Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 14/7: Phân tuyến điều trị sốt xuất huyết Dengue; Bệnh nhân mắc cúm A tăng cao
D.Ngân - 14/07/2022 09:23
 
So với cùng kỳ năm 2021, số ca mắc sốt xuất huyết tăng 148%, tử vong tăng 25 trường hợp.

Phân tuyến điều trị

Theo Bộ Y tế, hiện nay dịch sốt xuất huyết Dengue đang có chiều hướng gia tăng ở một số địa phương, trong 6 tháng đầu năm 2022 cả nước ghi nhận 89.120 trường hợp mắc, 34 tử vong.

Dự báo số mắc sốt xuất huyết Dengue thời gian tới tiếp tục gia tăng cùng với đó số nhập viện, số ca nặng cũng tăng lên. Để chủ động trong công tác điều trị, giảm tỷ lệ tử vong do bệnh Dengue tới mức thấp nhất; Bộ Y tế yêu cầu Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, Y tế các Bộ, ngành nghiêm túc triển khai, tổ chức thực hiện việc phân tuyến điều trị sốt xuất huyết Dengue.

Ảnh minh hoạ

Theo Bộ Y tế, bệnh sốt xuất huyết Dengue được chia làm 3 mức độ

Mức độ 1: Sốt xuất huyết Dengue (phần lớn các trường hợp đều được điều trị ngoại trú và theo dõi tại y tế cơ sở, chủ yếu là điều trị triệu chứng và phải theo dõi chặt chẽ phát hiện sớm sốc xảy ra để xử trí kịp thời).

Mức độ 2: Sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo (người bệnh được cho nhập viện điều trị). 

Mức độ 3: Sốt xuất huyết Dengue nặng (người bệnh phải được nhập viện điều trị cấp cứu), mức độ này bao gồm: sốc sốt xuất huyết Dengue; sốc sốt xuất huyết Dengue nặng; xuất huyết nặng; suy tạng nặng).

Trạm Y tế xã phường/thị trấn, phòng khám đa khoa, chuyên khoa Nội, Nhi, Bệnh viện đa khoa tư nhân tiếp nhận bệnh nhân ở mức độ 1: sốt xuất huyết Dengue (trừ các trường hợp xem xét chỉ định nhập viện điều trị tại mục A, điều trị sốt xuất huyết Dengue phần IV. Điều trị của Quyết định 3705/QĐ-BYT ngày 22.8.2019 của Bộ Y tế) 

Bệnh viện tuyến quận, huyện, thị xã, thành thuộc tỉnh và bệnh viện đa khoa tư nhân tiếp nhận bệnh nhân ở mức độ 1

Đối với mức độ 2, chỉ những bệnh viện đa khoa tư nhân đã được tập huấn điều trị sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo mới tiếp nhận

Đối với mức độ 3, chỉ những bệnh viện đã được tập huấn, chuyển giao điều trị sốc sốt xuất huyết Dengue nặng tiếp nhận bệnh nhân;

Nếu sốc sốt xuất huyết Dengue nặng, các bệnh viện tuyến quận, huyện, thị xã, thành thuộc tỉnh và Bệnh viện đa khoa tư nhân điều trị chống sốc ban đầu, hội chẩn chuyển tuyến trên 

Nếu sốc sốt xuất huyết Dengue nặng có suy tạng, xuất huyết thì sơ cứu, hội chẩn chuyển tuyến trên .

Bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi, Sản-Nhi tuyến tỉnh tiếp nhận điều trị bệnh nhân ở mức độ 1: sốt xuất huyết Dengue; Mức độ 2: sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo và Mức độ 3: Sốt xuất huyết Dengue nặng 

Bệnh viện tuyến cuối điều trị sốt xuất huyết Dengue tiếp nhận bệnh nhân ở mức độ 1: Sốt xuất huyết Dengue; Mức độ 2: Sốt xuất huyết Dengue có dấu hiệu cảnh báo; Mức độ 3: Sốt xuất huyết Dengue nặng.

Hà Nội: Số bệnh nhân mắc cúm A tăng cao

Thời gian qua tại Hà Nội số lượng bệnh nhân đến khám tại các bệnh viện mắc cúm A tăng cao, trong đó có cả trẻ em với tình trạng nặng, có tổn thương phổi, phải nhập viện điều trị. Các chuyên gia y tế cảnh báo, người dân nên tiêm vắc-xin cúm mùa. Đây là biện pháp dự phòng hiệu quả nhất.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, chỉ chưa đầy một tháng, Bệnh viện đã phải chỉ định cho gần 100 bệnh nhi mắc cúm A nhập viện theo dõi.

Tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Hà Nội, trong vài tuần qua, số bệnh nhân nhập viện vì cúm A, tăng “bất thường” so với cùng thời điểm các năm trước, đủ mọi lứa tuổi, nhiều trường hợp phải cấp cứu chỉ sau vài tiếng xuất hiện triệu chứng đầu tiên.

Theo các chuyên gia y tế, số bệnh nhân cúm A tăng vào mùa hè như hiện nay là bất thường so với mọi năm. Cúm A rất ít xuất hiện trong mùa nắng nóng, do virus cúm không phát triển và gây bệnh trong thời tiết khô, nóng, mà thường sinh sôi mạnh vào mùa đông- xuân khi tiết trời lạnh, nồm ẩm.

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cúm A có khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc. Thông thường bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày, nhưng đối với trẻ em, người lớn tuổi, đặc biệt là người có bệnh mãn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch ... thì bệnh có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong.

Để chủ động phòng chống cúm mùa, trong đó có cúm A, người dân cần đeo khẩu trang, giữ khoảng cách và hạn chế tiếp xúc đông người ở các hội họp đám đông, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang lưu hành. Cần thực hiện đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng với nước sạch; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối. Mỗi người cũng cần ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng, tăng sức đề kháng phòng bệnh.

Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời. Đặc biệt, hiện cúm mùa đã có vắc-xin phòng bệnh, người dân nên tiêm vắc-xin cúm mùa, vì đây là biện pháp dự phòng hiệu quả nhất.

TP. HCM lên kịch bản thu dung điều trị sốt xuất huyết

Tính từ đầu năm đến nay, TP.HCM ghi nhận 24.941 số ca mắc sốt xuất huyết tăng 61% so với cùng kỳ năm 2019, 12 ca tử vong. Các quận huyện có số ca mắc cao: quận 12, Bình Tân, Tân Phú, Bình Chánh, huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi.

Dự báo, dịch sốt xuất huyết năm 2022 sẽ bùng phát mạnh, số ca mắc tăng, số ca nặng và tử vong tăng nếu không quyết liệt các giải pháp chống dịch.

Để đảm bảo công tác thu dung điều trị không bị quá tải, hiện ngành y tế đã xây dựng kịch bản thu dung điều trị sốt xuất huyết. Qua giám sát tại các bệnh viện, cứ 100 người đến khám có 60 người cần nhập viện với các triệu chứng như: sốt cao, nôn ói không rõ nguyên nhân; trong số đó có khoảng 20% có dấu hiệu cảnh báo, 10% có dấu hiệu nặng, 1% có dấu hiệu nguy kịch, sốc kéo dài, suy đa tạng.

Hiện ngành y tế thành phố cũng đã triển khai ứng dụng y tế trực tuyến phản ánh các điểm nguy cơ có lăng quăng, muỗi.

Để không xảy ra dịch bệnh tái phát, đặc biệt không để xảy ra dịch chồng dịch thì cần sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, mỗi người dân, cán bộ công chức, viên chức, người lao động tham gia vào quá trình chống dịch với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Tại công sở, gia đình cần kiểm soát kỹ không để các nguồn lây sinh ra muỗi, lăng quăng. Bên cạnh đó, ngành y tế hoàn thiện hệ thống thu dung điều trị để điều trị tốt nhất cho người dân.

Hà Nội, TP. HCM thuộc những tỉnh có tỷ lệ tiêm nhắc thấp đối với nhóm trẻ từ 12-17 tuổi

Nhóm từ 18 tuổi trở lên:

Tiêm nhắc lần 1 (mũi 3): Tổng số có 46.612.946 mũi tiêm (69,6%), trong ngày có 32 tỉnh triển khai với 58.878 người được tiêm:

Tỉnh có tỷ lệ tiêm nhắc mũi 1 thấp: Hải Phòng (43,6%); Quảng Nam (45,4%); Bình Thuận (48,2%); Đồng Nai (44,6%); Hậu Giang (36,7%).

Tỉnh có tỷ lệ tiêm nhắc mũi 1 cao: Thanh Hóa (94,4%); Bắc Giang (95,8%); Nghệ An (95,0%).

Tiêm nhắc lần 2 (mũi 4): Tổng số có 6.049.410 mũi tiêm (30,0%), trong ngày có 34 tỉnh triển khai với 246.356 người được tiêm.

Tỉnh có tỷ lệ tiêm nhắc mũi 2 thấp: Bắc Cạn (3,7%); Quảng Bình (3,8%); Bình Định (5,9%); Phú Yên (3,2%); Đồng Nai (7,8%).

Tỉnh có tỷ lệ tiêm nhắc mũi 2 cao: Phú Thọ (78,5%); Quảng Ninh (74,7%); Khánh Hòa (72,3%)

Nhóm từ 12-17 tuổi: Ghi nhận 8.666.634 trẻ tiêm đủ 2 mũi đạt 99,0%; Tiêm nhắc: 1.347.236 trẻ (15,4%).

Tỉnh tiêm mũi nhắc thấp dưới 10% gồm:

Miền Bắc (13 tỉnh): Hà Nội; Nam Định; Vĩnh Phúc; Hải Dương; Hưng Yên; Quảng Ninh; Nghệ An; Lạng Sơn; Hà Giang;Cao Bằng; Yên Bái; Sơn La; Điện Biên.

Miền Trung (4 tỉnh): Đà Nẵng; Quảng Nam; Phú Yên; Bình Thuận

Miền Nam (8 tỉnh): TP Hồ Chí Minh; Bà Rịa-Vũng Tàu; Tiền Giang, Long An; Sóc Trăng; Trà Vinh; Đồng Tháp; Bình Dương.

Kết quả tiêm nhắc tốt: Ninh Bình (47,9%); Thanh Hóa (51,9%); Lâm Đồng (49,0%); Cà Mau (47,9%).

Bất thường cúm A tăng cao giữa mùa hè
Cúm A tăng cao giữa mùa Hè là sự bất thường bởi dịch này thường chỉ xảy ra vào mùa Đông- Xuân.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư