Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 10/8: Cung ứng thuốc điều trị bệnh tay chân miệng nặng
D.Ngân - 10/08/2023 10:25
 
Theo Sở Y tế TP.HCM, trước tình hình dịch tay chân miệng phức tạp và khan hiếm thuốc điều trị đến ngày 9/8, thuốc đã được cung ứng cho Thành phố.

Đã có thuốc điều trị bệnh tay chân miệng nặng

Bệnh tay chân miệng gia tăng tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam, song thời gian qua, nhiều cơ sở y tế thiếu trầm trọng thuốc điều trị cho những ca bệnh nặng. Với những ca bệnh biến chứng nặng, nếu không có thuốc điều trị đặc hiệu, bệnh nhân sẽ nguy hiểm tới tính mạng.

Ảnh minh hoạ.

Bởi vậy, Sở Y tế TP.HCM có công văn kiến nghị với Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) hỗ trợ tìm nguồn cung ứng thuốc và công ty nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu thuốc điều trị của các bệnh viện. Theo Sở Y tế TP.HCM, đến ngày 9/8, thuốc đã được cung ứng cho Thành phố.

Cụ thể, bên cạnh việc cung ứng 1.000 lọ Gamma - Globulin, thì mới đây, 21.000 ống thuốc Phenobarbital dạng tiêm vừa về đến Việt Nam sau thời gian dài bị gián đoạn, kịp thời bổ sung nguồn thuốc quan trọng cho công tác điều trị bệnh tay chân miệng nặng tại 3 bệnh viện chuyên khoa Nhi và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM.

Phenobarbital là thuốc điều trị quan trọng có trong phác đồ điều trị bệnh tay chân miệng do Bộ Y tế ban hành, sử dụng cho trẻ em với nhiều ưu điểm và ít tác dụng phụ.

Tìm thuốc giải cho bệnh nhi bị rắn cắn

Sáng 10/8, theo tin từ Bệnh viện Nhi trung ương, liên tiếp trong hai tuần gần đây, tại đây đã tiếp nhận 3 bệnh nhi bị rắn độc cắn nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Các bác sĩ đã phải nỗ lực liên hệ với các bệnh viện trong và ngoài nước để tìm huyết thanh kháng độc rắn cứu trẻ.

Theo bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thị Thanh Tâm, Bệnh viện Nhi trung ương, mùa hè là mùa rắn sinh sôi, phát triển, xảy ra nhiều nhất từ tháng 4 đến tháng 11 và cũng là thời điểm số bệnh nhi bị rắn cắn có xu hướng tăng, đặc biệt là tại các địa phương gần vùng sông nước, đồi núi. Các bệnh nhân thường bị rắn cắn khi nằm ngủ trên nền nhà, sinh hoạt gần cánh đồng hoặc các nơi có gia cầm…

Nhiều gia đình bệnh nhân chủ quan áp dụng kinh nghiệm dân gian để sơ cứu vết rắn cắn, cho đến khi có các biểu hiện suy hô hấp, tím tái, xuất huyết nặng… thì mới vội vàng đến các cơ sở y tế. Đây là sai lầm lớn nhất của những bệnh nhân bị rắn cắn.

"Vì vậy, sau khi bị rắn cắn, bệnh nhân cần được xử trí và cấp cứu kịp thời để hạn chế tình trạng hoại tử chi thể, rối loạn đông máu, nhiễm trùng, thậm chí tử vong”, bác sĩ Phạm Thị Thanh Tâm chia sẻ.

Gặp hoạ vì thuốc gia truyền

Tối 9/8, Bệnh viện 30-4 (Bộ Công an) cho biết vừa kịp thời cứu sống Bệnh nhân V.T.C (SN 1958, ngụ quận 3, TP.HCM). Trước đó, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng lơ mơ, vàng da, vàng mắt, đau bụng dữ dội.

heo gia đình bà C, trước đó bà đi khám bệnh, được chẩn đoán bị sỏi mật, mỡ máu. Tuy nhiên, bà C. không uống thuốc theo đơn của bác sĩ mà vào mạng xã hội tìm bài thuốc nam “gia truyền” rồi tự mua về uống.

Theo giới thiệu, bài thuốc nam “gia truyền” này có thể điều trị được bệnh của bà C. chỉ trong vài liệu trình uống. Tuy nhiên, sau khi uống, bà C. cảm thấy cơ thể mệt nhiều hơn, xuất hiện triệu chứng vàng da, vàng mắt và thường xuyên đau bụng dữ dội. Đến khi bị quá nặng, người nhà phải đưa bà đến Bệnh viện 30-4 để cấp cứu.

Tại đây, bệnh nhân được các bác sĩ chỉ định xét nghiệm máu, siêu âm, X-quang, CT-Scan. Kết quả ghi nhận, bà C. bị suy gan nặng nghi do tác dụng của thuốc; men gan tăng gấp 45 lần so với mức bình thường; u cơ tuyến túi mật, huyết áp tăng cao, rối loạn đông máu, trào ngược dạ dày, thực quản, protein niệu (tiểu đạm) dai dẳng.

Thiếu tá BS.CKI Trần Thanh Duy, Phó Khoa Nội tiêu hóa, Máu và Nội tiết nhận định, với kết quả trên, bệnh nhân C. đang đứng bên bờ vực sinh tử, khả năng tử vong lên đến 90%.

Các bác sĩ đã tìm hiểu, hội chẩn chuyên môn và đưa ra kết luận nguyên nhân gây ra suy gan là do người bệnh sử dụng thuốc nam không rõ nguồn gốc suốt nhiều ngày.

Ngay lập tức, người bệnh được các bác sĩ sử dụng phương pháp tiếp cận điều trị đa phương thức, sử dụng thuốc hạ men gan, truyền thuốc tích cực… đồng thời tiếp tục tầm soát thêm các nguyên nhân khác. Các bác sĩ phát hiện trong ống mật chủ bệnh nhân có viên sỏi cỡ lớn bị kẹt, khiến tình trạng suy gan cấp vốn dĩ đã trầm trọng, nay càng trầm trọng hơn.

Các bác sĩ đã nội soi tụy mật ngược dòng (ERCP), cắt cơ vòng oddi, đặt ống dẫn lưu, nong ống mật chủ để lấy sỏi… Sau 2 giờ, viên sỏi cỡ lớn đã được lấy ra thành công.

Bệnh nhận thoát khỏi nguy cơ bị bị tắc ống mật chủ lâu ngày có thể gây ra các biến chứng khôn lường như xuất huyết, suy đa tạng, viêm - xơ gan, tắc mật, ung thư đường mật, nhiễm trùng ổ bụng… Đến nay, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định.

Tin mới về y tế ngày 6/8: Kiểm soát, phòng tránh dịch tay chân miệng khi học sinh tựu trường
Theo Sở Y tế TP.HCM, dịch bệnh tay chân miệng vẫn đang tiếp tục tăng nhanh và thời gian học sinh tựu trường sẽ trùng với đỉnh dịch thứ 2 của...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư