Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 11 tháng 01 năm 2025,
Tin mới về dịch Covid-19 ngày 8/11: TP.HCM có 2 huyện thuộc cấp độ dịch nguy cơ cao; Ca mắc mới nhiều địa phương tăng cao
D.Ngân - 08/11/2021 09:40
 
Nhiều địa phương đang phải thực hiện các biện pháp chống dịch khẩn cấp do số ca mắc Covid-19 tăng cao những ngày gần đây.

7.988 ca mắc mới sau 24h

Tính từ 16h ngày 07/11 đến 16h ngày 8/11, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 7.988 ca nhiễm mới, trong đó 34 ca nhập cảnh và 7.954 ca ghi nhận trong nước (tăng 323 ca so với ngày trước đó) tại 55 tỉnh, thành phố (có 2.237 ca trong cộng đồng).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Bạc Liêu (-69), Tây Ninh (-39), Kiên Giang (-35).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: TP. Hồ Chí Minh (+307), Tiền Giang (+159), An Giang (+104).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 6.988 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 976.672 ca nhiễm, đứng thứ 38/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 151/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 9.915 ca nhiễm).

Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 971.711 ca, trong đó có 838.658 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Có 4 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Ninh Bình, Yên Bái, Bắc Kạn, Cao Bằng.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (439.940), Bình Dương (239.728), Đồng Nai (73.142), Long An (35.897), Tiền Giang (18.496).

Từ 17h30 ngày 07/11 đến 17h30 ngày 8/11 ghi nhận 67 ca tử vong tại TP.HCM (35), Đồng Nai (11), Bình Dương (8 ), Tây Ninh (2), Kiên Giang (2), An Giang (2), Khánh Hòa (1), Bình Phước (1), Cần Thơ (1), Hậu Giang (1), Đắk Lắk (1), Sóc Trăng (1), Bạc Liêu (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 67 ca. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 22.598 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca nhiễm.

So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 133/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với Châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 28/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trong ngày 7/11 có 987.621 liều vắc-xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 90.684.561 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 61.351.433 liều, tiêm mũi 2 là 29.333.128 liều.

Hà Nội ghi nhận 106 ca nhiễm, 56 ca cộng đồng

Theo thông tin từ CDC Hà Nội, số ca mắc mới từ 18h ngày 7/11 đến 18h ngày 8/11 Hà Nội ghi nhận 106 ca Covid-19 mới, trong đó: cộng đồng (56), khu cách ly (38), khu phong tỏa (12).

Phân bố tại 18/30 quận, huyện: Gia Lâm (29), Ba Đình (18), Hoàng Mai (16), Mê Linh (13), Long Biên (8), Thanh Xuân (4), Đống Đa (3), Cầu Giấy (3), Chương Mỹ (2), Nam Từ Liêm (2); Ba Vì, Bắc Từ Liêm, Đông Anh, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Quốc Oai, Thanh Trì, Ứng Hòa (1).

Phân bố 106 ca theo các chùm ca bệnh, ổ dịch: chợ Ninh Hiệp, Gia Lâm (29); Chùm F1 của các trường hợp sàng lọc ho sốt (18); Kho hàng Shoppe KCN Đài Tư (11); Chùm sàng lọc ho sốt (5); Chùm liên quan các tỉnh có dịch (6); Ổ dịch Bạch Trữ, Tiến Thắng (10);  Chùm liên quan các tỉnh có dịch - thứ phát (4); Sài Sơn, TT Quốc Oai (1); Thủ Lệ, Ngọc khánh (6); Nam Dư, Lĩnh Nam (8); Lê Đức Thọ, Mỹ Đình (1); Trần Duy Hưng (4); Phú La – Hà Đông (1);

Phân bố 56 ca cộng đồng theo theo quận, huyện: Gia Lâm (19), Ba Đình (9), Hoàng Mai (7), Long Biên (5),Thanh Xuân (4), Cầu Giấy (3), Đống Đa (3); Bắc Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Nam Từ Liêm, Thanh Trì, Ứng Hòa (1).

Như vậy, cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021): 5.104 ca trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 2.017 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 3.087 ca.

TP. Sóc Trăng nâng cấp độ dịch lên vùng nguy cơ cao từ 0h ngày 10/11

UBND tỉnh Sóc Trăng vừa có Quyết định hỏa tốc 3150/QĐ-UBND ngày 07/11/2021 điều chỉnh cấp độ dịch Covid-19 đối với TP. Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng.

Theo đó, tỉnh Sóc Trăng quyết định điều chỉnh cấp độ phòng chống dịch Covid-19 tại TP. Sóc Trăng từ cấp độ 2 - nguy cơ trung bình (vùng vàng) lên cấp độ 3 - nguy cơ cao (vùng cam) từ 0h ngày 10/11/2021.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Sóc Trăng cho biết, Sóc Trăng đang khẩn trương triển khai thực hiện cách ly y tế tại nhà, yêu cầu Ban chỉ đạo cấp huyện, xã từng bước thực hiện việc cách ly y tế tại nhà đối với các trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh (F1 ít nguy cơ), các trường hợp nhiễm Covid-19 có tải lượng virus thấp (chỉ số CT30) theo chỉ đạo của Bộ Y tế.

Từng bước thực hiện việc cách ly y tế F1 tại nhà có đủ điều kiện. Thời gian cách ly y tế 14 ngày liên tục kể từ ngày bắt đầu cách ly (riêng người đã được cách ly tập trung 7 ngày thì tiếp tục cách ly tại nhà 7 ngày).

Ban chỉ đạo cũng lưu ý cần lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 ít nhất 3 lần (vào ngày thứ nhất, ngày thứ 7 và ngày thứ 14 kể từ khi bắt đầu cách ly). Sau cách ly y tế, tiếp tục theo dõi sức khỏe 14 ngày tiếp theo.

Theo CDC Sóc Trăng: số ca mắc mới trong ngày hôm qua 298 ca, nâng số ca mắc cộng dồn đến thời điểm hiện tại lên 7.279 trường hợp, trong đó: huyện Trần Đề 2.318 ca; thị xã Vĩnh Châu 1.127 ca; huyện Kế Sách 807 ca; huyện Mỹ Xuyên 775 ca; huyện Mỹ Tú 512; thành phố Sóc Trăng 392; huyện Châu Thành 359; thị xã Ngã Năm 309; huyện Long Phú 286; huyện Thạnh Trị 257 và huyện Cù Lao Dung 137.

Số ca khỏi bệnh xuất viện trong ngày 164. Số ca khỏi bệnh cộng dồn đến thời điểm hiện tại 4.493. Số ca tử vong trong ngày: 01; cộng dồn: 55 ca.

Long An đang đẫn đầu các tỉnh ĐBSCL về tỷ lệ tiêm vắc-xin

Theo cổng thông tin tiêm chủng quốc gia, hiện tỉnh Long An là 1 trong 10 địa phương của cả nước có tỷ lệ tiêm cao nhất (Tính theo số mũi tiêm/ số vắc-xin phân bổ theo quyết định).

Tính đến nay, tỉnh Long An đã thực hiện tiêm vắc-xin phòng Covid-19 được 2.854.452 mũi tiêm, gồm 1.473.939 mũi 1 (101,49%) và 1.380.513 mũi 2 (95,06%), dẫn đầu các tỉnh vùng ĐBSCL.

Trong ngày 07/11, Long An ghi nhận 136 ca nhiễm Covid-19, tăng 17 ca so với số ca mắc ngày 06/11/2021 (119 ca); ghi nhận 28 ca trong cộng đồng, điều trị khỏi 112 ca (giảm 23 ca); tử vong 00 (bằng hôm trước).

Lũy kế đến ngày 07/11, Long An ghi nhận 35.859 ca nhiễm Covid-19 (trong đó 8.654 cộng đồng, 23.683 khu phong tỏa, 3.522 khu cách ly); điều trị khỏi 32.991 ca (92); tử vong 506 ca (1,41%), đang điều trị tại bệnh viện 2.033 ca (5,67%), chờ khu cách ly tạm 329 ca (0,91%).

Để đảm bảo tiêm vắc-xin bao phủ 100% mũi 1, mũi 2 cho người dân từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Long An vừa có chỉ thị yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai ngay việc rà soát đối tượng tiêm vắc-xin phòng Covid-19.

Cụ thể, UBND xã, phường, thị trấn khẩn trương rà soát tất cả đối tượng từ 18 tuổi trở lên chưa được tiêm mũi 1 và mũi 2 thì tổ chức tiêm ngay, trong đó lưu ý:

Người từ 18 tuổi đến 64 tuổi chưa tiêm mũi 1: Tổ chức tiêm ngay mũi 1 bằng vắc-xin AstraZeneca hoặc Verocell và tiêm mũi 2 bằng vắc-xin tương ứng;

Người từ 65 tuổi trở lên, thai phụ từ 13 tuần trở lên, người có bệnh nền: Tổ chức tiêm ngay mũi 1 bằng vắc-xin Pfizer và tiêm mũi 2 bằng vắc-xin Pfizer khi đến hạn tiêm mũi 2;

Người chưa tiêm mũi 2: Nếu mũi 1 tiêm bằng vắc-xin AstraZeneca, Pfizer, Vero cell thì tiêm mũi 2 bằng vắc-xin tương ứng, riêng mũi 1 tiêm bằng vắc-xin Moderna thì tiêm mũi 2 bằng vắc-xin Pfizer.

UBND tỉnh Long An cũng lưu ý: tuyệt đối không được tự ý sử dụng lượng vắc-xin đã phân bổ tiêm nhắc mũi 3 hoặc những đối tượng chưa có hướng dẫn tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Đối với người từ 12-17 tuổi, các địa phương không tự ý sử dụng vắc-xin Pfizer được phân bổ tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên để tiêm cho trẻ dưới 18 tuổi.

Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về tính chính xác, đầy đủ, kịp thời công tác tiêm vắc-xin trên địa bàn quản lý.

Theo dự kiến, Long An sẽ tiến hành tiêm cho trẻ 16-17 tuổi trong tháng 11/2021 và mở rộng dần đối tượng từ lớn đến nhỏ, Tiểu Ban điều phối và tiêm vắc-xin sẽ phân bổ cho các địa phương khi được Bộ Y tế và Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cấp vắc-xin phù hợp (Pfizer hoặc Moderna).

An Giang nâng mức phòng chống dịch lên cấp độ độ 3 từ 5 giờ ngày 8/11

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước vừa ký ban hành Quyết định 2590/QĐ-UBND về việc áp dụng tạm thời các biện pháp hành chính trong phòng, chống dịch COVID-19.

Theo đó, An Giang áp dụng tạm thời các biện pháp hành chính ở cấp độ 3 (nguy cơ cao tương ứng với màu cam) trong phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

Quy định tổ chức các hoạt động tập trung trong nhà, ngoài trời đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch: được phép hoạt động, nhưng không quá 20 người/hoạt động trong cùng một thời điểm.

Người tham gia đã được tiêm vaccine ít nhất 1 liều sau 14 ngày hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 không quá 6 tháng. Riêng đối với người tham gia từ 65 tuổi trở lên phải được tiêm vaccine đủ liều sau 14 ngày hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 không quá 6 tháng. 

Yêu cầu mọi người luôn tuân thủ nguyên tắc thông điệp “5K”. Yêu cầu người dân trong tỉnh không ra đường trong khung giờ từ 20 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ sáng ngày hôm sau. Không áp dụng quy định này đối với các đơn vị phải bố trí lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch theo quy định.

Thực hiện xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc test nhanh có giá trị trong vòng 72 giờ khi đi/về từ địa phương có ca mắc cao, như: TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An... những khu vực thuộc cấp độ 4, vùng cách ly, phong tỏa hoặc những trường hợp nghi ngờ có liên quan đến yếu tố dịch tễ.

UBND tỉnh An Giang chỉ đạo thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố căn cứ vào cấp độ dịch được xác định và các biện pháp hành chính tương ứng được Tỉnh quy định tạm thời tại quyết định này khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện.

Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 An Giang cho biết, ngày 7/11, toàn tỉnh ghi nhận 531 trường hợp mắc COVID-19, nâng tổng số lên 14.065 trường hợp (có 19 trường hợp tái dương tính). đã điều trị khỏi bệnh 260 trường hợp, 169 ca tử vong. Đáng chú ý, tại các địa phương trong tỉnh ghi nhận COVID-19 trong cộng đồng còn cao (155 trường hợp), đồng thời phát hiện nhiều trường hợp trong khu phong tỏa, khu cách ly…

Hiện Ban Chỉ đạo tỉnh đề nghị các địa phương tăng cường kiểm soát chặt chẽ các cửa ngõ ra vào của tỉnh và tại các nhà trọ, cơ sở lưu trú của địa bàn quản lý. Tăng cường kiểm soát các khu cách ly tập trung, cơ sở điều trị, không để xảy ra tình trạng người trốn khỏi khu cách ly và lây nhiễm chéo tại các cơ sở y tế. Tuyên truyền với mọi hình thức trong tình hình mới để nâng cao ý thức cho người dân về phòng chống dịch bệnh và phát hiện người nước ngoài, người từ vùng dịch về địa phương, đồng thời khuyến cáo người dân thực hiện 5K theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Nâng năng lực hệ thống y tế

Văn phòng Chính phủ vừa có Công điện số 8149/CĐ-VPCP truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Nhiều địa phương đang phải thực hiện các biện pháp chống dịch khẩn cấp do số ca mắc Covid-19 tăng cao những ngày gần đây.

Trước việc nhiều tỉnh, thành phố gia tăng cao mắc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các cấp chuẩn bị phương án, kịch bản phòng, chống dịch trên địa bàn linh hoạt, khoa học, hiệu quả; tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm những giải pháp phòng, chống dịch như xét nghiệm nhanh, cách ly kịp thời, điều trị hiệu quả,... gắn với thực hiện tốt việc khôi phục, phát triển kinh tế xã hội.

Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở; chuẩn bị sẵn sàng thành lập ngay trạm y tế lưu động ở những nơi dịch bùng phát, địa bàn dịch phức tạp; tổ chức tiêm chủng nhanh, kịp thời, hiệu quả ngay sau khi được phân bổ vắc-xin.

Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế thực hiện phân bổ khẩn trương số vắc-xin đã tiếp nhận, chỉ đạo các địa phương tổ chức tiêm vắc-xin ngay khi nhận được, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả. Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng tổ chức lực lượng hỗ trợ các địa phương tiêm vắc-xin nhanh nhất có thể.

Các Bộ, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch, UBND các cấp tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhất là tại bệnh viện, cơ sở sản xuất, chợ, siêu thị, nhà ga, sân bay, bến xe... yêu cầu thực hiện nghiêm antoancovid; đẩy mạnh tuyên truyền người dân tiếp tục thực hiện 5K, không vì đã tiêm vắc-xin mà lơ là, chủ quan; xử lý nghiêm vi phạm về phòng, chống dịch.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục rà soát, thực hiện nghiêm chính sách hỗ trợ người dân, an sinh xã hội, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng theo quy định.

TP.HCM: Có 2 huyện thuộc cấp độ dịch nguy cơ cao

Theo dữ liệu từ cổng thông tin Covid-19 tính đến tối 7/11, hiện TP.HCM vẫn đang ở cấp độ 2 (vùng vàng, nguy cơ trung bình).

Có 2 địa phương từ cấp độ 2 đã chuyển sang cấp độ 3 (vùng cam, nguy cơ cao) đó là huyện Nhà Bè và huyện Hóc Môn.

Trước đó, từ trước ngày 6/11 đến thời điểm TP.HCM nới lỏng giãn cách xã hội, trên địa bàn TP chỉ phủ toàn màu xanh và vàng thì đến nay đã thêm màu cam.

Thực tế tình hình dịch Covid-19 tại nhiều phường, xã ở một số huyện trên địa bàn TP.HCM dần chuyển biến xấu khi liên tục ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng thời gian gần đây. Theo báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Hóc Môn, từ ngày 23/10 đến 5/11, toàn huyện có 6.712 ca F0 qua test nhanh ghi nhận chủ yếu từ cộng đồng tại 3.433 hộ gia đình.

Trong đó, đa số người dân có triệu chứng nhẹ (sốt, ho...), tỷ lệ phát hiện khoảng 86%, các trường hợp còn lại là người dân tự test nhanh và xét nghiệm từ các công ty, phòng khám tư nhân, bệnh viện.

Lâm Đồng: Tạm dừng một số dịch vụ do số ca mắc cao

UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản số 7952/UBND-VX3 về việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.

Nội dung văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Đồng thời tạm dừng một số hoạt động dịch vụ, các biện pháp phòng, chống dịch được yêu cầu tăng cường ở mức cao hơn trên địa bàn

Theo đó, kể từ 0 giờ ngày 9/11/2021, tỉnh Lâm Đồng tiếp tục tạm dừng các hoạt động dịch vụ như: Vũ trường, quán bar, chợ đêm, karaoke, massage, rạp chiếu phim, internet, trò chơi điện tử. Các hoạt động, dịch vụ khác được phép hoạt động nhưng phải tuân thủ nghiêm 5K và các quy định của tỉnh trong phòng, chống dịch Covid-19

Từ khi xuất hiện ca bệnh đầu tiên vào ngày 2/7/2021 đến nay toàn tỉnh đã ghi nhận 639 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, tăng thêm 236 trường hợp.

Được biết, tỉnh Lâm Đồng thuộc khu vực nguy cơ trung bình (vùng vàng) với Covid-19 và đã có 10/12 huyện, thành phố thuộc khu vực nguy cơ trung bình; tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh bùng phát trên diện rộng nếu không có những biện pháp phòng, chống dịch kịp thời, hiệu quả và kiên quyết.

Ca mắc Covid-19 trong cộng đồng gia tăng

Theo CDC Quảng Ninh, từ 3/11-7/11, số ca nhiễm đã tăng nhanh, từ 2 ca lên hơn 70 ca dương tính với Covid-19 tại các huyện Đông Triều, Uông Bí, Hạ Long. Đây là những địa phương có dân số đông, giao lưu, tiếp xúc, buôn bán, giao thông đi lại phức tạp.

Trước tình hình dịch bệnh đang có chiều hướng phức tạp như vậy, liên tiếp những ngày qua, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Quảng Ninh chỉ ra những "lỗ hổng" trong công tác phòng chống dịch. 

Theo đó, nguyên nhân chủ yếu là khâu tổ chức thực hiện các chủ trương của trung ương, tỉnh vẫn còn yếu, nhất là cấp cơ sở. Việc phát hiện các ca nhiễm trong cộng đồng còn bị động, không do chính quyền cơ sở can thiệp.

Nhiều người dân thiếu trách nhiệm, vi phạm quy định phòng dịch. Bên cạnh đó, việc phân tích tình hình, xử lý tổng thể khi xuất hiện ca F0 còn lúng túng; công tác xét nghiệm sàng lọc, tầm soát chủ động các đối tượng nguy cơ, giáo viên, học sinh chưa được cấp huyện, cấp xã quan tâm đúng mức, chưa đáp ứng yêu cầu chung…, dẫn đến việc số lượng các F0 tăng nhanh trong những ngày qua.

Theo Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Bắc Giang, từ ngày 26/10 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận gần 300 người mắc Covid-19.

Tại một số tỉnh, thành phố phía Nam, dịch phức tạp với số ca mắc tăng cao. Đồng Tháp ghi nhận 289 ca mắc mới trong ngày 7/11, tăng 91 ca so với ngày 6/11, trong đó có 41 ca trong cộng đồng tại 9/12 huyện, thành phố.

Bạc Liêu có 297 trường hợp có kết quả RT-PCR khẳng định dương tính với virus SARS-CoV-2 (tăng 32 ca). Trong đó có 106 trường hợp dương tính ghi nhận tại cộng đồng, tăng 34 trường hợp so với ngày 6/11.

Ngày 7/11, tỉnh Vĩnh Long ghi nhận 128 ca (tăng 31 ca so với ngày 6/11). Trong đó, 38 trường hợp qua khám và sàng lọc tại cơ sở y tế, 52 trường hợp qua sàng lọc cộng đồng, 31 trường hợp là F1 được cách ly trước đó và 7 trường hợp xét nghiệm sàng lọc tại 2 công ty.

Trong ngày 7/11, Tây Ninh ghi nhận 434 ca dương tính với SARS-CoV-2, tăng 128 ca so với ngày 6/11. Trong đó, có 367 ca phát hiện qua test sàng lọc và 67 ca cách ly tập trung

Tính từ đầu vụ dịch đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 13.645 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2; có 2.351 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị. Số ca tử vong do Covid-19 tính đến ngày 7.11 là 163 ca.

Dịch tăng khiến một số địa phương phải điều chỉnh cấp độ dịch. Cụ thể, UBND tỉnh Sóc Trăng quyết định kể từ 00 giờ 00 ngày 10/11, tỉnh này điều chỉnh cấp độ dịch Covid-19 đối với thành phố Sóc Trăng từ cấp độ 2 - Nguy cơ trung bình (vùng vàng) sang cấp độ 3 - Nguy cơ cao (vùng cam).

[Infographic] Bộ Y tế công bố cấp độ dịch COVID-19 của 63 tỉnh, thành phố
Ngày 22/10/2021, Bộ Y tế công bố đánh giá cấp độ dịch COVID-19 của 63 tỉnh, thành trên cả nước.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư