Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 02 tháng 05 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 13/3: Cảnh báo giả mạo bệnh viện trên mạng xã hội; Gia tăng trẻ mắc virus hợp bào hô hấp
D.Ngân - 13/03/2023 08:59
 
Bệnh viện Nhi Đồng 1 vừa phát hiện 2 trường hợp giả mạo chữ ký của giám đốc và con dấu bệnh viện trong công văn xác nhận tình trạng bệnh nhân để kêu gọi đóng góp tiền từ thiện và ký kết hợp đồng lao động.

Cảnh báo giả mạo bệnh viện trên mạng xã hội

Cụ thể ngày 09/3/2023, trên trang Facebook tên tài khoản Hoàng Trung có đăng thông tin kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ cho bệnh nhân kèm Giấy chứng nhận có tên bệnh nhân Hoàng Quốc Thái. Bệnh viện Nhi Đồng 1 xác nhận không cấp Giấy chứng nhận có số 1016/BVNĐ1 ngày 9/3/2023 cho bệnh nhân Hoàng Quốc Thái.

Ngày 09/2/2023, Bệnh viện có nhận công văn số RAU-224/2023 của Tổng Lãnh sự quán Canada tại TP.HCM về việc xác minh Hợp đồng lao động số 0136/2017/HĐLĐ-BVNĐ1 ngày 05/04/2017 đối với ông Trần Văn Thành sinh ngày 12/6/1982, số CMND: 196336825. Qua kiểm tra hồ sơ nhân sự, Bệnh viện Nhi Đồng 1 xác nhận Hợp đồng lao động số 0136/2017/HĐLĐ-BVNĐ1 ngày 05/04/2017 là giả mạo.

Hợp đồng giả mạo Bệnh viện Nhi đồng 1

Được biết, Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã trình báo công an địa phương sự việc trên. Qua đây, Bệnh viện xin thông tin đến quý phụ huynh và nhà hảo tâm được biết Bệnh viện chỉ có một kênh tiếp nhận đóng góp hỗ trợ bệnh nhân duy nhất là qua Phòng Công Tác Xã Hội và không có bệnh nhi nào không được điều trị nếu không có khả năng chi trả. Việc ký hợp đồng lao động phải qua Phòng Tổ Chức Cán Bộ, Bệnh viện không liên kết hoặc uỷ quyền cho bất kỳ cá nhân hoặc đơn vị nào trong các hoạt động trên.

Gia tăng trẻ mắc virus hợp bào hô hấp khi thời tiết giao mùa

Từ đầu năm 2023 đến ngày 5/3/2023, tổng số ca nhiễm virus hợp bào hô hấp (RSV) ghi nhận trong toàn Bệnh viện Nhi Trung ương là 1.025 trường hợp. Chỉ tính riêng từ ngày 1/3-5/3, có 157 ca mắc. 

Virus hợp bào hô hấp (còn gọi là virus RSV) là một loại virus gây ra các bệnh viêm đường hô hấp như viêm mũi họng, viêm tiểu phế quản, viêm phế quản, viêm phổi… RSV là căn nguyên phổ biến toàn cầu gây ra các nhiễm trùng đường hô hấp dưới ở trẻ nhỏ. Bệnh thường xuất hiện vào thời điểm giao mùa, đặc biệt là mùa thu-đông hoặc xuân-hè (từ tháng 10 đến tháng 3 hàng năm).

Triệu chứng của bệnh nhẹ, giống như cảm lạnh. Tuy nhiên, bệnh có thể biến chứng thành nhiễm trùng phổi, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người lớn tuổi và những người đang mắc các bệnh hô hấp mạn tính, hen phế quản, bệnh nền mạn tính…

Virus RSV khi vào cơ thể qua đường mũi sẽ gây viêm niêm mạc mũi, tiết dịch mũi đặc dính làm bít tắc đường thở dẫn đến suy hô hấp; virus đi qua tiểu phế quản và các phế nang làm tổn thương phế nang, ứ khí, thậm chí dẫn đến hoại tử tế bào đường hô hấp.

RSV có 2 tuýp, tuýp 1 gây sốt cao, tiên lượng nặng; tuýp 2 gây sốt nhẹ, thậm chí không sốt. Bệnh nhân nhiễm RSV biến chứng nặng có nguy cơ tử vong, với tỷ lệ 2,8-22% trên toàn thế giới.

Một người khi bị nhiễm virus hợp bào hô hấp thường có các biểu hiện sau: Chảy nước mũi trong, keo dính; Ho khan; Hắt hơi; Sốt nhẹ, sốt cao hoặc không sốt; Triệu chứng khó thở; Giảm cảm giác thèm ăn.

Người bệnh RSV sẽ nhận thấy dấu hiệu trong vòng 4-6 ngày sau khi nhiễm bệnh. Triệu chứng xuất hiện theo từng giai đoạn chứ không đến cùng một lúc và có xu hướng nặng dần. Ở ngày thứ nhất và thứ hai, biểu hiện bệnh thường nhẹ; sang ngày thứ 3, 4, 5 là nặng nhất; đến ngày thứ 6 giảm dần và ngày 7 - 10 khỏi hẳn.

RSV cũng có thể gây ra các bệnh nhiễm trùng nặng hơn như viêm tiểu phế quản, viêm các đường dẫn khí nhỏ trong phổi, viêm phổi và nhiễm trùng phổi. Đây là nguyên nhân phổ biến nhất của viêm tiểu phế quản và viêm phổi ở trẻ em dưới 1 tuổi.

Hà Nội: Nâng cao chất lượng hoạt động của trạm y tế

Sở Y tế vừa ban hành Kế hoạch số 861/KH-SYT về việc nâng cao chất lượng hoạt động của trạm y tế theo nguyên lý Y học gia đình trên địa bàn thành phố năm 2023.

Với mục tiêu nâng cao chất lượng hoạt động trạm y tế theo nguyên lý Y học gia đình nhằm phát triển mạng lưới y tế cơ sở về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực và tài chính; nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, năng lực khám, chữa bệnh, phòng chống dịch và các chương trình y tế đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân tại trạm y tế xã, phường, thị trấn.

TP. Hà Nội phấn đấu mục tiêu 85% trạm y tế hoạt động hiệu quả theo nguyên lý Y học gia đình. Trong thời gian tới, ngành Y tế tiếp tục tăng cường truyền thông, vận động người  dân tích cực tham gia các hoạt động để chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe.

Phổ biến các kiến thức về bảo vệ sức khỏe, chú trọng rèn luyện thể lực, tăng cường các hoạt động thể dục thể thao, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, các biện pháp chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng, chống dịch bệnh tại cộng đồng... để nâng cao nhận thức của người dân về các nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe và các biện pháp phòng chống đối với từng nguy cơ.

Tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền về việc triển khai trạm y tế theo nguyên lý Y học gia đình nhằm nâng cao hiểu biết của người dân đối với mô hình này, để người dân thấy được lợi ích khi đến khám bệnh, chữa bệnh tại trạm y tế xã, phường, thị trấn.

Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân tại tuyến cơ sở, thu hút người dân sử dụng các dịch vụ y tế ngay tại trạm y tế xã, phường, thị trấn, giảm tải cho tuyến trên.

Sở Y tế tiếp tục phối hợp với UBND quận, huyện, thị xã triển khai đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng các trạm y tế theo kế hoạch của UBND thành phố về việc đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022 – 2025 và các năm tiếp theo.

Các đơn vị chủ động rà soát nhân lực, điều động và ưu tiên bố trí nhân lực đảm bảo cơ cấu, số lượng cán bộ cho các trạm y tế. Các Trung tâm y tế quận, huyện, thị xã sắp xếp bố trí đủ số lượng cán bộ cho các trạm y tế theo quy định.

Các bệnh viện chuyên khoa đầu ngành tăng cường tổ chức đào tạo, tập huấn kiến thức chuyên môn cho các bác sĩ công tác tại các trung tâm y tế, trạm y tế để đáp ứng năng lực chuyên môn khám chữa bệnh theo nguyên lý Y học gia đình tại trạm y tế.

Các trung tâm y tế chủ động đề xuất, cử cán bộ đi đào tạo về Y học gia đình. Bố trí nhân lực bác sĩ tại đơn vị cho phù hợp để thực hiện khám chữa bệnh theo nguyên lý Y học gia đình tại các trạm y tế và đề xuất cấp có thẩm quyền hỗ trợ nhân lực khi thực sự cần thiết. Tổ chức đào tạo, tập huấn về chuyên môn cho cán bộ y tế công tác tại trạm y tế.

Triển khai các hoạt động chuyên môn theo nguyên lý Y học gia đình, bao gồm: Thực hiện hiệu quả các chương trình, hoạt động y tế như tiêm chủng mở rộng, dân số - kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, người cao tuổi, phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng, chăm sóc giảm nhẹ, chăm sóc cuối đời…;

Truyền thông, giáo dục sức khỏe, nâng cao nhận thức của người dân về phòng bệnh tích cực và chủ động, phòng ngừa các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe;…

Cùng với đó, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý các hoạt động của trạm y tế, thực hiện phần mềm quản lý sức khỏe liên thông với phần mềm bệnh án điện tử các bệnh viện, phòng khám trong và ngoài công lập và các phần mềm y tế khác để có dữ liệu liên tục được cập nhật khi người dân đi khám, chữa bệnh.

Không nên lạm dụng các sản phẩm vitamin khi giao mùa
Với suy nghĩ thời tiết chuyển mua cơ thể cần bổ sung nhiều loại vitamin để nâng cao sức đề kháng, chống lại sự xâm nhập của virus, do vậy...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư