức độ trung bình hoặc có triệu chứng, tuổi từ lớn hơn hoặc bằng 65, mắc bệnh lý nền không ổn định và chưa tiêm đủ liều vắc-xin; F0 mắc các bệnh lý có triệu chứng cấp tính cần điều trị nội trú hoặc can thiệp chuyên khoa được điều trị tại bệnh viện thuộc tầng 2.

F0 mắc bệnh lý nền ổn định hoặc không ổn định nhưng chưa cần nhập viện, chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ 2 mũi vắc-xin điều trị tại cơ sở tầng 1; F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ đủ điều kiện quản lý, cách ly, điều trị tại nhà (tầng 1).

F0 chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng, cơ sở tiếp nhận trường hợp này ở tầng 1 và tầng 2 là các bệnh viện: Bắc Thăng Long, Đống Đa, Thanh Nhàn, Hà Đông, Đức Giang, Xanh Pôn, Thận, Sơn Tây, Mê Linh; ở tầng 3 là các bệnh viện: Thanh Nhàn, Hà Đông, Đống Đa, Đức Giang, Xanh Pôn, Sơn Tây và bệnh viện trung ương, bộ, ngành.

F0 có bệnh tâm thần, người đang cai nghiện tại cộng đồng, cơ sở tiếp nhận trường hợp này ở tầng 1 và tầng 2 là Bệnh viện Tâm thần Hà Nội và Bệnh viện Tâm thần Mỹ Đức; ở tầng 3 là các bệnh viện: Thanh Nhàn, Đức Giang, Hà Đông, Xanh Pôn, Tâm thần Hà Nội và bệnh viện Trung ương.

F0 sau ghép tạng điều trị tại tầng 1, 2, 3 tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn và các bệnh viện đang theo dõi, điều trị cho người bệnh.

Đáng chú ý, tại hướng dẫn này, Sở Y tế Hà Nội đã bổ sung phân tầng điều trị đối với trẻ em mắc Covid-19. Cụ thể, trẻ trên 3 tháng tuổi sẽ được điều trị tại nhà. 

Nếu không đủ điều kiện điều trị tại nhà, sẽ được chuyển điều trị tại cơ sở thu dung quận, huyện.

Với trẻ có bệnh nền không ổn định hoặc thể trạng béo phì, trẻ từ 3 tháng tuổi trở xuống sẽ chuyển điều trị tại bệnh viện đa khoa có giường bệnh điều trị nhi khoa.

Trẻ mắc Covid-19 mức độ trung bình được điều trị tại tầng 2 (các bệnh viện đa khoa có khoa nhi); bệnh viện trung ương, bộ, ngành.

5 bệnh viện gồm Thanh Nhàn, Hà Đông, Đức Giang, Xanh Pôn và Sơn Tây; bệnh viện trung ương, bộ, ngành sẽ tiếp nhận trẻ em mắc Covid-19 tầng 3.

Riêng đối với người bệnh mang thai điều trị tại nhà (tầng 1) khi thai dưới 37 tuần, không bệnh nền, đã tiêm đủ vắc-xin hoặc tại cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 (tầng 1) khi thai dưới 37 tuần chưa tiêm đủ vắc-xin hoặc bệnh nền ổn định hoặc bệnh viện đa khoa có khoa sản khi thai dưới 37 tuần chưa tiêm đủ vắc xin và có bệnh nền không ổn định.

Người bệnh mang thai điều trị tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội (tầng 2) đối với sản phụ cần can thiệp chuyên khoa, thai bằng hoặc trên 28 tuần mức độ trung bình, nặng; hoặc điều trị tại bệnh viện đa khoa có khoa sản và bệnh viện trung ương, bộ, ngành.

Người bệnh mang thai điều trị tại tầng 3 với các bệnh viện: Thanh Nhàn, Hà Đông, Đức Giang, Xanh Pôn, Sơn Tây, Phụ sản Hà Nội và bệnh viện trung ương, bộ, ngành.

11 dấu hiệu F0 cần chuyển viện kịp thời

Hướng dẫn quản lý người mắc Covid-19 tại nhà của Bộ Y tế nêu rõ nội dung F0 cần theo dõi sức khỏe hàng ngày:

Các chỉ số: Nhịp thở, mạch, nhiệt độ, SpO2 và huyết áp (nếu có thể).

Các triệu chứng: Mệt mỏi, ho, ho ra đờm, ớn lạnh/gai rét, viêm kết mạc (mắt đỏ), mất vị giác hoặc khứu giác, tiêu chảy (phân lỏng/đi ngoài); ho ra máu, thở dốc hoặc khó thở, đau tức ngực kéo dài, lơ mơ, không tỉnh táo.

Các triệu chứng khác như: Đau họng, nhức đầu, chóng mặt, chán ăn, buồn nôn và nôn, đau nhức cơ,…

Cũng theo hướng dẫn này, người bệnh khi phát hiện 1 trong 11 dấu hiệu sau đây cần phải báo ngay với cơ sở quản lý người nhiễm Covid-19 tại nhà; trạm y tế xã, phường; hoặc trạm y tế lưu động; Trung tâm vận chuyển cấp cứu… để được xử trí cấp cứu và chuyển viện kịp thời:

Khó thở, thở hụt hơi, hoặc ở trẻ em có dấu hiệu thở bất thường như thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, khò khè, thở rít thì hít vào.

Nhịp thở: Người lớn, nhịp thở ≥ 20 lần/phút; trẻ từ 1 đến dưới 5 tuổi, nhịp thở ≥ 40 lần/phút; trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi, nhịp thở ≥ 30 lần/phút. Lưu ý ở trẻ em, đếm đủ nhịp thở trong 1 phút khi trẻ nằm yên không khóc.

SpO2 ≤ 96% (trường hợp phát hiện chỉ số SpO2 bất thường cần đo lại lần 2 sau 30 giây đến 1 phút, khi đo yêu cầu giữ yên vị trí đo).

Mạch nhanh > 120 nhịp/phút hoặc < 50 nhịp/phút.

Huyết áp thấp: Huyết áp tối đa < 90 mmHg, huyết áp tối thiểu < 60 mmHg (nếu có thể đo).

Đau tức ngực thường xuyên, cảm giác bó thắt ngực, đau tăng khi hít sâu.

Thay đổi ý thức: Lú lẫn, ngủ rũ, lơ mơ, rất mệt/mệt lả, trẻ quấy khóc, li bì khó đánh thức, co giật.

Tím môi, tím đầu móng tay, móng chân, da xanh, môi nhợt, lạnh đầu ngón tay, ngón chân.

Không thể uống hoặc bú kém/giảm, ăn kém, nôn (ở trẻ em). Trẻ có biểu hiện hội chứng viêm đa hệ thống: Sốt cao, đỏ mắt, môi đỏ, lưỡi dâu tây, ngón tay chân sưng phù nổi hồng ban.

Mắc thêm bệnh cấp tính: Sốt xuất huyết, tay chân miệng.

Bất kỳ tình trạng bất ổn nào của người mắc Covid-19 mà thấy cần báo cơ sở y tế.

Bộ Y tế lưu ý người mắc Covid-19 nên nghỉ ngơi, vận động thể lực nhẹ (phù hợp với tình trạng sức khỏe); tập thở ít nhất 15 phút mỗi ngày; uống nước thường xuyên, không đợi đến khi khát mới uống nước; không bỏ bữa; tăng cường dinh dưỡng: ăn đầy đủ chất, ăn trái cây, uống nước hoa quả… và suy nghĩ tích cực, duy trì tâm lý thoải mái.

Vĩnh Phúc dồn lực chống dịch

Để ứng phó với tình hình phức tạp của dịch bệnh, ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh chỉ đạo các đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện phương châm phòng chống dịch bệnh từ sớm, từ xa, chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, vật tư y tế và cả tâm lý để ứng phó mọi tình huống dịch bệnh.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ngành y tế chuẩn hóa các hướng dẫn, các nội dung liên quan công tác phòng, chống dịch đối với từng cấp, từng ngành; trang bị thêm các thiết bị, có hướng điều trị đối với những bệnh nhân F0 có bệnh nền tại các bệnh viện, cơ sở y tế. 

Tăng cường điều trị F0 tại các trung tâm y tế; phân tầng, phân khu điều trị đối với bệnh nhân F0 và bệnh nhân không mắc Covid-19.

Các huyện, thành phố mở rộng, tăng quy mô điều trị F0, dự phòng ít nhất 30% số giường bệnh để kịp thời tiếp nhận các bệnh nhân F0 có chuyển biến nặng. Bổ sung nhân lực cho ngành Y tế, đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin; tăng cường tập huấn đối với các lực lượng.

Công an tỉnh rà soát, thống kê, tìm rõ các nguyên nhân khiến dịch bệnh tăng cao trong cộng đồng; thông kê việc bàn giao F0 giữa các doanh nghiệp với chính quyền địa phương và có biện pháp xử lý nghiêm đối với các đơn vị, doanh nghiệp không thực hiện bàn giao, làm dịch bệnh lây lan rộng ra cộng đồng. 

Sở Tài chính, Bảo hiểm xã hội tỉnh tính toán cơ chế hỗ trợ cho bệnh nhân F0, các trường hợp F1 điều trị, cách ly y tế tại nhà.

Lãnh đạo tỉnh nhất trí sáp nhập trạm y tế lưu động vào trạm y tế các xã, phường, thị trấn; sáp nhập Tổ Covid-19 cộng đồng với Tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng và thay đổi chức năng, nhiệm vụ từ điều tra, truy vết sang điều trị, chăm sóc F0 tại nhà; 

Đồng ý chủ trương cho tất cả các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp, trường học thực hiện xã hội hóa mua sắm trang thiết bị phòng, chống dịch, kit test Covid-19.

Tỉnh Vĩnh Phúc cho học sinh các trường tiểu học, trung học cơ sở chuyển trạng thái từ học tập trực tiếp sang trực tuyến từ ngày 21/2. Các trường mầm non tiếp tục mở cửa đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh, tạo điều kiện để phụ huynh yên tâm lao động, sản xuất.

Các trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên duy trì dạy học trực tiếp; đồng thời tổ chức dạy học trực tuyến đối với học sinh thuộc diện F0, F1, kể cả học sinh có yếu tố bệnh nền nếu phụ huynh có yêu cầu và đảm bảo các điều kiện học tập hiệu quả.

Bắc Ninh tăng cường chống dịch tại cơ sở giáo dục và doanh nghiệp

UBND tỉnh Bắc Ninh yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm, chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong cộng đồng, trong các cơ quan, đơn vị, nhà máy, xí nghiệp, cơ sở giáo dục,… nhất là đẩy mạnh phòng dịch trong các cơ sở giáo dục và các doanh nghiệp.

Các tập thể, cá nhân không chủ quan lơ là, tự giác khai báo y tế, tuân thủ 5K; khuyến khích người dân tự làm xét nghiệm SARS-CoV-2 khi thấy có dấu hiệu nghi ngờ mắc Covid-19 như sốt, ho, khó thở, ốm mệt, mất khứu giác,… 

Tỉnh tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các nhà hàng, khách sạn, cơ sở lưu trú, chợ, siêu thị; hạn chế tổ chức, tham gia các hoạt động đông người không cần thiết. 

Các huyện, thành phố chủ động nắm chắc tình hình, rà soát bổ sung, điều chỉnh kịp thời kịch bản, phương án đáp ứng phòng, chống dịch phù hợp với diễn biến cụ thể trên địa bàn, đặc biệt trước khả năng gia tăng đột biến các ca bệnh sau dịp Tết. 

Các huyện, thành phố tăng cường kiểm soát chặt chẽ các trường hợp F0, F1 cách ly, điều trị tại nhà; xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức vi phạm quy định phòng, chống dịch, làm lây lan dịch bệnh ra diện rộng. 

UBND tỉnh Bắc Ninh đang đẩy mạnh Chiến dịch tiêm chủng mùa Xuân, hoàn thành việc tiêm liều bổ sung, liều nhắc lại theo kế hoạch, bảo đảm tiêm chủng an toàn theo các quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế.

Để thực hiện được điều đó, các địa phương “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” và lập danh sách toàn bộ người dân trong diện tiêm vắc-xin phòng Covid-19, đặc biệt các đối tượng thuộc nhóm nguy cơ chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi để tổ chức tiêm theo quy định. 

Ngành Y tế thành lập các đoàn tiêm lưu động để tiêm vắc-xin phòng Covid-19 tại nhà cho người không di chuyển được đến điểm tiêm, bảo đảm không để sót ai thuộc nhóm nguy cơ; xây dựng kế hoạch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi và tổ chức tiêm khi có hướng dẫn của Bộ Y tế. 

UBND tỉnh giao Sở Y tế thường xuyên nắm chắc tình hình dịch bệnh, chủ động, kịp thời tham mưu điều chỉnh linh hoạt và hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch trong mọi tình huống dịch bệnh; chuẩn bị, bảo đảm nguồn thuốc điều trị Covid-19, phân bổ kịp thời cho các cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 và tại nhà; đối với các loại thuốc thiết yếu, phải có cơ số thuốc dự phòng phù hợp, đáp ứng với mọi tình huống của dịch bệnh.

Lúng túng trong điều trị F0
Những ngày gần đây, mỗi ngày Hà Nội có trên 1.000 ca nhiễm Covid-19. Không ít bệnh nhân phải loay hoay tìm cách điều trị tại nhà khi chưa nhận...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư