Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 16/8: Đưa vắc-xin vi rút Rota, phế cầu, ung thư cổ tử cung, cúm mùa vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng
D. Ngân - 16/08/2022 08:27
 
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 104/ NQ-CP về lộ trình tăng số lượng vắc-xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng giai đoạn 2021-2030 ban hành ngày 15/8.

Chính phủ đồng ý với lộ trình tăng số lượng vắc-xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng giai đoạn 2021 - 2030 của Bộ Y tế tại Tờ trình số 1058/TTr-BYT ngày 15 tháng 7 năm 2021, Báo cáo số 312/BC-BYT ngày 09 tháng 3 năm 2022 và Báo cáo số 657/BC-BYT ngày 16 tháng 5 năm 2022.

Đưa vắc xin phòng bệnh do vi rút Rota từ năm 2022, vắc xin phòng bệnh do phế cầu từ năm 2025, vắc xin phòng bệnh ung thư cổ tử cung từ năm 2026 và vắc xin phòng bệnh cúm mùa từ năm 2030.

Phạm vi và số đối tượng thụ hưởng theo đề xuất của Bộ Y tế. Trong trường hợp huy động được nguồn viện trợ, hỗ trợ trong nước, hoặc được bổ sung ngân sách nhà nước, Bộ Y tế quyết định việc có thể thực hiện lộ trình này sớm hơn.

Ảnh minh họa. Nguồn: HCDC

Chính phủ đồng ý cho phép các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có khả năng cân đối ngân sách địa phương mua vắc xin phòng bệnh ung thư cổ tử cung nếu có thể tiếp cận với mức giá ưu đãi cho các nhóm đối tượng nguy cơ cao khác ngoài Tiêm chủng mở rộng ngay từ giai đoạn 2022 - 2025 nhằm khuyến khích người dân tham gia tiêm chủng phòng bệnh.

Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức thực hiện lộ trình này. Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí kinh phí để mua vắc-xin theo lộ trình tăng vắc-xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thể sử dụng ngân sách địa phương để mua các loại vắc-xin đã được cấp phép bổ sung vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng giai đoạn 2022 - 2030 và tổ chức triển khai tiêm chủng. 

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có khả năng cân đối ngân sách địa phương phối hợp với Bộ Y tế hoặc các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để thực hiện mua vắc-xin phòng bệnh ung thư cổ tử cung được Bộ Y tế cấp phép lưu hành để tiêm cho các đối tượng nguy cơ cao ngoài Tiêm chủng mở rộng trên địa bàn, bảo đảm đúng quy định.

Quảng Nam, Đà Nẵng có tỷ lệ tiêm mũi 1 vắc-xin Covid-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi, thấp nhất cả nước

Tối ngày 15/8, Bộ Y tế đã thông tin cập nhật về tình hình tiêm vắc-xin Covid-19. Tổng số vắc-xin đã tiêm tại Việt Nam đến nay lên 251.680.004 liều.

Tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi, tổng số mũi tiêm trên cả nước là 13.656.896, trong đó mũi 1: 8.581.990 trẻ (đạt tỷ lệ 76,7%).

Các tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm thấp: Hà Tĩnh (49,5%); Đà Nẵng (44%); Quảng Nam (44,2%); Bình Thuận (56,8%); TP. Hồ Chí Minh (51,5%).

3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (95%); Vĩnh Long (95,2%), Cà Mau 94,7%).

Mũi 2: 5.074.906 trẻ (đạt tỷ lệ 45,3%); tăng 0,7% so với ngày trước đó; Các tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm thấp: Vĩnh Phúc (26,7%); Đà Nẵng (18,6%); Quảng Nam (14,7%); Khánh Hòa (22,4%); Bình Dương (27,2%).

3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Ninh Thuận (75,9%); Sóc Trăng (86,6%); Bạc Liêu (79,8%).

Nhóm từ 18 tuổi trở lên:

Tiêm mũi 3: Tổng số có 49.019.480 mũi tiêm (đạt tỷ lệ 74,6%).

Các tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm thấp: Quảng Nam (54,5%); Khánh Hòa (54,8%); Đồng Nai (46,9%); Cần Thơ (53,7%); Bình Phước (56%)

3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (98,1%); Nghệ An (99,5%); Bến Tre (95,4%).

Tiêm mũi 4: Tổng số có 11.963.869 mũi tiêm (đạt tỷ lệ 63,2%) tăng 0,7% so với ngày trước đó, trong ngày có 41 tỉnh triển khai với 121.601 người được tiêm.

5 tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm thấp: Nghệ An (41,3%); Quảng Trị (43,7%); Đà Nẵng (39%); Lâm Đồng (43,2%); Bạc Liêu (40,2%).

3 tỷ lệ tiêm cao: Hưng Yên (96,5%); Điện Biên (99,3%); Vĩnh Long (96,5%).

Đối với nhóm từ 12-17 tuổi: Tiêm mũi 3: 3.830.089 trẻ (44,2%).

Các tỉnh, thành phố tiêm thấp: Đà Nẵng (17,5%); Phú Yên (11,7%); Bình Thuận (22,6%); Bà Rịa - Vũng Tàu (13,6%); Đồng Nai (20,8%).

Các tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (82,9%); Sóc Trăng (79,8%); Trà Vinh (76,8%).

Hà Nội: Nỗ lực ngăn chặn, kiểm soát bệnh sốt xuất huyết bùng phát

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, từ ngày 8-12/8, thành phố ghi nhận 170 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 14,1% so với tuần trước.

Bệnh nhân ghi nhận tại 27 quận, huyện và 100 xã, phường, thị trấn; trong đó, tập trung chủ yếu tại một số quận, huyện như Thanh Trì, Phú Xuyên, Ba Đình, Đống Đa, Hà Đông, Thường Tín, Bắc Từ Liêm... Đáng lưu ý, trong tuần ghi nhận thêm 12 ổ bệnh mới tại 9 quận, huyện.

Kể từ đầu năm đến nay, thành phố ghi nhận 778 ca mắc sốt xuất huyết, tăng hơn 2 lần so với số ca mắc cùng kỳ năm 2021, chưa có trường hợp tử vong, có 76 ổ bệnh sốt xuất huyết tại 23 quận, huyện.

Kết quả giám sát tại các địa bàn có chỉ số muỗi, bọ gậy cao vượt ngưỡng như tại xã Khánh Hà (huyện Thường Tín), phường Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai), xã Kim Nỗ (huyện Đông Anh)...

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố cùng các quận, huyện đã tích cực tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức giám sát bệnh sốt xuất huyết Dengue cho cán bộ làm công tác khám chữa bệnh, trạm trưởng, cán bộ chuyên trách phòng chống dịch tại trạm y tế xã, thị trấn trên địa bàn.

Yêu cầu địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền kiến thức phòng bệnh cho người dân, đồng thời tổ chức vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi và tích cực giám sát thực tế để phát hiện sớm ca bệnh tại cộng đồng, đặc biệt là gia đình có người mắc sốt xuất huyết.

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã thành lập các tổ phòng, chống dịch cộng đồng để tuyên truyền, giám sát, hướng dẫn việc thực hiện biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế; kiện toàn và duy trì hoạt động thường xuyên của đội ngũ cộng tác viên, tổ phòng, chống sốt xuất huyết cộng đồng, đội xung kích diệt lăng quăng (bọ gậy).

Các địa phương giám sát chặt chẽ tình hình, phát hiện sớm, cấp cứu điều trị kịp thời người bệnh, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong, xử lý triệt để ổ bệnh ngay khi phát hiện.

Quảng Ngãi: Tăng tốc tiêm vắc-xin cho trẻ trước thềm năm học mới

UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa ban hành Công văn yêu cầu tăng cường triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19, bảo đảm tỷ lệ bao phủ vắc-xin trước năm học mới. 

Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh, các địa phương tăng tốc độ tiêm chủng vắc-xin cho trẻ mầm non, học sinh, sinh viên; đặc biệt ưu tiên trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi liều cơ bản, trẻ em từ 12 đến 17 tuổi liều nhắc lại; hoàn thành trước ngày 31/8. 

Hoàn thành tiêm mũi 3, mũi 4 cho công chức, viên chức, người lao động thuộc ngành giáo dục và đào tạo theo hướng dẫn của Bộ Y tế, bảo đảm tỷ lệ bao phủ vắc-xin trước khi bắt đầu năm học mới.

Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo chủ động phối hợp với ngành y tế tăng cường truyền thông, tư vấn cho học sinh, cha mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp của trẻ em, học sinh về tác dụng, lợi ích của việc tiêm chủng, những phản ứng có thể gặp sau tiêm chủng và trách nhiệm bảo đảm quyền được tiêm chủng của trẻ em để tạo sự đồng thuận, vận động học sinh, trẻ em và phụ huynh, người giám hộ hợp pháp của trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, kịp thời.

Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo và các địa phương bố trí điểm tiêm chủng hợp lý, tạo thuận lợi cho học sinh, sinh viên và công chức, viên chức, người lao động thuộc ngành giáo dục và đào tạo tiêm chủng được thuận lợi, an toàn.

Có khan hiếm vắc-xin tiêm chủng mở rộng?
Tại TP.HCM xuất hiện thông tin về việc nhiều loại vắc-xin nằm trong chương trình tiêm chủng đang khan hiếm ngay cả với cơ sở dự phòng lớn.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư