Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Tin mới về Covid-19 ngày 5/1: Sắp cho phép sản xuất thuốc Molnupiravir tại Việt Nam
D.Ngân - 05/01/2022 08:12
 
Theo thông tin từ Bộ Y tế, hôm nay cơ quan này sẽ họp nhằm xem xét cấp phép sản xuất thuốc kháng virus Molnupiravir.

Hà Nội thêm 2.506 ca Covid-19

Chiều 5/1, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, số ca mắc mới từ 18 giờ ngày 4/1/2022 đến 18 giờ ngày 5/1/2022 Hà Nội ghi nhận 2.506 ca bệnh. Trong đó, phân bố tại cộng đồng (594); tại khu cách ly (1.878); tại khu phong tỏa (34).

Một số quận huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Đông Anh (131); Thanh Trì (127); Thanh Xuân (123); Nam Từ Liêm (115); Hoàn Kiếm (112); Đống Đa (110); Hai Bà Trưng (108); Gia Lâm (105).

Bệnh nhân phân bố tại 372 xã phường thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Trong đó 594 ca cộng đồng ghi nhận tại 203 xã phường thuộc 26/30 quận huyện. Một số quận, huyện nhiều bệnh nhân tại cộng đồng như: Đông Anh (67); Thanh Trì (61); Gia Lâm (53); Thanh Xuân (40); Nam Từ Liêm (35); Chương Mỹ (35); Bắc Từ Liêm (31).

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021) là 59.915 ca trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 19.261 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 40.654 ca.

Cả nước có thêm hơn 17.000 ca bệnh

Theo Bộ Y tế, tính từ 16 giờ ngày 4/1 đến 16 giờ ngày 5/1, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 17.017 ca nhiễm mới, trong đó 20 ca nhập cảnh và 16.997 ca ghi nhận trong nước (tăng 2.168 ca so với ngày trước đó) tại 63 tỉnh, thành phố (có 12.299 ca trong cộng đồng).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: TP Hồ Chí Minh (-216), Đắk Lắk (-94), Tây Ninh (-54). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Trà Vinh (+380), Cà Mau (+237), Vĩnh Long (+226).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 16.133 ca/ngày. Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 25 ca mắc Covid-19 do biến thể Omicron, đều là các ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Hà Nội (1), Quảng Nam (14), TP Hồ Chí Minh (6), Hải Dương (1), Hải Phòng (1), Thanh Hóa (2).

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.817.721 ca nhiễm, đứng thứ 30/224 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 143/224 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 18.424 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.811.863 ca, trong đó có 1.433.229 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là TP Hồ Chí Minh (505.971), Bình Dương (291.127), Đồng Nai (98.286), Tây Ninh (79.699), Hà Nội (56.735).

Cả nước đang điều trị cho 6.257 bệnh nhân nặng

Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày là 22.662 ca. Tổng số ca được điều trị khỏi là 1.436.046 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.257 ca, trong đó, thở ô-xy qua mặt nạ là 4.364 ca; thở ô-xy dòng cao HFNC là 938 ca; thở máy không xâm lấn là 141 ca; thở máy xâm lấn là 795 ca; ECMO là 19 ca

Từ 17 giờ 30 phút ngày 4/1 đến 17 giờ 30 phút ngày 5/1 ghi nhận 230 ca tử vong tại TP.HCM(25) trong đó có 5 ca từ các tỉnh chuyển đến như sau: Long An (2), Đồng Tháp (1), Bình Thuận (1), Tây Ninh (1).

Tại các tỉnh, thành phố khác: Đồng Nai (30), An Giang (17), Tây Ninh (17), Bình Dương (15), Vĩnh Long (14), Hà Nội (12), Long An (11), Bà Rịa - Vũng Tàu (10), Sóc Trăng (9), Đồng Tháp (9), Kiên Giang (9), Cần Thơ (9), Tiền Giang (8 ), Trà Vinh (7), Cà Mau (7), Bình Phước (4), Bạc Liêu (3), Huế (2), Khánh Hòa (2), Bình Thuận (2), Hậu Giang (2), Hải Dương (2), Đắk Lắk (1), Ninh Thuận (1), Hòa Bình (1), Lâm Đồng (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 221 ca. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 33.475 ca, chiếm tỷ lệ 1,8% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/224 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 26/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).

Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện xét nghiệm được 30.631.786 mẫu tương đương 75.268.432 lượt người, tăng 68.551 mẫu so với ngày trước đó. Trong ngày 04/01 có 752.474 liều vắc-xin phòng Covid-19 được tiêm.

Như vậy, tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 155.199.486 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 77.987.940 liều, tiêm mũi 2 là 69.803.846 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 của vắc-xin Abdala) là 7.407.700 liều.

Cơ sở khám chữa bệnh tư nhân tham gia điều trị Covid-19 được thu phí

Biến chủng Omicron đã xâm nhập vào nước ta và có nguy cơ lây lan, làm tăng gánh nặng lên hệ thống y tế và tử vong. Do đó nhiệm vụ trước mắt Chính phủ yêu cầu các các địa phương, bộ ngành cần tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng chống dịch theo hướng quản lý rủi ro; tập trung ưu tiên mục tiêu giảm ca nặng, giảm tử vong.

Trong đó, các giải pháp được Chính phủ đưa ra trong công tác phòng chống dịch gồm: Xã hội hóa nguồn lực phòng chống dịch, vắc-xin, thuốc điều trị Covid-19, chủ động sản xuất, nhập khẩu thuốc đặc hiệu và đề cao ý thức nhân dân...

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân tham gia chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19 được thu phí trong trường hợp người bệnh tự nguyện;

Trường hợp các cơ sở y tế tư nhân được cấp có thẩm quyền huy động tham gia chăm sóc và điều trị người nhiễm Covid-19 thì chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo mức bảo hiểm y tế trên địa bàn.

Tăng trạm y tế, nhân viên y tế theo quy mô dân số, không theo địa giới hành chính tại các tỉnh, thành phố có mật độ dân cư cao và các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao phù hợp với yêu cầu y tế.

Sắp sản xuất thuốc Molnupiravir trong nước

Đại diện Bộ Y tế cho biết hôm nay (5/1), Hội đồng Tư vấn cấp giấy phép thuốc và nguyên liệu làm thuốc họp nhằm xem xét cấp số đăng ký 4 loại thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir cho 4 công ty dược trong nước; 6 đơn vị đang bổ sung hồ sơ để xem xét họp vào đợt sau.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, hôm nay cơ quan này sẽ họp nhằm xem xét cấp phép sản xuất thuốc kháng virus Molnupiravir.

Trước đó, 10 công ty dược nộp hồ sơ đề nghị cấp số đăng ký cho thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir.

Trong 4 công ty dược nêu trên, Công ty Cổ phần hóa - dược phẩm Mekophar - một trong những doanh nghiệp dược đầu tiên của Việt Nam đạt tiêu chuẩn GMP-WHO (tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất thuốc) đủ nguyên liệu để bào chế 4.750.000 viên nén chứa hoạt chất Molnupiravir.

Được biết, thuốc là mặt hàng đặc biệt, muốn được Bộ Y tế xét duyệt, cấp phép đăng ký lưu hành phải tốn thời gian khoảng 2-3 năm. 

Theo quy định của Luật Dược, các công ty dược phẩm phải đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc, từ đó sản xuất thuốc theo đúng quy trình và tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký hoặc công bố.

Riêng đối với thuốc Molnupiravir, việc xem xét cấp số đăng ký lưu hành thời gian qua gặp khó khăn. 

Luật Dược hiện hành quy định thuốc mới đăng ký lưu hành phải có hồ sơ thử nghiệm lâm sàng, trong khi đó thuốc Molnupiravir mới thử nghiệm thời gian qua trên quy mô nhỏ, chưa thể đáp ứng yêu cầu này. 

Để gỡ vướng mắc, cuối tháng 12/2021, Cục Quản lý Dược cùng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) đã xây dựng, xin cơ chế cấp phép cho sản xuất thuốc điều trị Covid-19 tại Việt Nam.

Đến ngày 30/12/2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. 

Theo đó, Nghị quyết này đã đề cập đến việc quản lý thuốc, nguyên liệu làm thuốc trong bối cảnh dịch Covid-19, trong đó giao cho Bộ trưởng Bộ Y tế xem xét quyết định việc sử dụng dược chất đã được cấp phép nhập khẩu để sản xuất thuốc. 

Việc cấp giấy đăng ký lưu hành đối với các thuốc mới có chỉ định điều trị Covid-19 nhập khẩu, được cấp phép có điều kiện tại một trong số cơ quan quản lý dược chặt chẽ (SRA) (do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố) được thực hiện trong 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định. 

Ngoài ra, các thuốc mới có chỉ định điều trị Covid-19 sản xuất trong nước nếu có cùng dạng bào chế, đường dùng, hàm lượng với thuốc đã được SRA cấp phép thì Việt Nam cho phép miễn nộp hồ sơ nghiên cứu lâm sàng trong hồ sơ đề nghị cấp giấy đăng ký lưu hành.

Quy định mới này sẽ mở ra cơ hội cho các công ty dược trong nước sản xuất thuốc mới điều trị Covid-19, trong đó có Molnupiravir.

51 tỉnh, thành sử dụng thuốc Molnupiravir trong điều trị Covid-19 có kiểm soát

Đến nay, Bộ Y tế đã phân bổ hơn 300.000 liều thuốc Molnupiravir cho 51 địa phương đang triển khai Chương trình sử dụng thuốc có kiểm soát thuốc Molnupiravir cho các trường hợp mắc Covid-19 thể nhẹ tại cộng đồng.

Các kết quả báo cáo giữa kỳ của chương trình tại 22 tỉnh/thành phố cho thấy thuốc Molnupiravir có tính an toàn cao, dung nạp tốt, hiệu quả rõ rệt về giảm tải lượng virus, giảm lây lan, giảm chuyển nặng, rút ngắn thời gian điều trị với tỷ lệ bệnh nhân có kết quả xét nghiệm RT-PCR sau 5 ngày âm tính hoặc dương tính với giá trị CT ≥ 30 từ 72,1% đến 99,1%;

Tỷ lệ bệnh nhân có kết quả xét nghiệm RT-PCR sau 14 ngày âm tính hoặc dương tính với giá trị CT ≥ 30 gần 100%; tỷ lệ chuyển nặng rất thấp từ 0,02%-0,06% và không có ca nào dẫn đến tử vong.

Molnupiravir là hoạt chất có tác dụng kháng virus, đang trong giai đoạn thử nghiệm và chưa được cấp phép lưu hành tại Việt Nam. Tuy nhiên, thuốc này được xem là "vũ khí" quan trọng trong điều trị F0 tại nhà, do tác dụng giảm tải lượng virus khi sử dụng ở giai đoạn đầu mắc bệnh, từ đó giảm nguy cơ trở nặng và tử vong.

Tỷ lệ tiêm vắc-xin giảm mạnh

Theo Dữ liệu tiêm theo ngày của Cổng thông tin tiêm chủng, Bộ Y tế, số lượng mũi vắc-xin tiêm trong ngày tại Việt Nam trong những ngày qua giảm mạnh. 

Trước đó, vào ngày 30/12, gần 2 triệu mũi tiêm được thực hiện, đây là số lượng liều vắc-xin được tiêm trong ngày cao nhất tại Việt Nam tính đến nay. 

Tuy nhiên, đến 31/12, số mũi tiêm giảm xuống còn hơn 1,2 triệu; ngày 1/1 là 628.299 liều, ngày 2/1 là 594.568 liều và ngày 3/1 là 400.830 liều.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết Việt Nam đã bao phủ vắc-xin Covid-19 đạt tỷ lệ mũi 1 cho người trưởng thành trên 99%, mũi 2 cho người trưởng thành trên 90%. Như vậy độ bao phủ vắc-xin của chúng ta đảm bảo đạt miễn dịch cộng đồng.

Đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận tổng số hơn 195 triệu liều vắc-xin (tới hết ngày 2/1), tiêm được hơn 154 triệu liều. Tổng dân số bao phủ tiêm mũi 1 vắc-xin gần 74%. Các tổ chức, nhà sản xuất và cả nguồn tài trợ cam kết cung ứng cho Việt Nam trên 227 triệu liều.

Về kế hoạch tiêm vắc-xin năm 2022, Thứ trưởng cho biết Bộ Y tế đã triển khai tiêm bổ sung cho những đối tượng có nguy cơ như bị nhiễm HIV, suy thận, viêm gan B, xơ gan... mũi 3 sau khi đạt thời gian cần thiết (sau mũi 2).

Về khả năng cung ứng vắc-xin, theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, nhu cầu tiêm trong năm 2022 chủ yếu tiêm mũi bổ sung, mũi 3 nhắc lại và tiêm cho trẻ em cùng nguồn vắc-xin mà cơ chế COVAX phân phối thêm cho Việt Nam trong quý I/2022, lượng vắc-xin tiêm cho người trưởng thành Việt Nam đã đủ.

Cũng theo lãnh đạo Bộ Y tế, chúng ta đang tiếp cận nguồn vắc-xin tiêm cho trẻ em. Bộ Y tế cũng xây dựng kế hoạch tiêm vắc-xin cho trẻ em 5-11 tuổi, báo cáo Chính phủ. Khi được Chính phủ cho phép, Bộ Y tế sẽ làm việc với nhà cung ứng để làm sao chúng ta có đủ vắc-xin sớm nhất tiêm cho trẻ em.

Đưa thuốc Molnupiravir vào phác đồ điều trị Covid-19
Molnupiravir 400 mg được đưa vào phác đồ điều trị cho bệnh nhân Covid-19 thể nhẹ.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư