Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Tin mới về dịch Covid-19 ngày 14/11: Hơn 95% dân số trên 18 tuổi được tiêm mũi 1
D.Ngân - 14/11/2021 10:04
 
Tại Dự thảo chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch Covid-19 giai đoạn 2021-2023 Chính phủ đặt mục tiêu trước ngày 31/12, 95% dân số trên 18 tuổi được tiêm mũi 1.

Thêm 8.176 ca mắc Covid-19

Tính từ 16h ngày 13/11 đến 16h ngày 14/11, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 8.176 ca nhiễm mới, gồm 13 ca nhập cảnh và 8.163 ca ghi nhận trong nước (giảm 288 ca so với ngày trước đó) tại 52 tỉnh, thành phố (3.705 ca trong cộng đồng).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Tây Ninh (-261), TP.HCM (-255), Bình Định (-96).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: An Giang (+148), Bình Thuận (+104), Đắk Lắk (+102).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 8.248 ca/ngày.

Từ đầu dịch tới nay, Việt Nam có 1.026.522 ca nhiễm, đứng thứ 37/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. Với tỷ lệ số ca nhiễm trên 1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 151/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 10.418 ca nhiễm).

Ở đợt dịch thứ 4, số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.021.493 ca, gồm 860.494 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (447.428), Bình Dương (243.497), Đồng Nai (78.073), Long An (36.536), Tiền Giang (20.780).

Hơn 5.000 F0 khỏi bệnh

Trong ngày, Bộ Y tế công bố 5.257 F0 khỏi bệnh, nâng tổng số ca được chữa khỏi lên 863.311.

Số bệnh nhân thể nặng đang điều trị là 3.947 ca. Trong số này, 13 ca được can thiệp ECMO.

Từ 17h30 ngày 13/11 đến 17h30 ngày 14/11, cả nước ghi nhận 64 ca tử vong tại TP.HCM (22), Kiên Giang (8 ), An Giang (6), Bình Dương (5), Tiền Giang (5), Tây Ninh (4), Bình Thuận (2), Cần Thơ (2), Bạc Liêu (2), Ninh Thuận (2), Hà Nội (1), Hà Giang (1), Đắk Lắk (1), Đồng Nai (1), Đồng Tháo (1), Vĩnh Long (1).

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 23.082 ca, chiếm tỷ lệ 2,3% so với tổng số ca nhiễm. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 79 ca.

Trong 24 giờ qua, ngành Y tế đã thực hiện 143.454 xét nghiệm cho 220.703 lượt người. Số lượng xét nghiệm đã được thực hiện từ 27/4 đến nay là 24.030.280 mẫu cho 64.276.379 lượt người.

Ngày 13/11 có 1.093.823 liều vắc-xin Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 98.930.571 liều, gồm 64.322.08710 mũi 1, 34.608.484 mũi 2.

Phân bổ gần 2,9 triệu liều vắc-xin Pfizer

Theo Bộ Y tế, số lượng vắc-xin của tháng 11 và 12 sẽ tiếp tục về nhiều, các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng.

Trong lần phân bổ thứ 83, cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế đã phân bổ thêm 2.873.520 liều vắc-xin phòng Covid-19 Pfizer để phục vụ công tác tiêm chủng của các địa phương. Như vậy, đến nay, Việt Nam đã có 83 đợt phân bổ vắc-xin phòng Covid-19 với tổng số 116 triệu liều.

Trước đó, trong tuần này, cũng đã có 2 lần phân bổ thứ 81 và 82 với tổng số gần 2,1 triệu liều vắc-xin, trong đó gần 1,9 triệu liều Pfizer và 200.000 liều Sinopharm.

Các địa phương đang đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19. Cập nhật đến chiều 14/11, tổng số mũi tiêm tại nước đã lên hơn 99 triệu.

Trên cả nước, tỷ lệ tiêm ít nhất một liều vắc-xin phòng Covid-19 là 86,8% và đủ liều là 46,7% dân số từ 18 tuổi trở lên.

Theo khu vực, tỷ lệ này lần lượt ở miền Bắc là 79,2% và 38,9%; miền Trung là 85,0% và 30,6%; Tây Nguyên là 81,3% và 12,1% và miền Nam là 94,2% và 62,5%.

16/63 tỉnh có tỷ lệ bao phủ ít nhất một liều vắc-xin cho trên 95% dân số từ 18 tuổi trở lên là: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Ninh Thuận, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Lâm Đồng, Vĩnh Long, Bình Dương, Hậu Giang.

17/63 tỉnh (thêm một tỉnh so với ngày 12/11) có tỷ lệ bao phủ đủ 2 liều vắc-xin cho dân số từ 18 tuổi trở lên đạt trên 50% là Long An, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Đồng Nai, TP.HCM, Hà Nội, Lạng Sơn, Hà Nam, Bình Dương, Bắc Ninh, Ninh Bình, Lâm Đồng, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Tháp, Bà Rịa Vũng Tàu và Bạc Liêu.

24/63 tỉnh có tỷ lệ bao phủ ít nhất một liều vắc-xin cho 80-95% dân số từ 18 tuổi trở lên là Hà Nam, Ninh Bình, Phú Thọ, Hưng Yên, Lai Châu, Lạng Sơn, Lào Cai, Điện Biên, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Thuận, Đắk Lắk, Đắk Nông, Tiền Giang, Tây Ninh, Cần Thơ, Sóc Trăng, An Giang, Bình Phước, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu.

14/63 tỉnh (tăng 2 tỉnh so với ngày 12/11) có tỷ lệ bao phủ ít nhất một liều vắc-xin cho từ 70-80% dân số từ 18 tuổi trở lên là Thái Bình, Bắc Giang, Hải Dương, Bắc Kạn, Hà Tĩnh, Tuyên Quang, Hà Giang, Yên Bái, Quảng Nam, Bình Định, Kon Tum, Gia Lai, Bến Tre, Đồng Tháp.

9/63 tỉnh còn lại (giảm 2 tỉnh) có tỷ lệ bao phủ ít nhất một liều vắc-xin dưới 70% dân số từ 18 tuổi trở lên, trong đó 5 tỉnh có tỷ lệ bao phủ thấp nhất là Sơn La (45,5%), Thanh Hóa (50,6%), Nam Định (58,2%), Nghệ An (60,0%) và Cao Bằng (63,2%).

Theo Bộ Y tế, số lượng vắc-xin trong thời gian tới của tháng 11 và 12 sẽ tiếp tục về nhiều.

Bộ Y tế tiếp tục đề nghị các địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên (ưu tiên cho các đối tượng từ 50 tuổi trở lên) đảm bảo an toàn, hiệu quả.

Tăng nhanh độ bao phủ mũi một, triển khai tiêm mũi 2 cho những đối tượng đã tiêm mũi một đủ thời gian và triển khai tiêm cho trẻ 12-17 tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Đến nay, 16 địa phương đang triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ 12-17 tuổi.

Từ 0h ngày 15/11, Phú Thọ cho phép nhà hàng, quán ăn bán hàng tại chỗ trở lại

Tỉnh Phú Thọ cho phép các nhà hàng, quán ăn, uống được phép bán hàng tại chỗ trở lại (trừ khu vực dịch cấp độ 3, cấp độ 4), tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng chống dịch.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân, đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt khi dịch bệnh trên địa bàn dần được kiểm soát, UBND tỉnh Phú Thọ điều chỉnh áp dụng một số biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Trong văn bản số 5288/UBND-KGVX, tỉnh Phú Thọ đã điều chỉnh việc áp dụng một số biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn, bắt đầu từ 0 giờ 00 ngày 15/11. 

Theo đó, tỉnh Phú Thọ cho phép các nhà hàng, quán ăn, uống được phép bán hàng tại chỗ trở lại (trừ khu vực dịch cấp độ 3, cấp độ 4).

Các cơ sở phải tuân thủ điều kiện phục vụ không quá 50% công suất, không tổ chức kinh doanh từ 22 giờ đến 5 giờ hàng ngày.

Các cơ sở spa, làm đẹp, phòng tập gym, câu lạc bộ thể dục trong nhà, câu lạc bộ bi-a,... được hoạt động trở lại từ 6 - 22 giờ hàng ngày và phải tuân thủ điều kiện phục vụ không quá 50% công suất tại cùng một thời điểm.

Tỉnh tiếp tục tạm dừng hoạt động đối với một số dịch vụ có nguy cơ lây nhiễm cao như vũ trường, quán bar, karaoke, mát-xa, các cơ sở kinh doanh dịch vụ internet, trò chơi điện tử...

Theo báo cáo của Sở Y tế Phú Thọ, từ 18 giờ ngày 13/11 đến 6 giờ ngày 14/11, tỉnh Phú Thọ ghi nhận 19 ca mắc Covid-19 mới, trong đó tại huyện Tân Sơn 7 ca, Tam Nông 4 ca, Thanh Sơn 3 ca, Thanh Ba 1 ca, thành phố Việt Trì 4 ca. 

Trong các ca mắc mới có 17 trường hợp là F1 hoặc trong vùng phong tỏa, đều đã được cách ly, theo dõi và quản lý; 2 trường hợp mắc mới trong cộng đồng.

Đánh giá cấp độ dịch (theo Nghị quyết 128/NQ-CP, toàn tỉnh Phú Thọ ở cấp độ 2 (số ca mắc mới trong cộng đồng xấp xỉ 6,85 ca/100.000 dân/tuần; 84% người dân từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất một liều vắc-xin Covid-19).

Cấp huyện 12/13 huyện ở cấp độ 2; 1 huyện Hạ Hòa ở cấp độ 1. 

Cấp xã: Toàn tỉnh có 1 xã ở cấp độ 4 (Thục Luyện - Thanh Sơn); 6 xã ở cấp độ 3 (Chân Mộng - Đoan Hùng; thị trấn Thanh Sơn, Sơn Hùng - Thanh Sơn; Văn Luông - Tân Sơn; Ngọc Đồng - Yên Lập và Xuân Lộc - Thanh Thủy); 38 xã ở cấp độ 2 và 180 xã/phường/thị trấn còn lại ở cấp độ 1.

Tỉnh tiếp tục phân bổ hơn 96.000 liều vắc-xin phòng Covid-19 để tiêm mũi 1 cho cán bộ, giáo viên, người lao động tại cơ sở giáo dục các cấp trên địa bàn chưa được tiêm; ưu tiên tiêm mũi 2 cho những người này khi đủ thời gian tối thiểu theo quy định.

Đồng thời, tỉnh tiêm nhắc mũi 2 cho các đối tượng đã tiêm vắc-xin Astra Zeneca mũi 1 của đợt tiêm thứ 13-14, tiêm vét mũi 1, mũi 2 cho người trên 18 tuổi, đảm bảo sử dụng hết số vắc-xin được cấp; hoàn thành xong chậm nhất là hết ngày 16/11.

Nhiều nội dung quan trọng của Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch Covid-19

Mục tiêu mà Dự thảo đưa ra là: Giảm sự lây lan của dịch Covid-19 với trên 95% cá nhân tuân thủ 5K kể cả khi đã đạt tỷ lệ bao phủ tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19.

Mục tiêu này cũng yêu cầu trên 95% ca mắc mới được phát hiện sớm, cách ly và điều trị kịp thời, phấn đấu 100% các tỉnh, thành phố đủ năng lực tự thực hiện xét nghiệm và làm chủ công nghệ xét nghiệm mới.

Tại Dự thảo chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch Covid-19 giai đoạn 2021-2023 Chính phủ đặt mục tiêu trước ngày 31/12, 95% dân số trên 18 tuổi được tiêm mũi 1.

Mục tiêu tiếp theo là trước ngày 31/12, trên 95% dân số từ 18 tuổi trở lên được tiêm chủng đủ mũi vắc-xin phòng Covid-19 và phấn đấu 80% dân số từ 12 tuổi đến 18 tuổi được tiêm ít nhất một mũi vắc-xin.

Ngoài ra, từ đầu năm 2022, trên 95% dân số từ 12 tuổi trở lên được tiêm chủng đủ 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19 và tiêm tăng cường.

Mục tiêu 3 là nâng cao năng lực hệ thống y tế, đặc biệt là y tế dự phòng và y tế cơ sở; tăng cường chất lượng cấp cứu và hồi sức tích cực ở cơ sở khám, chữa bệnh các tuyến.

Trong đó, yêu cầu của dự thảo là đáp ứng tối thiểu 2% số giường ICU tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và linh hoạt giảm tỷ lệ số giường ICU sau khi đạt tỷ lệ bao phủ vắc-xin phòng Covid-19.

Tất cả chính quyền cấp huyện thiết lập và vận hành trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc người nhiễm Covid-19 tại cộng đồng, cung cấp ô-xy y tế cho trạm y tế cấp xã để phòng, chống dịch. Tất cả tỉnh, thành phố bảo đảm thuốc, hóa chất, thiết bị, vật tư, sinh phẩm phục vụ phòng, chống dịch theo kịch bản địa phương đã duyệt của địa phương.

Dự thảo Chiến lược cũng đặt mục tiêu bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương bởi dịch Covid-19. Trong đó, 100% phụ nữ mang thai, trẻ em mồ côi, người già cô đơn, người có bệnh nền và các nhóm nguy cơ khác tại cơ sở cách ly tập trung, địa bàn cách ly y tế vùng (phong tỏa), giãn cách xã hội được bảo đảm an toàn, tiếp cận đầy đủ công bằng các dịch vụ y tế, an sinh xã hội.

Bảo đảm thông tin, truyền thông chủ động trong định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận, niềm tin xã hội; bảo đảm ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác phòng, chống dịch thống nhất toàn quốc.

Cuối cùng là bảo đảm duy trì các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt của người dân thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch Covid-19: 100% các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cơ sở giáo dục đào tạo… chủ động thực hiện hiệu quả kế hoạch phòng, chống dịch đã được phê duyệt và cập nhật kết quả đánh giá an toàn lên bản đồ an toàn Covid-19.

Xã hội hóa tiêm chủng vào thời điểm thích hợp

Để hiện thực hóa các mục tiêu trong chiến lược chống dịch, Chính phủ dự kiến đưa ra 12 giải pháp trong chiến lược phòng chống dịch bệnh từ nay tới năm 2023.

Trong đó, triển khai kế hoạch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 quốc gia đảm bảo tăng độ bao phủ vắc-xin theo nguyên tắc ưu tiên nhóm người có nguy cơ cao, rủi ro; tổ chức tiêm chủng cho trẻ em, tiêm tăng cường; thực hiện tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 toàn dân, miễn phí và xã hội hóa tiêm chủng vào thời điểm thích hợp.

Chính phủ và Bộ Y tế yêu cầu giám sát phát hiện sớm các ca nhiễm, ổ dịch; khuyến khích người dân chủ động, tự xét nghiệm để sớm phát hiện lây nhiễm; việc điều trị F0 được điều trị liên thông tại nhà, khu cách ly tập trung, bệnh viện.

Bên cạnh đó, các cơ sở khám, chữa bệnh cần củng cố cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế và nhân lực để bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19; tổ chức y tế tuyến xã theo nguyên tắc không phân theo địa giới hành chính.

Ngành Y tế có trách nhiệm chủ động nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 để thực hiện mua dự phòng phòng, chống dịch theo các kịch bản được phê duyệt. Các đơn vị xây dựng cơ chế mua sắm tập trung sinh phẩm, thuốc để dự phòng theo khu vực.

Các khu cách ly y tế, vùng thực hiện giãn cách xã hội phải được cung cấp đủ lương thực, thực phẩm, hàng thiết yếu theo tinh thần miễn phí hoặc xã hội hóa. Các cơ quan chức năng có nhiệm vụ cung cấp gói cứu trợ khẩn cấp, túi an sinh xã hội cho trẻ em, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn, không nơi nương tựa.

Chính phủ và Bộ Y tế yêu cầu tiếp tục duy trì Quỹ vắc-xin phòng, chống Covid-19, thí điểm và triển khai các mô hình, tổ chức, tổ nhóm thiện nguyện, cá nhân tham gia hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch; tổ chức nghiên cứu khoa học, ứng dụng thực tiễn để sáng chế ra vắc-xin, thuốc điều trị Covid-19.

Hậu Giang lên phương án cách ly F1 và điều trị F0 tại nhà

Theo UBND tỉnh Hậu, trước mắt tỉnh vẫn điều trị, cách ly tại bệnh viện và cơ sở cách ly tập trung khi còn khả năng đáp ứng, nếu khả năng không đáp ứng được mới thực hiện cách ly F1 tại nhà và chăm sóc điều trị F0 tại nhà trên toàn tỉnh. Chỉ triển khai thí điểm ở địa phương bảo đảm được an toàn tuyệt đối.

Đối với các địa phương có những ổ dịch phức tạp, cần chủ động áp dụng một số các biện pháp quản lý, kiểm soát dịch ở mức độ cao hơn so với cấp độ dịch đã công bố để kịp thời kiểm soát dịch bệnh trước những phát sinh mới liên tục. Rà soát, củng cố, tổ chức lại hệ thống phòng, chống dịch để phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò của Tổ Covid-19 cộng đồng, Tổ điều tra, truy vết dịch tễ, Tổ An toàn Covid-19 trong doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị.

Sở Y tế tập trung nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là hệ thống y tế cơ sở, nâng cao năng lực điều trị Covid-19. Tranh thủ mọi nguồn lực để triển khai đầu tư, chuẩn bị đầy đủ hậu cần cho công tác phòng, chống dịch.

Sớm thành lập bệnh viện dã chiến tại Trường Đại học Cần Thơ - khu Hòa An (Phụng Hiệp) với quy mô 1.000 giường để nâng tổng công suất điều trị khoảng 3.000 giường.

Nâng số giường điều trị ICU từ 100 lên 180 giường ICU. Chuẩn bị sẵn sàng kích hoạt ngay trạm y tế lưu động, hoàn chỉnh quy trình quản lý, cách ly các trường hợp F1, F0 không triệu chứng ở nhà, hướng dẫn các địa phương, tổ chức tập huấn cho trạm y tế lưu động quản lý, chăm sóc điều trị F0 không triệu chứng tại nhà. Đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin và bảo đảm an toàn, hiệu quả, hoàn thành nhập dữ liệu lên nền tảng tiêm chủng theo chỉ đạo của Bộ Y tế.

Tin mới về dịch Covid-19 ngày 7/11: Tăng tốc tiêm vắc-xin sau “nhắc nhở” của Bộ Y tế
Số lượng tiêm vắc-xin tăng lên tới 2 triệu mũi/ngày sau khi Bộ Y tế "nhắc nhở" một số địa phương tiêm chậm.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư