Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 11/7: Đưa một số vắc-xin vào tiêm chủng mở rộng; TP.HCM gia tăng số người mắc sốt xuất huyết
D.Ngân - 11/07/2023 10:00
 
Ngày Dân số thế giới năm 2023 được tổ chức với chủ đề “Phát huy sức mạnh của bình đẳng giới: Nâng cao tiếng nói của phụ nữ và trẻ em gái để giải phóng tiềm năng vô hạn của thế giới chúng ta”.

Nâng cao tiếng nói của phụ nữ và trẻ em gái

Năm 2011, dân số toàn cầu đạt mốc 7 tỷ, đạt gần 7,9 tỷ vào năm 2021 và dự kiến ​​tăng lên khoảng 8,5 tỷ vào năm 2030, 9,7 tỷ vào năm 2050 và 10,9 tỷ vào năm 2100.

Ảnh minh hoạ.

Sự tăng trưởng mạnh mẽ này phần lớn được thúc đẩy bởi số lượng người sống sót đến tuổi sinh sản ngày càng tăng, đồng thời đi kèm với những thay đổi lớn về tỷ lệ sinh, tăng tốc độ đô thị hóa và tăng tốc di cư. Những xu hướng này có ý nghĩa sâu rộng cho các thế hệ tương lai.

Thế giới đã có những thay đổi lớn về tỷ lệ sinh và tuổi thọ. Vào đầu những năm 1970, trung bình mỗi phụ nữ có 4,5 con; đến năm 2015, tổng mức sinh của thế giới đã giảm xuống dưới 2,5 con/phụ nữ.

Trong khi đó, tuổi thọ trung bình toàn cầu đã tăng lên, từ 64,6 tuổi vào đầu những năm 1990 lên 72,6 tuổi vào năm 2019.

Ngoài ra, thế giới đang chứng kiến ​​mức độ đô thị hóa cao và tốc độ di cư tăng nhanh. Năm 2007 là năm đầu tiên có nhiều người sống ở khu vực thành thị hơn ở khu vực nông thôn và dự tính đến năm 2050, khoảng 66% dân số thế giới sẽ sống ở các thành phố.

Những xu hướng lớn này ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, việc làm, thu nhập, nghèo đói và bảo trợ xã hội. Chúng cũng ảnh hưởng đến những nỗ lực đảm bảo quyền tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục, nhà ở, vệ sinh, nước, thực phẩm và năng lượng.

Để giải quyết nhu cầu của các cá nhân một cách bền vững hơn, các nhà hoạch định chính sách phải hiểu có bao nhiêu người đang sống trên hành tinh, họ đang ở đâu, bao nhiêu tuổi và nhu cầu của họ là gì.

Năm nay, dân số Việt Nam đạt 100 triệu là một dấu mốc quan trọng, ấn tượng trong quá trình phát triển đất nước. Việt Nam đã lọt vào “Câu lạc bộ 15 nước đông dân nhất thế giới”, trở thành cường quốc về dân số theo cả quy mô và thứ bậc.

Đạt 100 triệu dân, khi đất nước đã gần 40 năm đổi mới, Việt Nam có thu nhập bình quân đầu người đạt mức trung bình và tăng nhanh. Theo Ngân hàng Thế giới, chỉ tiêu này của Việt Nam sau 30 năm đã tăng hơn 33 lần (năm 1991, chỉ có 110 USD/người, năm 2021 là 3.590 USD), sức mua theo đó cũng tăng lên.

Quy mô dân số lớn, sức mua tăng nhanh đưa Việt Nam trở thành một thị trường khá lớn, đáng được chú ý. Ngày nay, mỗi năm, chỉ cần cung cấp cho mỗi người Việt Nam 10 USD sản phẩm hay dịch vụ nào đó, đã có thể thu về cả tỷ USD.

Do vậy, bên cạnh việc mở rộng thị trường ra thế giới, Việt Nam có cả điều kiện cần và đủ để phát triển thị trường trong nước, tăng khả năng chống chọi trước những biến động thất thường của thị trường thế giới..

Ngoài ra, “cơ cấu dân số vàng” hiện nay cũng chỉ mang lại cơ hội cho tăng trưởng kinh tế, phát triển đất nước. Để tận dụng được cơ hội này, những người trong độ tuổi lao động phải khỏe mạnh, đủ sức làm việc; những người đủ sức làm việc phải có việc làm và những người có việc làm phải làm việc với năng suất cao.

Dự kiến đưa một số vắc-xin vào tiêm chủng mở rộng

TS Đặng Thanh Huyền, Phó trưởng Văn phòng tiêm chủng mở rộng quốc gia Viện Vệ sinh dịch tễ, Bộ Y tế, cho biết: Theo lộ trình, dự kiến có 4 vắc-xin mới được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ.

Ngay trong năm 2023, vắc-xin rota virus sẽ đưa vào tiêm chủng mở rộng tại nhiều tỉnh thành, sau đó sẽ triển khai trên toàn quốc vào năm 2024. 

Đây là vắc-xin phòng bệnh tiêu chảy ở trẻ nhỏ đầu tiên được đưa vào chương trình tiêm chủng miễn phí. Hiện vắc-xin này đã về đến Việt Nam, đang trong quá trình hoàn tất thủ tục để cung ứng đến các tỉnh thành.

Còn 3 loại vắc-xin phòng bệnh do phế cầu, ung thư cổ tử cung và cúm mùa dự kiến được đưa vào tiêm chủng mở rộng, lần lượt tiêm miễn phí từ năm 2025, 2026 và năm 2030.

Việc đưa thêm 4 loại vắc-xin trên vào tiêm chủng mở rộng sẽ giúp nhiều trẻ nhỏ có cơ hội tiếp cận vắc-xin để phòng bệnh truyền nhiễm gây dịch, trong đó vắc-xin HPV giúp ngừa ung thư cổ tử cung.

Cũng theo bà Huyền, chương trình tiêm chủng mở rộng hiện triển khai tiêm phòng 12 bệnh truyền nhiễm phổ biến và nguy hiểm, dễ gây dịch ở trẻ nhỏ, bao gồm: lao, viêm gan B, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm phổi/viêm màng não mủ do Hib, sởi, rubella, viêm não Nhật Bản, tả, thương hàn…

Trước thực tế thiếu hụt một số vắc-xin trong tiêm chủng mở rộng, PGS-TS. Lê Việt Dũng, Phó cục trưởng Cục Quản lý dược, Bộ Y tế, cho hay do đặc thù từ khi có đặt hàng đến khi nhận được vắc-xin cần một thời gian, nên vẫn còn sự "lệch pha" giữa nhu cầu và cung ứng. 

Bên cạnh đó, có một số nguyên nhân khác về thủ tục mua sắm. Tuy nhiên, các đơn vị của Bộ Y tế đang khẩn trương các giải pháp, sớm cung cấp ổn định trở lại vắc-xin thiếu hụt, trong đó có vắc-xin "5 trong 1" phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm màng não, viêm phổi do vi khuẩn Hib.

Với vắc-xin ngừa bệnh tay chân miệng, PGS-TS Lê Việt Dũng cho biết đã có đơn vị nộp hồ sơ đăng ký và đã được cơ quan chức năng đưa hồ sơ này vào nhóm ưu tiên để xem xét, cấp phép lưu hành.

TP.HCM: Gia tăng số người mắc sốt xuất huyết 

Chỉ trong hai tuần cuối tháng 6 và đầu tháng 7, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM liên tục tiếp nhận số lượng bệnh nhân sốt xuất huyết tăng cao, dự kiến số lượng bệnh nhân sẽ còn tăng mạnh khi vào giữa mùa mưa.

Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đã ghi nhận 3.786 bệnh nhân sốt xuất huyết tới khám. Tính riêng trong tháng 6, bệnh viện ghi nhận 422 ca, tăng hơn 100 ca so với tháng 5.

Bác sĩ Lê Thị Ngọc Thuận, Phó khoa Nhiễm C, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cho biết, hiện nay dịch sốt xuất huyết đã bắt đầu vào mùa, số ca bệnh tăng cao tỷ lệ thuận với số ca nặng cũng tăng. 

Do mùa mưa năm nay đến trễ nên rất có khả năng đỉnh dịch sẽ kéo về gần cuối năm. Vì vậy người dân không nên chủ quan, cần thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch.

"Thời điểm này dịch tay chân miệng cũng tăng. Để phòng tránh dịch chồng dịch, người dân cần chủ động vệ sinh xung quanh nhà, đổ nước và vệ sinh lu chậu, ngủ phải giăng mùng. Ngay khi có dấu hiệu của bệnh sốt xuất huyết cần đến bệnh viện để thăm khám kịp thời", bác sĩ Thuận khuyến cáo.

Đắk Lắk ghi nhận một bệnh nhi tử vong vì sốt xuất huyết

Ngày 10/7, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, địa phương vừa ghi nhận một bệnh nhi tử vong do sốt xuất huyết Dengue tại thị xã Buôn Hồ. Đây là trường hợp tử vong do sốt xuất huyết đầu tiên trên địa bàn tỉnh tính từ đầu năm tới nay.

Bệnh nhi là H.K.N (nữ, sinh năm 2016, tại thị xã Buôn Hồ). Ngày 4/7, H.K.N xuất hiện các triệu chứng sốt, gia đình có cho dùng thuốc nhưng không hạ sốt.

Ngày 6/7, người nhà đưa bé đi khám tại Bệnh viện Nhi Đức Tâm (thành phố Buôn Ma Thuột). Bé được chẩn đoán sốt xuất huyết và kê đơn thuốc điều trị tại nhà.

Đến ngày 8/7, H.K.N đau bụng, tay chân lạnh; được người nhà đưa đến khám, nhập viện tại Bệnh viện Nhi Đức Tâm và chuyển lên Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. 

Tại đây, bé được chuẩn đoán sốc sốt xuất huyết Dengue nặng ngày thứ 4, đã xử trí dịch truyền và các thuốc hỗ trợ khác. Tuy nhiên, bệnh nhi đã tử vong với chẩn đoán viêm cơ tim cấp; sốc sốt xuất huyết Dengue nặng ngày thứ 4 tái sốc lần 1.

Sau khi ghi nhận trường hợp bệnh nhi tử vong do sốt xuất huyết, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk đã nhanh chóng thông cho Trung tâm Y tế thị xã Buôn Hồ, hướng dẫn các biện pháp điều tra, xử lý vệ sinh môi trường, điều tra véc tơ truyền bệnh và phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành; tuyên truyền để người dân chủ động các biện pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết Dengue.

Nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện muộn với triệu trứng nặng
Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, thời gian qua cơ sở tiếp nhận nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết nhập...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư