Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 10 tháng 05 năm 2024,
Tin mới về dịch Covid-19 ngày 26/10: Nhiều ổ dịch có nguy cơ lan rộng; Hà Nội ngăn dịch lây lan
D.Ngân - 26/10/2021 08:00
 
Trước thực tế nhiều ổ dịch xuất hiện mới và phức tạp, Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố thực hiện các giải pháp để ngăn dịch lây lan.

Gần 3.000 F0 được công bố khỏi bệnh

Theo tin từ Bộ Y tế, trong 24 giờ qua, nước ta ghi nhận 3.595 ca nhiễm mới, trong đó có 3 ca nhập cảnh và 3.592 ca ghi nhận trong nước (giảm 28 ca so với ngày trước đó).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là TP.HCM (giảm 186 ca), Sóc Trăng (giảm 87 ca), Bạc Liêu (giảm 50 ca). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là Đắk Lắk (tăng 129 ca), An Giang (tăng 58 ca), Trà Vinh (tăng 48 ca). Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 3.690 ca/ngày.

Như vậy, kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 896.174 ca nhiễm, đứng thứ 40/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 152/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 9.099 ca nhiễm).

Riêng đợt dịch thứ tư (từ ngày 27/4 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 891.389 ca, trong đó có 807.473 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (426.873), Bình Dương (229.885), Đồng Nai (62.471), Long An (34.367), Tiền Giang (15.858).

Về tình hình điều trị, có thêm 2.989 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 26/10, nâng tổng số ca được điều trị khỏi là 810.290 ca. Ngoài ra, hiện còn 2.722 bệnh nhân nặng đang điều trị tại các cơ sở y tế trên cả nước.

Cũng trong ngày 26/10 ghi nhận 64 ca tử vong tại 12 tỉnh, thành phố: TP.HCM (27), Bình Dương (14), Đồng Nai (4), Tiền Giang (3), Long An (3), Bạc Liêu (3), Tây Ninh (3), An Giang (3), Ninh Thuận (1), Cần Thơ (1), Cà Mau (1), Nghệ An (1). Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 65 ca/ngày.

Như vậy, tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 21.802 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca nhiễm.

So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 133/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 28/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Dịch Covid-19 lan rộng tại nhiều địa phương

Ngoài Hà Nội, hiện nay nhiều địa phương đã ghi nhận người trở về từ các tỉnh phía Nam dương tính với Covid-19.

Hiện một số tỉnh như Phú Thọ, Thanh Hoá, Nam Định hay một số địa phương ở khu vực Tây Nam Bộ đã ghi nhận nhiều ca bệnh liên quan đến người trở về từ vùng dịch.

Tính đến nay, hầu hết các địa phương trên cả nước đều có người từ vùng dịch trở về địa phương, trong đó hơn 1.000 người xét nghiệm dương tính.

Nhiều chuyên gia dịch tễ cảnh báo, nguy cơ bùng phát dịch từ người di cư về địa phương nếu không làm tốt công tác kiểm soát, cách ly.

Chúng ta đã có nhiều bài học về lây lan dịch ra cộng đồng từ người về từ vùng dịch. Dự báo trong thời gian tới, các địa phương sẽ tiếp tục ghi nhận thêm ca nhiễm mới. Do đó, chuyên gia dịch tễ khuyến cáo, các tỉnh, thành có nguy cơ cao cần chủ động giám sát chặt chẽ người từ vùng dịch về bằng xét nghiệm, kể cả người đã tiêm đủ hai mũi vắc-xin. Đây là biện pháp thận trọng để ngăn dịch bùng phát.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, sau 10 ngày thực hiện Nghị quyết 128, về cơ bản hiện nay chúng ta đã kiểm soát được tình hình dịch tại các địa bàn trọng điểm.

Tuy nhiên, sau khi nới lỏng giãn cách, lượng người đi lại từ vùng có dịch về các địa phương lớn và đã xuất hiện nhiều ổ dịch mà nguồn lây chủ yếu từ những người trở về từ vùng dịch.

“Chúng tôi lo ngại nguy cơ bùng phát dịch rất lớn trong thời gian tới. Do đó, các địa phương phải nâng cao hơn mức độ cảnh giác với dịch”, Bộ trưởng Bộ Y tế nói.

Đồng thời đề nghị các địa phương phải rà soát lại, kiểm soát người về từ 4 địa bàn TP.HCM, Long An, Bình Dương và Đồng Nai. Cùng với đó, giám sát chặt chẽ, tiến hành xét nghiệm, cách ly… theo đúng hướng dẫn.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng, trong quá trình thực hiện Nghị quyết 128 và Quyết định 4800 của Bộ Y tế, nếu các địa phương có vấn đề phát sinh thì cần liên hệ ngay với Bộ Y tế trao đổi để đạt được “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.

Quan trọng hơn cả là phải kiểm soát được tình hình dịch, tránh để xảy ra đợt dịch tiếp theo. Do đó, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị các địa phương đã được phân bổ vắc-xin phải tăng tốc tiêm chủng.

Một tiêu chí quan trọng khác là địa phương phải chuẩn bị đủ cơ sở vật chất, đặc biệt là hệ thống điều trị, đảm bảo giường bệnh cho tình huống có nhiều ca mắc để khi dịch xảy ra thì kiểm soát được, giảm tối đa số ca tử vong.

Liên quan đến vấn đề phong tỏa, Bộ Y tế cho rằng, các địa phương cần phong tỏa và cách ly nhỏ nhất có thể, chỉ vài nhà trong một ngõ hay vùng nhỏ trong một xã, phường.

Trong vùng phong tỏa, cách ly nhỏ cần làm xét nghiệm nhiều vòng lặp lại. Bộ trưởng Y tế cũng nêu rõ, người đi từ vùng dịch về đã đủ điều kiện theo dõi sức khoẻ tại nhà nhưng không có nghĩa là “thả lỏng” mà phải dựa vào tổ Covid cộng đồng thường xuyên kiểm tra, giám sát.

Bắc Giang xuất hiện chùm lây mới

Tối 26/10, thông tin từ UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, trong ngày trên địa bàn phát sinh 2 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng tại thôn Hạ, xã Thượng Lan, huyện Việt Yên. Đây là 2 mẹ con, có yếu tố dịch tễ liên quan đến ổ dịch ở thành phố Hà Nội.

Ngay sau khi phát sinh ca mắc mới, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Bắc Giang yêu cầu chuyển trạng thái từ phòng dịch sang chống dịch, kích hoạt các biện pháp chống dịch tại xã Thượng Lan và các địa bàn liên quan của huyện Việt Yên. 

Ngành Y tế hỗ trợ huyện Việt Yên triển khai thần tốc công tác điều tra, truy vết, xét nghiệm các trường hợp có liên quan đến các ca mắc mới; tuyệt đối không được bỏ sót, bỏ lọt bất cứ trường hợp nào. Đặc biệt lưu ý nếu có các trường hợp tiếp xúc là chủ nhà trọ, công nhân làm việc tại các khu, cụm công nghiệp. 

Đến cuối chiều 26/10, lực lượng chức năng truy vết được 24 trường hợp là F1 và 136 F2 liên quan đến 2 ca mắc Covid-19 nêu trên. Trong số đó, một số trường hợp test nhanh cho kết quả dương tính. 

Bên cạnh việc lấy mẫu xét nghiệm cho địa bàn có nguy cơ, huyện Việt Yên đang khẩn trương lấy mẫu xét nghiệm diện rộng trên toàn xã Thượng Lan với gần 10.000 dân sinh sống. Các hoạt động vui chơi, buôn bán và một số dịch vụ khác trên địa bàn xã được yêu cầu tạm dừng.

Quy định mới về chế độ chống dịch

Ngày 26/10, Bộ Y tế đã có văn bản về việc thực hiện chi trả chế độ chống dịch cho cán bộ y tế, tình nguyện viên đi hỗ trợ các tỉnh chống dịch Covid-19 gửi UBND các tỉnh, thành phố; Sở Y tế các địa phương; Y tế các bộ, ngành; Các đơn vị hành chính, sự nghiệp thuộc Bộ Y tế; Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam.

Công văn của Bộ Y tế cho biết, vừa qua, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XV có đại biểu đã phản ánh về chậm trả phụ cấp phòng, chống dịch Covid-19 cho cán bộ, nhân viên y tế, người lao động, các tình nguyên viên tham gia các đoàn hỗ trợ các tỉnh chống dịch.

Về việc này, tại văn bản số 9086 Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố rà soát, báo cáo UBND cấp tỉnh cấp kinh phí và chỉ đạo các cơ sở y tế thuộc phạm vi quản lý của địa phương thực hiện chi trả phụ cấp phòng, chống dịch Covid-19 kịp thời cho cán bộ, nhân viên y tế, người lao động, các tình nguyện viên tham gia phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định (kể cả viên chức, người lao động, tình nguyện viên của các cơ sở khác đến tăng cường).

Trường hợp cơ quan, đơn vị quyết định huy động (cử) người hỗ trợ tham gia công tác phòng, chống dịch tự đảm bảo nguồn kinh phí chi trả chế độ chống dịch từ nguồn thu hợp pháp và nguồn huy động đóng góp của các tổ chức, cá nhân thì cơ quan, đơn vị được giao chủ trì phòng, chống chống dịch Covid-19 không phải chi trả.

Riêng chế độ phụ cấp phòng, chống dịch Covid-19 cho cán bộ, nhân viên y tế của Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế được cử tham gia hỗ trợ chống dịch tại các Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 trực thuộc các Bệnh viện thuộc Bộ tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ do các Bệnh viện quản lý Trung tâm chi trả.

Các Trung tâm sử dụng kinh phí phòng, chống dịch Covid-19 đã được Bộ Y tế cấp để chi trả kịp thời cho cán bộ, nhân viên y tế tham gia phòng, chống dịch (kể cả viên chức, người lao động, tình nguyện viên của các cơ sở khác đến tăng cường).

Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế và các đơn vị liên quan khẩn trương tổ chức thực hiện theo quy định. Quá trình triển khai nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ Y tế để xem xét, hướng dẫn thực hiện.

4 mục tiêu chiến lược

Theo báo cáo của Bộ Y tế, các giải pháp được nêu trong dự thảo Chiến lược xoay quanh 4 mục tiêu lớn của chiến lược là giảm tỷ lệ người mắc Covid-19, tăng tỷ lệ bao phủ vắc-xin, giảm tỷ lệ tử vong, bảo đảm phục hồi phát triển kinh tế-xã hội gắn với tình hình kiểm soát dịch bệnh.

Lãnh đạo ngành Y tế lo ngại nếu các tỉnh thành phố không quyết liệt dâp dịch, dịch sẽ lại bùng phát mạnh.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, gắn liền với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, việc thực hiện chiến lược gói gọn trong 2 năm và tiếp tục có những điều chỉnh phù hợp với thực tiễn vì diễn biến của dịch thay đổi rất nhanh.

Về mục tiêu, chiến lược cần tập trung vào giảm tỷ lệ mắc Covid-19; giảm tỷ lệ tử vong; nâng cao năng lực ứng phó của hệ thống y tế nếu có biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 hoặc dịch bệnh mới; khôi phục, phát triển sản xuất, kinh tế, các mặt đời sống, sinh hoạt của người dân, học hành, đi lại, làm ăn, kinh doanh…

Trong các tiêu chí đánh giá mức độ an toàn để trở lại trạng thái bình thường mới, phục hồi, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, cơ quan soạn thảo cần bổ sung tiêu chí đánh giá, đo lường sự đồng thuận xã hội đối với các chủ trương, chính sách phòng, chống dịch, khôi phục các hoạt động kinh tế-xã hội.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương tiếp thu các ý kiến của bộ, ngành, địa phương, sớm hoàn thiện dự thảo Chiến lược tổng thể ứng phó hiệu quả đại dịch Covid-19 trong tình hình mới, sớm trình Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, trình Chính phủ đồng bộ với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Nhiều ổ dịch bùng phát tại Tây Nguyên và khu vực phía Nam

Số ca mắc Covid-19 ở nhiều địa bàn thuộc Tây Nguyên vẫn liên tục gia tăng, đặc biệt là trong cộng đồng. Vậy nên các biện pháp phòng, chống dịch cần được thực hiện chặt chẽ.

Theo thống kê của Ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 Gia Lai, tính từ ngày 26/4 đến sáng 25/10, trên địa bàn tỉnh này ghi nhận 1.422 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.

Trước diễn biến của dịch bệnh, ngày 25/10, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành công điện gửi đến các cơ quan, đơn vị liên quan trong tỉnh này chỉ đạo tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống Covid-19 và đẩy nhanh tiêm chủng vắc-xin.

Trong công điện của lãnh đạo tỉnh Gia Lai nêu rõ, địa phương công bố dịch ở mức 2. Tuy nhiên, do đặc thù riêng ở Gia Lai đang đối diện như y tế cơ sở thiếu nhân lực, hạ tầng, thiết bị. Người về từ vùng dịch đông, xuất hiện tâm lý chủ quan, lơ là. Vậy nên cần tăng cường chống dịch hơn nữa.

Thực tế, thời gian qua, người dân trở về Gia Lai từ TP.HCM và các tỉnh vùng tâm dịch rất đông nên tỉnh Gia Lai đã yêu cầu chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 khu vực cầu 110 (giáp ranh giữa 2 tỉnh Gia Lai-Đắk Lắk) thực hiện kiểm soát dịch chặt chẽ.

Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các huyện Chư Pưh, Chư Prông và Krông Pa còn lập các chốt kiểm soát phụ tại đường mòn, lối mở, các trục đường khác vào Gia Lai để kiểm soát những người về từ vùng dịch và né tránh không khai báo.

Sở Y tế Đắk Lắk thông tin, từ 16h ngày 24/10 đến 16h ngày 25/10 trên địa bàn ghi nhận thêm 167 trường hợp mắc Covid-19. 

Tổng số trường hợp mắc bệnh ghi nhận trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã lên 3.324 trường hợp (trong đó đang điều trị 1.353 trường hợp; 1.949 bệnh nhân điều trị khỏi bệnh, và 22 trường hợp đã tử vong).

Lãnh đạo trung tâm kiểm soát bệnh tật Đắk Lắk cho biết, một trong những khó khăn lớn đó là nhiều ca nhiễm không rõ nguồn lây. Địa phương đang tích cực điều tra, truy vết, triển khai cách ly y tế và lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp liên quan.

Để giảm tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 chuyển nặng, ngành Y tế địa phương cũng tiến hành theo dõi sát tình hình diễn biến điều trị. 

Cùng với đó, tuyên truyền với thực hiện thông điệp 5K đến từng người dân, nhất là khu vực nông thôn, vùng sâu.

Tại khu vực miền Tây, một số tỉnh như An Giang, Bạc Liêu liên tục phát hiện các trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 mới. Trong khi đó, Thanh Hóa, Nghệ An, Phú Thọ, hay một số tỉnh khu vực phía Bắc cũng ghi nhận thêm ca nhiễm Covid-19 trở về từ các tỉnh, thành phố có dịch. Lãnh đạo ngành Y tế lo ngại nếu các tỉnh thành phố không quyết liệt dâp dịch, dịch sẽ lại bùng phát mạnh.

Hà Nội ngăn dịch lây lan

Với ổ dịch ở Quốc Oai mới phát sinh, bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, tại ổ dịch này, bước đầu đã kịp thời khoanh vùng, truy vết được các trường hợp liên quan. Tuy nhiên, đây là ổ dịch tương đối phức tạp.

Hơn nữa, biến chủng vi rút SARS-CoV-2 có khả năng lây lan nhanh, nên tinh thần chỉ đạo là phải có chiến lược đồng bộ từ điều tra truy vết, cách ly, khoanh vùng dập dịch đến tiêm chủng và dịch đến đâu, dập đến đó, hạn chế tối đa trường hợp F1 trở thành F0.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền để các trường hợp ho, sốt, khó thở tự giác khai báo y tế và lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2.

Trước diễn biến khó lường của dịch Covid-19, tại CDC Hà Nội luôn duy trì 5 đội đáp ứng nhanh phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời thực hiện thường trực phòng dịch 24/24 giờ tất cả các ngày trong tuần. 

Phó giám đốc phụ trách CDC Hà Nội Trương Quang Việt chia sẻ, Thành phố đã chủ động xây dựng các kế hoạch nhằm đáp ứng các cấp độ của dịch, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực và trang thiết bị phục vụ cho công tác phòng, chống dịch. Đặc biệt là thần tốc truy vết các trường hợp F0 để phát hiện sớm, ngăn chặn sự lây lan của dịch.

Bên cạnh đó, CDC Hà Nội cũng đã xây dựng tổ phân tích dữ liệu, qua đó có cơ sở, nhằm đánh giá tình hình dịch bệnh và đưa ra các vấn đề về nguy cơ, các giải pháp thích hợp để kịp thời xử lý. 

Thậm chí, khi các tỉnh, thành phố bạn trở thành tâm dịch, CDC Hà Nội đã cử các cán bộ y tế lập tức lên đường hỗ trợ. Cùng với công tác phòng, chống dịch, CDC Hà Nội cũng đã tăng cường công tác truyền thông, đưa các kiến thức phòng, chống dịch đến với mọi người để giúp họ nêu cao tính chủ động, tinh thần trách nhiệm trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả.

Tình hình dịch Covid-19 trong nước vẫn diễn biến khó lường. Nguy cơ dịch bệnh gia tăng và tái bùng phát có thể xảy ra ở bất cứ đâu, bất kỳ khi nào, nhất là thời gian qua đã có số lượng lớn người dân di chuyển về quê từ các địa phương nới lỏng giãn cách xã hội. 

“Do đó, mỗi người dân hãy tuân tủ nghiêm ngặt quy định “5K”, nâng cao hơn nữa ý thức phòng, chống dịch để những cố gắng của ngành Y tế nói chung, cũng như nhân viên y tế dự phòng nói riêng không trở thành vô ích”, ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc CDC Hà Nội nêu.

[Infographic] Bộ Y tế công bố cấp độ dịch COVID-19 của 63 tỉnh, thành phố
Ngày 22/10/2021, Bộ Y tế công bố đánh giá cấp độ dịch COVID-19 của 63 tỉnh, thành trên cả nước.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư