Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 03 tháng 05 năm 2024,
Tin mới về Covid-19 ngày 5/3: Châu Âu cấp phép sử dụng vắc-xin Moderna cho trẻ
D.Ngân - 05/03/2022 09:44
 
Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) cấp phép cho vắc-xin của hãng Moderna cho trẻ em từ 6-11 tuổi.

Số mắc Covid-19 tăng hơn 6.000 ca sau 24h

Theo tin từ Bộ Y tế, trong 24 giờ qua, nước ta ghi nhận 131.817 ca nhiễm mới, trong đó có 37 ca nhập cảnh và 131.780 ca ghi nhận trong nước tại 63 tỉnh, thành phố (tăng 6.212 ca so với ngày trước đó).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là Hà Nội (tăng 3.618 ca), Bắc Ninh (tăng 1.150 ca), Phú Thọ (tăng 576 ca).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là Lai Châu (giảm 928 ca), Quảng Ninh (giảm 921 ca), Nam Định (giảm 334 ca). Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 109.499 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 4.232.520 ca nhiễm. Với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 137/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 42.847 ca nhiễm).

Riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 4.225.053 ca, trong đó có 2.613.185 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là TP.HCM (548.041), Hà Nội (365.456), Bình Dương (308.418), Bắc Ninh (135.181), Quảng Ninh (122.442).

Hơn 26.000 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh

Về tình hình điều trị, có thêm 26.566 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi là 2.616.002.

Ngoài ra, hiện có 4.249 bệnh nhân nặng đang điều trị, trong đó có 3.364 ca thở ô-xy qua mặt nạ, 448 ca thở ô-xy dòng cao HFNC, 111 ca thở máy không xâm lấn, 318 ca thở máy xâm lấn và 8 ca phải sử dụng ECMO (thiết bị tim, phổi nhân tạo).

Về số bệnh nhân tử vong, tính từ 17h30 ngày 4/3 đến 17h30 ngày 5/3, nước ta ghi nhận 82 ca tử vong tại: TP.HCM (2), Hà Nội (12), Quảng Ninh (8 ), Đà Nẵng (7), Nam Định (5), Thái Nguyên (5), Khánh Hòa (4), Nghệ An (4), Bắc Giang (3), Hải Dương (3), Hòa Bình (3), Phú Yên (3),

Bến Tre (2), Kiên Giang (2), Lào Cai (2), Phú Thọ (2), Quảng Trị (2), Bạc Liêu (1), Bình Phước (1), Bình Thuận (1), Cần Thơ (1), Cao Bằng (1), Đồng Nai (1), Đồng Tháp (1), Hà Tĩnh (1), Lâm Đồng (1), Lạng Sơn (1), Ninh Bình (1), Quảng Bình (1), Thanh Hóa (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 97 ca/ngày. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 40.726 ca, chiếm tỷ lệ 1% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong tại Việt Nam xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 128/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

So với châu Á, tổng số ca tử vong tại Việt Nam xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 23/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Hà Nội ghi nhận hơn 25.000 ca Covid-19

Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính từ 18h ngày 4/3 đến 18h ngày 5/3, trên địa bàn Thành phố ghi nhận 25.013 ca Covid-19 (tăng 3.617 ca), trong đó có 9.407 ca cộng đồng và 15.606 ca đã cách ly. Quận Bắc Từ Liêm là địa bàn ghi nhận số ca nhiễm cao nhất, với 1.454 ca trong 24 giờ qua.

Cụ thể, 25.013 bệnh nhân phân bố tại 541 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Bắc Từ Liêm (1.454); Đông Anh (1.442); Hoài Đức (1.368); Hoàng Mai (1.322); Sóc Sơn (1.310).

Cũng theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tính đến hết ngày 4-3, số bệnh nhân đang điều trị là 682.579 (tăng 19.267 người so với ngày 3-3), trong đó có 629.031 người theo dõi cách ly tại nhà (giảm 27.018 người); 1.052 người cách ly tại cơ sở thu dung điều trị của thành phố và của quận, huyện, thị xã (giảm 41 người);

5.725 người điều trị tại bệnh viện tầng 2, tầng 3 của thành phố (giảm 85 người) và 360 người điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Đến nay, tổng số lượt bệnh nhân điều trị khỏi tại Hà Nội là 629.031 người (tăng 58.676 người so với ngày 3/3).

Ngày 4/3, Hà Nội ghi nhận 12 người mắc Covid-19 tử vong. Như vậy, tổng số người tử vong do Covid-19 (tính từ 27/4/2021 cho đến nay) là 1.152 người.

Thêm lựa chọn vắc-xin tiêm cho trẻ

Phát biểu với báo giới ngày 3/3, quan chức EMA phụ trách chiến lược vắc-xin và những mối đe dọa sức khỏe sinh học, ông Marco Cavaleri cho biết, trẻ nhỏ hơn sẽ được tiêm nửa liều so với trẻ lớn hơn và người trưởng thành.

Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) cấp phép cho vắc-xin của hãng Moderna cho trẻ em từ 6-11 tuổi.

Theo quan chức này, nghiên cứu cho thấy xét về mức kháng thể chống virus, trẻ nhỏ hơn có phản ứng miễn dịch tương đương với người lớn tuổi hơn.

Ông nhấn mạnh rằng, vắc-xin của Moderna cũng được khuyến nghị cho mũi tăng cường đối với những người đã tiêm các loại vắc-xin khác.

Trước đó, EMA đã cấp phép tiêm vắc-xin của Pfizer/BioNTech cho trẻ em từ 5 tuổi. EMA cũng khuyến nghị tiêm mũi tăng cường bằng vắc-xin của Pfizer cho trẻ từ 12 tuổi trở lên.

Ông Cavaleri dẫn số liệu của nhiều nước, như Israel và Mỹ, liên quan đến hơn 400.000 trẻ em, cho thấy mũi tăng cường bằng vắc-xin của Pfizer cho trẻ từ 12 tuổi là "an toàn và hiệu quả".

Không chủ quan sau khi test nhanh âm tính

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, nếu một F0 điều trị tại nhà sau 7 ngày có kết quả test nhanh âm tính (thực hiện lấy mẫu theo hướng dẫn) sẽ được dỡ bỏ cách ly.

Trong trường hợp sau 7 ngày kết quả xét nghiệm còn dương tính thì F0 tiếp tục cách ly đủ 10 ngày đối với người đã tiêm đủ liều vắc-xin và 14 ngày đối với người chưa tiêm đủ liều vắc-xin.

Thực tế hiện nay, số F0 nhẹ/không triệu chứng chiếm đại đa số. Sau khi âm tính trở lại, các triệu chứng như sốt, ho, đau họng… đã thoái lui, các F0 xuất hiện tâm lý chủ quan âm tính là khỏi bệnh hoặc bệnh sẽ không diễn biến nặng lên. Từ đó bỏ hết việc theo dõi sức khoẻ, chỉ số SpO2 - chỉ số quan trọng nhằm phát hiện suy hô hấp, tổn thương phổi. Và theo các bác sĩ, điều này là sai lầm.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho hay, việc người bệnh chuyển âm tính hay vẫn dương tính không hoàn toàn liên quan đến mức độ nặng - nhẹ của bệnh. Độ nặng của bệnh liên quan đến phản ứng miễn dịch của cơ thể bệnh nhân với virus.

Nếu cơ thể đáp ứng miễn dịch phù hợp, giúp loại bỏ virus thì các triệu chứng nhẹ thoái lui, F0 sẽ khỏi bệnh. Trường hợp đáp ứng miễn dịch rối loạn, cơ thể sẽ có phản ứng quá mức gây bão cytokines và từ đó gây tổn thương các phủ tạng. Khi đó, bệnh nhân có thể diễn biến nặng lên.

Nếu bão cytokines và các rối loạn hậu quả của nó không được kiểm soát, các phủ tạng bị tổn thương không được hồi sức hiệu quả có thể dẫn đến tử vong cho bệnh nhân.

Thực tế, F0 test nhanh âm tính (nếu thực hiện đúng) có nghĩa là nguy cơ lây nhiễm thấp vì còn ít hoặc không còn virus ở đường hô hấp trên. Kết quả này không hoàn toàn liên quan đến mức độ nặng -  nhẹ của bệnh.

"Miễn dịch quá mức nếu có thường xảy ra ngày 6-10 từ khi bắt đầu khởi phát bệnh. Vì thế, nếu ngày thứ 5-7 F0 tại nhà test nhanh âm tính thì không nên chủ quan mà vẫn phải lưu tâm theo dõi sức khỏe của mình hết 10 ngày", bác sĩ Cấp khuyến cáo.

Còn theo ông Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, F0 sau khi test nhanh âm tính vẫn cần dè dặt trong việc tiếp xúc, thực hiện nghiêm túc 5K bởi nguy cơ lây nhiễm bệnh sau khi test nhanh âm tính không hoàn toàn loại trừ.

Không xông cho trẻ em mắc Covid-19, không dùng thuốc kháng virus khi chưa có chỉ định

Số ca mắc Covid-19 trên cả nước gia tăng hàng ngày, theo đó trường hợp trẻ em mắc Covid-19 cũng tăng lên. Bộ Y tế cho biết số trường hợp mắc Covid-19 nhóm dưới 12 tuổi đang có sự gia tăng. Trước ngày 1/2/2022 là 14,1% và sau ngày 1/2/2022 là 24,3%.

Các chuyên gia nhi khoa cho hay, phần lớn trẻ mắc Covid-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ (viêm đường hô hấp trên hoặc rối loạn tiêu hóa, hồi phục trong 1-2 tuần).

Có 4% có thể trở nặng hoặc nguy kịch, thời gian nguy cơ thông thường là vào ngày thứ 5 đến ngày thứ 8. Tuy nhiên, bệnh có thể có biến chứng hậu Covid-19, bao gồm các triệu chứng của hội chứng viêm đa hệ thống hoặc "Covid-19 kéo dài" ở trẻ em.

Theo "Hướng dẫn chăm sóc tại nhà đối với trẻ em mắc Covid-19" do Bộ Y tế vừa ban hành, Bộ Y tế lưu ý các phụ huynh không tự ý dùng thuốc kháng virus, kháng sinh, kháng viêm... cho trẻ mắc Covid-19 chăm sóc tại nhà khi chưa có chỉ định của nhân viên y tế. Không xông cho trẻ em.

Cho phép tiêm liều thứ 3 của vắc-xin Moderna bằng nửa liều cơ bản
Bộ Y tế cho phép tiêm liều thứ 3 của vắc-xin Moderna bằng nửa liều cơ bản.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư