Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 12 tháng 01 năm 2025,
Tin mới về y tế ngày 12/2: Triển khai toàn diện các dịch vụ phòng chống HIV/AIDS; Thanh toán chi phí khám chữa bệnh theo Nghị quyết số 144/NQ-CP
D.Ngân - 12/02/2023 07:30
 
Năm 2023, ngành y tế sẽ tập trung mở rộng độ bao phủ, nâng cao chất lượng, đồng bộ, các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS theo chiến lược tiếp cận từ xét nghiệm, dự phòng đến điều trị HIV/AIDS.

Tình hình dịch HIV/AIDS gần đây có diễn biến đáng quan ngại

Năm 2022, cả nước phát hiện được hơn 11.000 trường hợp nhiễm HIV. Tỷ lệ nhiễm HIV trong các nhóm nguy cơ cao đã giảm đáng kể và tỷ lệ chung trong cộng đồng được kiểm soát ở mức dưới 0,3%.

Tuy nhiên, tình hình dịch HIV/AIDS gần đây có diễn biến đáng quan ngại. 

Tỷ lệ nhiễm HIV xu hướng gia tăng ở một số địa phương, đặc biệt là các tỉnh phía Nam. Đặc biệt, tỷ lệ nhiễm HIV ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) tăng lên một cách đáng lo ngại, từ 6,7% năm 2014 lên 12,2% (2017) và 13,3% (2020). Một số địa phương, tỷ lệ MSM chiếm đến 50-70% tổng số các trường hợp nhiễm HIV được phát hiện. 

Để ứng phó với dịch bệnh HIV/AIDS, về công tác giám sát xét nghiệm, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã mở rộng và đa dạng dịch vụ xét nghiệm HIV, phát hiện gần 10.000 trường hợp nhiễm HIV mới qua các giải pháp xét nghiệm mới như: xét nghiệm tại các cơ sở y tế, xét nghiệm dựa vào cộng đồng, tự xét nghiệm. Sử dụng sinh phẩm mới để phát hiện sớm nhiễm HIV, recency testing, sinh phẩm xét nghiệm thế hệ 4... 

Ảnh minh hoạ

Về công tác xét nghiệm sàng lọc HIV đã bao phủ 100% tuyến huyện với hơn 1.300 cơ sở và xét nghiệm khẳng định HIV đã bao phủ 100% tỉnh/thành phố với 204 phòng xét nghiệm khẳng định. Xét nghiệm khẳng định HIV được mở rộng xuống tuyến huyện với 97 phòng xét nghiện khẳng định.

Hệ thống phòng xét nghiệm khẳng định HIV cũng đang được triển khai thí điểm sử dụng 3 test nhanh tại các tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa. Xét nghiệm nhiễm mới đã được triển khai tại 28 tỉnh/thành trên cả nước. 

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giám sát dịch HIV. Đến nay, hệ thống thông tin quản lý người nhiễm HIV (HIV-INFO) phiên bản 4.0 và phần mềm quản lý điều trị PREP, ARV, cung ứng thuốc (HMED) đã được triển khai cho 63 tỉnh.

Đối với công tác dự phòng lây nhiễm HIV, công tác truyền thông phòng chống HIV/AIDS được đa dạng hóa và đạt hiệu quả cao thông qua nhiều sự kiện truyền thông trong khu công nghiệp, trường học và truyền thông đa phương tiện. Ngoài ra, điều trị dự phòng tiền phơi nhiễm (PrEP) đã được triển khai đa dạng thông qua các mô hình TelePrEP, PrEP trực tuyến, OS, lưu động...

Tốc độ tăng trưởng khách hàng nhanh hơn so với các nước trong khu vực. Tính đến 31/8/2022, đã có 210 cơ sở PrEP triển khai cung cấp dịch vụ PrEP (nhà nước và tư nhân) tại 29 tỉnh, thành phố. Số khách hàng được tiếp cận với dịch vụ PrEP ít nhất 1 lần trong kỳ báo cáo là 40.020 khách hàng (đạt 88,9% so với chỉ tiêu 45.000 khách hàng vào năm 2022); số khách hàng duy trì trị điều trị PrEP trên 3 tháng liên tiếp đạt 69,6%; 80,4% số khách hàng PrEP là MSM.

Về công tác điều trị HIV/AIDS, ngành y tế đã tiếp tục được mở rộng và hiện có 499 cơ sở điều trị, trong đó 362 cơ sở đang điều trị thuốc ARV BHYT. Hiện có 167.022 bệnh nhân đang được điều trị. Hiện tỉ lệ bệnh nhân điều trị ARV có tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế đạt tới 96% và Việt Nam là một trong số ít các quốc gia đạt được tỉ lệ này.

Để tiến tới đạt được các mục tiêu đã đề ra trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đã yêu cầu ngành y tế mở rộng độ bao phủ, nâng cao chất lượng và triển khai đồng bộ, toàn diện các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS theo chiến lược tiếp cận từ xét nghiệm, dự phòng đến điều trị HIV/AIDS. 

Đẩy mạnh truyền thông và can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV như cung cấp bơm kim tiêm, bao cao su, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế và điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV. 

Về công tác điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone, tính đến tháng 10/2022, chương trình Methadone đã được triển khai tại hơn 600 cơ sở điều trị và cấp phát thuốc trên địa bàn 63 tỉnh/thành với hơn 51.000 người bệnh tham gia điều trị trong đó gần 3.000 người được cấp thuốc mang về nhà. Điều trị Methadone đã góp phần khống chế được tình hình nhiễm HIV trong người tiêm chích ma túy.

Đề nghị triển khai thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT theo khoản 4 Nghị quyết số 144/NQ-CP

Bộ Y tế có Công văn số 517/BYT-BH đề nghị triển khai thực hiện việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT của các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy do nhà thầu cung cấp sau khi trúng thầu vật tư, hóa chất theo khoản 4 Nghị quyết số 144/NQ-CP của Chính phủ.

Chính phủ ban hành Nghị quyết số 144/NQ-CP ngày 05/11/2022 về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế (sau đây gọi là Nghị quyết số 144/NQ-CP). Để triển khai thực hiện khoản 4 Nghị quyết số 144/NQ-CP, Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện như sau:

Về việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế của các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy do nhà thầu cung cấp sau khi trúng thầu vật tư, hóa chất:

Cho phép tiếp tục thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế của các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy do nhà thầu cung cấp sau khi trúng thầu vật tư, hóa chất theo kết quả lựa chọn nhà thầu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Đấu thầu trước ngày 05 tháng 11 năm 2022.

Về thời hạn thực hiện thanh toán: Theo thời gian thực hiện của hợp đồng cung cấp vật tư, hóa chất đã ký trước ngày 05 tháng 11 năm 2022 hoặc không quá ngày 05 tháng 11 năm 2023.

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thống kê chính xác, đầy đủ, cụ thể và cung cấp cho cơ quan bảo hiểm xã hội nơi ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế:

Danh sách nhà thầu đã trúng thầu vật tư, hóa chất kèm quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, hợp đồng cung cấp vật tư, hóa chất và danh mục các máy do các nhà thầu này cung cấp máy sau khi trúng thầu;

Văn bản thể hiện nhà thầu cung cấp máy cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sau khi trúng thầu vật tư, hóa chất;

Các máy do các nhà thầu nêu trên cung cấp cho cơ sở khám bệnh chữa bệnh phải bảo đảm nguyên tắc về quản lý trang thiết bị y tế theo quy định của pháp luật về trang thiết bị y tế.

Mức giá và phạm vi thanh toán thực hiện theo quy định hiện hành về giá dịch vụ y tế và quy định về phạm vi quyền lợi, mức hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.

Hải Dương: Tăng cường công tác phòng ngừa ngộ độc chất ma túy có trong thực phẩm, nước giải khát

Sở Y tế Hải Dương vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị trong ngành chủ động phối hợp các đơn vị liên quan tăng cường công tác phòng ngừa ngộ độc chất ma túy có trong thực phẩm, nước giải khát.

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hải Dương phối hợp các cơ quan truyền thông, báo chí trên địa bàn tỉnh tuyên truyền, phổ biến về sự nguy hiểm của sử dụng thực phẩm có chứa tiền chất ma túy, ma túy để cảnh báo cho người dân.

Cảnh báo người dân chú ý không sử dụng các loại thực phẩm, đồ uống không có nhãn mác, thực phẩm nhập khẩu không có nhãn phụ bằng tiếng Việt; tuyên truyền những trường hợp bị ngộ độc ma túy do sử dụng bánh, kẹo, đồ ăn, nước ngọt có chứa tiền chất ma túy.

Phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng của ngành công thương và công an tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời việc sử dụng các chất ma túy và tiền chất trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật. Công khai các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Phòng Y tế các huyện, thị xã, thành phố tham mưu thành lập đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm trên địa bàn. Trong đó tập trung kiểm tra, giám sát, ngăn chặn kịp thời việc sử dụng các chất ma túy và tiền chất trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố tăng cường tuyên truyền, giáo dục kiến thức an toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm có chứa tiền chất ma túy, ma túy. Trong đó chú trọng công tác truyền thông qua hệ thống phát thanh của xã, phường, thị trấn các thông tin, cảnh báo nguy cơ mất an toàn thực phẩm trên địa bàn.

Tuyên truyền để người dân hiểu rõ các triệu chứng, nếu không may sử dụng phải thực phẩm có chứa chất ma túy cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu kịp thời. Chuẩn bị sẵn sàng phương án, vật tư, hóa chất… để xử lý, khắc phục hậu quả khi xảy ra sự cố về an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm.

Thách thức về bảo đảm tài chính để chấm dứt đại dịch HIV
Để thực hiện thành công chiến lược chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, Việt Nam vẫn phải đối mặt với các thách thức về bảo đảm nguồn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư