Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Tin mới về dịch Covid-19 ngày 17/9: Chuẩn bị tiến tới chung sống an toàn với Covid-19; Hà Nội thêm 3 ca mắc Covid-19
D.Ngân - 17/09/2021 08:52
 
Theo yêu cầu của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, cần có các giải pháp để chủ động chuẩn bị để tiến tới chung sống an toàn với SASR-CoV-2.

TP.HCM, Bình Dương tăng số ca nhiễm Covid-19

Tính đến 17h ngày 17/9, cả nước ghi nhận 11.521 ca nhiễm mới, trong đó có 15 ca nhập cảnh và 11.506 ca ghi nhận trong nước TP. HCM (5.972), Bình Dương (4.013), Đồng Nai (345), Long An (273), Kiên Giang (180), Tiền Giang (118), Tây Ninh (114), An Giang (106), Quảng Ngãi (52), Cần Thơ (50), Quảng Bình (37), Đồng Tháp (35), Khánh Hòa (35), Bình Phước (21), Bình Thuận (18), Hà Nội (15), Bạc Liêu (14), Ninh Thuận (13), Quảng Trị (12), Bà Rịa - Vũng Tàu (12), Hậu Giang (11), Phú Yên (10), Bình Định (9), Nghệ An (9), Đà Nẵng (8 ), Sóc Trăng (6), Lâm Đồng (3), Vĩnh Long (3), Thừa Thiên Huế (3), Thanh Hóa (3), Cà Mau (3), Bến Tre (1), Quảng Nam (1), Gia Lai (1) trong đó có 6.656 ca trong cộng đồng. 

Trong vòng 24 giờ qua, số ca nhiễm ghi nhận trong nước tăng 1.024 ca. TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai tiếp tục đứng đầu về số lượng ca nhiễm mới. Trong đó, TP.HCM tăng 237 ca, Bình Dương tăng 1.015 ca, Đồng Nai giảm 222 ca, Long An giảm 8 ca, Kiên Giang giảm 18 ca được ghi nhận sau 24 giờ.

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 11.090 ca/ngày.

Như vậy, theo thống kê kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 667.650 ca nhiễm, đứng thứ 47/222 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đợt dịch bùng phát lần thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 663.232, trong đó có 430.691 bệnh nhân đã được công bố khỏi Covid-19.

14/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nam, Phú Thọ, Ninh Bình.

Bốn tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Thái Bình, Kon Tum, Quảng Ninh, Lào Cai.

Năm tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP.HCM (326.795), Bình Dương (173.086), Đồng Nai (38.081), Long An (29.843), Tiền Giang (12.760).

Từ nay đến hết ngày 30/9, TP.HCM và một số tỉnh, thành phố sẽ triển khai xét nghiệm thần tốc để tiếp tục bóc tách ngay nguồn lây nhiễm và điều trị kịp thời dựa trên kết quả đánh giá, phân loại lại vùng nguy cơ. Đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng và bao phủ mũi một vắc-xin phòng bệnh Covid-19 cho người dân.

Ngày thứ 3 liên tiếp Hà Nội không có ca nhiễm cộng đồng

Sở Y tế Hà Nội tối 17/9 cho biết trong 24 giờ qua, Hà Nội ghi nhận 12 ca mắc COVID-19 mới. Các trường hợp này đều đã được cách ly hoặc sống trong vùng phong tỏa. Đây là ngày có số ca Covid-19 thấp nhất từ khi Hà Nội giãn cách xã hội (từ 24/7), cũng là ngày thứ 3 liên tiếp Thủ đô không có ca nhiễm cộng đồng.

Hai ca mới phát hiện gồm chị N.T.L, 19 tuổi, ở Tứ Hiệp, Thanh Trì. Chị là F1 của bệnh nhân N.T.N, được chuyển cách ly tập trung từ ngày 8/9. Ngày 15/9 chị xuất hiện sốt nhẹ, ngày 16/9 được lấy mẫu xét nghiệm và có kết quả dương tính.

Trường hợp thứ 2 là bà T.T.M, 63 tuổi, ở phường Hoàng Văn Thụ, Hoàng Mai. Bệnh nhân sống trong khu vực phong tỏa. Bà xuất hiện triệu chứng bệnh và chuyển khám, điều trị tại Bệnh viện Thanh Nhàn ngày 17/9, được lấy mẫu xét nghiệm và có kết quả dương tính.

Như vậy, đến nay ổ dịch ở chung cư Đền Lừ đã ghi nhận 22 ca dương tính, tính từ khi phát hiện ca bệnh đầu tiên hôm 12/9.

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4 đến nay) là 3.884 ca trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.596 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly có 2.288 ca.

Chủ động chuẩn bị để tiến tới chung sống an toàn với SASR-CoV-2

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 248/TB-VPCP kết luận của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp về nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, thử nghiệm lâm sàng sản xuất thuốc, vắc-xin, sinh phẩm phòng, chống dịch Covid-19.

Sáng 17/9, Hà Nội thêm 3 ca mắc Covid-19, đều đã được cách ly.

Thông báo nêu rõ, trước tình hình diễn biến dịch bệnh Covid-19 còn phức tạp, quy mô dân số nước ta gần 100 triệu người, trong khi dịch đã lây nhiễm cộng đồng,... chúng ta cần chủ động chuẩn bị để tiến tới chung sống an toàn với virus SASR-CoV-2.

Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế quan tâm, hỗ trợ hơn nữa đối với các đơn vị nghiên cứu vắc-xin phòng Covid-19 trong việc hoàn thiện, bổ sung hồ sơ gửi Hội đồng đạo đức, Hội đồng cấp phép của Bộ Y tế cho ý kiến để xem xét việc cấp phép khẩn cấp; trước mắt là vắc-xin Nanocovax;

Xin ý kiến các thành viên của 2 Hội đồng trong việc khuyến nghị đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về vắc-xin phòng Covid-19, nhất là vắc-xin cho trẻ em, phương án phối trộn các loại vắc-xin, kế hoạch sử dụng vắc-xin năm 2022.

Bộ Y tế hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp sớm hoàn thành quy trình thử nghiệm thuốc kháng virus Molnupiravir, khẩn trương báo cáo về vấn đề bản quyền đối với loại thuốc này; có phương án bảo đảm sẵn sàng số lượng thuốc điều trị đáp ứng các tình huống bệnh nhân Covid-19 tăng cao.

Hỗ trợ, đẩy nhanh tiến độ thử nghiệm lâm sàng, đánh giá hiệu quả của thuốc Vipdevir có nguồn gốc thảo dược do Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam nghiên cứu sản xuất.

Bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị trong nước tiếp tục nghiên cứu thuốc có tác dụng bổ trợ cho bệnh nhân Covid-19, hình thành gói hỗ trợ không cần chỉ định của bác sỹ.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ khoa học và Công nghệ và các cơ quan liên quan hỗ trợ các doanh nghiệp sớm sản xuất test nhanh kháng nguyên đạt hiệu quả trên nhiều chủng của virus SARS-CoV-2 với tinh thần "sớm nhất, tiện dụng nhất".

Chỉ đạo các doanh nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ phát triển test nhanh kháng thể và sinh phẩm định lượng kháng thể kháng SARS-CoV-2 để sản xuất đáp ứng nhu cầu xét nghiệm kháng thể đối với người đã tiêm vắc-xin, đã nhiễm Covid-19 để quy định tiêu chí trong việc xác định tình trạng bình thường mới.

Phó Thủ tướng giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế kiểm tra, thẩm định chất lượng Hệ thống tạo oxy di động do Trường Đại học Bách Khoa chế tạo.

Bộ Y tế xây dựng hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn nữa trong việc xác định tiêu chí "vùng đỏ", "vùng vàng", "vùng cam", "vùng xanh" với tinh thần "gọn nhất có thể" đối với "vùng đỏ", "vùng vàng" để làm cơ sở cho các địa phương quyết định quy mô, tần suất xét nghiệm Covid-19.

Hà Nội thêm 3 ca mắc Covid-19, đều đã được cách ly

Sáng ngày 17/9, CDC Hà Nội cho biết chỉ phát hiện 3 ca mắc mới ở các khu cách ly. Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021) là 3.875 ca trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.596 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 2.279 ca.

Thực hiện kế hoạch 206/KH-UBND ngày 8/9/2021 về việc xét nghiệm diện rộng, tiêm chủng vắc-xin phòng, chống Covid-19 cho người dân trên địa bàn thành phố, trong ngày 16/9, toàn thành phố đã lấy 57.788 mẫu xét nghiệm. Tính từ ngày 8/9 đến nay, toàn thành phố đã lấy được tổng 4.255.316 mẫu (2.965.789 mẫu PCR, 1.289.527 test nhanh), phát hiện 21 ca dương tính.

Đồng Nai xin bổ sung 700.000 liều vắc-xin để hoàn thành tiêm mũi 1

Sở Y tế Đồng Nai đã có văn bản khẩn kiến nghị Bộ Y tế xem xét phân bổ thêm gần 700.000 liều vắc-xin bất cứ loại nào để địa phương hoàn thành tiêm mũi 1 cho người dân từ 18 tuổi trở lên toàn tỉnh.

Cụ thể, đến ngày 16/9, toàn tỉnh Đồng Nai đã tiêm gần 1,8 triệu liều vắc-xin cho hơn 1,7 triệu người từ 18 tuổi trở lên, đạt tỷ lệ 74,9%. Để có đủ vắc-xin tiêm bao phủ mũi 1 cho người dân từ 18 tuổi trở lên trên toàn tỉnh (khoảng 2,3 triệu người), Sở Y tế tỉnh Đồng Nai kiến nghị Bộ Y tế phân bổ thêm cho tỉnh gần 700.000 liều của bất kỳ loại vắc-xin nào.

Ngoài ra, Sở Y tế tỉnh Đồng Nai cũng kiến nghị Bộ Y tế phân bổ cho địa phương gần 1,5 triệu liều vắc-xin các loại để tiêm mũi 2 từ ngày 30/9 cho những người đã tiêm mũi 1. Trong đó, gồm: 500.000 liều Shinopharm, hơn 230.000n liều Pfizer; 84.000 liều Moderna và hơn 660.000 liều AstraZeneca.

Hiện nay, tỉnh Đồng Nai đã lên kế hoạch triển khai tiêm đợt thứ 10, nhưng vẫn chưa có vắc-xin. Do đó, trong hai ngày qua, ngành Y tế và các địa phương đã phân công lực lượng các đội tiêm chủng sang thực hiện một số nhiệm vụ khác của công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Đắk Lắk: Liên tiếp ghi nhận các chùm ca bệnh Covid-19 ở Thị xã Buôn Hồ

Sở Y tế tỉnh Đắc Lắk trong 2 ngày 15 và 16/9, trên địa bàn thị xã Buôn Hồ ghi nhận 45 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó 41 trường hợp đã có kết quả khẳng định bằng xét nghiệm RT-PCR của Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, 4 trường hợp test nhanh dương tính đang chờ kết quả khẳng định bằng xét nghiệm RT-PCR. Trong đó, có 2 chùm ca bệnh phức tạp.

Cụ thể, ngày 15/9, chùm ca bệnh gồm 8 trường hợp là một số bệnh nhân có lịch trình di chuyển phức tạp, đến nhiều địa điểm đông người. Riêng bệnh nhân là tài xế xe tải đi giao hàng tại nhiều địa điểm ở thị xã Buôn Hồ và có di chuyển qua nhiều tỉnh thành khác (Khánh Hòa, Bình Phước, Gia Lai).

Đến tối 15/9 và sáng 16/9, lực lượng y tế tiếp tục ghi nhận thêm nhiều ca bệnh là F1 của chùm ca bệnh nói trên và thêm một chùm ca bệnh mới tại một cơ sở thu mua nông sản trên địa bàn phường Đạt Hiếu với 23 trường hợp F0 và 3 trường hợp test nhanh kháng nguyên dương tính với SARS-CoV-2. Đáng lo ngại, trong những ngày gần đây, hầu hết các trường hợp F0 này đều tiếp xúc với nhiều người.

Ngay sau khi phát hiện hàng loạt các ca bệnh trong cộng đồng, ngành Y tế thị xã Buôn Hồ đã phối hợp với chính quyền các địa phương triển khai biện pháp cấp bách phòng, chống dịch. Công tác truy vết, xét nghiệm được thực hiện thần tốc để hạn chế thấp nhất dịch bệnh lây lan rộng.

Phó thủ tướng: Tạo thuận lợi cho vận chuyển, lưu thông hàng hóa
Văn phòng Chính phủ vừa có Công văn 5187/VPCP-CN ngày 29/7 gửi gửi các Bộ ngành và Ủy ban nhân dân các thành phố về tạo điều kiện thuận lợi cho...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư