Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 15 tháng 01 năm 2025,
Tin mới về Covid-19 ngày 27/2: Cơ bản xong thủ tục mua vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ
D.Ngân - 27/02/2022 10:50
 
Bộ Y tế đã đề nghị các địa phương chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện để tiêm chủng cho trẻ em từ 5 tuổi đến 11 tuổi ngay sau khi được cung ứng vắc-xin.

Tăng gần 9.000 F0 sau 24h

Theo tin từ Bộ Y tế, trong 24 giờ qua, nước ta ghi nhận 86.990 ca nhiễm mới, trong đó có 24 ca nhập cảnh và 86.966 ca tại 61 tỉnh, thành phố (tăng 8.996 ca so với ngày trước đó).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là Lạng Sơn (tăng 3.960 ca), Quảng Ninh (tăng 3.438 ca), Bắc Ninh (tăng 996 ca).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là Nghệ An (giảm 1.044 ca), Lai Châu (giảm 475 ca), Tuyên Quang (giảm 387 ca). Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 67.986 ca/ngày.

Như vậy, kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 3.321.005 ca nhiễm, đứng thứ 30/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 142/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 33.619 ca nhiễm).

Riêng đợt dịch thứ tư (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 3.313.653 ca, trong đó có 2.409.095 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là TP.HCM (532.303), Bình Dương (297.055), Hà Nội (259.100), Đồng Nai (101.130), Tây Ninh (90.175).

Vẫn còn hơn 3.100 F0 nặng đang điều trị

Về tình hình điều trị, có thêm 35.866 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi là 2.411.912. Ngoài ra, hiện có 3.190 bệnh nhân nặng đang điều trị.

Về số bệnh nhân tử vong, tính từ 17h30 ngày 26/2 đến 17h30 ngày 27/2, ghi nhận 94 ca tử vong tại: TP.HCM (2), Hà Nội (17), Nam Định (7), Bắc Giang (5), Bình Định (5), Thanh Hóa (5), Ninh Bình (4),

Quảng Bình (4), Bạc Liêu (3), Bình Thuận (3), Đà Nẵng (3), Kiên Giang (3 ca trong 2 ngày), Lào Cai (3), Phú Thọ (3), Quảng Ninh (3), Thái Nguyên (3), Bà Rịa - Vũng Tàu (2), Bắc Ninh (2), Gia Lai (2), Lâm Đồng (2 ca trong 2 ngày), Quảng Ngãi (2), Bình Dương (1), Cà Mau (1), Đắk Nông (1), Đồng Nai (1), Đồng Tháp (1), Hà Tĩnh (1), Hải Dương (1), Hòa Bình (1), Quảng Trị (1), Tây Ninh (1), Trà Vinh (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 92 ca/ngày. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 40.144 ca, chiếm tỷ lệ 1,2% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 128/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 23/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Hà Nội: Khoảng 1,3% F0 trung bình, nặng, nguy kịch phải nhập viện điều trị

Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính từ 18h ngày 26/2 đến 18h ngày 27/2, trên địa bàn Thành phố ghi nhận 11.517 ca Covid-19 (tăng 734 ca so với ngày hôm qua), trong đó có 3.887 ca cộng đồng và 7.630 ca đã cách ly.

Cụ thể, 11.517 bệnh nhân phân bố tại 541 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Đông Anh (743); Sóc Sơn (734); Hoàng Mai (664); Hoài Đức (660); Nam Từ Liêm (618); Long Biên (618); Bắc Từ Liêm (601).

Cũng theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tính đến hết ngày 26/2, có 466.420 F0 ở Hà Nội đang điều trị, theo dõi.

Trong đó, có 459.364 F0 điều trị tại nhà (chiếm hơn 98,4% tổng ca đang điều trị); 1.386 F0 điều trị tại các cơ sở thu dung của thành phố và quận/huyện (chiếm gần 0,3%).

Có 6.030 ca diễn biến cấp độ trung bình, nặng, nguy kịch phải nhập viện điều trị, tương đương gần 1,3% tổng số ca đang điều trị ở Thủ đô.

Trong đó, có 360 ca đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, 5.670 người điều trị tại các bệnh viện tầng 2 và 3 của Hà Nội.

Ngoài ra, tổng số lượt bệnh nhân tại Hà Nội được điều trị khỏi là 389.872 người.

Hôm qua (26/2), Hà Nội có 17 ca tử vong, nâng tổng số người tử vong do Covid-19 từ ngày 27/4/2021 đến nay lên 1.043 người.

Cơ bản hoàn thành thủ tục mua vắc-xin

Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, đến nay, công tác tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi đạt tỷ lệ tiêm chủng mũi một khoảng 99%; mũi hai đạt khoảng 94%. 

Trẻ mắc Covid-19 theo bốn mức độ: Nhẹ, trung bình, nặng và nguy kịch. 

Đối với trẻ em từ 5 đến 11 tuổi, hiện thủ tục mua vắc-xin cơ bản đã thực hiện xong. Bộ Y tế đề nghị cấp chậm nhất là đến ngày 30/4, để đẩy nhanh việc bao phủ tiêm vắc-xin cho trẻ em. 

Bộ Y tế đã có hướng dẫn y tế cơ sở về việc bảo đảm an toàn khi tiêm vắc-xin cho trẻ em; đồng thời đề nghị các địa phương chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện bảo quản, địa điểm, nhân lực để tiêm chủng cho trẻ em từ 5 tuổi đến 11 tuổi ngay sau khi được cung ứng vắc-xin. 

Về việc thăm dò ý kiến của các bậc phụ huynh về tiêm vắc-xin cho trẻ, thông tin từ Vụ Báo chí- xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, từ ngày 11/2/2022 đến ngày 15/2/2022, Viện Dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương đã triển khai cuộc thăm dò dư luận tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, thu thập những thông tin khách quan về ý kiến của các tầng lớp nhân dân chung quanh việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi và công tác phòng, chống dịch Covid-19. 

Số lượt người tham gia trả lời là 387.037. Viện Dư luận xã hội đã tiến hành chọn mẫu theo phương pháp ngẫu nhiên phân tầng, chọn 18.743 mẫu, đại diện cho các giai tầng và 6 khu vực kinh tế - xã hội của cả nước. 

Kết quả cụ thể như sau: Về mức độ quan tâm việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi có 78% số người được hỏi cho biết họ "rất quan tâm". Tỷ lệ "khá quan tâm" là 19%. Chỉ 1% số người được hỏi bày tỏ thái độ ít hoặc không quan tâm đến vấn đề này. 

Kết quả thăm dò về mức độ sẵn sàng đưa trẻ em từ 5-11 tuổi đi tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho thấy, đại đa số ý kiến (81%) "Sẵn sàng đưa trẻ em đi tiêm vắc-xin phòng Covid-19" nếu ngành y tế tổ chức chiến dịch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi trong thời gian tới. Tỷ lệ này trong nhóm những người có con trong độ tuổi từ 5-11 tuổi là 80%.

Tỷ lệ "Do dự hoặc chưa muốn đưa trẻ em đi tiêm vắc-xin phòng Covid-19" là 12%. Chỉ có 3% cho rằng "Không sẵn sàng đưa trẻ em đi tiêm vắc-xin phòng Covid-19".

Thông tin từ thăm dò này cũng cho thấy, trong số những người sẵn sàng đưa trẻ đi tiêm vắc-xin phòng Covid-19, đa số ý kiến (70%) cho biết họ sẵn sàng cho con, cháu đi tiêm vì: "Mong muốn con, cháu mình được an toàn trước dịch bệnh, nếu có nhiễm bệnh cũng nhanh khỏi, không bị nặng".

Hướng dẫn chăm sóc trẻ mắc Covid-19

PGS.TS.Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, có thể phân loại trẻ mắc Covid-19 theo bốn mức độ: Nhẹ, trung bình, nặng và nguy kịch. 

Khi theo dõi và chăm sóc tại nhà, các gia đình cần thực hiện: - Hạ sốt khi trẻ sốt ≥ 38,5℃, nếu có tiền sử co giật do sốt: dùng khi sốt ≥ 38°C. Liều dùng: 10-15 mg/kg/lần, cách mỗi 4-6 giờ nếu sốt lại ≥ 38,5°C.
Chế phẩm đường uống hoặc đường đặt hậu môn; có thể kết hợp khăn ấm chườm cổ, nách, bẹn để trẻ hạ nhiệt xuống.

+ Bù nước cho trẻ bằng nước bình thường hoặc nước điện giải: Pha toàn bộ một gói bột oresol với chính xác lượng nước đun sôi để nguội ghi trên gói thuốc (200 ml hoặc 1 lít tùy gói).
Uống từng thìa (trẻ bú mẹ) hoặc chén nhỏ (trẻ lớn), liên tục, rải đều trong ngày. Uống nhiều hơn khi trẻ tiêu chảy, nôn. Khi trẻ đái nước tiểu trong, khối lượng nhiều, bỉm nặng… là bớt mất nước.

+ Bảo đảm chế độ ăn đầy đủ, dễ tiêu, giàu các vitamin: Cho trẻ bú và ăn nhẹ nhàng, ít một. Ưu tiên ăn đồ lỏng, nguội, mát, chia nhiều các cữ bú và bữa nhỏ. Không nên sử dụng quá nhiều nước cam, nước quả làm trẻ đầy bụng, dễ nôn.

+ Nếu trẻ ho có thể sử dụng các loại siro ho thảo dược để giảm triệu chứng. Ưu tiên sử dụng thuốc ho có thành phần thảo dược; không dùng thuốc có chứa codein cho trẻ dưới 12 tuổi; chỉ dùng thuốc tiêu đờm, kháng histamine khi có chỉ định của bác sĩ.

+ Vệ sinh mũi họng bằng nước muối sinh lý, không nhỏ các thuốc khi không có chỉ định của bác sĩ; vệ sinh răng miệng sau ăn, thân thể sạch sẽ, mặc quần áo lỏng.

+ Phòng cách ly thoáng, nên mở cửa sổ bảo đảm không khí thay đổi nhiều lần trong ngày. Tạo không khí vui tươi, thoải mái để con cảm thấy nhẹ nhàng hơn khi phải cách ly tại nhà. Đeo khẩu trang nếu trẻ lớn và tiếp xúc với người khác.

+ Nếu trẻ không thể đeo khẩu trang, người chăm sóc nên đeo khẩu trang khi họ ở cùng phòng. Che miệng, mũi khi ho và hắt hơi, rửa tay ngay bằng xà-phòng và nước trong ít nhất 20 giây, hoặc sử dụng chất khử trùng tay có cồn.

+ Sử dụng các đồ sinh hoạt hằng ngày riêng biệt. Hằng ngày sử dụng nước tẩy rửa gia dụng hoặc khăn lau để làm sạch những thứ bị va chạm nhiều.

Với mức độ nhẹ là những trẻ không có triệu chứng lâm sàng hoặc triệu chứng nhẹ như sốt, đau họng, ho, chảy mũi, tiêu chảy, nôn, đau cơ, ngạt mũi, mất khứu/vị giác, không có triệu chứng của viêm phổi; nhịp thở trẻ bình thường, không có biểu hiện của thiếu ô-xy. 

Mức độ trung bình là trẻ có triệu chứng viêm phổi nhẹ, vẫn tỉnh táo nhưng mệt, ăn uống ít, sốt cao không hạ nhiệt, môi khô, tiểu ít; các biểu hiện không tiến triển trong 24-48 giờ, SpO2 (độ bão hòa oxy trong máu) 94-95%. 

Mức độ nặng là trẻ có một trong các dấu hiệu gồm triệu chứng viêm phổi nặng nhưng chưa có dấu hiệu nguy hiểm đe dọa tính mạng; trẻ thở nhanh kèm co rút ngực hoặc thở rên, phập phồng cánh mũi, khó chịu, quấy khóc, ăn uống khó, sốt cao liên tục. 

Mức độ nguy kịch là trẻ có các dấu hiệu như suy hô hấp nặng SpO2 dưới 90%, cần đặt nội khí quản; kèm theo các dấu hiệu nguy hiểm đe dọa tính mạng như tím tái, rối loạn nhịp thở, ý thức giảm khó đánh thức hoặc hôn mê, bỏ hoặc không ăn uống được.

Khi trẻ mắc Covid-19 mức độ nhẹ thì nên chăm sóc, điều trị tại nhà. Việc chăm sóc trẻ cần tuân theo hướng dẫn, tránh tự ý dùng thuốc. 

Người chăm sóc cần chú ý theo dõi các dấu hiệu bệnh chuyển nặng để đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế gần nhất, tránh tình trạng “lựa chọn bệnh viện” không cần thiết, ảnh hưởng đến thời điểm “vàng” xử lý các biến chứng của trẻ. Không sử dụng các thuốc kháng sinh, kháng viêm, thuốc chống đông, thuốc kháng vi-rút khi không có chỉ định của bác sĩ. 

Tránh lạm dụng: xông hơi, xông thảo dược; tinh dầu các loại; đánh gió. Không được bỏ các thuốc điều trị bệnh mạn tính, cần tiếp tục dùng thuốc theo đơn bác sĩ chuyên khoa đã kê.

Khi trẻ có một trong các biểu hiện sau phải đưa đi khám tại bệnh viện: sốt cao liên tục không đáp ứng với hạ sốt; co giật do sốt cao đơn thuần. Nhịp thở nhanh (< 2 tháng: ≥ 60 lần/phút; 2-11 tháng: ≥ 50 lần/phút; 1-5 tuổi: ≥ 40 lần/phút), > 5 tuổi: ≥ 30 lần/phút. Thần kinh: trẻ mệt, bỏ hoặc không ăn uống được, khó chịu, quấy khóc, ý thức giảm khó đánh thức. Không thể uống hoặc nói chuyện. 

Các dấu hiệu khác cũng cần được để tâm để đưa trẻ đi thăm khám như tiêu chảy nhiều, trẻ nôn, có dấu hiệu mất nước: mắt trũng, môi khô, khóc không có nước mắt.

Hà Nội công bố cấp độ dịch

UBND TP. Hà Nội vừa có Thông báo số 149/TB-UBND về việc đánh giá cấp độ dịch trong phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội (cập nhật đến 9 giờ ngày 25/2). 

Theo đó, Hà Nội có 283 xã, phường, thị trấn đạt cấp độ một (màu xanh), giảm 216 đơn vị so với tuần trước đó; 222 xã, phường ở cấp độ hai (màu vàng), tăng 142 đơn vị; 74 xã, phường, thị trấn cấp độ ba (màu cam) tăng 74 đơn vị và không có xã, phường, thị trấn nào ở cấp độ bốn (màu đỏ).  

Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội; Trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã; các bệnh viện trên địa bàn tăng cường quản lý, bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ mắc Covid-19…

Hiện nay, số ca nhiễm Covid-19 tiếp tục tăng cao, trong đó trẻ em, nhất là dưới 12 tuổi là đối tượng cần được quan tâm, vì các em chưa được tiêm vắc-xin. Khi phát hiện con mình nghi nhiễm hoặc đã nhiễm, cha mẹ cần bình tĩnh đánh giá nguy cơ của trẻ để có cách xử trí phù hợp.

Tin mới về Covid-19 ngày 6/2: Chính phủ quyết định mua vắc-xin Pfizer cho trẻ từ 5-12 tuổi
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 14/NQ-CP về việc mua vắc-xin phòng Covid-19 của Pfizer cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư