Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 23 tháng 12 năm 2024,
Tin mới về Covid-19 ngày 23/1: Đề nghị không cách ly người dân về quê đón Tết
D.Ngân - 23/01/2022 10:19
 
Bộ Y tế đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong nước về quê đón Tết Nguyên đán.

Việt Nam có thêm gần 15.000 ca Covid-19, giảm 724 ca

Theo tin từ Bộ Y tế, trong 24 giờ qua, nước ta ghi nhận 14.978 ca nhiễm mới, trong đó có 44 ca nhập cảnh và 14.934 ca tại 62 tỉnh, thành phố. So với ngày trước đó, số ca ghi nhận trong nước đã giảm 724 ca.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là Đắk Lắk (giảm 332 ca), Bến Tre (giảm 208 ca), Bình Phước (giảm 137 ca).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là Nghệ An (tăng 149 ca), Phú Thọ (tăng 131 ca), Quảng Nam (tăng 116 ca). Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 16.022 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 2.141.422 ca nhiễm, đứng thứ 28/224 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 143/224 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 21.697 ca nhiễm).

Riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 2.134.788 ca, trong đó có 1.802.032 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là TP.HCM (512.774), Bình Dương (292.492), Hà Nội (108.627), Đồng Nai (99.663), Tây Ninh (87.131).

Về tình hình điều trị, có thêm 4.157 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi là 1.804.849 ca. Ngoài ra, hiện có 4.707 bệnh nhân nặng đang điều trị.

Mỗi ngày vẫn có hơn 150 ca tử vong do Covid-19

Về số bệnh nhân tử vong, tính từ 17h30 ngày 22/1 đến 17h30 ngày 23/1, cả nước ghi nhận 123 ca tử vong tại TP.HCM (6), Hà Nội (16), Đồng Tháp (10), Sóc Trăng (9), Cần Thơ (8), Tiền Giang (7), Vĩnh Long (7), Bình Phước (6), Cà Mau (6), Hải Phòng (5), Tây Ninh (5), Bến Tre (5), Bình Dương (4), Bạc Liêu (4), Ninh Bình (3), Trà Vinh (3), Đà Nẵng (3), Bình Thuận (3), Kiên Giang (3), Khánh Hoà (2), Lâm Đồng (2), Hải Dương (1), Lạng Sơn (1), Thái Nguyên (1), Hoà Bình (1), Quảng Nam (1), Gia Lai (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 159 ca/ngày. Như vậy, tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 36.719 ca, chiếm tỷ lệ 1,7% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 25/224 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 128/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 24/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Hà Nội ghi nhận 2.971 ca Covid-19, hơn 2,2 triệu người đã tiêm mũi 3

Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính từ 18h ngày 22/1 đến 18h ngày 23/1, trên địa bàn Thành phố ghi nhận 2.971 ca Covid-19. Trong đó, quận Hoàng Mai là địa bàn ghi nhận nhiều ca mắc nhất.

Cụ thể, 2.971 bệnh nhân mới phân bố tại 412 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã.

Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày, như: Hoàng Mai (105), Chương Mỹ (101), Gia Lâm (91), Bắc Từ Liêm (87), Đống Đa (82).

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch thứ tư (từ ngày 29/4/2021 đến nay) là 111.777 ca .

Cũng theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tính đến hết ngày 22/1, trên địa bàn thành phố có 67.833 trường hợp F0 đang được điều trị và cách ly; trong đó tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 có 138 người, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội có 223 người, tại các bệnh viện của Hà Nội là 3.445 người, cơ sở thu dung điều trị thành phố là 955 người, cơ sở thu dung quận, huyện là 5.341 người và có 57.731 người được theo dõi cách ly tại nhà.

Trong ngày, có 4 bệnh nhân chuyển độ tại cơ sở thu dung; số ca tử vong là 11 trường hợp. Như vậy, tổng số người tử vong do Covid-19 từ ngày 29/4/2021 đến nay là 452 người.

Về công tác tiêm chủng, đến nay, toàn Thành phố đã tiêm được hơn 14,3 triệu mũi tiêm vắc xin phòng Covid-19. Ngoài ra, Thành phố cũng đã thực hiện được hơn 2,2 triệu mũi 3 (gồm mũi tiêm bổ sung và mũi tiêm nhắc lại).

Tạo thuận lợi cho người dân về quê đón Tết

Theo Bộ Y tế, hiện nay, tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 tại các tỉnh, thành phố đã đạt tỷ lệ cao: Người từ 18 tuổi trở lên được tiêm một mũi đạt 100%, tiêm đủ 2 mũi đạt 95,6%, tiêm mũi 3 đạt 18,6%. Trẻ em (12-17 tuổi) tiêm mũi một đạt 94,1%, tiêm đủ 2 mũi đạt 82,2%.

Bộ Y tế đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong nước về quê đón Tết Nguyên đán. Ảnh: Zing

Vì vậy, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong nước về quê nhân dịp Tết Nguyên đán năm 2022 và đảm bảo công tác phòng, chống dịch, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố hướng dẫn người dân về quê nhân dịp Tết Nguyên đán thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 gồm thực hiện 5K, tự theo dõi sức khỏe, không phải cách ly y tế;

Nếu có biểu hiện nghi ngờ mắc Covid-19 như sốt, ho, khó thở, hạn chế tiếp xúc và hạn chế đi lại, thông báo ngay cho y tế địa phương để được hướng dẫn, xét nghiệm SARS-CoV -2 và xử trí theo quy định.

Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng quy định; kịp thời chấn chỉnh việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch không phù hợp.

Trước đó, Bộ Y tế cũng đã có công văn gửi Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố về việc chấn chỉnh các biện pháp phòng chống dịch không phù hợp, kiên quyết không để xảy ra các hành vi vi phạm trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Dịch tại TP.HCM giảm nhiệt liên tiếp

Ngày 22/1, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức ký văn bản khẩn công bố cấp độ dịch tại địa phương.

Theo đó, ở cấp quận/huyện, 21/22 địa phương đạt cấp độ một (vùng xanh). Địa phương duy nhất ở cấp độ 2 (vùng vàng) là huyện Nhà Bè. Như vậy, tuần qua, quận 1 và huyện Cần Giờ giảm cấp độ dịch cấp 2 xuống cấp một và không có địa phương nào tăng cấp độ dịch.

Trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, các hoạt động phòng, chống dịch của TP.HCM vẫn được duy trì, tăng cường, đặc biệt là trong dịp lễ hội. 

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM, thông tin tất cả người đủ điều kiện tiêm vắc-xin theo quy định của Bộ Y tế tại TP.HCM đã hoàn tất tiêm mũi nhắc lại và bổ sung.

Về chiến dịch bảo vệ người nguy cơ cao, TP.HCM đã tiêm vắc-xin cho 19.957, đạt tỷ lệ 78,1% trong tổng số người thuộc nhóm nguy cơ. Số còn lại là trường hợp nhiễm bệnh, được điều trị tại nhà hoặc cơ sở tập trung. Khi đủ điều kiện, ngành y tế sẽ tư vấn và đưa đội tiêm đến tận nhà.

Đã có 135 ca Covid-19 nhiễm biến chủng Omicron

Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 135 ca mắc Covid-19 nhiễm biến chủng Omicron tại Hà Nội (14), Quảng Nam (27), TP.HCM (68), Hải Dương (1), Hải Phòng (1), Thanh Hóa (2), Đà Nẵng (8), Khánh Hòa (11), Long An (1), Quảng Ninh (2).

Trong số 138 ca Covid-19 nhiễm biến chủng Omicron có 135 ca nhập cảnh đều cách ly ngay, 3 ca cộng đồng tại TP.HCM.

Bộ Y tế đề nghị các địa phương tăng cường giám sát, quản lý các trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài, lưu ý kiểm tra điều kiện lưu trú của các trường hợp này nhằm đảm bảo không tiếp xúc với người xung quanh khi mới nhập cảnh theo quy định;

Tăng cường giám sát tại cộng đồng để phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ, các diễn biến bất thường (ổ dịch, số mắc, ca bệnh tử vong…), khoanh vùng, xử lý kịp thời, triệt để ổ dịch không để lây lan ra cộng đồng.

Chủ động gửi mẫu bệnh phẩm nghi nhiễm biến chủng Omicron đến Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur để tiến hành xét nghiệm, giải trình tự gen khẳng định.

Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu mở cửa trở lại rạp chiếu phim trên toàn quốc

Văn phòng Chính phủ đã có văn bản 515/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc xem xét đề nghị của một số doanh nghiệp chiếu phim tại Hà Nội.

Cụ thể, một số doanh nghiệp hoạt động chiếu phim tại TP.Hà Nội có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị xem xét cho phép các rạp chiếu phim tại Hà Nội được mở cửa hoạt động trở lại trong bối cảnh chống dịch mới.

Về việc này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và các cơ quan liên quan nghiên cứu, chỉ đạo xử lý việc mở cửa trở lại các rạp chiếu phim trên toàn quốc, bảo đảm thống nhất, phù hợp với tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam.

Trước đó, trong văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng, cộng đồng doanh nghiệp hoạt động chiếu phim tại Hà Nội cho biết, trong dịp Tết Nguyên đán 2022, người dân có nhu cầu rất cao về thưởng thức văn hóa nghệ thuật, các hoạt động giải trí, tinh thần nói chung và xem phim nói riêng, nên có rất nhiều phim Việt có kế hoạch ra mắt khán giả trong dịp Tết sau gần 2 năm trì hoãn. Thị trường chiếu phim Hà Nội là một trong những thị trường quan trọng, góp phần đáng kể vào tổng doanh thu trên toàn quốc.

Vì vậy, các doanh nghiệp điện ảnh mong Thủ tướng xem xét và có ý kiến chỉ đạo cho thử nghiệm mở lại rạp chiếu phim tại Hà Nội với việc các cụm rạp đảm bảo nghiêm túc công tác phòng chống dịch.

Quảng Ninh: Người nhập cảnh có phải cách ly y tế hay không?
UBND tỉnh Quảng Ninh vừa ban hành văn bản số 9519/UBND-DL1 chỉ đạo về công tác phòng chống dịch đối với người nhập cảnh vào địa bàn tỉnh.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư