Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Tin mới về Covid-19 ngày 24/2: Xử phạt nghiêm việc đầu cơ, găm hàng test nhanh, máy SpO2
D.Ngân - 24/02/2022 10:13
 
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên vừa ký văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc bảo đảm cung cấp trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19.

Số ca mắc sau 24h tăng kỷ lục

Theo tin từ Bộ Y tế, trong 24 giờ qua, nước ta ghi nhận 69.128 ca nhiễm mới Covid-19, trong đó có 9 ca nhập cảnh và 69.119 ca trong nước tại 62 tỉnh, thành phố (tăng 8.781 ca so với ngày trước đó).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là Hà Nội (tăng 1.445 ca), Bắc Giang (tăng 1.173 ca), TP.HCM (tăng 1.015 ca).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là Quảng Ninh (giảm 1.868 ca), Hòa Bình (giảm 204 ca), Tuyên Quang (giảm 159 ca). Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 51.968 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 3.041.506 ca nhiễm, đứng thứ 30/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 142/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 30.791 ca nhiễm).

Riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 3.034.211 ca, trong đó có 2.336.967 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là TP.HCM (526.059), Bình Dương (295.221), Hà Nội (226.964), Đồng Nai (100.814), Tây Ninh (89.549).

Hơn 19.000 F0 được công bố khỏi bệnh

Về tình hình điều trị, có thêm 19.062 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi là 2.339.784 ca.

Ngoài ra, có 3.137 bệnh nhân nặng đang điều trị, trong đó có 2.464 ca thở ô-xy qua mặt nạ, 280 ca thở ô-xy dòng cao HFNC, 87 ca thở máy không xâm lấn, 294 ca thở máy xâm lấn và 12 ca phải sử dụng ECMO (thiết bị tim, phổi nhân tạo).

Về số bệnh nhân tử vong, tính từ 17h30 ngày 23/2 đến 17h30 ngày 24/2, cả nước ghi nhận 111 ca tử vong tại: Hà Nội (26), Đà Nẵng (8), Thái Nguyên (7 ca trong 2 ngày), Đắk Lắk (5 ca trong 2 ngày), Nghệ An (5), Quảng Ngãi (5 ca trong 2 ngày), Bắc Giang (3 ca trong 2 ngày), Bình Định (3),

Kiên Giang (3), Nam Định (3), Quảng Bình (3 ca trong 2 ngày), Bạc Liêu (2), Bình Phước (2), Cao Bằng (2), Đắk Nông (2 ca trong 2 ngày), Điện Biên (2), Đồng Nai (2), Hà Nam (2 ca trong 2 ngày),

Hải Phòng (2), Hòa Bình (2), Lào Cai (2), Phú Thọ (2), Quảng Ninh (2), Trà Vinh (2), Tuyên Quang (2), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Bắc Ninh (1), Bến Tre (1), Bình Dương (1), Cà Mau (1), Đồng Tháp (1), Gia Lai (1), Khánh Hòa (1), Lâm Đồng (1), Lạng Sơn (1), Long An (1), Vĩnh Long (1).

Trung bình số ca tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 87 ca/ngày. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 39.884 ca, chiếm tỷ lệ 1,3% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong tại Việt Nam xếp thứ 24/225 quốc gia, vùng lãnh thổ; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 128/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong tại Việt Nam xếp thứ 6/49 quốc gia, vùng lãnh thổ (xếp thứ 3 ASEAN); tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 23/49 quốc gia, vùng lãnh thổ (xếp thứ 4 ASEAN).

Số ca Covid-19 tại Hà Nội tiếp tục tăng lên 8.864 ca

Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính từ 18h ngày 23/2 đến 18h ngày 24/2, trên địa bàn Thành phố ghi nhận 8.864 ca Covid-19 (tăng 1.445 ca), trong đó có 3.025 ca cộng đồng và 5.839 ca đã cách ly. 

Cụ thể, 8.864 bệnh nhân phân bố tại 538 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Đông Anh (698), Sóc Sơn (610), Nam Từ Liêm (520), Long Biên (517), Hoài Đức (514), Hoàng Mai (488), Bắc Từ Liêm (432), Mê Linh (411). 

Như vậy, cộng dồn số ca mắc tại Hà Nội trong đợt dịch thứ 4, tính từ ngày 29/4/2021 đến nay là 230.138 ca. 

Bắc Kạn thiếu thiết bị xét nghiệm

Từ ngày 23/2, Trung tâm Y tế thành phố Bắc Kạn đã phải ra thông báo chính thức tạm dừng thực hiện việc xét nghiệm nhanh Covid-19 dịch vụ cho người dân do đã không còn kit test nhanh. Thay vào đó, Trung tâm chỉ làm dịch vụ với điều kiện người dân đã có kit test nhanh mang theo. 

Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Bắc Kạn Hà Cát Trúc cho biết, Trung tâm đã gần hết kit test từ ngày 22/2. Hiện chỉ còn dự trữ một lượng nhỏ chỉ để phục vụ việc test cho bệnh nhân F0 để khẳng định khỏi bệnh và cho xuất viện. 

Về nguyên nhân thiếu kit test, ông Trúc cho biết, chủ yếu là do không mua được. Trong những ngày qua, đơn vị tận dụng tất cả các đầu mối liên hệ để vay, đặt mua kit test nhưng đều không được.

Toàn bộ các nhà cung cấp đều cho biết là hiện đã không còn kit test để bán. “Giờ đây chúng tôi cũng chỉ biết chờ khi nào nhà cung cấp có hàng thì mới nhập được kit test chứ cũng không còn giải pháp nào khác”, ông Trúc cho biết thêm. 

Không chỉ thiếu kit test nhanh, Bắc Kạn cũng đang cạn sinh phẩm phục vụ xét nghiệm theo phương pháp PCR.

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bắc Kạn Nguyễn Tiến Tôn cho biết, chúng tôi đang rất thiếu sinh phẩm xét nghiệm PCR. Hiện tại, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bắc Kạn đang phải hạn chế việc xét nghiệm PCR diện rộng. Số sinh phẩm còn lại chỉ phục vụ cho những trường hợp đặc biệt mới đem ra dùng. 

Xử nghiêm sai phạm

Bộ Y tế cho biết, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhu cầu sử dụng trang thiết bị y tế (bộ xét nghiệm SARS-CoV-2, máy đo nồng độ bão hòa ô-xy trong máu SpO2....) tăng cao dẫn đến việc khan hiếm nguồn cung, có hiện tượng đầu cơ, găm hàng hoặc lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bán trang thiết bị y tế bất hợp lý.

.
Nhu cầu tăng cao dẫn đến việc khan hiếm nguồn cung, có hiện tượng đầu cơ, găm hàng hoặc lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bán trang thiết bị y tế bất hợp lý.

Để sẵn sàng và bảo đảm cung cấp trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19; Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố phối hợp chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn, cụ thể:

Đối với các đơn vị sản xuất, kinh doanh trang thiết bị y tế cần chủ động tăng cường hoạt động sản xuất, kinh doanh, khả năng cung ứng trang thiết bị y tế phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt đối với bộ xét nghiệm SARS-CoV-2, máy đo nồng độ bão hòa ô-xy trong máu SpO2....

Bảo đảm bình ổn giá các trang thiết bị y tế phòng, chống dịch Covid-19, không bán cho các đơn vị thu mua, đầu cơ để tăng giá khi nhu cầu trong nước đang tăng cao, gây khan hiếm thị trường.

Về phía các các cơ quan chức năng, quản lý thị trường, tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết; 

Kiểm tra các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm trang thiết bị y tế trên thị trường để đầu cơ, găm hàng, mua gom hàng hóa hoặc lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bán các trang thiết bị y tế phòng, chống dịch Covid-19 bất hợp lý.

Kiểm tra, ngăn chặn các đơn vị thu mua, đầu cơ trang thiết bị y tế phòng, chống dịch Covid-19 để trục lợi, kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Hà Nội tăng cường kiểm tra thiết bị y tế trôi nổi

Tại Hà Nội, cũng về vấn đề này Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đã ký ban hành Văn bản số 526/UBND-KT về việc tăng cường kiểm tra, xử lý hiện tượng tăng giá vật tư, trang thiết bị y tế; thuốc hỗ trợ, điều trị Covid-19 trên địa bàn Thành phố.

Văn bản nêu rõ, thời gian gần đây, trên thị trường có hiện tượng tăng giá một số vật tư, trang thiết bị y tế, bộ test kháng nguyên Covid-19, máy đo nồng độ ô-xy trong máu SpO2...; lưu thông, kinh doanh thuốc hỗ trợ, điều trị Covid-19 chưa được phép lưu hành; hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc để trục lợi, gây bức xúc trong dư luận và ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

UBND Thành phố yêu cầu Giám đốc, Thủ trưởng các đơn vị: Cục Quản lý thị trường thành phố, các sở: Y tế, Tài chính, Công Thương; Công an thành phố; Cục Thuế TP.Hà Nội và UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo triển khai ngay công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các vi phạm về giấy phép, việc đầu cơ, tăng giá, kinh doanh hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, nhãn mác đối với các mặt hàng vật tư, trang thiết bị y tế, bộ test kháng nguyên Covid-19, máy đo nồng độ ô-xy trong máu SpO2; lưu thông, kinh doanh thuốc hỗ trợ, điều trị Covid-19 chưa được phép lưu hành theo quy định của pháp luật.

UBND thành phố giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp Sở Y tế cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí, truyền thông để đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh các mặt hàng hỗ trợ, điều trị Covid-19 và người dân trong công tác phòng, chống dịch. 

Cục Quản lý thị trường thành phố được giao chủ trì kiểm tra, tổng hợp, báo cáo UBND thành phố kết quả kiểm tra, xử lý theo quy định trước ngày 3/3/2022.

Các địa phương nâng cao năng lực tư vấn, hỗ trợ điều trị Covid-19

Trước diễn biến ca bệnh gia tăng, Bộ Y tế tiếp tục đề nghị các địa phương nâng cao năng lực tư vấn, hỗ trợ điều trị Covid-19, dự phòng cơ số thuốc kháng virus, thuốc hỗ trợ điều trị Covid-19, vật tư y tế cần thiết…tại các trạm y tế phường, xã, trạm y tế lưu động nhằm đáp ứng nhu cầu tự điều trị Covid-19 tại nhà của người dân và giảm tải cho các cơ sở y tế, bệnh viện tuyến trên.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tư vấn hỗ trợ người dân tự điều trị tại nhà.

Nâng cao năng lực thu dung, điều trị; giảm tối đa các trường hợp tử vong; chủ động, sẵn sàng các các biện pháp phòng, chống dịch theo diễn biến dịch bệnh trên địa bàn nhằm phát hiện sớm, điều trị sớm, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển biến nặng, tử vong; 

Tăng cường theo dõi, giám sát sức khỏe người nhiễm virus để kịp thời liên hệ với cơ sở y tế ngay khi có nhu cầu.

Phân bổ đủ thuốc kháng virus để phục vụ công tác điều trị người bệnh Covid-19. Khuyến khích thành lập các mô hình đội tình nguyện; huy động sự tham gia của các tổ chức tôn giáo, tình nguyện viên…để tổ chức triển khai hoạt động chăm sóc F0 dựa vào cộng đồng; về cơ bản chuyển điều trị tại cộng đồng.

Công bố mức giá test nhanh, PCR mới tại các cơ sở y tế
Theo Thông tư quy định giá xét nghiệm SARS-CoV-2 có hiệu lực từ ngày 21/2, mức thanh toán đối với test nhanh Covid-19 không quá 78.000 đồng/xét...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư