Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 11 tháng 01 năm 2025,
Tin mới về y tế ngày 12/4: Kế hoạch triển khai thi hành Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi); Tăng cường tiêm chủng và nhu cầu bổ sung vắc-xin phòng Covid-19
D.Ngân - 12/04/2023 09:14
 
Bộ Y tế vừa ký ban hành Quyết định 1701/QĐ-BYT về kế hoạch triển khai thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 (Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi).

Kế hoạch triển khai thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

Mục đích của kế hoạch nhằm kịp thời triển khai thực hiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 ngay khi Luật có hiệu lực thi hành, bảo đảm thi hành có hiệu lực và hiệu quả.

Yêu cầu của kế hoạch nhằm tuyên truyền, phổ biến Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tới cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, người hành nghề, người dân để bảo đảm thực hiện nghiêm quy định của Luật; Ban hành đầy đủ văn bản quy định chi tiết để bảo đảm có hiệu lực đồng thời với Luật.

Xác định nội dung công việc gắn với trách nhiệm và phát huy vai trò chủ động, tích cực của các cơ quan, tổ chức thuộc trách nhiệm được giao trong Luật, bảo đảm chất lượng và tiến độ hoàn thành công việc.

Bảo đảm sự phối hợp thường xuyên, hiệu quả giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc triển khai thi hành Luật.

Ảnh minh hoạ

Có kế hoạch thực hiện chi tiết, cụ thể của từng cơ quan, tổ chức để bảo đảm Luật được triển khai đầy đủ, thống nhất và đồng bộ trên phạm vi cả nước.

Thường xuyên kịp thời, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ, giải quyết những vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện để đảm bảo tiến độ, hiệu quả của việc triển khai thi hành Luật.

Tại kế hoạch này, Bộ Y tế cũng phân công, trách nhiệm cụ thể việc thực hiện đến các Cục/Vụ/Tổng Cục/Văn phòng Bộ/Thanh tra Bộ.

Cục Quản lý Khám, chữa bệnh sẽ biên soạn tài liệu chung để phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến, tập huấn Luật; Tổ chức các hội nghị triển khai Luật cho Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị trực thuộc Bộ và Y tế các ngành, hoàn thành trong Quý II/2023.

Xây dựng một số nội dung, là đầu mối tổng hợp và trình một số văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các nội dung được giao trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

Các Vụ, Cục, Tổng cục thuộc Bộ Y tế, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ, được giao biên soạn tài liệu phổ biến chuyên đề thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao.

Tổng hợp và trình một số bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các nội dung được giao trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung của Luật cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý.

Đối với Sở Y tế các tỉnh, thành phố tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung của Luật cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, người hành nghề tại địa phương và các đối tượng khác thuộc phạm vi quản lý.

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc Sở Y tế, các Bộ, ngành, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung của Luật cho người hành nghề, người bệnh, thân nhân của người bệnh và các đối tượng khác thuộc phạm vi quản lý.

Tăng cường triển khai tiêm chủng và nhu cầu bổ sung vắc-xin phòng Covid-19 trong tháng 4-6/2023

Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương- Bộ Y tế vừa có công văn số 603/VSDTTU-TCQG về việc tăng cường triển khai tiêm chủng và nhu cầu bổ sung vắc-xin phòng Covid-19 AstraZeneca trong tháng 4-6/2023.

Ngày 8/02/2023, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã ban hành Quyết định số 65/QĐ-VSDTTƯ về việc phân bổ vắc-xin phòng Covid-19 đợt 186, theo đó phân bổ 832.900 liều vắc-xin AstraZeneca có hạn sử dụng ngày 9-11/7/2023 cho 63 tỉnh/ thành phố trong toàn quốc để triển khai tiêm chủng mũi nhắc lại cho người từ 18 tuổi trở lên.

Theo báo cáo nhanh của các tỉnh/thành phố đến ngày 8/4/2023, trên toàn quốc đã tiêm được khoảng 266 triệu mũi vắc-xin Covid-19, trong đó có 51,6 triệu người từ 18 tuổi trở lên đã được tiêm liều nhắc lại (mũi 3), đạt tỷ lệ 81,0%.

Tuy nhiên, tỷ lệ này không đồng đều trên cả nước và vẫn có nhiều địa phương đạt thấp dưới 80%. Số vắc-xin AstraZeneca hiện còn tại các tuyến (chưa bao gồm 204.400 liều dự trữ tuyến quốc gia) là khoảng 300.000.

Tốc độ sử dụng vắc-xin AstraZeneca trong 8 ngày đầu tháng 4/2023 chậm với trung bình khoảng 1.040 mũi/ngày, dẫn tới nguy cơ cao không sử dụng hết vắc-xin.

Để tăng độ bao phủ và sử dụng hiệu quả vắc-xin phòng Covid-19 AstraZeneca, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đề nghị các đơn vị thực hiện một số nội dung:

Sở Y tế các tỉnh/thành phố báo cáo, tham mưu Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 địa phương chỉ đạo các đươn vị liên quan tiếp tục tăng cường công tác triển khai tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cho các nhóm đối tượng, đặc biệt là tiêm tiêm liều nhắc lại cho người từ 18 tuổi trở lên tại các địa phương chưa đạt tỷ lệ mục tiêu tối thiểu là 80%, sử dụng hiệu quả số vắc-xin AstraZeneca đã phân bổ cho các tỉnh/thành phố đợt 186 nêu trên.

Sở Y tế các tỉnh/thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan tiến hành rà soát đối tượng tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 tại địa phương.

Trường hợp có nhu cầu bổ sung vắc-xin AstraZeneca trong tháng 4- 6/2023, đề nghị các tỉnh/thành phố gửi văn bản về các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur trước ngày 17/4/2023 để tổng hợp và kịp thời cung ứng vắc-xin.

Các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur thực hiện hỗ trợ chuyên môn các địa phương và tăng cường công tác quản lý, điều phối vắc-xin phòng Covid-19 AstraZeneca giữa các tỉnh thuộc khu vực quản lý.

Hà Nội: Tập huấn công tác phòng chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm trong trường học, cơ sở giáo dục

Sở Y tế Hà Nội phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội vừa tổ chức hội nghị tập huấn về công tác phòng chống dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) trong trường học, cơ sở giáo dục năm 2023.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố một số bệnh truyền nhiễm mới nổi và tái nổi có xu hướng gia tăng như bệnh thủy đậu, tay- chân- miệng, sốt xuất huyết..., bên cạnh đó tại một số đơn vị vẫn còn để xảy ra tình trạng không bảo đảm ATTP khi tổ chức bữa ăn học đường cho trẻ em và học sinh.

Hội nghị diễn ra với mục tiêu để các trường học, các cơ sở giáo dục được cung cấp thêm nhiều kiến thức nhằm chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh ATTP tại đơn vị mình.

Hội nghị tập huấn diễn ra dưới hình thức trực tuyến với tổng số 235 điểm cầu bao gồm điểm cầu tại Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố; điểm cầu các Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện; điểm cầu các trường, cơ sở giáo dục trực thuộc.

Hội nghị đã cung cấp kiến thức bao gồm: đặc điểm các dịch bệnh trong trường học và các biện pháp phòng chống; phòng chống dịch bệnh trong trường học; hướng dẫn điều kiện ATTP, bếp ăn trường học; và triển khai Quyết định 2195/QĐ-BGĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 10/8/2022 về việc phê duyệt Hướng dẫn công tác tổ chức bữa ăn học đường kết hợp hoạt động tăng cường thể lực cho trẻ em, học sinh trong các cơ sở giáo dục.

Tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương đã nhấn mạnh công tác phòng chống dịch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại các trường học, các cơ sở giáo dục là nhiệm vụ quan trọng, cần sự phối hợp hiệu quả giữa Sở Y tế, Sở Giáo dục và đào tạo, phòng giáo dục các quận, huyện, các ban ngành chức năng; cũng như sự phối hợp hiệu quả giữa nhà trường, phụ huynh học sinh.

Sở Y tế cũng yêu cầu các trường học, cơ sở giáo dục làm tốt hơn nữa công tác vệ sinh trường học; tổ chức các bữa ăn đảm bảo ATTP, đảm bảo nguồn gốc thực phẩm, nguyên liệu đầu vào thực phẩm phải có nguồn gốc xuất xứ, an toàn.

Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với y tế địa phương trong công tác phòng chống dịch bệnh và đảm bảo ATTP; xử trí kịp thời nếu có trường hợp mắc bệnh...

Doanh nghiệp nước ngoài kỳ vọng vào Luật Khám bệnh, chữa bệnh mới
Ông Vũ Tú Thành, Phó giám đốc Điều hành Khu vực ASEAN, kiêm Trưởng đại diện của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) tại Việt Nam nhận...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư