Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 22 tháng 12 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 15/12: Covid-19 đang tăng trở lại
D.Ngân - 15/12/2023 09:55
 
Sở Y tế TP.HCM cảnh báo, trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 đang tăng và biến thể EG.5 đang phổ biến ở một số nước, nguy cơ số ca mắc Covid-19 tại thành phố gia tăng trở lại là khó tránh khỏi.

Covid-19 đang tăng trở lại

Sở Y tế TP.HCM phát đi cảnh báo nguy cơ số ca mắc Covid-19 tại thành phố gia tăng trở lại, yêu cầu không được chủ quan.

 Covid-19 đang tăng trở lại.

Theo Sở Y tế TP.HCM, từ tháng 7/2023 đến tháng 11/2023, Sở tiếp tục phối hợp với Tổ chức Oucru (Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford), duy trì giám sát các biến thể của virus SARS-CoV2 trên địa bàn thành phố.

Cụ thể, có 8 mẫu bệnh phẩm có đủ tải lượng virus Covid-19 được giải mã gen, kết quả tất cả đều thuộc biến thể của Omicron.

Như vậy, trong khi biến thể EG.5 là phổ biến nhất đang được ghi nhận tại 89 quốc gia thì biến thể này hiện vẫn chưa được phát hiện tại TP.HCM.

Trước tình hình này, Sở Y tế yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố (HCDC) tiếp tục phối hợp với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) tăng cường giám sát ca bệnh, giám sát các biến thể Covid-19 lồng ghép trong giám sát tác nhân viêm hô hấp tính.

Đồng thời đẩy mạnh hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe trên toàn thành phố. Các cơ sở điều trị tăng cường chẩn đoán, phát hiện những trường hợp mắc Covid-19 trên những bệnh nhân thuộc nhóm nguy cơ cao để có chế độ chăm sóc, điều trị phù hợp theo hướng dẫn của Bộ Y tế nhằm giảm thiểu thấp nhất nguy cơ biến chứng hoặc tử vong.

Công bố nguyên nhân khiến một trẻ tử vong sau khi ăn bánh su kem đêm Trung thu

Sau hơn 2 tháng điều tra theo 11 bước, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM vừa đưa ra kết luận vụ ngộ độc tập thể xảy ra sau sự kiện mừng Trung thu tổ chức ở Chung cư Palm Heights (Thủ Đức, TP.HCM) tối 29/9. 

Số người ăn bánh su kem được xác định là 118 người, trong đó có 61 người bị ngộ độc (25 người nhập viện điều trị, 36 người tự mua thuốc uống). Một người tử vong là bé P.N.Q. (6 tuổi, quê Cà Mau, tạm trú tại TP.HCM).

Kết luận điều tra xác định bánh su kem là nguyên nhân gây ra vụ ngộ độc. Trong mẫu bánh do ban quản lý chung cư, người dân và công an TP.Thủ Đức cung cấp ghi nhận vi sinh vật gây bệnh. 

Ban Quản lý An toàn thực phẩm cho biết sẽ xử lý vụ việc theo thẩm quyền đối với cơ sở gây ra vụ ngộ độc. 

Thông tin về siro nhiễm độc

Liên quan về việc WHO phát hiện một số siro ho và hỗn dịch nhiễm độc do Pharmix Laboratories (Pakistan) sản xuất tại một số quốc gia, vùng lãnh thổ, Cục Quản lý dược cho biết, đã kiểm tra thông tin tại Việt Nam.

Theo đó, Cục đã tra cứu dữ liệu cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, bao gồm các hồ sơ đang xử lý tại Cục Quản lý dược và dữ liệu cấp phép nhập khẩu thuốc.

Tính đến nay chưa có giấy đăng ký lưu hành đối với các sản phẩm siro Alergo, hỗn dịch Emidone, siro Mucorid, hỗn dịch Ulcofin và siro Zincell do Công ty Pharmix Laboratories (Pakistan) sản xuất.

Công ty Dược Pharmix Laboratories (Pakistan) cũng chưa có thuốc nào được cấp giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam và chưa có hồ sơ đăng ký thuốc nộp tại Cục Quản lý dược, chưa được cấp giấy phép nhập khẩu đối với thuốc chưa có giấy đăng ký lưu hành.

Trước đó, WHO cho biết, đã phát hiện một số siro ho và hỗn dịch nhiễm độc ở châu Mỹ, Đông Địa Trung Hải, Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương.

Theo WHO, các sản phẩm ảnh hưởng đều do Pharmix Laboratories (Pakistan) sản xuất và được phát hiện đầu tiên tại Maldives và Pakistan. Một số sản phẩm nhiễm độc cũng xuất hiện tại Belize, Fiji và Lào.

Hiện, WHO chưa ghi nhận trường hợp nào bị tác dụng phụ do các loại thuốc này. Tuy nhiên, WHO cho hay, các nước tăng cường cảnh giác và kiểm tra sản phẩm do Pharmix Laboratories sản xuất trong giai đoạn từ tháng 12/2021 đến tháng 12/2022.

Tổng cộng có 23 lô sản phẩm của siro Alergo, hỗn dịch Emidone, siro Mucorid, hỗn dịch Ulcofin và siro Zincell bị ảnh hưởng. Hiện, siro Alergo là thuốc duy nhất được phát hiện bên ngoài Pakistan.

Theo cảnh báo, nồng độ ethylene glycol trong thuốc dao động từ 0,62-0,82%, cao hơn so với mức cho phép 0,1%. Các thuốc này được dùng để điều trị ho, dị ứng và các vấn đề sức khỏe khác.

WHO cảnh báo, những sản phẩm không đạt chuẩn này là không an toàn và việc sử dụng các sản phẩm, đặc biệt là ở trẻ em, có thể dẫn đến tổn thương nghiêm trọng hoặc tử vong.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư