Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Tin mới về dịch Covid-19 ngày 13/9: Nhiều nơi ở Hà Nội hoàn thành tiêm vắc-xin mũi 1; Ổ dịch Thanh Xuân thêm 18 ca mắc mới
D.Ngân - 13/09/2021 08:57
 
Một số đơn vị đã hoàn thành từ 95-100% kế hoạch tiêm chủng đề ra gồm: Sóc Sơn, Thường Tín, Hoài Đức, Bắc Từ Liêm…

Thêm 5.446 F0, TP.HCM vượt mốc 300.000 người mắc Covid-19

Tính từ 17h ngày 12/9 đến 17h ngày 13/9, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 11.172 ca nhiễm mới. Trong đó, 4 người nhập cảnh và 11.168 ca ghi nhận trong nước.

Như vậy trong 24 giờ qua, số ca nhiễm ghi nhận trong nước giảm 301 ca. Tại TP.HCM, F0 giảm 712 ca, Bình Dương tăng 463 ca, Đồng Nai giảm 206 ca, Long An tăng 42 ca, Tiền Giang tăng 81 ca.

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 624.547 ca nhiễm, đứng thứ 49/222 quốc gia và vùng lãnh thổ. Với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 156/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 6.348 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ 27/4 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 620.165 người, trong đó, 383.004 bệnh nhân đã được công bố khỏi Covid-19.

Số lượng được công bố khỏi bệnh trong ngày là 11.200 người, nâng tổng số ca được điều trị khỏi tại nước ta lên 385.778 trường hợp.

Theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.035 ca.

Trong ngày, tổng hợp số liệu tử vong do các Sở Y tế công bố trên cdc.kcb.vn ghi nhận 298 ca tử vong. Các bệnh nhân được ghi nhận tại TP.HCM (228), Bình Dương (32), Đồng Nai (10), Long An (7), Tiền Giang (5), Đồng Tháp (5), Cần Thơ (3), Khánh Hòa (2), Đà Nẵng (2), Phú Yên (1), Bình Thuận (1), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), An Giang (1).

Ngoài ra, Bộ Y tế công bố bổ sung 83 ca tử vong từ thời gian trước đó tại: Bình Dương (9), Đồng Tháp (52), An Giang (22).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 279 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 15.660 người, chiếm 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên thế giới (2,1%).

Trong 24 giờ qua, Việt Nam đã thực hiện 240.234 xét nghiệm cho 771.109 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27/4 đến nay đã thực hiện là 15.207.904 mẫu cho 44.219.750 lượt người.

Trong ngày 12/9, 1.066.948 liều vắc-xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số vắc-xin đã được tiêm là 29.280.307 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 23.954.248 liều, tiêm mũi 2 là 5.326.059 liều.

***

Ngày 12/9, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hữu Hưng đã ký văn bản khẩn đề nghị lãnh đạo Bộ Y tế xem xét và có ý kiến chỉ đạo về việc có thể rút ngắn khoảng giữa 2 mũi tiêm đối với vắc-xin AstraZeneca xuống còn tối thiểu 6 tuần.

Theo công văn hướng dẫn của Bộ Y tế và tài liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khoảng cách giữa 2 mũi tiêm đối với vắc-xin AstraZeneca là từ 8 đến 12 tuần.

Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang phức tạp tại TP.HCM, việc rút ngắn khoảng cách giữa 2 mũi vắc-xin AstraZeneca có thể giúp Thành phố đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19.

Hà Nội: Tiêm 4,7 triệu mũi vắc-xin, lấy được hơn 2,7 triệu mẫu xét nghiệm

Trong ngày 13/9, Hà Nội đã tiêm được 248.313 mũi vắc-xin phòng Covid-19. Cộng dồn tới 18 giờ 30 phút ngày 13/9, toàn TP.Hà Nội đã tiêm cho các đối tượng trong Nghị quyết 21 của Chính phủ và Phương án 170 của UBND TP. Hà Nội được 4.728.739 mũi tiêm.

Trong đó, mũi 1: 4.325.619, mũi 2: 403.120, sử dụng 4.317.834 liều vắc-xin/5.359.676 liều vắc-xin được cấp, đạt tiến độ 80,6% trên tổng số vắc-xin được cấp.

Xét nghiệm, tính đến 18 giờ ngày 13/9, toàn Thành phố đã lấy được 2.700.150 mẫu, phát hiện 18 ca dương tính. Cụ thể, số mẫu gộp xét nghiệm PCR là 1.951.956, có 518.931 mẫu âm tính và 13 mẫu dương tính, số còn lại đang chờ kết quả. Trong số 748.194 mẫu test nhanh kháng nguyên, có 46 mẫu dương tính, sau đó được lấy mẫu lại xét nghiệm PCR, kết quả có 5 ca dương tính.  

Theo Sở Y tế Hà Nội, từ 12 giờ 18 giờ ngày 13/9, Hà Nội chưa ghi nhận ca mắc mới. Như vậy, tính từ 18 giờ ngày 12/9 đến 18 giờ ngày 13/9, Hà Nội ghi nhận 37 ca mắc Covid-19, trong đó 32 ca khu cách ly, 4 ca khu vực phong tỏa, 1 ca khu vực ổ dịch cũ.

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021) là 3.817 ca trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.595 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 2.222 ca.

Thêm 8 bệnh nhân Covid-19 nặng được xuất viện

Ngày 12/9, tại Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 trực thuộc Bệnh viện Bạch Mai tại Quận 7, TP.HCM đã diễn ra lễ xuất viện cho 8 bệnh nhân Covid-19 nặng, khỏi bệnh được trở về với gia đình.

Liên tiếp trong những ngày qua, rất nhiều bệnh nhân Covid-19 tại Trung tâm Hồi sức trực thuộc Bệnh viện Bạch Mai đã được xuất viện trong niềm vui của các thầy thuốc và người thân. Trong đó, có rất nhiều bệnh nhân nặng, nhập viện trong tình trạng nguy kịch, hôn mê, phải thở máy.

Bệnh nhân đặc biệt trong buổi lễ xuất viện ngày hôm nay là Phạm Thị Hồng Ph. (24 tuổi) nặng 130 kg. Ph. nhập viện trong tình trạng suy hô hấp nặng, phổi lại phải gánh khối lượng cơ thể lớn nên tình trạng khó thở càng tăng lên.

Trong gần 1 tuần đầu tiên điều trị tại Trung tâm, Ph. không thể nằm nổi và phải ngồi dựa lưng, nhưng nhờ sự nỗ lực của bệnh nhân cùng với sự chăm sóc tận tình của các y, bác sĩ ngày đêm điều trị và trấn an tâm lý, động viên, nên sau khoảng 10 ngày, tình trạng bệnh tiến triển tốt, bệnh nhân đã cai được máy thở.

Thay mặt Ban lãnh đạo Bệnh viện, ThS. BS Trần Thái Sơn, Phó Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp không quên dặn dò các bệnh nhân khi về nhà giữ sức khỏe, tập thể dục thể thao, tuân thủ các quy định về giãn cách và tham gia các hoạt động chung của thành phố, như chăm sóc các bệnh nhân F0 đang điều trị trong viện nếu điều kiện và sức khỏe cho phép.

Tiền Giang đưa vào hoạt động máy xét nghiệm PCR tự động

Ngày 13/9, Bệnh viện Quân y 120 trực thuộc Quân Khu 9 đóng trên địa bàn TP. Mỹ Tho (Tiền Giang) đã đưa vào hoạt động hệ thống máy xét nghiệm PCR tự động, hiện đại gồm: Máy tách chiết Nucleic acid tự động và máy Real Time PCR.

Các thiết bị y tế này do Cục Quân y, Tổng Cục Hậu cần (Bộ Quốc phòng) trang bị.

Máy tách chiết Nucleic acid tự động hoạt động theo công nghệ hạt từ tính giúp thu hồi mẫu tối ưu; kỹ thuật Spintip giúp giảm thiểu nhiễm chéo giữa các giếng và các lần chạy, tăng độ tin cậy. Công suất tách chiết được tối đa 96 mẫu bệnh phẩm 1 lần chạy.

Máy RT-PCR dễ sử dụng cho việc phân tích và đọc kết quả với độ tin cậy cao. Thời gian hoạt động trên bộ kit chẩn đoán SARS- CoV-2 là 1 giờ 30 phút (không tính thời gian nạp mẫu). Thời gian trả kết quả trung bình 2 giờ.

Thời gian xử lý mẫu đến khi cho kết quả một mẻ 96 mẫu bệnh phẩm từ 3 đến 3 giờ 30 phút. Hệ thống này giúp tiết kiệm thời gian xét nghiệm và làm giảm nguy cơ lây nhiễm cho kỹ thuật viên trong quá trình thực hiện xét nghiệm.

Bệnh viện Quân y 120 cũng đã trang bị Phòng Xét nghiệm RT-PCR đạt chuẩn về cơ sở vật chất và trang thiết bị; các biện pháp bảo đảm an toàn sinh học, bảo đảm về nhiệt độ cùng đội ngũ kỹ thuật viên đủ năng lực thực hiện xét nghiệm, chẩn đoán virus SARS-CoV-2.

Đại tá, bác sĩ Phan Hồng Phúc, Giám đốc Bệnh viện Quân y 120, cho biết, việc đưa vào vận hành, khai thác hệ thống xét nghiệm RC-PCR tự động, hiện đại tạo điều kiện thuận lợi trong công tác xác định các trường hợp nhiễm Covid-19, bảo đảm an toàn trong môi trường bệnh viện.

Đồng thời, hệ thống xét nghiệm này còn hỗ trợ rất lớn cho Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 6, các tuyến quân y trực thuộc Quân đội khu vực Sông Tiền.

Ngoài ra, thiết bị này còn giúp rút ngắn được thời gian chờ kết quả xét nghiệm nhằm thực hiện các biện pháp truy vết, cách ly, tập trung điều trị, khoanh vùng, dập dịch.

Hà Nội: Ổ dịch Thanh Xuân thêm 18 ca mắc mới

Sáng 13/9, Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ 18 giờ ngày 12/9 đến 6 giờ ngày 13/9, Hà Nội ghi nhận 22 ca mắc Covid-19, trong đó, 18 ca tại khu cách ly (18 bệnh nhân tại quận Thanh Xuân đã được cách ly tại Đại học FPT trước đó) và  4 ca tại khu phong tỏa. 

Hà Nội đã tiêm được hơn 4,3 triệu liều vắc-xin Covid-19. Ảnh: Đức Thanh

Sau 3 tuần từ ngày ghi nhận ca nhiễm đầu tiên (23/8), ổ dịch này đã xác định được tổng cộng 565 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.

Như vậy, từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát (ngày 27/4), Hà Nội đã ghi nhận tổng cộng 3.780 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2. 

Tính đến 14h ngày 12/9, các đơn vị trên địa bàn Thành phố đã lấy được hơn 2,1 triệu mẫu, trong đó đã phát hiện 7 trường hợp F0. Trong đó, các đơn vị làm tốt công tác xét nghiệm là quận Ba Đình, Long Biên và huyện Sóc Sơn.

Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cho hay, trung bình mỗi ngày hiện có thể tiêm 500.000 mũi. Nên quan trọng nhất là nếu được phân bổ đủ vắc-xin thì chỉ 2 - 3 ngày nữa Thành phố sẽ tiêm tiêm phủ vắc-xin mũi 1 theo đúng kế hoạch.

Tính đến nay, một số đơn vị đã hoàn thành từ 95-100% kế hoạch tiêm chủng đề ra gồm: Sóc Sơn, Thường Tín, Hoài Đức, Bắc Từ Liêm…Thành phố đang điều trị cho 1328 trường hợp F0, trong đó chủ yếu là tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. 

Số ca mắc tại Việt Nam vượt mốc hơn 600.000 ca

Đã có hơn 600.000 người nhiễm Covid-19 được ghi nhận tại Việt Nam trong đợt dịch thứ tư, trong đó có hơn 15.000 ca tử vong. 

Số ca nhiễm và tử vong được cho là đã giảm trong tuần qua tại một số tâm dịch như Bình Dương, Đà Nẵng... Số ca khỏi bệnh cũng liên tục tăng cao với tổng số 374.578 người được xuất viện.

Ghi nhận từ đầu năm 2020 đến nay, Việt Nam đã phát hiện 613.375 ca nhiễm Covid-19, đứng thứ 49/222 quốc gia và vùng lãnh thổ. 

Với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 157/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 6.235 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 608.997 ca, trong đó có 371.804 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Đến ngày 11/9, tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 27.108.588 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 22.367.824 liều, tiêm mũi 2 là 4.740.764 liều.

Theo tiêu chí kiểm soát dịch bệnh, việc chia 23 địa phương đang giãn cách xã hội thành 3 nhóm đã có sự thay đổi trong tuần qua. 

Nhóm 3 cần tiếp tục triển khai biện pháp quyết liệt phòng chống dịch gồm TP.HCM, Bình Dương và Kiên Giang.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, so với tuần trước, các địa phương thực hiện tốt hơn công tác kiểm soát dịch là: Vĩnh Long, Trà Vinh cải thiện từ nhóm 2 lên nhóm 1. Long An, Tiền Giang cải thiện từ nhóm 3 lên nhóm 2.
Riêng Kiên Giang có số mắc mới trong cộng đồng gia tăng (69,7%) so với tuần trước đó, chuyển từ nhóm 2 xuống nhóm 3.

Số ca mắc Covid-19 phát hiện tại TP.HCM giảm dần

Xét nghiệm vòng 3 tại “vùng đỏ” và “vùng cam” tại TP.HCM sơ bộ cho thấy, tỷ lệ các ca dương tính tại 2 vùng này giảm dần qua từng vòng.

Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM Nguyễn Hồng Tâm, cho biết, thành phố đang triển khai xét nghiệm vòng 3 tại “vùng đỏ” (nguy cơ rất cao), “vùng cam” (nguy cơ cao). Theo đánh giá sơ bộ, tỷ lệ các ca dương tính tại hai vùng này giảm dần qua từng vòng.

Tại vùng đỏ, vùng cam, tỷ lệ ca dương tính phát hiện trên tổng số mẫu xét nghiệm ở vòng 1 là 3,6%, vòng 2 là 2,7% và vòng 3 (đã thực hiện 55%) là 1,3%. Trong khi đó, tỷ lệ ca dương tính với SARS-CoV-2 tại “vùng xanh”, “cận xanh”, “vùng vàng” lần lượt là 0,78%, 1,27%, 1,41%. 

Liên quan thời gian và lộ trình mở cửa chợ truyền thống, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM Nguyễn Nguyên Phương khẳng định, thành phố chưa bao giờ có chủ trương đóng cửa hay ngưng hoạt động các chợ, cửa hàng, siêu thị… do đó, không có kế hoạch tổ chức mở cửa hoạt động trở lại.

Hình ảnh Hà Nội triển khai tiêm vắc-xin diện rộng cho người dân
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội đã thực hiện chiến dịch tiêm chủng, xét nghiệm thần tốc trên địa bàn Thành...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư