Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 06 tháng 05 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 15/2: Phòng bệnh sởi, thủy đậu ở trẻ em; Giám sát, xử lý dịch bệnh mùa đông - xuân
D.Ngân - 15/02/2023 09:47
 
Trên địa bàn Hà Nội ghi nhận rải rác ca bệnh thủy đậu, sởi, cúm với các triệu chứng như sốt, ho, khó thở… Do vậy, cha mẹ cần thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh cho trẻ.

Phòng bệnh sởi, thủy đậu ở trẻ em

Theo TS.BS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, giai đoạn mùa đông xuân với nền nhiệt trong ngày thay đổi thất thường và độ ẩm cao sẽ làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Thời gian này cũng là mùa lây lan các bệnh sởi, thủy đậu.

Trẻ nhỏ với hệ miễn dịch chưa hoàn thiện là đối tượng rất dễ mắc bệnh.

Sởi là bệnh lây truyền qua đường hô hấp, do dịch tiết mũi họng của người nhiễm bệnh theo không khí thoát ra khi người bệnh ho hoặc hắt hơi, nói chuyện.

Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, người có miễn dịch kém, dễ dẫn đến biến chứng như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, tiêu chảy… nếu không được điều trị kịp thời có thể gây tử vong.

Ảnh minh hoạ.

Thủy đậu cũng là bệnh truyền nhiễm, do vi rút Varicella Zoster gây ra và thường bùng phát thành dịch vào mùa xuân. Vi rút gây bệnh thủy đậu lây chủ yếu qua đường hô hấp (hoặc không khí).

Bệnh còn có thể lây từ bóng nước khi bị vỡ ra, lây từ vùng da bị tổn thương hoặc lở loét từ người mắc bệnh. Đặc biệt, phụ nữ mang thai không may bị nhiễm bệnh sẽ rất dễ lây cho thai nhi thông qua nhau thai. Thông thường, thủy đậu là bệnh lành tính; nhưng bệnh cũng có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm màng não, xuất huyết, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng nốt rạ, viêm mô tế bào, viêm gan… Một số trường hợp có thể gây tử vong nếu người bệnh không được điều trị kịp thời.

TS.BS Nguyễn Văn Lâm khuyến cáo, cha mẹ cần nâng cao ý thức, thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh cho trẻ tại gia đình để phòng các bệnh truyền nhiễm dễ bùng phát. 

Cụ thể, tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ đầy đủ và đúng lịch. Giữ ấm cho trẻ, nhất là các vị trí quan trọng như bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu; tuy nhiên, không nên mặc quá nhiều áo cho trẻ, có thể làm trẻ bị toát mồ hôi và ngấm ngược lại vào cơ thể gây cảm lạnh.

Tạo môi trường sinh hoạt thông thoáng, hạn chế đưa trẻ đến nơi đông người; khi bắt buộc phải đưa trẻ ra ngoài phải đeo khẩu trang cho trẻ. Giữ vệ sinh sạch sẽ thân thể và môi trường sống của trẻ, hướng dẫn trẻ rửa tay với xà phòng đúng cách, vệ sinh mũi, họng hàng ngày cho trẻ. Cho trẻ ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng. 

Bên cạnh đó, nếu thấy trẻ có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, cha mẹ không nên tự ý điều trị tại nhà mà phải đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.

Thái Bình: Giám sát, xử lý dịch bệnh mùa đông - xuân

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình, từ ngày 6/2/2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 4 ổ dịch cúm A nhỏ ở một số trường tiểu học, mầm non của huyện Tiền Hải, Vũ Thư, Thái Thụy và thành phố Thái Bình.

Các biện pháp xử lý ổ dịch vẫn đang được ngành y tế, các địa phương, đơn vị phối hợp triển khai nhằm kiểm soát, không để dịch bệnh lây lan, bùng phát.

Mới đây, tại thành phố Thái Bình đã ghi nhận chùm ca bệnh cúm A ở Trường Mầm non Trần Lãm cơ sở 2. Toàn trường có hơn 70 học sinh nghỉ học, theo dõi sức khỏe tại nhà, tập trung nhiều nhất ở 2 lớp 4 tuổi. Triệu chứng phổ biến xuất hiện ở một số học sinh là sốt, ho, đau họng. Trước đó (ngày 6/2), nhà trường đã ghi nhận 2 học sinh phải nhập viện điều trị vì mắc cúm A. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, chiều ngày 10/2, cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm sàng lọc ngẫu nhiên một số học sinh đang ốm sốt, phát hiện 1 trường hợp có kết quả dương tính với virus cúm A.

Dù chưa có bệnh nhân nặng song đã có sự lây nhiễm, do đó Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm Y tế thành phố đã phối hợp với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch phường, Trạm Y tế, Trường Mầm non Trần Lãm nhanh chóng triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. 

Trước nguy cơ gia tăng một số bệnh truyền nhiễm mùa đông xuân, nhất là dịch Covid-19, cúm A, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã có văn bản đề nghị các đơn vị y tế trong và ngoài công lập tập trung, chủ động chỉ đạo, giám sát, xử lý bệnh dịch mùa đông xuân, trọng tâm là cúm A, Covid-19.

Cụ thể, đề nghị trung tâm y tế các huyện, thành phố căn cứ kế hoạch về phòng, chống bệnh truyền nhiễm tỉnh Thái Bình do UBND tỉnh ban hành ngày 7/2/2023 để tham mưu xây dựng kế hoạch, triển khai các hoạt động phòng, chống dịch trên địa bàn; tăng cường giám sát, báo cáo kịp thời các ca bệnh, ổ dịch để có biện pháp xử lý nhanh, triệt để, không để dịch bùng phát.

Các trung tâm y tế cần rà soát, củng cố kiện toàn các đội cơ động phòng, chống dịch; chủ động, sẵn sàng thuốc, vật tư, hóa chất, sinh phẩm; rà soát các trường hợp tiêm vắc-xin phòng Covid-19, tiêm chủng mở rộng; chỉ đạo các trạm y tế thường xuyên giám sát, xử lý, báo cáo ca bệnh...

Các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện giám sát bệnh truyền nhiễm tại đơn vị, thực hiện thu dung, điều trị theo quy định không để lây chéo; phối hợp điều tra, xử lý dịch bệnh kịp thời.

Nghệ An: Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác cấp giấy khám sức khỏe

Sở Y tế Nghệ An có Công văn số 291/SYT-NVY về việc tăng cường kiểm tra, giám sát công tác khám sức khỏe dịp đầu năm mới Quý Mão 2023 gửi giám đốc các bệnh viện trong và ngoài công lập, Trung tâm y tế có giường bệnh, phòng khám đa khoa trên địa bàn tỉnh.

Sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, lượng người dân khám sức khỏe lao động và khám sức khỏe lái xe tăng cao do nhu cầu công việc. Để công tác khám sức khỏe lao động và khám sức khỏe cho người lái xe đảm bảo đúng quy định, Giám đốc Sở Y tế yêu cầu giám đốc các đơn vị được công bố đủ điều kiện khám sức khỏe và khám sức khỏe lái xe tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát và chịu trách nhiệm trước pháp luật về toàn bộ hoạt động khám sức khỏe tại đơn vị.

Giám đốc các đơn vị xây dựng quy trình, quản lý chặt chẽ việc đóng dấu và cấp Giấy khám sức khỏe tại đơn vị; thiết lập hệ thống theo dõi, cập nhật hàng ngày việc khám, cấp Giấy khám sức khỏe nhằm phát hiện kịp thời việc làm giả Giấy khám sức khỏe.

Tổ chức nghiêm túc công tác khám sức khỏe tại đơn vị, khám đầy đủ các chuyên khoa lâm sàng và thực hiện tất cả các xét nghiệm cận lâm sàng bắt buộc theo quy định, đặc biệt, xét nghiệm ma túy và đo nồng độ cồn đối với khám sức khỏe cho người lái xe.

Các đơn vị rà soát lại toàn bộ nhân sự đăng ký khám sức khỏe, nếu có thay đổi so với danh sách đăng ký ban đầu, yêu cầu gửi danh sách bổ sung, cập nhật. Những cán bộ không có tên trong danh sách đăng ký không được phép khám, ký tên trong Giấy khám sức khỏe.

Chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, công an, phóng viên báo, đài trên địa bàn nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hiện tượng môi giới, bán Giấy khám sức khỏe giả.

Tin y tế mới ngày 6/6: Ngăn chặn cấp giấy khám sức khỏe cho lái xe giả, "cấp khống"
Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị tăng cường kiểm tra nhằm ngăn chặn việc cấp giấy khám sức khỏe cho lái xe giả, "cấp khống".
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư